Bài làm.
Đất nước của chúng ta đang tiến theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy rất cần có những người tài. Học sinh chúng ta cũng như tất cả những người dân Việt càng ngày phải có nhiều hiểu biết, trình độ cao để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Vì vậy học là điều rất cần thiết với chúng ta để nâng cao trình độ, kĩ năng đáp ứng cho cuộc sống sau này. Lê-nin có câu nói rất nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi”.
Vậy học là gì? Học là một quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích lũy kiến thức và rèn luyện kĩ năng cho mình để tăng thêm hiểu biết, trình độ khoa học, kĩ thuật về mọi mặt, giúp chúng ta tăng thêm khả năng hiểu biết của mình. Học ở đây không phải chỉ đến trường mới học, mà ngay từ nhỏ, khi ta còn sống trong vòng tay chăm sóc của gia đình chưa được đến trường, cha mẹ đã dạy ta học nói, học đi, học ăn, học cư xử trong đời sống thông thường. Khi được đến trường, chúng ta được học kiến thức khoa học và xã hội, học một cách toàn diện cả tài cả đức theo chương trình của nhà trường dưới sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô giáo. Ngoài ra, chúng ta còn có thể học hỏi thêm ở bạn nếu không hiểu, học những cái hay của bạn để bổ sung cho cho thiếu sót của mình và học ở mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta còn có thể học hỏi, tìm hiểu thêm trên sách, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, học những người lao động xung quanh mình, trong cộng đồng của mình. Bên cạnh đó ta cần phải chú ý việc học toàn diện, không học lệch, học lí thuyết đối với thực hành, vận dụng vào đời sống để nắm chắc bài học hơn. Còn “học nữa” là học hết trình độ này lại đến trình độ khác, từ dễ đến khó. Những con người ham học thì họ không bao giờ thỏa mãn với chính mình mà luôn chăm chỉ học suốt cuộc đời của mình nhằm nâng cao trình độ hiểu biết. Cũng giống như hôm nay chúng ta học xong vấn đề này thì không nên dừng lại là ngày mai lại chuyển sang kiến thức khác mới hơn, hay hơn. Cũng giống như học hết lớp 12, ta học tiếp lên đại học, cao học và hơn nữa... Mỗi lần nâng một mức học như thế, con người sẽ trưởng thành và được trang bị đầy đủ, toàn diện đáp ứng mọi yêu cầu của xã hội, sau này sẽ tự nuôi sống được bản thân mình, giúp đỡ gia đình và đóng góp cho xã hội. Nhất là khi chúng ta còn trẻ, có sức khỏe, trí nhớ tốt thì phải chăm chỉ học tập. Còn “học mãi” là học liên tục, không ngừng nghỉ suốt cuộc đời, luôn nâng cao vốn hiểu biết của mình về mọi mặt. Đó là những người ham học, lúc nào cũng cảm thấy mình còn chưa đủ hiểu biết, luôn đòi hỏi phải nâng cao trí tuệ, nâng cao hiệu suất làm việc. Tuy đã qua tuổi học, họ đã già, đầu óc không còn được minh mẫn như trước nữa nhưng họ vẫn tiếp tục vừa tham gia công tác, vừa học, vừa làm việc và rút ra những kinh nghiệm quý báu cũng là học. Như vậy, học là vộ tận, học ở mọi lúc, mọi nơi, mọi điều, nó giúp cho con người chúng ta hiểu biết sâu rộng hơn, nâng cao năng suất công việc. Trong lời dạy của Lê-nin có ba vế ngắt làm ba nhịp kết hợp với các từ “nữa”, “mãi”, điệp từ “học” được nhắc lại ba lần. Lời nói của Lê-nin rất đúng với thực tế, chí nghĩa, chí tình. Những con người thực hiện đúng lời dạy của Lê-nin thường là những người tài giỏi, nổi. tiếng, có sự nghiệp rạng rỡ và hết lòng cống hiến cho dân, cho nước.
Vậy vì sao chúng ta phải hiểu như vậy? Trước hết đó là vì chính bản thân chúng ta. Nếu không đi học chúng ta sẽ không có nhiều tri thức, hiểu biết để vận dụng vào cuộc sống sau này. Kết quả công việc sẽ không tốt em như mong đợi. Có học chúng ta mới có được việc làm tốt để nuôi sống bản thân mình, giúp đỡ gia đình, xây dựng đất nước giàu đẹp, hạnh phúc hơn Bác Hồ đã từng dạy: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần công lao học tập của các cháu”. Đúng như vậy, nếu con cháu chúng ta chăm chỉ học tập, rèn luyện thì đó sẽ là những nhân tố tích cực xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, đất nước ta sẽ không thua kém gì các nước khác trên thế giới. Một đất nước no ấm, hạnh phúc thì mỗi gia đình, bản thân chúng ta sẽ được sống đầy đủ, hạnh phúc hơn. Vả lại, kiến thức của loài người là một kho tàng khổng lồ, thế giới càng ngày càng phát triển, mỗi ngày đều có thêm nhiều sáng tạo, tìm tòi, phát minh hơn. Xã hội này càng phát triển, khoa học kĩ thuật càng tiến lên, sự đòi hỏi của xã hội ngày càng tăng, ta không học, không thể làm việc được, không theo kịp bước tiến của thời đại. Đến lúc đó, chúng ta sẽ trở thành những người lạc hậu trước xã hội, cộng đồng. Hơn thế nữa, liệu học là một truyền thống tốt đẹp mà từ bao đời nay, ông cha chúng ta đã truyền lại cho con cháu. Không chăm chỉ học tập sẽ đi ngược với truyền thống, đạo lí tốt đẹp đó. Việc học trở thành một vấn đề rất cần thiết, cấp bách với chúng ta nên ta cần chăm chỉ học tập cho tốt.
Ngày xưa, ông cha ta rất coi trọng việc học nên thường răn dạy con cháu phải học tập cho tốt. Trong xã hội xưa có Mạc Đĩnh Chi là con nhà nghèo, đêm đen vì không có đèn học nên ông đã phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để học. Hay là nhân vật Trạng Nồi cũng là một chàng thư sinh nghèo khó, không có tiền mua gạo nấu cơm, nên mỗi lần học xong, chàng thường sang bên hàng xóm mượn nồi cơm, vét những hột cơm còn sót lại để ăn. Sau này, trạng Nồi đã thi đỗ Trạng nguyên và vẫn không quên công ơn tốt bụng của người hàng xóm đó.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ có rất nhiều các bạn nhỏ phải lặn lội trong mưa bom bão đạn của giặc để đến trường. Cuộc sống tuy có khó khăn, gian khổ nhưng họ vẫn chăm chỉ học tập. Không ít những người trong họ đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ góp phần xây dựng đất nước, xã hội ngày một giàu đẹp, văn minh và hiện đang nắm trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước ta.
Trong thời đại ngày nay, xã hội ta cũng xuất hiện nhiều tấm gương sáng về lòng ham học. Những bạn nhỏ ở vùng sâu vùng xa phải trèo đèo, lội suối qua những quãng đường dài để đến học ở những lớp học nghèo nàn, đơn sơ dựng tạm. Ấy vậy mà trong số họ xuất hiện bao bạn nhỏ là học sinh giỏi vượt khó, không thua kém bất kì bạn học sinh nào. Hay như những bạn nhỏ vừa học vừa làm thêm để lấy tiền nuôi sống bản thân, chi phí cho việc học. Họ đều là những con người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhưng học tập vẫn chăm chỉ, cần mẫn, có những thành tích cao, tốt đẹp.
Trong văn học phải kể đến nhân vật Mã Lương ở truyện Cây bút thần - một tấm gương về lòng ham học và học thành tài. Vậy học tập góp phần rất quan trọng tới công việc, tương lai sau này của chúng ta nên cần phải học tập thật tốt.
Vậy muốn thực hiện lời dạy của Lê-nin ta phải làm gì? Chúng ta phải tự tìm lấy những cái thích thú, say mê trong học tập và phải luôn sáng tạo trong việc học của mình để học tốt hơn. Bên cạnh đó, để học tốt, chúng ta còn rất cần đến nghị lực, quyết tâm học tập. Trong giờ học, ta cần phải chăm chỉ lắng nghe lời giảng của thầy giáo, nắm chắc bài học, học thêm ở bạn bè, lắng nghe thông tin đại chúng, sách báo. Ngoài ra chúng ta cần học tập trong cuộc sống, tìm tòi, sáng tạo thêm để học cho tốt. Học phải đi đôi với thực hành, học toàn diện.
Câu nói trên của Lê-nin đã khuyên chúng ta phải học tập thật nhiều, không được ngừng nghỉ để rồi sẽ phục vụ cho công việc sau này của mình. Học là rất quan trọng, vì nhờ có học, có kiến thức mới giúp chúng ta làm được việc, nuôi sống bản thân, gia đình và xây dựng đất nước. Bản thân ta sẽ luôn cố gắng để học tập thật tốt để góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh. Hãy đừng bao giờ quên lời dạy của Lê-nin “Học, học nữa, học mãi!”.