Đề thi bán kì môn Ngữ văn lớp 11, có ma trận ,đáp án. Nghị luận xã hội về lối sống thực dụng.Bài thơ Tự tình (bài II) vừa nói lên bi kịch duyên phận vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương

Mục Lục

  • 1 ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ I
  • 2 NĂM HỌC 2016 – 2017
  • 3 MÔN: NGỮ VĂN 11.
  • 3.1 PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):
  • 3.2 PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
  • 3.3 HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ I
  • 3.3.1 Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
  • 3.3.2 Làm văn (7,0 điểm)
  • ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2016 – 2017 MÔN: NGỮ VĂN 11.

    (Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề)

    PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):

    Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi :
    Một lần đi thăm thầy giáo lớn tuổi, trong lúc tranh luận về quan điểm sống, một sinh viên đã nói:
    – Sở dĩ có sự khác biệt là vì thế hệ các thầy sống trong những điều cũ kĩ của một thế giới lạc hậu, ngày nay chúng em được tiếp xúc với những thành tựu khoa học tiên tiến, thế hệ các thầy đâu có máy tính, không có Internet, vệ tinh viễn thông và các thiết bị thông tin hiện đại như bây giờ…
    Người thầy giáo trả lời:
    – Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta nhưng không làm thay đổi chúng ta. Còn điều em nói là đúng. Thời trẻ, những người như chúng tôi không có những thứ em vừa kể nhưng chúng tôi đã phát minh ra chúng và đào tạo những con người thừa kế và áp dụng chúng.
    Cậu sinh viên chợt cúi đầu, im lặng.
    (Theo Hạt giống tâm hồn, tập 5, NXB Tổng hợp TP.HCM).
    Câu 1. Văn bản trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào?
    Câu 2. Theo cậu sinh viên, điều gì làm nên sự khác biệt về quan điểm sống giữa thế hệ của cậu và thế hệ của người thầy giáo lớn tuổi?
    Câu 3. Người thầy giáo muốn nói gì với cậu sinh viên qua câu: “Thời trẻ, những người như chúng tôi không có những thứ em vừa kể nhưng chúng tôi đã phát minh ra chúng và đào tạo những con người thừa kế và áp dụng chúng”.
    Câu 4. Chi tiết “Cậu sinh viên chợt cúi đầu, im lặng” nói lên điều gì?
    Câu 5. Nêu một bài học mà anh/chị cho là thấm thía sau khi đọc văn bản trên.

    PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

    Câu 1 (2,0 điểm):
    Phải chăng lối sống thực dụng đang làm băng hoại đạo đức của con người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay?
    Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
    Câu 2 ( 5,0 điểm): Bài thơ Tự tình (bài II) vừa nói lên bi kịch duyên phận vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Anh (chị) hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ điều đó.

    HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ I

    NĂM HỌC 2016 – 2017

    MÔN: NGỮ VĂN 11.

    (Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề)

    —–HẾT—

    Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản là tự sự.
    – Điểm 0,5: Ghi lại đúng phương thức biểu đạt
    – Điểm 0: Ghi câu khác hoặc không trả lời
    Câu 2. Điều làm nên sự khác biệt về quan điểm sống giữa thế hệ của cậu và thế hệ của người thầy giáo lớn tuổi: là do thời đại, hoàn cảnh sống.
    – Điểm 0,5: Trả lời đúng theo cách trên hoặc diễn đạt tương tự
    – Điểm 0,25:Trả lời chạm được vào ý nhưng chưa diễn đạt rõ ràng/ HS trích dẫn nguyên câu : “Sở dĩ có sự khác biệt…như bây giờ…”
    – Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
    Câu 3. Qua câu: “Thời trẻ, những người như chúng tôi không có những thứ em vừa kể nhưng chúng tôi đã phát minh ra chúng và đào tạo những con người thừa kế và áp dụng chúng”, người thầy giáo muốn cậu sinh viên hiểu: Mặc dù thế hệ những người thầy giáo đã sống trong thời đại có thể là thời của những điều cũ kĩ, của một thế giới lạc hậu, nhưng họ đã kiến tạo nên thế giới văn minh, hiện đại mà cậu sinh viên đang sống.
    – Điểm 0,5: Trả lời đầy đủ 2 ý trên
    – Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý; Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ
    – Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
    Câu 4.Chi tiết “Cậu sinh viên chợt cúi đầu, im lặng” cho thấy cậu sinh viên đã hoàn toàn bị thuyết phục trước lời nói có ý nghĩa sâu sắc của người thầy, từ đó cậu cũng cảm nhận được vai trò của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau.
    – Điểm 1,0: Trả lời đầy đủ 2 ý trên; Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ
    – Điểm 0,5: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý
    – Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
    Câu 5. HS nêu được bài học cho bản thân. Nội dung bài học phải gắn với chủ đề của văn bản
    – Điểm 0,5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
    – Điểm 0,25: Đáp ứng ½ yêu cầu câu trả lời chung chung , chưa rõ ý.
    – Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

    Làm văn (7,0 điểm)

    Câu 1. (2,0 điểm)
    * Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
    * Yêu cầu cụ thể:
    a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm):
    – Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
    – Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
    – Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
    b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm):
    – Điểm 0,25: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Lối sống thực dụng đang là vấn đề đáng báo động, lên án. Nó trở thành một vấn đề tiêu cực của nhiều đối tượng người trong xã hội hiện đại.
    – Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
    c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
    – Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    + Giải thích ý nghĩa câu nói:
    Lối sống thực dụng là lối sống coi nặng giá trị vật chất, chạy đua theo những nhu cầu trước mắt, đặt lợi ích của bản thân lên trên tất cả, gần với sự ích ki, trục lợi.
    + Phân tích vẩn đề:
    ++ Biểu hiện của lối sống thực dụng: sống buông thả, thờ ơ, hành xử thô bạo, vi phạm pháp luật nhà nước, coi trọng tiền bạc, xem nhẹ những giá trị đạo đức, nhân cách, tâm hồn.
    ++ Nguyên nhân của lối sống thực dụng: do ý thức của bản thân; do môi trường giáo dục còn chưa chú trọng đến đạo đức, nhân cách, kĩ năng sống; do gia đình thiếu sát sao, quan tâm; do xã hội chưa tổ chức được những hoạt động hữu ích thu hút giới trẻ,…
    ++ Tác hại của lối sống thực dụng: Lối sống thực dụng sẽ làm tha hóa con người, khơi dậy những ham muốn bản năng, cơ hội, chạy theo hưởng lạc, những lợi ích trực tiếp trước mắt, xa rời những mục tiêu phấn đấu.
    + Giải pháp: Làm thế nào loại trừ được lối sống thực dụng?:
    ++ Sống phải có khát vọng, lí tưởng, có hoài bão, mục đích sống, động lực để phấn đấu.
    Dám nghĩ, dám làm, không uổng phí thời gian, loại bỏ lối sống ích kỉ, vượt qua cám dỗ đời thường.
    ++ Gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm hơn tới giáo dục tạo động lực phấn đấu và
    thu hút, trọng dụng giới trẻ vào những việc làm có ích.
    + Bài học nhận thức và hành động:
    ++ Cần đấu tranh với bản thân loại trừ lối sống thực dụng.
    ++Có những hành động tích cực, chủ động để nắm bắt cơ hội, hướng tới tương lai của chính mình. Hội nhập với cuộc sống hiện đại nhưng không đánh mất những giá trị truyền thống tốt đẹp.
    – Điểm 1,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các phần (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
    – Điểm 0,75: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
    – Điểm 0,5: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
    – Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
    d) Sáng tạo (0,25 điểm)
    – Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
    – Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
    e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
    – Điểm 0,25: Không mắc quá 3 lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
    – Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
    Câu 2. (5,0 điểm):
    * Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
    * Yêu cầu cụ thể:
    a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
    – Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
    – Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
    – Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
    b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Phân tích bài thơ để thấy được bi kịch duyên phận và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương
    – Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
    – Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
    – Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
    c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí,có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các tho tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, chứng minh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,0 điểm).
    – Điểm 3,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    + Giới thiệu về tác giả, tác phẩm; trích dẫn ý kiến.
    + Giải thích ý kiến: (0,5 điểm).Ý kiến khẳng định hai tâm trạng tưởng chừng trái ngược nhau nhưng thống nhất trong bản lĩnh, tính cách Hồ Xuân Hương: vừa buồn tủi vừa phẫn uất trước duyên phân phận éo le dang dở vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của bà.
    + Phân tích bài thơ để chứng minh
    ++ Bài thơ Tự tình nói lên bi kịch duyên phận của Hồ Xuân Hương
    +++ Bi kịch về duyên phận của Hồ Xuân Hương thể hiện ở nỗi niềm buồn tủi của bà.
    Nỗi niềm buồn tủi của Hồ Xuân hương được gợi lên từ sự tĩnh lặng của đêm khuya thanh vắng. “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non”. Câu thơ vừa nói lên sự dầu dãi, cay đắng vừa gợi lên sự bạc phận, sự bẽ bàng.
    Nỗi niềm buồn tủi của bà còn thế hiện qua tâm trạng chán chường: Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại Mảnh tình san sẻ tí con con! Tuổi xuân qua đi tuổi xuân không trở lại. Nỗi lòng của bà cũng là nỗi lòng của những người phụ nữ trong xã hội xưa.
    +++ Bi kịch về duyên phận thể hiện qua nỗi xót xa của Hồ Xuân Hương.
    Nhà thơ đã cảm nhận được sự bẽ bàng của duyên phận: “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Trơ là tủi hổ, trơ là bẽ bàng. Dù câu thơ chỉ nói về một vế hồng nhan nhưng vẫn gợi lên vế bạc phận. Vì vậy, Hồ Xuân Hương càng thấy xót xa, bẽ bàng và cay đắng.
    ++ Bài thơ tự tình nói lên khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương.
    Rơi vào hoàn cảnh ấy, nhiều người có thể tuyệt vọng hoặc phó mặc buông xuôi. Thế nhưng, nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì không thế. Trước sự trớ trêu của cuộc đời, của số phận, nhà thơ vẫn luôn khát khao hạnh phúc.
    +++ Lòng khát khao hạnh phúc được thể hiện ở việc tác giả muốn cưỡng lại sự nghiệt ngã của số phận. Từ trơ kết hợp với từ nước non thể hiện sự bền gan thách đố và cũng là thể hiện sự khát vọng vượt lên sự nghiệt ngã của cuộc đời.
    +++ Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc còn thể hiện ở sức sống mãnh liệt của Hồ Xuân Hương: Xiên ngang mặt đất rêu từng đám. Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn. Hai câu thơ gợi cảnh thiên nhiên và cảnh được cảm nhận qua tâm trạng như cũng mang nỗi niềm phẫn uất của con người. Cách sử dụng từ xiên ngang, đâm toạc thể hiện thể hiện được sức sống mãnh liệt của thiên nhiên cũng là thể hiện sức sống mãnh liệt của nữ sĩ trong tình cảnh bi thương.
    + Đánh giá chung:
    – Qua lời tự tình, bài thơ nói lên cả bi kịch và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Bài thơ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Trong buồn tủi, người phụ nữ gắng vượt lên trên số phận nhưng cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch.
    – Tác giả sử dụng từ ngữ giản dị mà đặc sắc, hình ảnh giàu sức gợi cảm. Tất cả có tác dụng diễn tả những biểu hiện phong phú, tinh tế của tâm trạng của nữ sĩ.
    – Bài thơ giúp ta hiểu hơn tại sao Hồ Xuân Hương lại được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”.
    – Điểm 2,5 – 3,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
    – Điểm 1,5 -2,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
    – Điểm 0,5 – 1,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
    – Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
    – Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
    d) Sáng tạo (0,5 điểm)
    – Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
    – Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
    – Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
    e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
    – Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
    – Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
    – Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

    Nguồn bài viết : SỞ GD&ĐT NAM ĐỊNH TRƯỜNG THPT NAM TRỰC

    GV :Hoàng Thị Phượng

    Xem thêm :

    1. Tuyển tập đề thi Ngữ văn khối 10
    2. Tuyển tập đề thi Ngữ văn khối 11
    3. Tuyển tập đề thi Ngữ văn khối 12
    4. Tuyển tập đề thi , soạn bài Tự Tình– Hồ Xuân Hương

    Bài viết gợi ý: