ĐỀ THI THAM KHẢOKỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2018

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

  1. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

“Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.
Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.”

(Tuoitre.vn – Xây dựng bản lĩnh cá nhân)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh? (0,75 điểm)

Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. (0,75 điểm)

Câu 4. Theo anh/chị, một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào? (1,0 điểm)

LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Từ khổ cuối bài thơ, anh (chị) hãy liên hệ với bốn câu thơ mở đầu trong bài Vội vàng của Xuân Diệu để thấy nét tương đồng và khác biệt trong cách thể hiện cái tôi đầy khát vọng của mỗi nhà thơ.

Hướng dẫn chấm:

PHẦN 1 – ĐỌC HIỂU

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? (0,5 điểm)

– Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là phương thức nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh? (0,75 điểm)

– Theo tác giả, người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.

Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng “Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh”.(0,75 điểm)

– Sở dĩ tác giả cho rằng bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh bởi vì khi một cá nhân có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm nhưng chỉ nhằm mục đích phục vụ cá nhân mình, không quan tâm đến những người xung quanh, thậm chí làm phương hại đến xã hội thì không ai thừa nhận anh ta là người có bản lĩnh…

Câu 4. Theo anh/chị, cần làm thế nào để rèn luyện bản lĩnh sống? (1,0 điểm)

– Phải trau dồi tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng

– Phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

– Phải có ý chí, quyết tâm, nghị lực

– Phải có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

PHẦN II – LÀM VĂN

Câu 1: Nghị luận xã hội (2,0 điểm)

  • Yêu cầu về kĩ năng
  • – Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 chữ

    – Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu

    – Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận. Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

  • Yêu cầu về kiến thức
  • * Giải thích:

    – Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

    * Phân tích, chứng minh:

    Biểu hiện của người sống bản lĩnh

    – Ý nghĩa của việc sống bản lĩnh

    + Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.

    + Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới, cái hay.

    + Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.

    * Bình luận, mở rộng

    + Là học sinh, bản lĩnh được biểu hiện qua nhiều hành vi khác nhau. Đó là khi bạn cương quyết không để cho bản thân mình quay cóp, chép bài trong giờ kiểm tra. Đó là khi bạn sẵn sàng đứng lên nói những sai sót của bạn bè và khuyên nhủ họ. Khi mắc sai lầm, bạn tự giác thừa nhận và sửa sai.

    * Bài học nhận thức và hành động

    – Không phải ai sinh ra cũng có được bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã, … mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường.

    Câu 2: Nghị luận văn học

    * Yêu cầu chung : Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng ; văn viết có cảm xúc ; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt ; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết ; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

    * Yêu cầu cụ thể :

    1. a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)

    – Điểm 0,5 điểm : Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề ; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề ; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.

    – Điểm 0,25 : Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên ; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.

    – Điểm 0 : Thiếu Mở hoặc Kết bài, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn.

    b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

    – Điểm 0,5 : Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Từ khổ cuối của bài thơ liên hệ với 4 câu đầu của bài Vội vàng (Xuân Diệu) để chỉ ra cách biểu hiện cái tôi độc đáo ở mỗi nhà thơ.

    – Điểm 0,25 : Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.

    – Điểm 0 : Xác định sai luận đề, lạc đề.

    c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp ; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh) ; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,0 điểm) :

    – Điểm 3,0 : Đảm bảo các yêu cầu trên ; có thể trình bày theo định hướng sau :

    * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

    * Phân tích hình tượng Sóng

    – Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ. (Cùng với hình tượng em song hành suốt bài thơ ). Sóng thể hiện những trạng thái, quy luật riêng của tình yêu cùng vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ.

    – Sóng có nhiều đối cực như tình yêu có nhiều cung bậc, trạng thái và như tâm hồn người phụ nữ có những mặt mâu thuẫn mà thống nhất ( phân tích hai câu đầu với kết cấu đối lập – song hành và với việc đặt các từ dịu êm, lặng lẽ ở cuối câu tạo điểm nhấn ).
    – Hành trình của sóng tìm tới biển khơi như hành trình của tình yêu hướng về cái vô biên, tuyệt đính, như tâm hồn người phụ nữ không chịu chấp nhận sự chật hẹp, tù túng ( phân tích hai câu sau của khổ 1 với kiểu nói nhấn mạnh như không hiểu nổi, tìm ra tận,… ).
    – Điểm khởi đầu bí ẩn của sóng giống điểm khởi đầu và sự mầu nhiệm, khó nắm bắt của tình yêu ( phân tích các khổ 3, 4 của bài thơ với điệp từ nghĩ và sự xuất hiện của nhiều câu hỏi,… ).
    – Sóng luôn vận động như tình yêu gắn liền với những khát khao, trăn trở không yên, như người phụ nữ khi yêu luôn da diết nhớ nhung, cồn cào ước vọng về một tình yêu vững bền, chung thủy ( phân tích các khổ 5, 6, 7, 8 của bài thơ với lối sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp; với hiệu quả của hình thức đối lập trên – dưới, thức – ngủ, bắc – nam, xuôi – ngược,…; với kiểu giãi bày tình cảm bộc trực như Lòng em nhớ đến anh – Cả trong mơ còn thức ).
    – Sóng là hiện tượng thiên nhiên vĩnh cửu như tình yêu là khát vọng muôn đời của con người, trước hết là người phụ nữ ( nhân vật trữ tình ) muốn dâng hiến cả cuộc đời cho một tình yêu đích thực ( phân tích khổ cuối của bài thơ với ý nghĩa và cách nói rất táo bạo của một người con gái hiện đại: Làm sao được tan ra…
    => Hình tượng sóng cho ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ vừa truyền thống lại vừa mang nét hiện đại.

    * Cách thể hiện cái tôi đầy khát vọng ở mỗi nhà thơ

    – Bốn câu đầu trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu bộc lộ một cái tôi sôi nổi, vồ vập và giàu khát vọng.

    + Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới” (Hoài Thanh). Ông được giới trẻ tấn phong là “Ông hoàng của thi ca tình yêu”. Ông mang đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết. Vội vàng được trích trong tập Thơ Thơ là một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu trước cách mạng.

    + Khát vọng của Xuân Diệu là khát vọng tắt nắng và buộc gió. “Tắt nắng ” để màu hoa không tàn, “Buộc gió” để hương đừng bay đi. Nắng và gió, hương và hoa ở đây chính là mùa xuân của đất trời với bạt ngàn hoa thơm cỏ lạ. “Hương” với “màu” ở đây là những ẩn dụ để nói đến tuổi trẻ của đời người. Cho nên Xuân Diệu khát vọng chiếm lấy quyền năng của tạo hóa để vũ trụ ngừng quay, thời gian ngừng trôi , để thi nhân tận hưởng những phút giây đẹp nhất của đời người. Đây cũng chính là một khát vọng rất nhân văn.
    ++ Nghệ thuật : thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, sử dụng động từ mạnh ” tắt, buộc”, hình ảnh ẩn dụ, cách nói tượng trưng…
    – So sánh hai đoạn thơ
    + Tương đồng : đều sử dụng thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, đều sử dụng ẩn dụ, mượn hình tượng thiên nhiên để nói đến tình yêu và khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng .
    + Khác biệt : khát vọng trong Sóng là khát vọng của tình yêu lứa đôi, là khao khát dâng hiến đến tận cùng. Còn trong Vội vàng thì thể hiện một quan niệm sống : sống vội vàng, sống giục giã, cuống quýt, phải tận hưởng vì thời gian đi qua tuổi trẻ sẽ không còn.

    – Nguyên nhân của sự khác biệt

    Sự khác biệt về thời đại, phong cách và cá tính sáng tạo: Nếu thơ tình Xuân Diệu bộc lộ khát khao tình yêu mãnh liệt đến sôi nổi,ham hố, vồ vập của nam giới thì ở Xuân Quỳnh là nỗi khát vọng yêu của một phụ nữ, sâu lắng, nhẹ nhàng, đằm thắm, tuy nhiên cũng không kém phần mãnh liệt. Đó là một “cái tôi” luôn luôn tự hát về mình với nhiều cung bậc đam mê, say đắm và táo bạo.

    * Đánh giá chung: Nêu cảm nghĩ chung về hình tượng sóng, giá trị bài thơ và sự sáng tạo trong cách thể hiện cái tôi của người nghệ sĩ.

    – Điểm 3,0: Đáp ứng được đầy đủ, sâu sắc các yêu cầu trên, lập luận thuyết phục, dẫn chứng phong phú, hợp lí.

    – Điểm 2,5- 2,75: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, dẫn chứng khá phong phú.

    – Điểm 2,0- 1,75: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm chưa triển khai đầy đủ, hoặc liên kết chưa chặt chẽ.

    – Điểm 1,5- 1,75: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm chưa triển khai đầy đủ, hoặc liên kết chưa chặt chẽ, dẫn chứng còn ít, một số dẫn chứng chưa phù hợp.

    – Điểm 1,0-1,25: Đáp ứng 1/2 hoặc 2/3 yêu cầu trên.

    – Điểm 0,5- 0,75: Đáp ứng 1/3 các yêu cầu trên.

    – Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. Đáp ứng 1/3 các yêu cầu trên.

    – Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào nêu trên.

    1. d) Sáng tạo (0,5 điểm)

    – Điểm 0,5 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

    – Điểm 0,25 : Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

    – Điểm 0 : Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

    Bài viết gợi ý: