Đề thi thử THPT Lần 2 Năm 2016 Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy – Ninh Bình

Sưu tầm: Thế Anh – THPT Hoa Lư A – Ninh Bình

SỞ GD&ĐT NINH BÌNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

LƯƠNG VĂN TỤY

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA (LẦN II)

Năm học 2015 – 2016

Môn: Ngữ văn 12

Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể giao đề)

(Đề thi gồm 02 phần trong 02 trang)


I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Là người, tôi sẽ chết cho quê hương.

Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm
Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền
Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm
Cùng muôn trái tim ngất ngây hoà bình.

Là mây, theo làn gió tung bay khắp trời
Nghìn xưa oai hùng đó tôi xin tiếp lời
Là người, xin một lần khi nằm xuống
Nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ.

(Tự nguyện Trương Quốc Khánh)

  1. Nêu chủ đề của bài thơ?
  2. Bài thơ được viết theo thể thơ gì?
  3. Chỉ ra biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong bài thơ?
  4. Theo anh (chị), lí tưởng sống của tuổi trẻ ngày nay là gì? (Trình bày khoảng 5-7 dòng).

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:
Cách đất liền gần 250 hải lý, quần đảo Trường sa của Việt Nam nằm ở phía Đông Nam trên khu vực biển Đông, bao gồm hơn 100 đảo, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm. Quần đảo Trường Sa có diện tích khoảng từ 160.000 – 180.000km2, cách vịnh Cam Ranh khoảng 248 hải lý, diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10km2 (nguồn tài liệu do Bộ Quốc phòng cung cấp).
Ai đã từng ra Trường Sa mới thấy hết được sự thiêng liêng, cao quý, tự hào khi đứng trên phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà ông cha ta đã phải đổ bao xương máu để giữ vững.
Lính đảo Trường Sa luôn kiên trung, bất khuất, nêu cao tinh thần đấu tranh sục sôi, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Các anh đang ngày đêm đứng nơi đầu sóng ngọn gió để chống lại những âm mưu gây hấn, xâm phạm trắng trợn và phi lý của “nước ngoài”, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Các anh luôn xứng danh là bộ đội cụ Hồ.
Trường Sa – nơi tình quân dân gắn bó máu thịt không bao giờ tách rời. Tất cả đang đồng lòng chung sức xây dựng huyện đảo và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. (Trích Cuộc sống thường ngày của lính đảo Trường Sa; nguồn: Tintucquansu.net)

  1. Xác định nội dung chính của văn bản?
  2. Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ gì?
  3. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?
  4. Câu văn “Trường Sa – nơi tình quân dân gắn bó máu thịt không bao giờ tách rời” mắc phải lỗi ngữ pháp nào? Hãy sửa lại cho đúng.

II. PHẦN VIẾT (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết.

Viết bài văn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.
Câu 2 (4,0 điểm)
Phân tích hình tượng nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân để thấy được khát vọng sống mãnh liệt là niềm tin và động lực giúp con người vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn.

Sưu tầm: Thế Anh – THPT Hoa Lư A – Ninh Bình

SỞ GD&ĐT NINH BÌNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN TỤY

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA (LẦN II)

Năm học 2015 – 2016

Môn: Ngữ văn 12

(Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)


Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 3,0
1 Chủ đề bài thơ: là lời ước nguyện cao đẹp, sự tự nguyện dấn thân cống hiến cho quê hương đất nước của tuổi trẻ trong thời đại bão táp cách mạng. 0,5
2 Thể thơ: tự do 0,25
3 Biện pháp tu từ chủ yếu trong bài thơ: điệp cấu trúc cú pháp. 0,25
4
Lí tưởng sống của tuổi trẻ ngày nay:- Xác định được mục đích sống đẹp: sống để cống hiến và yêu thương.- Không ngừng tích lũy tri thức, tu dưỡng đạo đức, bồi đắp tâm hồn để trở thành con người phát triển toàn diện, có ích cho xã hội.
5 Nội dung chính của văn bản: viết về quần đảo Trường Sa – chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và hình ảnh những người lính đảo kiên trung, bất khuất. 0,5
6 Phong cách ngôn ngữ: báo chí 0,25
7 Phương thức biểu đạt chính: thuyết minh 0,25
8
– Lỗi câu: câu thiếu vị ngữ- Sửa lại: 1 trong 2 cách:+ Bỏ dấu gạch nối và thêm từ “là”
+ Thêm vị ngữ
II LÀM VĂN
1 Có ý kiến cho rằng: Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết. Viết bài văn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên. 3,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luậnCó đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết của lối sống tử tế đối với bản thân mỗi người và với toàn xã hội. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động
1. Giải thích ý kiến: – Tử tế: đối xử với nhau bằng lòng tốt. Sống tử tế là sống tốt với xung quanh, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người chứ không chỉ biết đến cá nhân mình.- Ý cả câu: sống tử tế rất cần thiết đối với cuộc sống của mỗi người, nó là đường dẫn quan trọng tạo nên những tình cảm tốt đẹp giữa người với người. Bởi vậy, cần phải luôn nuôi dưỡng và bồi đắp nó.

2. Bàn luận Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến, bởi vì:- Sống tử tế là một biểu hiện đẹp của xã hội loài người, tồn tại phổ biến, rộng khắp trong cuộc sống từ những việc tưởng chừng đơn giản, nhỏ nhặt nhất. Nó có ý nghĩa quan trọng, làm phục hồi những giá trị đạo đức chân chính, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội văn minh, đề cao sự bình đẳng và tôn trọng các giá trị nhân văn, nhân bản.
– Khi con người làm chết đi sự tử tế, cũng đồng nghĩa họ phải đối mặt với thói ích kỉ, nhẫn tâm, thủ đoạn… Khi đó, xã hội sẽ chỉ còn một biển người bị đóng băng.
– Cần luôn nuôi dưỡng và vun đắp sự tử tế bằng nhận thức đúng đắn và những hành động, việc làm thiết thực. Bởi lẽ, cũng vẫn con người ấy, trong hoàn cảnh này họ tử tế nhưng ở vào hoàn cảnh khác họ lại đánh mất đi điều đó.

1,0
3. Mở rộng vấn đề: – Liên hệ đến thực tế cuộc sống:+ Ca ngợi những biểu hiện của lối sống tử tế. Đặc biệt, trong chiến lược xây dựng xã hội công bằng, nhân ái, “Việc tử tế” là cuộc vận động của chương trình Chuyển động 24h trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam hiện đang giới thiệu, tôn vinh, quảng bá rất nhiều việc tử tế của mọi tầng lớp nhân dân nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp.
+ Phê phán những biểu hiện không tử tế trong xã hội.
– Bài học: Mỗi người cần có ý thức vun đắp cho mình lối sống tử tế.
0,5

d. Sáng tạo 0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu 0,25
2 Phân tích hình tượng nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân để thấy được khát vọng sống mãnh liệt là niềm tin và động lực giúp con người vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn. 4,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luậnCó đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luậnHình tượng nhân vật người vợ nhặt – một bằng chứng cho thấy khát vọng sống mãnh liệt là niềm tin và động lực giúp con người vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn. 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và hình tượng nhân vật người vợ nhặt.* Phân tích (đặt nhân vật vào tình huống truyện để làm rõ):- Người vợ nhặt là nạn nhân khốn khổ của nạn đói. Cùng cái đói, thị trôi dạt hết nơi này đến nơi khác. Vì cái đói, thị thay đổi cả diện mạo lẫn tính cách (dẫn chứng).
– Cận kề cái chết, thị vẫn nhen nhóm khát vọng sống mãnh liệt. Để tìm cho mình cơ hội được sống, thị gạ được ăn và liều lĩnh theo không một người đàn ông xa lạ. Khát vọng sống thôi thúc thị phải hành động theo bản năng để chống chọi với hoàn cảnh, bám trụ cuộc sống (dẫn chứng).
– Khi trở thành vợ Tràng, thị trở về bản chất thực của người phụ nữ hiền hậu, đúng mực. Người đàn bà ấy đã thắp lên ánh sáng của niềm tin và hi vọng trong túp lều xiêu vẹo của mẹ con Tràng (thu dọn nhà cửa sạch sẽ, điềm nhiên nuốt miếng cháo cám chát xít, giúp Tràng nhận thức đúng hình ảnh lá cờ đỏ cùng đoàn người đói đi phá kho thóc Nhật…).
* Đánh giá:
– Nhân vật được khắc họa thành công thông qua tình huống truyện, độc đáo, diễn biến tâm lí tinh tế, dựng đối thoại chân thực, sinh động…
– Nhân vật người vợ nhặt góp phần làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc và mới mẻ cho tác phẩm (mang diện mạo chung của văn học giai đoạn 1945 – 1975): con người không chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh mà còn biết vươn lên đấu tranh chống lại hoàn cảnh để giành lấy quyền sống chính đáng cho mình.

d. Sáng tạo 0,5
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu 0,25
ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I + II = 10,0 điểm
Sưu tầm: Thế Anh – THPT Hoa Lư A – Ninh Bình
Xem thêm : đề thi thử thpt quốc gia môn văn 2017 có đáp án

Bài viết gợi ý: