Có ý kiến cho rằng: Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: Tình yêu thương con người.
Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm (?), Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015,tr 87 -88, hãy làm sáng tỏ .
Nhận thức đề
Đề bài yêu cầu làm rõ 2 nội dung:
– Hiểu đúng ý kiến: nhà văn chân chính suốt đời chỉ viết về con người, ca tụng tình yêu thương con người.
– Phân tích tình yêu thương, đồng cảm với nỗi nhớ thương, buồn khổ và khát khao hạnh phúc của người chinh phụ của tác giả và dịch giả qua đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.(ý chính)
Yêu cầu kiến thức
- Mở bài: nêu vấn đề
- Thân bài
a) Giải thích nhận định:
+ Nhà văn, hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả nhà thơ, rộng hơn nữa là người nghệ sỹ nói chung.
+ Nhà văn chân chính: những người mang lý tưởng tiến bộ của thời đại, đại diện cho lương tri của loài người, sẵn sàng đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ công lí, lẽ phải, giàu tình yêu thương nhân ái, sẵn sàng xả thân cho cuộc đời và cho nghệ thuật.
+ Sứ mệnh cao cả của nhà văn là khám phá cái đẹp của cuộc sống và chuyển tải đến người đọc thông qua tác phẩm văn học. Con người với tất cả niềm vui hạnh phúc, khát khao và nỗi buồn đau luôn trở thành nguồn cảm hứng dồi dào của văn học và là mối quan tâm hàng đầu của nhà văn.
+Nhà văn chân chính luôn day dứt, trăn trở trước cuộc sống và con người. Tác phẩm của họ dù viết theo đề tài nào cũng vẫn để bày tỏ “lòng thương và tình bác ái, để người gần người hơn”.
+Tác phẩm văn học chân chính là sản phẩm của nhà văn nhân đạo chủ nghĩa. Qua những cảnh ngộ, nhà văn muốn người đọc cùng chia sẻ và đồng cảm, bênh vực và ca tụng con người, ca ngợi tình người. Những tác phẩm như thế sẽ trường tồn và độc giả yêu thích.
=> Ý kiến bàn về sứ mệnh của người nghệ sỹ, giá trị và chức năng của văn học nghệ thuật.
b) Vì sao nhà văn chân chính lại lấy việc làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn làm mục đích sáng tác?
+ Vì họ là những người rất giàu tình yêu thương đối với cuộc đời (họ là “người cho máu”, là “nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”…)
+ Vì họ hiểu rõ khả năng, sức mạnh to lớn của văn chương. Họ đã dùng văn chương như một công cụ đắc lực để thực hiện lí tưởng nghệ thuật của mình!
– Họ thực hiện chức năng giáo dục (truyền bá tình yêu thương con người) bằng cách nào?
+ Ca ngợi, khẳng định những cái tốt đẹp của cuộc sống (những yêu thương, nhân ái, vị tha).
+ Lên án, tố cáo những cái xấu, cái ác…để bảo vệ con người khỏi những áp bức, bất công!
c. Phân tích biểu hiện của tình yêu thương trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Khái quát :
– Văn học phong kiến Việt Nam thế kỷ XVIII, với tình yêu thương và đồng cảm, các nhà văn nhà thơ đã bày tỏ khá thành công nội dung nhân đạo dành cho người phụ nữ tài sắc nhưng bất hạnh. Tác giả Đặng Trần Côn và dịch giả Đoàn Thi Điểm (?) đã thể hiện cảm động và chân thành nỗi cô đơn, buồn khổ và lòng khát khao được sống trong tình yêu và hạnh phúc của người vợ lính trong Chinh phụ ngâm. Đoạn trích trong SGK từ câu 193-216 giúp hiểu thêm nỗi niềm đau buồn, lẻ loi của người chinh phụ.
Giới thiệu ngắn về tác phẩm
Người chinh phụ vốn dòng dõi trâm anh tiễn chồng ra trận với nhiều ước mơ đẹp. Năm tháng chiến tranh, nàng sống lẻ loi, ngày đêm xót xa, lo lắng cho chồng. Thấm thía nỗi cô đơn, nàng nhận ra tuổi xuân đang qua nhanh và hạnh phúc ngày càng xa vời. Người chinh phụ rơi vào tâm trạng cô đơn, buồn đau, tuyệt vọng.Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ miêu tả những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô vắng, buồn nhớ ở người chinh phụ đang khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.
Đoạn 16 câu đầu
– Cảm hứng chủ đạo là buồn và nhớ, day dứt và lo lắng được miêu tả sống động với hàng loạt câu hỏi tu từ. Tâm trạng cô lẻ khắc họa rõ nét và những biến đổi tâm lí tinh tế trong lòng người chinh phụ nhiều đêm ngày không nguôi nhớ chồng nơi chiến địa. (8 câu đầu). Theo bước chân và ánh nhìn, người chinh phụ không tìm được gì, không có ai trò chuyện. Buồn rầu lặng lẽ và nhận ra sự trơ trọi khốn khổ của mình giữa ngôi nhà trống trải, vắng lặng suốt ngày dài đến đêm thâu.
– Trong 8 câu tiếp, những âm thanh gà gáy, tiếng gió thốc hàng chuối càng khơi sâu thêm nỗi buồn lẻ và đơn độc. Đêm dài trằn trọc không yên, người thiếu phụ chỉ còn ai oán trách phận. Nhớ chồng, thương chồng thương mình, biếng lười gương phấn, cầm sắt. Nhà thơ và dịch giả khéo léo diễn tả được nhớ thương, buồn khổ trải dài, trải rộng không gian biển khơi, thời gian năm tháng với những giọt lệ tuôn trào bất lực.
Phần cuối đoạn trích, người chinh phụ mong chờ trong lo âu tuyệt vọng chỉ còn biết nhờ ngọn gió đông gửi lời yêu thương nhung nhớ đến chồng nơi biên ải.Không gian xa cách nỗi nhớ được tác giả so sánh với hình ảnh “Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”. Câu thơ hàm súc về mặt ý nghĩa và cô đọng về mặt hình thức bộc lộ tâm trạng trực tiếp.Cảm giác xót xa, cay đắng và nỗi sinh li đau đớn đang giày vò ghê gớm lòng người chinh phụ.Nỗi niềm uất ức biết kêu ai? biết ngỏ cùng ai? Giữa con người và cảnh vật dường như có sự tương đồng khiến cho nỗi sầu thương trở nên da diết, bất tận.
Đánh giá :
Bằng bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tác giả và dịch giả đã diễn tả được những diễn biến phong phú, tinh tế cung bậc tình cảm của người chinh phụ. Cảnh cũng như tình được miêu tả rất phù hợp với diễn biến của tâm trạng nhân vật. Cách dùng hàng loạt từ láy và nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát, như những đợt sóng dạt dào, diễn tả tâm trạng người chinh phụ hết nhớ lại thương, hết thương lại nhớ trong tình cảnh lẻ loi đơn chiếc.
Thông qua tâm trạng đau buồn của người chinh phụ đang sống trong tình cảnh lẻ loi, tác giả đã đề cao hạnh phúc lứa đôi và thể hiện tinh thần phản kháng đối với chiến tranh phi nghĩa. Tác phẩm Chinh phụ ngâm đã toát lên tư tưởng chủ đạo trong văn chương một thời: tư tưởng đòi quyền sống quyền được hưởng hạnh phúc rất chính đáng của con người, nhất là người phụ nữ.
- Kết bài:
Khẳng định lại vấn đề :
+Vai trò , thiên chức của người cầm bút
+Tư tưởng nhân đạo là nội dung quan trọng, chủ đạo trong Chinh Phụ Ngâm nói riêng và trong nhiều tác phẩm Văn học trung đại Việt Nam nói chung
Xem thêm :Tuyển tập đề thi học sinh giỏi môn Văn, Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ