Mục Lục
Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những “giá trị tức thời”. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những “giá trị bền vững”.Thơ khởi sự từ tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn, và đọng lại nhờ tấm lòng người viết”
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐĂK NÔNG
KỲ THI OLYMPIC CẤP TỈNH Khóa ngày 14 tháng 3 năm 2015
MÔN THI: NGỮ VĂN 11
Đề bài :Đề thi OLYMPIC môn Ngữ văn lớp 11Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (8 điểm)
Nhà văn Nguyễn Khải cho rằng: Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những “giá trị tức thời”. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những “giá trị bền vững”.
Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Câu 2 :Bàn về thơ, nhà phê bình Hoàng Minh Châu khẳng định : “Thơ khởi sự từ tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn, và đọng lại nhờ tấm lòng người viết”
Hãy bình luận ý kiến trên
- Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức biểu cảm, ít mắc lỗi chính tả.
- Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể; trân trọng những bài có ý kiến và giọng điệu riêng. Chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí và có sức thuyết phục.
Nhà văn Nguyễn Khải cho rằng: Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những “giá trị tức thời”. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những “giá trị bền vững”.
Giải thích
– Giá trị tức thời: là những giá trị vật chất và tinh thần chưa trải qua thử thách, sàng lọc của thời gian, mới có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại, thoả mãn những nhu cầu cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: cơm, áo, gạo, tiền, vui chơi, giải trí, các mối quan hệ…Đây là những giá trị rất cần thiết vì thiếu nó con người không thể tồn tại.
– Giá trị bền vững: Chỉ những giá trị tinh thần đã trải qua thử thách, sàng lọc của thời gian, có ý nghĩa lâu bền, trở thành nền tảng văn hoá, đạo lí của dân tộc và nhân loại như: tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tình cảm tri ân, sự ngay thẳng trong sạch, thẩm mỹ tinh tế,….Đây là những giá trị quan trọng giúp con người sống có phẩm hạnh, cốt cách.
– Mối quan hệ giữa hai giá trị: Vừa đối lập vừa thống nhất. Con người cần có những giá trị tức thời để duy trì cuộc sống, cũng rất cần những giá trị bền vững để sống có ý nghĩa.
Bàn luận
– Muốn tồn tại con người cần phải tạo ra và nhờ vào những giá trị tức thời (dẫn chứng). Tuy nhiên nếu quá coi trọng những giá trị đó, con người sẽ bị chi phối bởi lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt (dẫn chứng).
– Để cuộc sống thật sự có ý nghĩa, con người nhất định phải vươn tới những giá trị tinh thần tốt đẹp (dẫn chứng). Tuy nhiên, cốt cách, phẩm giá con người không thể có tức thời trong ngày một ngày hai, mà đó là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện, bồi đắp lâu dài về tâm hồn, trí tuệ, hành động…Đó cũng là cách để con người có một cuộc sống bền vững, không chỉ giới hạn trong thời gian đời người mà còn trong sự ghi nhận lâu dài của cộng đồng (dẫn chứng).
– Những giá trị tức thời, nếu có ý nghĩa tích cực, được xã hội đón nhận, gìn giữ, lưu truyền sẽ trở thành những giá trị bền vững (dẫn chứng). Trong khi đó, có những giá trị đã được hình thành từ lâu, qua thực tiễn không còn phù hợp, trở nên lạc hậu, lỗi thời sẽ bị đào thải (dẫn chứng). Cứ thế, các giá trị được sàng lọc, chuyển hoá, làm cho cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp hơn
Bàn luận
– Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của mỗi giá trị.
– Hình thành kĩ năng sống, biết tiếp nhận hợp lí trước các giá trị của cuộc sống.
– Phải có bản lĩnh để sống có phẩm giá, cốt cách dựa theo nền tảng những giá trị bền vững về văn hóa, đạo lí…của dân tộc và nhân loại.
Bàn về thơ, nhà phê bình Hoàng Minh Châu khẳng định : “Thơ khởi sự từ tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn, và đọng lại nhờ tấm lòng người viết”
Giải thích
– Thơ khởi sự từ tâm hồn: thơ là tiếng lòng của người viết. Thơ là thể loại trữ tình chất chứa những tâm trạng, tình cảm của người viết. Nhà thơ không thể làm ra một bài thơ hay nếu như không có cảm xúc. Bởi vậy, thơ chính là tấm gương phản chiếu tâm hồn nhà thơ.
– Thơ vượt lên bằng tầm nhìn: là muốn nói tới tư tưởng của người viết. Thơ hay là thơ phải có tư tưởng.
– Thơ đọng lại nhờ tấm lòng người viết: là sức sống của mỗi bài thơ, giá trị nhân đạo của tác phẩm. Một bài thơ để sống được trong lòng người đọc phải được viết nên bằng có cái tâm của người cầm bút. Khi tiếng lòng của nhà thơ chạm được đến tiếng lòng của người đọc thì bài thơ ấy sẽ có sức sống lâu bền.
– Ý kiến khẳng định: điểm khởi đầu của thơ là cảm xúc, rung động thẩm mĩ; tầm cao giá trị của thơ là tư tưởng và sức sống của thơ là ở tấm lòng.
Phân tích, chứng minh
* Thơ khởi sự từ tâm hồn
– Đặc trưng của thơ
+ Thơ khởi phát từ trong lòng người, nếu không khởi phát từ tâm hồn, thơ không thể có được sự chân thành, xúc cảm, làm rung động trái tim.
+ Thơ là nghệ thuật trữ tình chính vì vậy tình cảm trong thơ là yếu tố cốt lõi. Tình cảm trong thơ được bắt nguồn từ tâm hồn con người sẽ giá trị và có ý nghĩa hơn.
– Chức năng của thơ
+ Thơ đem đến tiếng nói tình cảm chân thật nhất, khơi gợi và hé mở những bí ẩn trong nội tâm con người.
+ Bắt nguồn từ tâm hồn thơ bồi đắp cho con người những tình cảm đẹp đẽ, những rung động trước cuộc sống. Tình cảm trong thơ là những tình cảm đẹp đẽ, có khả năng thanh lọc tâm hồn con người.
* Vượt lên bằng tầm nhìn:
– Tác phẩm văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là sự phản ánh đời sống hiện thực qua nội dung, tư tưởng.
+ Để chuyển tải nội dung, tư tưởng tác phẩm thơ cần có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc.
+ Người làm thơ cần có tầm nhìn bao quát hướng ra sự sống nhưng cũng cần phải biết chắt lọc điểm nhìn của mình vào những sự kiện nổi bật giữa bộn bề cuộc sống, có như vậy thì tác phẩm nghệ thuật của họ mới có giá trị
– Giá trị tư tưởng của tác phẩm thể hiện ở cái nhìn khám phá của người nghệ sĩ đối với cuộc sống.
– Người nghệ sĩ cần phải trau dồi, phải trải nghiệm cuộc sống để có một tầm nhìn sâu và rộng, để những tư tưởng được gửi gắm không chỉ có ý nghĩa trong hiện tại mà cả tương lai.
* Đọng lại nhờ tấm lòng người viết
– Tiếp nhận văn chương là một quá trình. Người nghệ sĩ sáng tạo ra nghệ thuật nhưng người tiếp nhận lại là độc giả, chính vì vậy mà một tác phẩm nghệ thuật phải đọng lại được trong lòng người đọc.
– Thơ không chỉ là nghệ thuật mà ẩn giấu trong thơ là những giá trị nhân sinh tốt đẹp: giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo…Những gì được viết ra từ cái tâm sẽ dễ dàng được đón nhận. Đó là tiếng nói tri âm từ trái tim đến trái tim.
Chứng minh: HS chọn một số bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới như Vội vàng, Thơ duyên, Đây mùa thu tới, Tràng giang, Đây thôn Vĩ Dạ…phân tích để là sáng tỏ nhận định.
Đánh giá
– Ý kiến trên khẳng định sự thống nhất của những yếu tố cần có cho một bài thơ hay, một bài thơ có sức sống lâu bền đó là “ khởi sự từ tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn và đọng lại nhờ tấm lòng người viết”, thiếu đi một yếu tố vẫn thành thơ nhưng không phải là thơ có sức lay động mạnh mẽ, có giá trị trường tồn. Vì vậy người cầm bút phải yêu và sống hết mình với cuộc đời, luôn tìm tòi, khám phá vẻ đẹp của cuộc sống, con người và thể hiện bằng tài năng, tâm huyết của người nghệ sĩ.
– Ý kiến trên còn nhấn mạnh đến vai trò của người tiếp nhận. Người đọc cũng cần bồi đắp tâm hồn và vốn sống để cảm nhận được giá trị của thơ ca, có thái độ trân trọng đối với những áng thơ hay, yêu quý những nhà thơ chân chính.
———————Hết———————-
Xem thêm : Tuyển tập đề tho học sinh giỏi môn Văn