ĐỀ BÀI
I- Phần bắt buộc: Đọc- hiểu văn bản tác phẩm (4,0 điểm)
Câu 1:
Văn bản: VANG BÓNG
Tôi vẩn vơ lo một ngày sẽ đến
Tự động hoá cao rồi, cốm ngọc có còn không?
Giò có lụa nữa không? Phở có còn riêng hương vị?
Bỗng yên lòng: trên giá sách có ông.
Lại hình dung một thế kỉ không xa
Thuỷ điện nuốt tươi sức phóng túng sông Đà
Đà gửi thần linh vào tuỳ bút
Văn như thuyền độc mộc
Thác thăng hoa
Cái tẩu thuốc đã mấy hồi lửa dính
Chiếc va li dẫu thuộc đến da mồi
Dấu ấn những ngả đường xê dịch
Cả cõi đời đồn đại: cõi dong chơi
Chữ người tử tù đâu dễ chém
Vang bóng đâu xa chỉ một thời!
(Nguyễn Vũ Tiềm, Thương nhớ tài hoa, NXB Văn học, 1992)
a- Anh (chị) hiểu như thế nào về nhan đề bài thơ:Vang bóng?
b- Bài thơ, từ nhan đề đến từ ngữ, hình ảnh, ý thơ, đều có khả năng làm người đọc liên tưởng đến những sáng tác độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân. Anh (chị) hãy làm rõ điều đó.
c- Quá trình văn học là quá trình đồng sáng tạo giữa nhà văn và người đọc. Là một người đồng sáng tạo với tác giả Nguyễn Vũ Tiềm, anh (chị) hãy viết một đoạn văn, hoặc một bài văn không quá 100 từ (tự chọn phương thức biểu đạt, thể loại của văn bản và phong cách ngôn ngữ) trình bày cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về con người nghệ sĩ Nguyễn Tuân được gợi ra từ bài thơ trên.
II- Phần tự chọn: Làm văn (6,0 điểm)
Thí sinh chọn một trong hai câu sau (câu 2a hoặc câu 2b):
Câu 2a: Theo anh (chị), dụng ý nghệ thuật của Phạm Văn Đồng khi viết bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc là gì?
Câu 2b: Trong bản Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS, 1- 12- 2003, C. An- nan đã kêu gọi: “Hãy cùng tôi đánh đổ các thành luỹ của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh dịch bệnh này”. Và trên thực tế, nhiều người chưa hiểu rõ về dịch bệnh HIV/AIDS nên họ đã im lặng, kì thị và phân biệt đối xử với những người mắc phải căn bệnh thế kỉ này.
Giả sử anh (chị) là một tuyên truyền viên tích cực đang nỗ lực hoạt động xã hội, anh (chị) làm gì để những người chưa hiểu rõ về dịch bệnh HIV/AIDS thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi sống?
…………………………………………………………………..Hết……………………………………………………………
Lưu ý: Đây là đề thi theo cấu trúc cũ, các bạn có thể vào link này để cập nhật những đề thi theo cấu trúc năm nay nhé : Đề thi thử THPT quốc gia ngữ văn
I- Yêu cầu chung
1- Về kĩ năng
a- Phần bắt buộc: Đọc- hiểu văn bản tác phẩm
Câu 1: Thí sinh phải có kĩ năng đọc- hiểu văn bản tác phẩm. Cụ thể là:
– Có kĩ năng giải thích ý nghĩa nhan đề tác phẩm;
– Có kĩ năng đọc- hiểu bài thơ và trình bày được những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân về thông điệp Nguyễn Vũ Tiềm gửi gắm trong bài thơ; từ đó, kể tên những tác phẩm độc đáo của Nguyễn Tuân được gợi ra từ nhan đề, từ ngữ, hình ảnh, ý thơ của bài thơ đó (trong đó, thí sinh làm rõ được mối liên hệ giữa những từ ngữ, hình ảnh, ý thơ của bài thơ với những sáng tác của Nguyễn Tuân).
– Có kĩ năng đọc- hiểu bài thơ và trình bày được suy nghĩ, cảm xúc của bản thân về con người nghệ sĩ Nguyễn Tuân được gợi ra từ bài thơ trên: Trong đó, thí sinh có kĩ năng sử dụng ngôn ngữ (thể loại của văn bản, phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ).
b- Phần tự chọn: Làm văn
* Câu 2a: Thí sinh biết cách nghị luận văn học.
* Câu 2b: Thí sinh biết cách viết bài văn nghị luận xã hội.
* Yêu cầu chung:
– Bài văn kết hợp các thao tác lập luận hợp lí, bố cục mạch lạc, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, truyền cảm, dùng từ chuẩn xác, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Bài văn sâu sắc, sáng tạo, đậm dấu ấn cá nhân về diễn đạt, biểu cảm.
II- Đáp án- biểu điểm
1- Phần bắt buộc: Đọc- hiểu văn bản tác phẩm (4,0 điểm):
Ý | Nội dung cần đạt | Điểm |
a | Ý nghĩa nhan đề bài thơ Vang bóng: – Nguyễn Vũ Tiềm mượn chữ dùng của Nguyễn Tuân “vang bóng” (Vang bóng một thời) để làm nhan đề bài thơ, thể hiện sự đồng cảm, trân trọng của người làm thơ- nhà thơ- độc giả với nhà văn Nguyễn Tuân. – Vang bóng nghĩa gốc là bóng dáng, hình bóng vang dội, có khả năng tác động mãnh liệt tới người khác; nghĩa chuyển: vẻ đẹp văn hoá một thời còn để lại dư vị. | 1,0 |
b | Bài thơ, từ nhan đề đến từ ngữ, hình ảnh, ý thơ, đều có khả năng làm người đọc liên tưởng đến những sáng tác độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân. Cụ thể là: – Khổ thơ 1: “Cốm ngọc”, giò có lụa…”, Phở…” gợi nhắc tới những tác phẩm Cốm, Giò lụa, Phở của Nguyễn Tuân như một nét văn hoá- nghệ thuật ẩm thực truyền thống của dân tộc. – Khổ thơ 2: “sức phóng túng sông Đà”, “gửi vào tuỳ bút”, “văn như thuyền độc mộc”, “thác thăng hoa” gợi nhắc tới tuỳ bút Sông Đà (trong đó có Người lái đò sông Đà với vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của con sông Đà- chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc). – Khổ thơ 3: “Cái tẩu thuốc…”, “chiếc va li…”, “ngả đường xê dịch”, “cõi dong chơi” gợi nhắc tới một Nguyễn Tuân với chủ nghĩa xê dịch, trước Cách mạng tháng Tám, đi nhiều nơi để thay đổi thực đơn cho giác quan người nghệ sĩ. Tác phẩm tiêu biểu: Một chuyến đi,… – Khổ thơ cuối: “Chữ người tử tù đâu dễ chém”, “Vang bóng đâu xa chỉ một thời” gợi nhắc tới tập Vang bóng một thời, truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. | 1,0 |
c | – Thí sinh tự chọn viết đoạn văn hoặc bài văn không quá 100 từ, tự chọn thể loại của văn bản, phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt. tuy nhiên, bài làm cần thể hiện được các tri thức về những đặc điểm nổi bật về con người, giá trị người nghệ sĩ Nguyễn Tuân qua các sáng tác tiêu biểu được gợi lên từ bài thơ. Chẳng hạn: + Cuộc đời Nguyễn Tuân là cuộc đời người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, không chấp nhận sự tù túng, nhàm chán. + Cuộc đời Nguyễn Tuân là cuộc đời của một trí thức yêu nước, lưu giữ, truyền bá những giá trị văn hoá tinh thần đặc sắc của dân tộc, nó được nâng lên thành nghệ thuật, cái đep. + Phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa, uyên bác, ngông. + Các tác phẩm tiêu biểu trước và sau Cách mạng tháng Tám (…). – Bài làm thể hiện được sự đồng cảm sâu sắc của bản thân với tác giả bài thơ và với người nghệ sĩ Nguyễn Tuân. | 2,0 |
2- Phần tự chọn: Làm văn (6,0 điểm)
a- Câu 2a
Ý | Nội dung cần đạt | Điểm |
1. Mở bài | – Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: Dụng ý nghệ thuật của Phạm Văn Đồng khi viết bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc. – Có khả năng khơi gợi, tạo không khí cuốn hút người đọc vào bài văn. | 1,0 |
2. Thân bài | * Dụng ý nghệ thuật của Phạm Văn Đồng qua bài viết: – Bài viết nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (7/1888- 7/1963) để tưởng nhớ ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trong bầu trời văn nghệ của dân tộc. – Qua bài viết, Phạm Văn Đồng làm rõ những giá trị cao quý của cuộc đời, con người và những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu trước và sau thời điểm thực dân Pháp vào xâm lược nước ta. – Trong đó, tác giả nhằm nhấn mạnh giá trị thời sự của văn thơ yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu: + Đối với thời đại Nguyễn Đình Chiểu; + Đối với thời đại chống Mĩ cứu nước của chúng ta. – Từ đó, nêu gương sáng về tâm lòng trung kiên, yêu nước sáng ngời của Nguyễn Đình Chiểu, khích lệ tinh thần yêu nước chống Mĩ cứu nước của dân ta. – Từ đó khẳng định giá trị văn hoá tinh thần mà cuộc đời, con người, tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu để lại có sức mạnh to lớn, giúp dân tộc ta chiến đấu, chiến thắng đế quốc Mĩ. * Dụng ý nghệ thuật trên được thể hiện qua nghệ thuật lập luận chặt chẽ, ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh. Sức thuyết phục của bài văn còn ở tấm lòng nhiệt huyết của Phạm Văn Đồng -một con người gắn bó tha thiết với Tổ quốc, nhân dân; ở việc biết kết hợp hài hoà sự trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống với những vấn đề trọng đại đang đặt ra cho thời đại mình. (Thí sinh có thể làm rõ qua hệ thống luận điểm của bài viết, cách sắp xếp các luận điểm và mức độ trình bày các luận điểm, nghệ thuật lập luận làm rõ mỗi luận điểm. Từ đó, thí sinh khái quát lại: Mục đích nghị luận quyết định hình thức, nghệ thuật lập luận). | 4,0 |
3. Kết bài | – Đánh giá khái quát được vấn đề nghị luận; – Gợi cho người đọc những suy nghĩ sâu rộng hơn vấn đề đã nghị luận. | 1,0 |
b- Câu 2b
Ý | Nội dung cần đạt | Điểm |
1. Mở bài | – Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận: làm thế nào để thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành vi sống của những người chưa hiểu rõ, đã im lặng, kì thị và phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS. – Khơi gợi không khí vào bài, lôi cuốn người đọc. | 1,0 |
2. Thân bài | * Giải thích: – Y kiến của C. An- nan: C. An- nan kêu gọi thế giới chung tay đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, mà trước hết là thay đổi nhận thức, thái độ, hành động của mọi người đối với bệnh nhân mắc phải (thành luỹ: sự bảo vệ chắc chắn). – Ý nghĩa của các từ: + Im lặng: không lên tiếng nói, không có hành động gì , trước sự việc đáng ra phải có thái độ, phăn ứng. + Kì thị: phân biệt đối xử do thành kiến (Từ điển Tiếng Việt). + Phân biệt đối xử: là cách đối xử khác nhau, nhằm phân biệt người này với người khác. * Đánh giá thực trạng: Hiện nay, nhiều người chưa hiểu rõ về HIV/AIDS, luôn giữ im lặng, kì thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS. * Biểu hiện của hiện trạng (thí sinh liên hệ thực tế để làm rõ biểu hiện cụ thể của thực trạng trên, ở mọi cấp độ, từ suy nghĩ, thái độ, đến hành vi cụ thể, chẳng hạn xa lánh, xỉ nhục, vô cảm,… với bệnh nhân). * Nguyên nhân: Do thiếu hiểu biết, do ích kỉ, do tâm lí tham sống sợ chết, do vô cảm,… * Hành động làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của họ, chẳng hạn: – Tuyên truyền nâng cao nhận thức; – Kể chuyện thực tế tạo sự đồng cảm; – Tổ chức sân chơi bổ ích để họ giao lưu với bệnh nhân; – Đặt mình vào hoàn cảnh bệnh nhân để lắng nghe tiếng nói của cuộc đời; – Thuyết phục họ làm việc hữu ích, đóng góp phần nào công sức vào việc đẩy lùi đại dịch; – Bệnh nhân cũng phải có lối sống tích cực. (Thí sinh phải thể hiện được sự nhận thức, suy nghĩ chân thành, sâu sắc). -> Làm thay đổi thực trạng nói trên là việc làm khó khăn, thiết thực, cần thiết, là trách nhiệm của toàn xã hội. | 4,0 |
3. Kết bài | – Đánh giá vấn đề nghị luận; – Khơi gợi những suy nghĩ sâu rộng hơn cho người đọc từ vấn đề nghị luận. | 1,0 |
* Lưư ý:
– Do đặc trưng bộ môn, giám khảo tránh đếm ý cho điểm;
– Chỉ cho điểm tối đa khi bài viết đáp ứng được yêu cầu về kĩ năng và kiến thức;
– Không nhất thiết phải tuân thủ các nội dung như trên, khuyến khích những bài văn sâu sắc, sáng tạo (đậm dấu ấn cá nhân trong diễn đạt, biểu hiện cảm xúc).
…………………………………………………………………………….Hết……………………………………………………….
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn
Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12