ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2016-2017
Môn: Ngữ văn 10
Thời gian làm bài: 90 phút.
Đọc hiểu (3,0 điểm).
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
2/10/1971
Nhiều lúc mình cũng không ngờ rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá (…). Hai mươi tám ngày trong quân ngũ mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mình… Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài quốc ca của ta, của ta!
(Trích Mãi mãi tuổi hai mươi-Nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, NXB Thanh niên, 2005)
- Nội dung chính của đoạn trích là gì? Hãy đặt một cái tên cho đoạn văn bản.
- Đoạn trích trên được trình bày theo phong cách ngôn ngữ nào?
- Anh(chị) dựa vào đâu để xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn trên?
- Hãy viết một đoạn văn trình bày cảm nghĩ của mình về chủ nhân đoạn nhật kí trên (trong khoảng từ 5 đến 7 dòng)
Làm văn(7,0 điểm).
Cảm nhận của anh(chị) về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi qua bài thơ sau:
Rồi hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
(Nguyễn Trãi, Cảnh ngày hè, Ngữ văn 10, tập một, NXB Giáo dục, 2015, trang 118).
=====Hết=====
ĐÁP ÁN MÔN VĂN LỚP 10 – ĐỀ THI HỌC KÌ 1
Năm học 2016-2017
Đọc hiểu
(3đ)
1. Nội dung chính của đoạn trích:Đoạn trích bộc bạch chân thành cảm nghĩ của tác giả trong những ngày đầu tạm biệt giảng đường đại học vào quân ngũ.Dựa vào nội dung cơ bản đó mà đặt tên cho đoạn trích 0.5đ
2.Đoạn trích trên trình bày theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt 0.5đ
3. Căn cứ để xác định đoạn trích thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt chính là những đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt được thể hiện trong đoạn trích, cụ thể:
– Tính cụ thể :Cụ thể về thời gian, về hoàn cảnh, về con người
-Tính cảm xúc:Bộc lộ chân thành xúc động của Nguyễn Văn Thạc trong những ngày đầu tạm biệt giảng đường đại học vào bộ đội.Ở thời điểm này người lính trẻ cảm nhận bước ngoặt lớn lao của cuộc đời và cảm nhận sâu sắc hồn thiêng của đất nước trong bài quốc ca mình đã nghe,đã hát nhiều lần(qua từ ngữ,qua các câu văn cảm thán )
-Tính cá thể: thể hiện qua cách dùng từ ,cách lựa chọn kiểu câu và ghi lại những ý nghĩ ,tâm trạng riêng tư của một con người cụ thể (chính tác giả) 1.0 đ
4.Bằng rung động ,sự đồng cảm của mình ,học sinh viết đoạn văn về chủ nhân đoạn nhật kí .Cảm nghĩ cuả mỗi người có thể không hoàn toàn giống nhau nhưng tinh thần cơ bản của ý này phải là :Một người thanh niên trí thức ở thời đại cả nước tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ ;Một người lính trẻ có tâm hồn đa cảm ,trong sáng ,giàu tình yêu quê hương đất nước,ý thức được vai trò ,trách nhiệm của mình 1.0đ
Làm Văn
( 7,0đ )
A. Yêu cầu về kĩ năng:
HS biết triển khai một bài làm văn nghị luận văn học,cảm nhận chính xác sâu sắc ,kết cấu chặt chẽ rõ ràng,diễn đạt lưu loát, ít hoặc không mắc lỗi chính tả.
0,5đ
B. Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu biết về nhà thơ Nguyễn Trãi và bài thơ Cảnh ngày hè,làm rõ vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ thể hiện qua bài thơ. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm rõ các ý cơ bản sau:
1. Giới thiệu khái quát về tác giả ,tác phẩm và vấn đề cần nghị luận:vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi
2.Tâm hồn yêu thiên nhiên :
-Nhà thơ đã dành cho cho mình khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để yêu say cảnh vật
Tác giả cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên bằng nhiều giác quan:Thị giác ,thính giác, khứu giác,liên tưởng…Điều đó cho thấy sự giao cảm mạnh mẽ giữa nhà thơ với cảnh vật
3.Tâm hồn yêu đời ,yêu cuộc sống:
-Bức tranh cảnh vật thanh bình yên vui,cho thấy sự thanh thản, yên vui trong tâm hồn nhà thơ
-Âm thanh cuộc sống :(Lao xao chợ cá làng ngư phủ, dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương)cũng chính là tiếng lòng đang rộn rã niềm vui của nhà thơ 1.5đ
4.Tấm lòng ưu ái với dân ,với nước
-Đắm mình trong cảnh ngày hè ,nhà thơ ước mình có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong cầu mưa thuận ,gió hòa cho nhân dân được yên vui
-Lấy Nghiêu,Thuấn làm gương báu răn mình ,Nguyễn Trãi đã bộc lộ chí hướng cao cả :luôn muốn đem tài trí để thực hiện tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân
-Với Nguyễn Trãi ,vui hay buồn,lo âu hay thanh thản tất cả đều xuất phát từ cuộc sống của nhân dân 1.5đ
5.Nghệ thuật thể hiện
-Từ ngữ gợi hình ,gợi cảm :Từ Hán Việt ,điển tích
-Hình ảnh đặc trưng sinh động
-Những câu thơ lục ngôn ngắn gọn thể hiện sự dồn nén cảm xúc 1.0đ
Đánh giá chung:
Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi là vẻ đẹp của một nhân cách cao cả :nhạy cảm,sống chan hòa với thiên nhiên ,với cuộc sống đời thường của nhân dân,luôn hướng về nhân dân với mong muốn cao đẹp 1.0đ