BÀI 23: Hướng động

Khái niệm về cảm ứng ở thực vật

-        Cảm ứng là khả năng của thực vật phản ứng đối với sự kích thích của môi trường.

-        Cơ quan tham gia phản ứng có thể là cuống lá, thân… Có thể hướng tới hoặc tránh xa kích thích. Kích thích có thể là ánh sáng, hoá chất…

I.      KHÁI NIỆM HƯỚNG ĐỘNG

-        Hướng động là hình thức phản ứng của cơ quan thực vật đối với tác nhân kích thích từ một hướng xác định.

-        Hướng động dương là sinh trưởng hướng tới nguồn kích thích.

-        Hướng động âm là sự sinh trưởng theo hướng tránh xa kích thích.

II.    CÁC KIỂU HƯỚNG ĐỘNG

1.     Hướng sáng

-        Tính hướng sáng của thân là sự sinh trưởng của thân, cành hướng về phía nguồn sáng Hướng sáng dương. Rễ cây uốn cong theo hướng ngược lại  Hướng sáng âm.

-        Do phía tối nồng độ auxin cao hơn nên đã kích thích các tế bào sinh trưởng dài ra nhanh hơn làm cho cơ quan uốn cong về phía kích thích

-        Rễ cây mẫn cảm với auxin hơn thân cây vì vậy khi nồng độ auxin phía tối cao hơn gây ức chế sự sinh trưởng kéo dài tế bào làm cho rễ uốn cong xuống đất.

2.     Hướng trọng lực : (Hướng đất)

-        Hướng trọng lực là phản ứng của cây đối với trọng lực.

-        Đỉnh rễ hướng trọng lực dương, đỉnh thân hướng trọng lực âm

3.     Hướng hóa 

-        Hướng hóa là phản ứng sinh trưởng của cây đối với các hợp chất hóa học.

-        Tác nhân kích thích gây hướng hóa có thể là axit, kiềm, muối khoáng…

-        Hướng hóa được phát hiện ở rễ, ống phấn, lông tuyến cây gọng vó….

-        Hướng hóa dương là khi cơ quan của cây sinh trưởng hướng tới nguồn hóa chất.

 Hướng hóa âm khi phản ứng sinh trưởng của cây tránh xa hóa chất.

 

4.     Hướng nước

-        Hướng nước là sự sinh trưởng của rễ cây hướng tới nguồn nước

-        Hướng hóa và hướng nước có vai trò giúp rễ thực vật hướng tới nguồn nước và phân bón trong đất

5.     Hướng tiếp xúc:

-        Hướng tiếp xúc là phản ứng sinh trưởng đối với sự tiếp xúc.

-        Do phía kích thích (tiếp xúc) nồng độ au-xin thấp, tế bào sinh trưởng kéo dài chậm vì vậy cây uốn cong theo cọc rào.

III.  VAI TRÒ HƯỚNG ĐỘNG TRONG ĐỜI SỐNG THỰC VẬT:

-        Hướng động có vai trò giúp cây thích nghi đối với sự biến đổi của môi trường để tồn tại và phát triển.

Ví dụ: cây ở bên cửa sổ luôn vươn ra ánh sáng để nhận ánh sáng.

 

 

 

PHẦN II - HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI

 

Câu 1.    Cảm ứng của thực vật là gì?

TRẢ LỜI:

-        Cảm ứng là khả năng của thực vật phản ứng đối với sự kích thích của môi trường.

-        Cơ quan tham gia phản ứng có thể là cuống lá, thân… Có thể hướng tới hoặc tránh xa kích thích. Kích thích có thể là ánh sáng, hoá chất…

Câu 2.    Auxin có vai trò gì trong hướng động của cây?

TRẢ LỜI:

-        Hướng đất: Hai mặt của rễ có auxin phân bố không đều. Mặt dưới tập trung nhiều auxin làm kìm hãm tăng trưởng. Mặt trên có lượng auxin thích hợp cần cho sự phân chia lớn lên và kéo dài tế bào làm rễ cong xuống

-        Hướng sáng: Auxin vận chuyển chủ động về phía ít ánh sáng ngược với hướng đất, lượng auxin nhiều kích thích sự kéo dài của tế bào, làm cây uốn cong về phía sáng.

Câu 3.    Các tua cuốn quấn quanh của mướp, bầu bí các loại là kiểu hướng động gì? Kiểu hướng động này có ý nghĩa gì đối với đời sống thực vật?

TRẢ LỜI:

-        Các dạng tua cuốn của mướp, bầu, bí thuộc loại hướng động tiếp xúc

-        Hướng động tiếp xúc giúp các loài dây leo bám vào giá thể và vươn lên trên, hướng đến nguồn ánh sáng

-        Các dây leo sống trong các khu rừng rậm, sống trên các cành cây chủ cũng nhờ cơ chế này để bám trụ và vươn đến nguồn sáng phía trên.

Câu 4.    Hãy kể ra những tác nhân gây ra hướng hóa ở thực vật?

TRẢ LỜI:

-        Các hoá chất có thể là kiềm, axit, các muối khoáng, các chất hữu cơ, hoocmôn, các chất dẫn dụ, nước, phân bón…

-        Những loại hoá chất cần thiết cho cơ thể thực vật thì thực vật sẽ thể hiện hướng hoá dương.

-        Những loại hoá chất là tác nhân gây hại cho thực vật thì thực vật có xu hướng tránh xa, thể hiện hướng hoá âm.

Câu 5.    Thế nào là hướng động ở thực vật? Hướng động dương và hướng động âm?

TRẢ LỜI:

-        Hướng động (vận động định hướng) là hình thức phản ứng của cơ quan thực vật trước tác nhân kích thích theo một hướng xác định .

-        Hướng động dương: vận động về phía tác nhân kích thích.

-        Hướng động âm : vận động tránh xa các tác nhân kích thích.

Câu 6.    Khi hạt nảy mầm, rễ hướng xuống đất, phần thân hướng lên trên. Hãy giải thích vì sao?

TRẢ LỜI:

-        Thân cây vươn về phía trên : ở thân, auxin tập trung nhiều ở phía tối kích thích sinh trưởng của tế bào làm cho tế bào giãn dài ra gây uốn cong ở thân non hướng về phía ánh sáng.

-        Rễ cây cong xuống: Mặt dưới rễ có lượng auxin nhiều gây ức chế sự sinh trưởng (ngược lại với thế bào thân và ngọn cây). Mặt trên rễ lượng auxin phù hợp kích thích sự phân chia lớn lên và kéo dài tế bào làm rễ cong xuống đất

Câu 7.    Nêu vai trò của hướng trọng lực trong đời sống của cây?

TRẢ LỜI:

-        Rễ cây hướng trọng lực âm, đâm sâu xuống đất giúp cây đứng vững

-        Các hệ thống rễ phụ hướng xuống và lan toả trong lòng đất hướng đến nguồn nước và phân bón để hút nước và các ion khoáng cung cấp cho cây.

Câu 8.    Giải thích sự khác biệt về cơ chế hướng sáng dương của thân và hướng sáng âm của rễ?

TRẢ LỜI:

-        Nguyên nhân sự khác biệt là do tính nhạy cảm khác nhau của tế bào thần và tế bào rễ đối với auxin. Tế bào rễ có độ mẫn cảm auxin cao hơn tế bào thân, nồng độ auxin kích thích đối với tế bào thân thì ức chế đối với tế bào rễ. Phía không kích thích (phía tối trong hướng sáng và phía dưới của rễ) bị auxin ức chế làm sinh trưởng chậm nên rễ và thân uốn cong theo hai hướng khác nhau.

Câu 9.    Bấm ngọn thân chính có ảnh hưởng như thế nào tới sinh trưởng và phát triển của cây? Giải thích tại sao?

TRẢ LỜI:

-       Tạo điều kiện cho các chồi bên sinh trưởng mạnh

-       Tán cây phát triển về bề rộng (hoặc cây ra nhiều hoa)

 

Vì: Bấm ngọn đã hạn chế tác dụng ưu thế đỉnh của auxin => các chồi bên phát triển mạnh.

 

BÀI TẬP TỰ LUYỆN

Câu 1. Đặc điểm cảm ứng ở thực vật là xảy ra

A. nhanh, dễ nhận thấy     B. chậm, khó nhận thấy

C. nhanh, khó nhận thấy     D. chậm, dễ nhận thấy

Câu 2. Hướng động là hình thức phản ứng của cơ quan thực vật đối với

A. tác nhân kích thích từ một hướng

B. sự phân giải sắc tố

C. đóng khí khổng

D. sự thay đổi hàm lượng axit nuclêic

Câu 3. Sự uốn cong ở cây là do sự sinh trưởng

A. không đều của hai phía cơ quan, trong đó các tế bào tại phái không được tiếp xúc sinh trưởng nhanh hơn làm cho cơ quan uốn cong về phía tiếp xúc

B. đều của hai phía cơ quan, trong đó các tế bào tại phía không được tiếp xúc sinh trưởng nhanh hơn làm cho cơ quan uốn cong về phía tiếp xúc

C. không đều của hai phía cơ quan, trong đó các tế bào tại phía được tiếp xúc sinh trưởng nhanh hơn làm cho cơ quan uốn cong về phía tiếp xúc

D. không đều của hai phía cơ quan, trong đó các tế bào tại phía không được tiếp xúc sinh trưởng chậm hơn làm cho cơ quan uốn cong về phía tiếp xúc

Câu 4. Hai kiểu hướng động chính là

A. hướng động dương (sinh trưởng hướng về phía có ánh sáng) và hương động âm (sinh trưởng về trọng lực)

B. hướng động dương (sinh trưởng tránh xa nguồn kích thích) và hương động âm (sinh trưởng hướng tới nguồn kích thích)

C. hướng động dương (sinh trưởng hướng tới nguồn kích thích) và hương động âm (sinh trưởng tránh xa nguồn kích thích)

D. hướng động dương (sinh trưởng hướng tới nước) và hương động âm (sinh trưởng hướng tới đất)

Câu 5. Khi không có ánh sáng, cây non

A. mọc vống lên và lá có màu vàng úa

B. mọc bình thường nhưng lá có màu đỏ

C. mọc vống lên và lá có màu xanh

D. mọc bình thường và lá có màu vàng úa

Câu 6. Thân và rễ của cây có kiểu hướng động nào dưới đây?

A. thân hướng sáng dương và hướng trọng lực âm, còn rễ hướng sáng dương và hướng trọng lực dương

B. thân hướng sáng dương và hướng trọng lực âm, còn rễ hướng sáng âm và hướng trọng lực dương

C. thân hướng sáng âm và hướng trọng lực dương, còn rễ hướng sáng dương và hướng trọng lực âm

D. thân hướng sáng dương và hướng trọng lực dương, còn rễ hướng sáng âm và hướng trọng lực dương

Câu 7. Khi làm thí nghiệm về sự sinh trưởng của cây trong các điều kiện chiếu sáng khác nhau, người ta thu được kết quả như ở hình dưới đây

 

Kết luận đúng về vavs cây ở chậu a, b, c lần lượt là

A. cây được chiếu sáng từ một phía ; cây mọc trong tối hoàn toàn; cây được chiếu sáng từ mọi phía

B. cây mọc trong tối hoàn toàn ; cây được chiếu sáng từ một phía ; cây được chiếu sáng từ mọi phía

C. cây được chiếu sáng từ một phía ; cây được chiếu sáng ít hơn 10 giờ mỗi ngày ; cây được chiếu sáng từ mọi phía

D. cây được chiếu sáng từ một phía ; cây được chiếu sáng từ mọi phía ; cây mọc trong tối hoàn toàn

Câu 8. Dưới đây là hình ảnh mô tả cơ chế chung của các kiểu hướng động. Hãy cho biết 1, 2, 3, 4 liên quan đến sự biến đổi của hoocmôn nào và nồng độ biến đổi như thế nào?

A. hoocmôn auxin. 1 – cao ; 2 – thấp ; 3 – thấp ; 4 – cao

B. hoocmôn auxin. 1 – thấp ; 2 – cao ; 3 – cao ; 4 – thấp

C. hoocmôn auxin. 1 – thấp ; 2 – cao ; 3 – thấp ; 4 – cao

D. hoocmôn auxin. 1 – cao ; 2 – thấp ; 3 – cao ; 4 – thấp

Câu 9. hãy sắp xếp các hình a, b, c, d tương ứng với các kiểu hướng động sau:

 

(1) hướng trọng lực dương

(2) hướng sáng

(3) hướng trọng lực âm

(4) hướng tiếp xúc

Phương án trả lời đúng là

A. a – 1 ; b – 3 ; c – 2 ; d – 4

B. a – 2 ; b – 1 ; c – 3 ; d – 4

C. a – 1 ; b – 2 ; c – 3 ; d – 4

D. a – 2 ; b – 3 ; c – 1 ; d – 4

Câu 10. Nười ta bố trí thí nghiệm về phản ứng sinh trưởng của cây với trọng lực như hình dưới đây

Kết luận đúng với các thí nghiệm trên là:

A. a và b là các thí nghiệm đối chứng, c và d là các thí nghiệm tác động của trọng lực lên thân và rễ ; 1- thân và rễ tiếp tục mọc theo hướng nằm ngang, 2 – hướng trọng lực âm, 3 – hướng trọng lực dương

B. a và b là các thí nghiệm tác động của trọng lực lên thân và rễ, c và d là các thí nghiệm đối chứng. 1 – thân và rễ tiếp tục mọc theo hướng nằm ngang, 2- hướng trọng lực âm, 3 – hướng trọng lực dương

C. a và b là các thí nghiệm đối chứng, c và d là các thí nghiệm tác động của trọng lực lên thân và rễ. 1 – thân và rễ tiếp tục mọc theo hướng nằm ngang, 2 – hướng trọng lực dương, 3 – hướng trọng lực âm

D. a và b là các thí nghiệm đối chứng, c và d là các thí nghiệm tác động của trọng lực lên thân và rễ. 1 – thân và rễ tiếp sẽ mọc cong xuống đất, 2 – hướng trọng lực âm, 3 – hướng trọng lực dương

Câu 11. Trong cây, bộ phận có nhiều kiểu hướng động là

A. hoa        B. thân        C. rễ         D. lá

Đáp án

Câu

1

2

3

4

5

6

Đáp án

B

A

A

C

A

B

Câu

7

8

9

10

11

 

Đáp án

A

A

C

A


 

 

 

Bài viết gợi ý: