Đề ra: Bàn về bài “ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” sách văn 11 cho rằng:
“Lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc có một tượng đài nghệ thuật sừng sững về người nông dân tương xứng với phẩm chất vốn có ngoài đời của họ”.
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào và qua bài văn tế hãy làm sáng tỏ./.
BÀI LÀM:
“Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm nên đất nước.”
Vâng, có những bông hoa không rực rỡ nhưng ngát hương, có những cuộc đời thầm lặng nhưng cao cả. Tên tuổi, thể xác và linh hồn của các anh- những người lính, người nghĩa sĩ đã hóa vào hồn thiêng sông núi “ để lại dáng đứng Việt Nam tạc và thế kỉ”, đã hóa thân vào những trang văn làm nên những bức tượng đài bất tử. Đến với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu mỗi người đều xúc động trước hình tượng người nông dân nghĩa sĩ được khắc tạc dưới ngòi bút chân thực, sinh động của nhà thơ. Có lẽ chăng xuất phát từ đó mà bàn về bài văn tế sách văn 11 đã cho rằng:
“Lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc có một tượng đài nghệ thuật sừng sững về người nông dân tương xứng với phẩm chất ngoài đời của họ.”
Nguyễn Đỉnh Chiểu đã vận dụng thể văn tế theo đặc điểm của thể loại bốn phần: phần lung khởi nêu khái quát về cuộc chiến đấu, hi sinh của nghĩa sĩ; phần thích thực nêu lên những đóng góp, công lao của người nghĩa sĩ đối với nhân dân, với đất nước; phần ai vãn thể hiện nỗi niềm tiếc thương của những người ở lại; phần kết là lời hứa về những việc làm của người còn sống để đền ơn những người đã khuất. Thế nhưng làm nên điều khác biệt ở đây là đối tượng trong bài văn tế là những nghĩa sĩ Cần giuộc đã hi sinh trong trận chiến chống thực dân Pháp, đây là một trong những yếu tố thể hiện quan điểm tiến bộ của ông để “ lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc có một bức tượng đài nghệ thuật sừng sững về người nông dân tương xứng với phẩm chất vốn có ngoài đời của họ.”
Đọc “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” ta không chỉ thấy ở đó một tấm lòng cảm phục, kính trọng đối với những nghĩa sĩ mà còn bắt gặp một bức tranh chân thực về cuộc sống lao động và chiến đấu của họ- những người nông dân khoác áo nghĩa binh. Hơn bao giờ hết, hình ảnh những người nông dân nghĩa sĩ, hình ảnh về cuộc chiến đấu cam khổ của họ hiện lên chân thực đến sống động trước mắt người đọc bởi nó được viết nên bằng chính xương máu và nước mắt của họ; được viết nên bằng hồn thiêng sông núi; bằng tất cả niềm cảm phục, biết ơn của nhân dân đối với họ… Xương máu, nỗi lòng kí thác cho đời của người đã khuất; nước mắt, niềm đau của người ở lại; lòng biết ơn, nỗi quốc hận của nhân dân.. tất cả…tất cả đã làm nên nghiên mực để Nguyễn Đỉnh Chiểu viết nên bài văn tế với tất cả tấm lòng, tài năng khắc tạc vào lòng người một bức tượng đài bi tráng về người nông dân nghĩa sĩ, một niềm xúc động đén nghẹn lòng, dội vào hậu thế một bài học lịch sử khắc cốt ghi tâm… Sự sáng suốt của Nguyễn Đỉnh Chiểu là đã dồn bút lực, tài hoa để ca ngợi những người anh hùng thất thế.
Trong tiếng hkóc cao cả của nhà thi sĩ, trong những giọt nước mắt thương tiếc của nhân dân hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ hiện lên rõ ràng:
“Hỡi ôi!
Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ.”
Hình ảnh đối lập trên đã diẽn tả được mâu thuẫn sâu sắc, quyết liệt của thời đại, mâu thuẫn xâm lược và chống xâm lược, khẳng định vai trò người nông dân trong công cuộc bảo vệ đất nước. “Lòng dân” đã sáng rực lên trong lửa đạn, trong âm vang của chiến tranh. Chỉ có nhà nghệ sĩ của nhân dân mới tạc tượng người nông dân một cách thiêng liêng giữa trời cao đất rộng, trong thời đại bão táp như vậy.
Bức “ tượng đài nghệ thuật” còn được người nghệ sĩ của nhân dân dựng lên chi tiết hơn với những nét hoành tráng, sống động. Họ vốn là những người nông dân chất phác, hiền lành chỉ cần mẫn với gió sương:
“Trông trười, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.”
Họ sinh ra là những người con của đất, chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để cày xới trên mảnh đất quên hương, làm lụng vất vả vì miếng cơm manh áo để mưu sinh cuộc sống. Cái nghèo, cái khó đã khiến họ suốt cả một đời chỉ biết lao động hăng say, không biết đến binh đao, chiên trận. Họ hiền lành, chân thật đến mức:
“Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.”
Chân thực và giản dị người nông dân Nam Bộ đã hiện ra với những vè đẹp vốn có của họ. Hình ảnh họ hiện lên- hình ảnh những người nông dân chất phác với làn da ngăm sạm vì dạn dày sương gió của đồng áng chứ không phải là nắng mưa của thao trường; bàn tay họ chai sạn nhưng là do cầm cuốc, cầm cày chứ không phải cầm khiên, cầm mác chiến đấu… Tất cả đã khẳng định một vẻ đẹp của họ, tiêu biểu cho vẻ đẹp của người nông dân Việt Nam đó là: yêu lao động, yêu hòa bình.
Khi thực dân Pháp kéo quân vào giày xéo đất nước ta, giết hại nhân dân ta tới mức:
“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ đàn chim dáo dác bay.”
thì thử hỏi lòng dân ai không oán giận? Nhưng trong hoàn cảnh ấy không phải ai cũng có sức mạnh để đứng lên, ai cũng đủ dũng cảm để chiến đấu và hi sinh để bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Chỉ có những người nông dâ n vốn yêu chuộng hòa bình họ bỗng “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, trở thành những nghĩa sĩ kiên cường mang trên đôi vai sức vóc của cả dân tộc. Vẫn là người nông dân ấy nhưng trước họa xâm lăng Nguyễn Đình Chiểu đã nhận thấy ở họ một sức mạnh chiến đấu, một sức sống tiềm tàng, khỏe khoắn, cương trực- một vẻ đẹp đặc trưng của con người Nam Bộ: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Với lòng yêu quê hương sâu sắc, với lòng căm thù giặc cao độ, những người nông dân lương thiện đã trở thành những nghĩa sĩ kiên cường, bất khuất, tuyệt vời:
“Bữa thấy bòng bòng che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ.
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó.”
Chỉ đặt trong những hoàn cảnh cam go thì sức mạnh tiềm tàng của họ mới tỏa sáng để làm nên những điều kì diệu của cả dân tộc. Họ vốn là những người hiền lành, mộc mạc, chấn chất, hoàn toàn xa lạ với việc quân “ chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung”, còn nói gì đến việc “ tập khiên, tập sung, tập mác, tập cờ”, còn nói gì đến “ mười tám ban võ nghệ”. Nhìn thấy những chiếc tàu Pháp ngày càng nghênh ngang đi lại trên sông ngòi quê hương, chứng kiến cảnh nhân dân lầm than, khốn khố dưới chế độ phong kiến thối nát, vua quan nhà Nguyễn chỉ là một lũ bù nhìn, phát xít thực dân thì ra sức vơ vét, bóc lột, “quần ngư tranh thực”… những người nông dân yêu chuộng hòa bình ấy không khỏi căm phẫn. Họ chỉ “muốn tới ăn gan”, “muốn ra cắn cổ”- một lòng căm thù giặc sục sôi nhưng vẫn còn mạng đậm chất nông dân thật thà, chân chất, rất đời thường. Họ vẫn ngày đêm trông ngóng, hi vọng, hướng mắt về phương Bắc- nơi vẫn còn giữu chủ quyền, nhưng càng hi vọng lại càng thất vọng:
“Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa.”
Biết tới khi nào “thánh đế soi ân thấu” để họ có thể đón lấy “một trận mưa nhuần rửa núi sông”. Bản chất hiền lành, mộc mạc, cần lao của những người nông dân càng hiệnlên rõ nét qua những phép so sánh: “ trông tin quan như trời hạn trông mưa”, “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”… rất thực, rất “nông dân’ nhưng cũng rất dầy đủ, rất sâu sắc khi lột tả niềm căm hận, phẫn uất của họ.
Thưong biết bao nhiêu những người nông dân nghĩa sĩ ấy thì ta lại càng biết ơn, cảm phục bấy nhiêu trước tinh thần, ý chí của họ; càng căm thù lũ bán nước và cướp nước. Họ chỉ là những người nông dân nghèo khổ, họ không được học hành tử tế, họ chẳng có của cải giàu sang, họ chỉ có tinh thần và đôi cánh sức mạnh. Thế nhưng khi vận mệnh quốc gia dân tộc lâm nguy thì vua chẳng hay, quan cũng chẳng màng… đó là những ngươi có thế lực, có nhận thức, được coi là cha mẹ của nhân dân nhưng khi quân giặc giày xéo thì vua đâu? Quan đâu? Chỉ có những người nông dân rũ bùn đứng lên chiến đấu. Hơn bao giờ hết họ đẹp một vẻ đẹp sáng ngời cả dân tộc. Động lực nào đã khiến cho những con người nhỏ bé ấy an đảm đứng lên chống lại một thế lực bạo tàn như thực dân Pháp? Đó là tình yêu quê hương,đất nước; đó là tình yêu hòa bình; là để gìn giữ từng tấc đất thớ thịt mà cha ông ta đã 4000 năm bảo vệ và xây dựng… Là nghĩa sĩ nhưng họ không mang giáp trụ, không súng, không khiên, trến tâm thân ấy chỉ là một manh áo vải- một manh áo vải màu đất, màu quê hương bền bỉ, đậm đà. Họ mang cả hương lúa đượm nồng, mùi đất cày đất cấy quê hương cù với lòng yêu nước sục sôi và lòng căm thù giặc tột cùng để làm động lực đem ra chiến trường:
“Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai họ.
Chi nhọc quan quản gióng trống kì trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn to đạn nhỏ,x ô cửa xông vào liều mình như chẳng có.”
Một khí thế ào ào như thác đổ, mạnh mẽ như vũ bão khiến cho quân giặc kinh hoàng. Còn thấy đâu hình ảnh một người nông dân chỉ biết “ cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó” mà giờ họ là những người lính khoác áo vải. Chỉ bằng những vật dụng thô sơ thường ngày: “ngọn tầm vông”, “rơm con cúi”, “lưỡi dao phay”… họ đã xông lên đánh bại kẻ thù với những vũ khí tân trang, chẳng sợ “đạn to đạn nhỏ” mà “liều mình như chẳng có”. Hàng loạt động từ mạnh đã bắt nhịp cho dòng máu nóng đang sục sôi trong huyết quản của những người nông dân khoác áo nghĩa binh: “đốt”, “chém”, “đạp rào lướt tới”, “xô cửa xông vào”… Những màu sắc, đường nét sắc sảo và hình khối gồ ghề khiến người đọc có thể hình dung được những hành động quyết liệt, những âm thanh cuồng nộ của những người nông dân vùng lên đánh giặc;
“Sống làm chi, theo quân tả đạo quăng vùa gươm, xô bàn độ, thấy lại thêm buồn
Sống làm chi ở lính Mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.”
Với những đường nét hoành tráng, nhà nghệ sĩ nhân dân đã tạc nên “tượng đài nghệ thuật” một cách hùng tráng. Hùng tráng vì đây là hànhđộng của những anh hùng có nghĩa lớn. Hùng tráng vì ở lí tưởng tốt đẹp, phẩm chất cao cả của những người nghĩa sĩ nông dân. Hùng tráng vì nó được dựng lên trong một thời đại sóng gió, bão táp, trong những giờ phút nghiêm trọng của đất nước.
Hùng tráng mà bi thương vì họ là những anh hùng chiến bại. Bức tượng đài về những người anh hùng cao cả ấy được dựng nên trong nước mắt, trong tiếng khóc của nhà thơ và của nhân dân. Nhưng bi tráng mà không bi lụy, tuy họ là những người chiến bại nhưng trong lòng nhân dần, trong quốc hồn quốc túy thì họ là những người thắng trận, họ lag những anh hùng vĩ đại. Đó là tiếng khóc dành cho người nông dân nghĩa sĩ, là tiếng khóc cho một thời đại của tác giả, gia đình, thăm quyến, dân tộc. Tiếng khóc mang tầm sử thi, tiếng khóc mang trọn niềm kiêu hãnh, tự hào không phải của một người khóc cho một người mà của sông núi, cỏ cây, đất nước… đang ngưỡng vọng đối với linh hồn họ. Những người con “ưu tú” của dân tộc ấy đã ra đi, đã chiến đấu để lại mẹ già, con thơ; để lại gốc đa , sân đình và xả thân vì nghĩa lớn, thanh thản như cày xong một thửa ruộng. Để rồi đằng sau sự ra đi ấy là niềm thương tiếc, đau buồn; nỗi mất mát lớn lao khi con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con, gia đình mất đi trụ cột:
“Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây; trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ.
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.”
Họ sống mãi trong tình thương, trong trái tim của những người thân yêu, trong lòng nhân dân:
“Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm
Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đỏ.”
Họ đã trở thành người bất tử. tưởng chừng cuộc chiến đáu anh dũng của họ vẫn tiếp diễn cùng với sự nghiệp giữ nước vĩ đại của dân tộc:
“Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia.”
Hình tượng người nông dân nghĩa sĩ là một thành công lớn của Nguyễn Đình Chiểu. Những người nông dân ấy hiện lên rất gần gũi, thân thương mà lại lớn lao, sừng sững. Nguyễn Đình Chiểu không viết về họ bằng những lời ngợi ca, những hình ảnh bóng bẩy, ngôn từ trau chuốt mà ông chấm phá những nét vẽ mộc mạc, gần gũi, giản gị thậm chí còn có đôi chút quê mùa nhưn chính người nông dân Nam Bộ để làm nên hình tượng người nông dân “ tương xứng với vẻ ngoài vốn có của họ”. Khi hòa bình họ là những người nông dân hiền hòa như mảnh đát quê hương, miệt mài, hăng say trong lao động để tô điểm cho đất nước, nhưng khi có bóng quân thù họ với tay cày tay cuốc, với tâm hồn và tấm lòng, với tinh thần và ý chí đã mạng trọn mùi mẫn chân quê ra chiến trường trận địa quyết dốc sức xả thân để bảo vệ từng tấc đất thớ thịt của quê hương. Vẻ đẹp sức mạnh của người nông dân ít được khắc họa trong văn học cổ. Nếu như Nguyễn Trãi đã bộc lộc sự tiến bộ trong tư tưởng của mình qua việc “lấy dân làm gốc” thì có lẽ Nguyễn Đình Chiểu là người thứ hai sau Nguyễn Trãi đã phát hiện, trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn của người nông dân. Phạm Văn Đồng đã từng cho rằng: “Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn của Nguyễn Đỉnh chiểu đã diễn tả thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người nghĩa sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước.”
Và rồi, chúng ta- mỗi người con Lạc cháu Hồng, mỗi người dân Việt Nam hôm nay lại không khỏi xúc động, tự hào, biết ơn trước sự hi sinh quên mình của nững người nông dân nghĩa sĩ ấy. Chính họ đã góp phần làm ngời sáng thêm trang sử vẻ vang của cách mạng dân tộc sau này. Hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong tác phẩm còn gợi chúng ta nhớ về quá khứ với dáng vóc của vị vua áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ; gợi mở trong lòng chúng ta về hình ảnh của người nông dân khoác màu áo lính trong thời hiện đại:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Chân không giày
Miệng cười buốt giá
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.”
(“Đồng chí”- Chính Hữu)
Hay;
“Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau từ hồi chư biết chữ
Quen nhau từ buổi một mai
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến.”
(“Nhớ”- Hồng Nguyên)
Đó đều là hình tượng người nông dân trong chiến đấu được khắc họa thành công và trở thành một đề tài trong văn học Việt nam thời kì kháng chiến cách mạng.
Gấp trang sách lại, hình ảnh về người nông dân nghĩa sĩ trong tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” hiện lên trong lòng người đọc đầy dư ba, gợi ta nhớ về quá khứ, nhắc nhở mỗi người về lịch sử, về cuộc sống hôm nay. Như con chim trước lúc chết kịp để lại tiếng hót cho đời, bông hoa trước lúc tàn cũng kịp để lại hương sắc cho cuộc sống; họ- những người nông dân nghĩ sĩ đã cống hiến cho dân tộc, cho nhân dântấm lòng yêu nước kiên trung, tinh thần xả thân vì nghĩa lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sự thành công trong việc khắc họa hình tượng ấy lại một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của ý kiến trên và khẳng định tài năng của Nguyễn Đỉnh Chiểu- “một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam”, một nhà văn, nhà thơ, một nhà yêu nước vĩ đại của dân tộc ta thời kì đầu chống thực dân Pháp.
Xem thêm những đề thi về Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc- Nguyễn Đình Chiểu :
Bộ đề thi học sinh giỏi môn Văn có đáp án :