Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:
LÁ ĐỎ
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.
1974.

Câu 1: Bài thơ được ghi chú sáng tác năm 1974, hoàn cảnh lịch sử đất nước ta lúc ấy giúp em hiểu thêm điều gì về nội dung, cảm hứng chủ đạo của bài thơ?
Câu 2: Câu thơ “Em đứng bên đường, như quê hương” sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?
Câu 3: Hình dung và ghi lại cảm xúc của nhân vật trữ tình qua hai câu thơ “Em đứng bên đường, như quê hương – Vai áo bạc quàng súng trường”.
Câu 4: Từ láy “vội vã” trong câu thơ “Đoàn quân vẫn đi vội vã” có ý nghĩa gì?
Câu 5: Hình ảnh bụi Trường Sơn nhòa trời lửa gợi cho em suy nghĩ gì?
Câu 6: Dựa vào hai câu thơ cuối bài (Chào em, em gái tiền phương – Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn) hãy giải thích tại sao có thể coi bài thơ “Lá đỏ” như là dự cảm về một Việt Nam chiến thắng?
Câu 7: Em đã từng học hoặc đọc thêm những tác phẩm thơ văn nào viết về đề tài chiến tranh chống Mĩ cứu nước? hãy kể tên những tác phẩm ấy?
Câu 8: Bài thơ gợi cho em suy nghĩ gì về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong những năm chiến tranh gian khổ?
HƯỚNG DẪN
Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ cá nhân nhưng phải có lập luận hợp lí, giám khảo linh hoạt cho điểm. Dưới đây chỉ là những gợi ý tham khảo:
Câu 1: Bài thơ sáng tác năm 1974. Đó là giai đoạn cả nước đang chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy nội dung, cảm hứng chủ đạo của bài thơ là tái hiện không khí khẩn trương của cuộc hành quân, tất cả vì miền Nam ruột thịt, là niềm tin vào tương lai toàn thắng của dân tộc.
Câu 2: C
Câu 3: Giữa cuộc hành quân vất vả, giữa núi rừng Trường Sơn “nhòa trời lửa” người chiến sĩ bắt gặp hình ảnh một cô gái thanh niên xung phong (cũng có thể là cô gái giao liên) với “vai áo bạc quàng súng trường” rất đỗi bình dị, thân thương như hình ảnh của quê hương. Một phút chững lại mừng rỡ giữa cuộc hành quân, lòng người lính bỗng xao xuyến, bồi hồi. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi thế thôi nhưng nó như một dòng suối mát làm dịu đi không khí khói lửa chiến tranh, đem đến cho lòng người cảm giác ấm áp, bình yên.
Câu 4: “Vội vã” nghĩa là đi nhanh, không chần chừ, không do dự => diễn tả không khí khẩn trương của cuộc hành quân.
Câu 5: Hình ảnh bụi Trường Sơn nhòa trời lửa gợi lên cái khắc nghiệt, hiểm nguy của chiến tranh.
Câu 6: Hai câu cuối là lời chào, cũng là lời hứa sẽ gặp lại nhau tại Sài Gòn của chàng trai bộ đội và cô gái thanh niên xung phong. Đích đến của cuộc gặp gỡ là Sài Gòn, nơi đoàn quân đang tiến về để giải phóng. Nó thể hiện niềm tin vào ngày mai tất thắng.
Câu 7: Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu), Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân)….
Câu 8: Vẻ đẹp của con người Việt Nam: dũng cảm, kiên cườg trong chiến đấu mà vẫn lãng mạn, lạc quan, yêu đời.
(Tài liệu sưu tầm )
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn
Xem thêm : Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án

Bài viết gợi ý: