SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ II
LỚP 12 THPT
NĂM HỌC 2017 – 2018
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút, không kể thời gian giao đề
(Đề bài gồm 2 trang)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ
Những giọt nước bé nhỏ,
Những hạt bụi đang bay
Đã làm nên biển lớn
Và cả trái đất này.
Cũng thế, giây và phút,
Ta tưởng ngắn, không dài,
Đã làm nên thế kỷ,
Quá khứ và tương lai.
Những sai lầm nhỏ bé,
Ta tưởng chẳng là gì,
Tích lại là tai họa,
Làm ta chệch hướng đi.
Những điều tốt nhỏ nhặt;
Những lời nói yêu thương
Làm trái đất thành đẹp,
Đẹp như chốn thiên đường.
(Thái Bá Tân dịch từ tiếng Anh. Nguồn: Fb Thái Bá Tân 13/7/2012)
Câu 1: Bài thơ trên có sự kết hợp những phương thức biểu đạt nào?
Câu 2: Chỉ ra và phân tích ý nghĩa của một biện pháp nghệ thuật tu từ đặc sắc trong bài thơ trên?
Câu 3: Nội dung chính tác giả muốn thể hiện trong hai khổ thơ đầu là gì?
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả ở khổ 3 Những sai lầm nhỏ bé…tích lại là tai họa không? Vì sao?
II. LÀM VĂN: (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ nội dung bài thơ ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn
(khoảng 200 chữ) trình bày quan niệm của mình về vai trò của những điều tốt nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Câu 2: (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về những thay đổi của nhân vật Tràng từ khi có vợ (Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Liên hệ với những thay đổi của nhân vật Chí Phèo từ khi gặp gỡ Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó, so sánh tư tưởng nhân đạo của hai tác giả.

— Hết —

– Thí sinh không sử dụng tài liệu.
– Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.

SỞ GD&ĐT THANH HÓA

HƯỚNG DẪN CHẤM KSCL THPT 2017-2018
MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút

(Gồm 4 trang)
Phần Câu Yêu cầu cần đạt Điểm
I. Đọc hiểu
(3.0đ) 1 Bài thơ có sự kết hợp hai phương thức biểu đạt: biểu cảm và nghị luận 0.5
2 H/s có thể chỉ ra và phân tích tác dụng của một trong các biện pháp tu từ sau:
– Điệp cấu trúc qua bốn khổ thơ – tác dụng nhấn mạnh nội dung diễn đạt: những điều tưởng như bé nhỏ lại là nguyên nhân tạo ra những kết quả lớn lao.
– Biện pháp so sánh: Làm trái đất thành đẹp,
Đẹp như chốn thiên đường.
Những điều tốt đẹp làm cuộc sống tươi đẹp hơn, con người thấy hạnh phúc hơn như chốn thiên đường.
– Nghệ thuật đối trong từng khổ thơ – tác dụng thể hiện mối tương quan giữa những điều nhỏ bé và những điều to lớn…
Cho điểm bài làm xác định đúng và phân tích ý nghĩa của BPTT khác nếu có sự thuyết phục 0.75
3 Nội dung chính của hai khổ đầu: chỉ ra mối quan hệ giữa những điều bé nhỏ (giọt nước, hạt bụi, giây, phút) và những điều to lớn (biển cả, trái đất, thế kỉ…) từ đó đi tới luận điểm chính những điều nhỏ bé vụn vặt lại là nguyên nhân dẫn tới những kết quả to lớn. 0.75

4 H/s thể hiện quan điểm của mình theo hướng đồng tình với quan điểm nhà thơ bởi những sai lầm nhỏ bé nhưng nếu không sửa chữa, khắc phục kịp thời thì lâu dần sẽ thành thói quen, tính cách xấu và là nguyên nhân của mọi tai họa.
1.0
II.
Làm văn
(7.0đ) Câu1
(2.0đ) a. Đảm bảo là một đoạn văn(về nội dung và hình thức)
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: vai trò của những việc tốt nhỏ nhặt – chính là điều cần thiết nhất để cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn.
c. Triển khai hợp lí đoạn văn (1 hoặc các nội dung sau)
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp với vấn đề nghị luận theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu rõ nhận thức của mình về ý kiến. Có thể theo hướng sau:
– Giải thích ý kiến: việc tốt nhỏ nhặt là những việc mà chúng ta thường xuyên thực hiện trong cuộc sống hàng ngày như một thói quen, một tính cách. Đó chính là văn hóa sống của mỗi người, mở rộng ra là văn hóa của cộng đồng, xã hội…
– Phân tích, chứng minh: những việc nhỏ hằng ngày như biết quan tâm, giúp đỡ người khác, biết chia sẻ, lắng nghe, biết sống tự trọng, cầu tiến…sẽ tạo nên nhân cách của mỗi cá nhân, giá trị văn hóa của mỗi cộng động và đó chính là cơ sở quan trọng nhất để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
– Bình luận, bác bỏ: phê phán những quan niệm sống xa vời thực tế, mơ mộng theo những việc phi thường mà quên mất những việc nhỏ nhặt, phê phán những kẻ đạo đức giả thuyết lí xa xôi mà không gắn liền với hành động.
– Bài học: phải rèn luyện mình từ những việc nhỏ hàng ngày, những việc tốt nhỏ nhặt cũng chính là cơ sở để tạo nên cuộc sống tốt đẹp cũng như thành công lớn sau này… 0.25
Câu 2
(5.0đ) Cảm nhận của anh/chị về những thay đổi của nhân vật Tràng từ khi có vợ (Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Liên hệ với những thay đổi của nhân vật Chí Phèo từ khi gặp gỡ Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó, so sánh tư tưởng nhân đạo của hai tác giả. 5.0đ
1. Về kĩ năng:
Có kĩ năng làm bài văn nghị luận văn học, đảm bảo bố cục bài văn; xác định đúng vấn đề cần nghị luận và triển khai vần đề thành hệ thống các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận khác nhau; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; diễn đạt rõ ràng, mạch lạc; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0.5
2. Về kiến thức: 4.5
2.1 Giới thiệu khái quát: về tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt, nhân vật Tràng. 0.25
2.2 Cảm nhận khát vọng hạnh phúc của Tràng
Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo những yêu cầu sau đây:
– Tràng là người lao động đói khổ, nghèo hèn, trong tình cảnh đói khát, trên bờ vực cái chết vẫn khao khát hạnh phúc gia đình. Tràng có vợ một cách dễ dàng nhưng Tràng không rẻ rúng, coi thường mà rất trân trọng hạnh phúc của mình (mời vợ bữa ăn no trong lúc sắp chết đói, mua dầu thắp sáng giữa cảnh đời tăm tối…)
– Khát khao hạnh phúc của Tràng
+ Niềm hạnh phúc dâng trào thành cảm giác lửng lơ, êm ái như trong giấc mơ, thành sự phấn chấn đột ngột, thành niềm sung sướng vì đã tìm thấy hạnh phúc ngay trong tận cùng đói khát, khổ đau.
+ Trước đây, Tràng vô tâm thờ ơ với gia đình; sau khi có vợ, trong lòng dậy lên tình cảm yêu thương, gắn bó với căn nhà, có ý thức trách nhiệm, khát khao một gia đình hạnh phúc, thấy mình nên người, trưởng thành hơn…
+ Tràng muốn biến cảm xúc và ý thức thành những hành động cụ thể “muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”.
– Khát khao hạnh phúc của nhân vật được thể hiện qua nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc, ngôn ngữ trần thuật giản dị, tự nhiên, giàu biểu cảm. 2.75
2.3 Giới thiệu khái quát: tác giả Nam Cao, tác phẩm Chí Phèo, nhân vật Chí Phèo
2.4 Liên hệ khao khát được sống lương thiện của nhân vật Chí Phèo khi gặp Thị Nở
+ Tỉnh rượu, Chí cảm nhận được không gian xung quanh với “cái lều ẩm thấp mới chỉ lờ mờ”. Đặc biệt hắn đã cảm nhận được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống quanh mình: tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng chim hót. Những âm thanh ấy đã vọng sâu vào trái tim Chí Phèo như tiếng gọi tha thiết của sự sống.
+ Lời đối thoại của hai người đàn bà đã gợi nhắc cho Chí Phèo nhớ lại mơ ước về một gia đình hạnh phúc, bình dị.
+ Chí Phèo cũng đã cảm nhận được một cách thấm thía về tình trạng thê thảm của bản thân (già nua, cô độc, trắng tay).
3. Tấm lòng nhân đạo mà các nhà văn dành cho người nông dân nghèo khổ
+ Giống nhau: Qua khát vọng hạnh phúc của Tràng, khát khao sống lương thiện của Chí Phèo, Kim Lân và Nam Cao đều khẳng định vẻ đẹp tâm hồn nhân vật. Đồng thời thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với nhân vật, hướng người đọc đến tình cảm yêu thương, tin tưởng vào sức mạnh của con người trên con đường đi tìm hạnh phúc. Tấm lòng nhân đạo sâu sắc đó đã góp phần nâng cao giá trị văn xuôi hiện đại Việt Nam.
+ Khác nhau:
+) Chí Phèo là hành trình thức tỉnh trở lại làm người. Qua đó, nhà văn phản ánh hiện thực bế tắc của người nông dân lao động, cất tiếng nói tố cáo hiện thực xã hội…
+) Tràng lại như trở thành một con người khác trưởng thành hơn, có trách nhiệm vun vén cho hạnh phúc gia đình. Qua đó, nhà văn phản ánh xu hướng vận động tất yếu của số phận con người, thể hiện niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai tốt đẹp.
– Lí giải sự khác nhau: Sự khác biệt do hoàn cảnh, phương pháp sáng tác: Chí Phèo viết trước cách mạng trong hoàn cảnh đen tối của xã hội Việt Nam, được viết theo khuynh hướng hiện thực phê phán. Còn Vợ nhặt là tác phẩm của nền văn học cách mạng sau 1945 có khả năng và cần thiết phải chỉ ra sự vận động tích cực của đời sống xã hội. 0.25
Lưu ý: Căn cứ vào bài làm của học sinh, giám khảo chấm linh hoạt. Trân trọng những bài làm sáng tạo.

Bài viết gợi ý: