Đề thi thử THPT quốc gia Ngữ văn có đáp án
TRƯỜNG THPT ĐINH TIÊN HOÀNG
Phần I: Đọc – hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…
- Đoạn thơ trên trích trong bài thơ nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ đó?
- Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ? Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đó?
Phần II: Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)
“Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy…” (Mùa lạc – Nguyễn Khải – SGK Văn học 12, NXB Giáo dục, H, 2000)
Anh (chị) có suy nghĩ gì về quan niệm sống trên.
Câu 2 (4,0 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp nhân vật người lái đò trong đoạn trích Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân ( SGK Ngữ văn 12 tập I tr.185, NXBGD 2008)
___Hết___
ĐÁP ÁN
Đọc hiểu
I(3,0 điểm)
1. – Đoạn thơ trên trích trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu
– Hoàn cảnh ra đời của bài thơ
+ Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Tháng 7 – 1954, Hiệp Định Giơ – ne-vơ về Đông Dương được kí kết. Hòa bình lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng và bắt tay vào sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Một trang sử mới của đất nước được mở ra
+ Tháng 10-1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi. Trung ương Đảng và Chỉnh Phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc.
2. – Đoạn thơ sử dụng nghệ thuật điệp từ và điệp cấu trúc ngữ pháp: câu lục lặp các từ nhớ sao và lặp kết cấu ngữ pháp của kiểu câu cảm thán.
– Tác dụng : Biểu hiện nỗi nhớ da diết của người ra đi đối với những cảnh sinh hoạt trong kháng chiến và cảnh vật thiên nhiên ở Việt Bắc.
II Làm văn
Câu 1(3,0 điểm)
1. Yêu cầu về kỹ năng: HS biết cách làm bài nghị luận xã hội. Bố cục chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy, hạn chế các loại lỗi.
2. Yêu cầu về kiến thức:Bài viết cần hướng đến các nội dung cơ bản sau:
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận 0,25
* Giải thích ý kiến:- Con đường cùng: đường không còn lối đi, bế tắc, không lối thoát.
– Ranh giới: đường phân chia giới hạn giữa hai khu vực.
=>Trong cuộc sống, có khi con người gặp phải những khó khăn tưởng như không thể vượt qua được. Nhưng đó không phải là cùng đường , đó chỉ là một ranh giới, một thử thách mà nếu con người có niềm tin, có quyết tâm thì sẽ vượt qua.
* Bàn luận về ý kiến:- Câu nói trên đã thể hiện một cái nhìn lạc quan về cuộc đời, một lối sống tích cực, có trách nhiệm.
– Câu nói trên có ý nghĩa như một lời khuyên, lời động viên: con người đừng bao giờ chán nản, buông xuôi mà phải luôn có nghị lực, có niềm tin trước những tình huống thử thách trong cuộc đời.
– Sức mạnh giúp con người biết sống và sống hữu ích có từ nhiều phía (khách quan – từ hoàn cảnh cuộc sống tạo điều kiện hỗ trợ, chủ quan – sự cố gắng, nỗ lực của bản thân), nhưng phần quan trọng vẫn bắt nguồn tự bản thân mỗi người. Mỗi người phải biết nâng mình lên để xứng đáng với sự sống kì diệu, để cuộc đời mãi hữu ích và không hoài phí.
– Phê phán những những con người sống buông xuôi, không có niềm tin, nghị lực vào cuộc sống
* Rút ra bài học cho bản thân: 0,25
Câu 2
(4,0 điểm)
1. Yêu cầu về kỹ năng: HS biết cách làm bài nghị luận văn học. Bố cục chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy, hạn chế các loại lỗi.
2. Yêu cầu về kiến thức:Bài viết cần hướng đến các nội dung cơ bản sau:
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vẻ đẹp người lái đò. 0,25
* Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật người lái đò:- Là hình tượng nhân vật trung tâm (tuy những trang viết về ông lái đò không dày dặn bằng những trang viết về con sông Đà). Vẻ đẹp của hình tượng ông lái đò chủ yếu được khắc họa trong những lần chèo đò vượt thác, vượt qua những trùng vi thạch trận.
– Ông lái đò mang vẻ đẹp của một người nghệ sĩ tài hoa: phong thái ung dung, tay lái ra hoa, đạt đến trình độ điêu luyện trong cuộc vượt thác…(dẫn chứng)
– Ông lái đò mang vẻ đẹp của một người anh hùng trên mặt trận lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên: dũng cảm, mưu trí…(dẫn chứng)
* Đánh giá chung- Nghệ thuật khắc họa nhân vật độc đáo đã thể hiện sự tài hoa, uyên bác và cá tính Nguyễn Tuân.
– Hình tượng người lái đò là đại diện cho vẻ đẹp của những người lao động bình dị ở Tây Bắc. Khắc họa hình tượng người lái đò, Nguyễn Tuân muốn khẳng định, ngợi ca Con Người mới với trí tuệ, tài năng xây dựng đất nước.
* Khái quát lại vấn đề, nêu suy nghĩ của bản thân,
Đây là đề soạn theo cấu trúc cũ, các em vào link này để cập nhật những đề thi mới nhất nhé :
Xem thêm : Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án
Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về Người lái đò sông Đà