Đề thi thử THPT quốc gia Ngữ Văn có đáp án
Câu 1 (2 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

“… Với một tốc độ truyền tải như vũ bão, Internet nói chung, Facebook nói riêng hàm chứa hiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí độc hại. Vì thế, nó cực kì nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, kinh tế, đạo đức … và nhiều mặt của đời sống, có thể gây nguy hại cho quốc gia, tập thể hay các cá nhân. Do được sáng tạo trong môi trường ảo, thậm chí nặc danh nên nhiều “ngôn ngữ mạng” trở nên vô trách nhiệm, vô văn hóa… Không ít kẻ tung lên Facebook những ngôn ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhằm nói xấu, đả kích, thóa mạ người khác. Chưa kể đến những hiện tượng xuyên tạc tiếng Việt, viết tắt, kí hiệu đến kì quặc, tùy tiện đưa vào văn bản những chữ z, f, w vốn không có trong hệ thống chữ cái tiếng Việt, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt…”

(Trích “Bàn về Facebook với học sinh”, Lomonoxop. Edu.vn)

a. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?

b. Nội dung khái quát của văn bản trên?

c. Yếu tố nghệ thuật chủ yếu được sử dụng trong văn bản trên? Tác dụng?

Câu 2 (3 điểm):

Nhà văn Pháp nổi tiếng Đi-đơ-rô có nói:

Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường.

Anh (chị) có suy nghĩ gì về câu nói trên của Đi-đơ-rô. Câu nói đã gợi cho anh (chị) điều gì về quan niệm sống của bản thân hiện nay.

Câu 3 (5 điểm):

Về đoạn thơ:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”

(Trích tây tiến – Quang Dũng – SGK Ngữ Văn 12, tập 1 – Trang 88)

Có ý kiến cho rằng: Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt. Ý kiến khác lại khẳng định: Đoạn thơ vẽ nên bức tượng đài về người chiến sĩ Tây Tiến gian khổ, hi sinh song cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa.

Từ cảm nhận của mình về đoạn thơ, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về hai ý kiến trên.

Đáp án

1.
aVăn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận.
b,Đoạn văn bản đề cập đến những tác hại của mạng xã hội Facebook:
– Facebook chứa nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật gây nguy hại đến nhiều mặt đời sống của quốc gia, tập thể hoặc cá nhân.
– Gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt.
c.- Nghệ thuật: liệt kê các tác hại của mạng xã hội Facebook đến nhiều mặt đời sống của quốc gia, tập thể hoặc cá nhân và ngôn ngữ dân tộc.
– Tác dụng:
+ Nhấn mạnh đến tác hại khó lường của mạng xã hội Facebook.
+ Mạnh mẽ cảnh tỉnh, nhắc nhở với những người đang tham gia trang mạng này để tránh gây ra tác hại tương tự.
2
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải bám sát yêu cầu của đề bài, cần làm rõ được các ý sau:
– Giới thiệu vấn đề bàn luận: mục đích trong cuộc sống của con người.
– Trích dẫn nhận định.
Giải thích
– Mục đích: là yêu cầu cần đặt ra trước khi thực hiện một công việc; là cái ta cần phấn đấu để đạt được trong quá trình thực hiện công việc.
– Mục đích tầm thường: yêu cầu cần đạt được ở mức độ thấp, có thể chỉ phục vụ cho lợi ích ở phạm vi hẹp với bản thân.
– Cái vĩ đại: cái lớn lao, cao cả, có ý nghĩa với nhiều người, với tập thể.
– Câu nói: Đi-đơ-rô đề cập đến tính mục đích trong mọi công việc, hoạt động của con người và mỗi người cần xác định cho mình một mục đích sống cao đẹp.
Bàn luận:
– Vai trò của mục đích sống với con người:
+ Hành động có mục đích là hành động của con người có trí tuệ soi sáng, khác hẳn với hành động bản năng tự nhiên của loài thú.
+ Mục đích mở ra phương hướng, dẫn dắt mọi hành động của con người, giúp hành động của con người đạt kết quả.
+ Sống không có mục đích, con người sẽ trở nên vô dụng, cuộc đời mất hết ý nghĩa.
– Khẳng định tính chất đúng đắn của câu nói:
+ Mục đích cao thượng, tốt đẹp là động lực thúc đẩy con người không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Và khi cần, sẵn sàng hi sinh cả bản thân mình để thực hiện mục đích cao thượng.
+ Sống có mục đích cao thượng, con người sẽ trở nên hữu ích cho gia đình, xã hội. Có mục đích, lí tưởng tốt đẹp, con người sẽ giàu ý chí, nghị lực, sẽ đạt được những ước mơ cao đẹp.
– HS lấy dẫn chứng trong lịch sử và thực tế để chứng minh.
Phê phán những kẻ sống không có mục đích hoặc mục đích sống tầm thường. Bởi nó khiến con người ta trở nên thụ động, bạc nhược, vô dụng, cuộc đời mất hết ý nghĩa.
Suy nghĩ về quan niệm sống của bản thân:
– Ngay từ tuổi học sinh, chúng ta phải xác định cho mình một mục đích, lí tưởng sống cao đẹp: Mình vì mọi người, mọi người vì mình.
– Trước mắt, xác định động cơ, mục đích học tập đúng đắn: học để nắm được kiến thức vững vàng; làm chủ khoa học, kĩ thuật, làm chủ cuộc đời mình; đóng góp được nhiều hơn, tốt hơn cho đất nước, dân tộc.
Khẳng định lại ý nghĩa, tác dụng của câu nói với bản thân và với mọi người
3
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cơ bản nêu được các ý sau:
– Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm.
– Giới thiệu khái quát về đoạn thơ và ý kiến nhận định.
Nhận định thứ nhất: Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt:
– TN Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng:
+ Các hình ảnh sương mờ bao phủ cả vùng Tây Bắc rộng lớn, hoa về trong đêm hơi, những ngôi nhà bồng bềnh trong biển sương mờ,…
+ Kgian núi rừng bao la cứ trải ra mênh mông, vô tận trước mắt người lính.
+ Những câu thơ nhiều thanh bằng, …
– TN cũng rất dữ dội, khắc nghiệt:
+ Các địa danh xa xôi, heo hút: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu.
+ Các hình ảnh miêu tả: núi cao, vực sâu, đèo dốc, sương rừng, mưa núi, thác gầm, cọp dữ…
+ Những câu thơ nhiều thanh trắc, nghệ thuật đối, lặp từ, lặp cấu trúc, ngắt nhịp câu thơ, …
Nhận định thứ hai: Đoạn thơ vẽ nên bức tượng đài về người chiến sĩ Tây Tiến gian khổ, hi sinh song cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa.
* Họ phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách, mất mát, hi sinh:
– Ấn tượng đầu tiên của QD về người lính TT trên đường hành quân là những bước đi mệt mỏi lẩn khuất như chìm đi trong sương dày đặc
– Người lính TT phải đối mặt, vượt qua những dốc núi vô cùng hiểm trở với bao gian lao, vất vả: những dốc núi cao như chạm trời xanh, những vực sâu thăm thẳm, những sườn đèo dốc.
– Cái hoang dại, dữ dội của núi rừng thường trực, đeo bám người lính TT như một định mệnh, luôn hiện hình để hù doạ và hành hạ họ.
– Dù can trường trong dãi dầu nhưng có khi gian khổ đã quá sức chịu đựng đã khiến cho người lính gục ngã. Họ hi sinh trong tư thế vẫn hành quân, vẫn chắc tay súng, vẫn ôm lấy và gục lên quân trang.
* Tâm hồn vẫn rất lãng mạn, hào hoa:
– Vẻ tinh nghịch, tếu táo, chất lính ngang tàng như thách thách cùng hiểm nguy, gian khổ của người lính TT.
– Trên đường hành quân vất vả, họ thả hồn mình vào TN, để trút bỏ hết mọi nhọc nhằn khỏi thân xác, phục tâm, phục sức.
– Có lúc họ được dừng chân ở một bản giữa rừng sâu, quây quần bên những bữa cơm thắm tình quân dân cá nước. Tình cảm đầm ấm xua tan đi vẻ mệt mỏi trên gương mặt, khiến họ tươi tỉnh hẳn lên
– Cái nhìn lãng mạn đã nâng đỡ cho ngòi bút QD, tạo nên màu sắc bi tráng khi nói tới sự hi sinh của người lính TT.
– Nét đẹp trong tâm hồn lãng mạn, hào hoa của những chàng lính thủ đô giúp họ vượt qua được khó khăn, thử thách để tiếp bước trên đường hành quân, hoàn thành nvụ.
Đánh giá chung:
– Hai nhận định đều khái quát được nội dung cơ bản của đoạn thơ.
– Cả hai đã cho thấy cái nhìn đầy đủ, rõ nét về TN TB và người lính Tây Tiến hiện về trong nỗi “nhớ chơi vơi” của nhà thơ khi ông đã rời xa Tây Tiến, rời xa con sông Mã.
– Đoạn thơ không chỉ là TN TB, người chiến sĩ Tây Tiến mà còn là tình yêu, sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với Tây Bắc, với Tây Tiến.
– Đoạn thơ là sự phối hợp hài hoà giữa yếu tố hiện thực và bút pháp lãng mạn. Cả đoạn thơ như một bức tranh thuỷ mặc cổ điển được phác thảo theo lối tạo hình phương đông. (so sánh với bút pháp miêu tả người lính trong các sáng tác khác)
Khái quát lại vấn đề và đánh giá về thành công của tác giả, tác phẩm trong VHVN giai đoạn 1945 – 1954.
Lưu ý: Đây là đề thi theo cấu trúc cũ, các bạn có thể vào link này để cập nhật những đề thi theo cấu trúc năm nay nhé
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án
Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12
Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về Tây Tiến

Bài viết gợi ý: