Lý thuyết Sinh11 - Loga.vn: Bài 32:

Tập Tính Của Động Vật (Tiếp Theo)

I. Một Số Hình Thức Học Tập Ở Động Vật

          Nhiều tập tính của động vật hình thành và biến đổi được là do học tập. Có nhiều hình thức học tập khác nhau. Dưới đây là một số hình thức (kiểu) học tập chủ yếu của động vật.

 1.  Quen nhờn

          - Là động vật không trả lời những kích thích lặp đi lặp lại nhiều lần nếu kích thích đó không kèm theo điều kiện gì.

          - Ví dụ: Khi thấy bóng đen của diều hâu từ trên cao lao xuống thì gà con sẽ chạy trốn, nhưng nếu bóng đen cứ xuất hiện nhiều lần mà không thấy diều hâu lao xuống thì gà con sẽ không trốn nữa.

Hình 1. Gà con thấy bóng diều hâu đàn gà con vội núp vào gà mẹ.

          - Ví dụ: Ta đánh kẻng và cho cá ăn, nhiều lần sẽ tập được cho cá tập tính mỗi lần nghe kẻng sẽ ngoi lên chờ thức ăn. Nhưng nếu sau đó ta cứ đánh kẻng mà không cho ăn, dần dần nghe kẻng cá sẽ không ngoi lên nữa.

Hình 2. Gõ kẻng cho cá bay lên mặt nước đớp thức ăn.

 2. In vết

          - Là hiện tượng con non mới sinh đi theo những vật đầu tiên mà chúng nhìn thấy, thường là con bố mẹ.

          - Ví dụ: Gà con mới nở đi theo đồ chơi hoặc vịt con mới nở đi theo gà mẹ.

Hình 3. Vịt con mới nở đi theo gà.

 3. Điều kiện hoá

  3.1 Điều kiện hóa đáp ứng (kiểu Paplôp)

          - Do sự hình thành các mối liên kết mới giữa các trung tâm hoạt động trong trung ương thần kinh dưới tác động của các kích thích kết hợp đồng thời.

          - Ví dụ: Paplôp làm thí nghiệm vừa đánh chuông vừa cho chó ăn. Sau vài chục lần phối hợp tiếng chuông và thức ăn, chỉ cấu nghe tiếng chuông là chó đã tiết nước bọt. Sở dĩ như vậy là do trung ương thần kinh đã hình thành mối liên hệ thần kinh mới dưới tác động của hai kích thích đồng thời.

Hình 4. Thí nghiệm của Paplop.

  3.2 Điều kiện hóa hành động (kiểu Skinnơ)

          - Đây là kiểu liên kết một hành vi của động vật với một điều kiện nào đó, sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi đó.

          - Ví dụ: B.F.Skinnơ thả chuột vào lồng thí nghiệm. Trong lồng có một cái bàn đạp gắn với thức ăn. Khi chuột chạy trong lồng và vô tình đạp phải bàn đạp thì thức ăn rơi ra. Sau một số lần ngẫu nhiên đạp phải bàn đạp và có thức ăn, mỗi khi đói bụng, chuột chủ động chạy tới nhấn bàn đạp để lấy thức ăn.

Hình 5. Thí nghiệm của Skinnơ.

 4. Học ngầm

          - Là kiểu học không có ý thức, không biết rõ là mình đã học được.

          - Ví dụ: Chó hoặc trâu được nuôi ở nhà, khi dắt thả nó ở một nơi khác cách xa nhà nó vẫn có thể nhớ đường để quay về nhà.

Hình 6. Chó giúp xách đồ và tự tìm đường về nhà.

 5. Học khôn

          - Là kiểu phối hợp các kinh nghiệm cũ để giải quyết những tình huống mới. Học khôn có ở động vật có hệ thần kinh rất phát triển.

          - Ví dụ: Tinh tinh biết dùng gậy để bắt cá.

Hình 7. Tinh tinh biết dùng gậy để bắt cá.

V. Một Số Dạng Tập Tính Phổ Biến Ở Động Vật

          Tập tính ở động vật rất đa dạng và phong phú. Có thể chia tập tính động vật thành các dạng sau:

 1. Tập tính kiếm ăn

          - Tác nhân kích thích: Hình ảnh, âm thanh, mùi phát ra từ con mồi.

          - Chủ yếu là tập tính học được. Động vật có hệ thần kinh càng phát triển thì tập tính càng phức tạp.

          - Gồm các hoạt động : rình mồi, vồ mồi, bỏ chạy hoặc lẩn trốn.

          -  Ví dụ : Hải li đắp đập để bắt cá.

Hình 8. Hải li đắp đập để bắt cá.

 2. Tập tính bảo vệ lãnh thổ

          - Các loài động vật dùng mùi hoặc nước tiểu, phân của mình để đánh dấu lãnh thổ. Chúng có thể chiến đấu quyết liệt khi có đối tượng xâm nhập vào lãnh thổ của mình.

          - Ví dụ : Cầy hương dùng mùi của tuyến thơm để đánh dấu; chó, mèo, hổ,.. đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu.

Hình 9. Sói đánh dấu lãnh thổ bằng mùi (trái) và hổ đực chiến đấu bảo vệ lãnh thổ của mình (phải).

          - Bảo vệ nguồn thức ăn, nơi ở và sinh sản.

 3. Tập tính sinh sản

          - Mang tính bản năng là tập tính bẩm sinh.

          - Tác nhân kích thích: Môi trường ngoài (thời tiết, âm thanh, ánh sáng, hay mùi do con vật khác giới tiết ra..) và môi trường trong (hoocmôn sinh dục).

          - Ve vãn, tranh giành con cái, giao phối, chăm sóc con non.

          - Tạo ra thế hệ sau, duy trì sự tồn tại của loài.

          - Ví dụ : Chim trống tạo ra chiếc tổ đẹp để thu hút sự chú ý của chim mái.

Hình 10. Chim trống tạo ra chiếc tổ đẹp để thu hút sự chú ý của chim mái.

 4. Tập tính di cư

          - Thay đổi nơi sống theo mùa.

          - Động vật di chuyển quãng đường dài một chiều hoặc hai chiều.

          - Định hướng nhờ vị trí mặt trăng, mặt trời, các vì sao, địa hình, từ trường.

          - Tránh điều kiện môi trường không thuận lợi.

          - Ví dụ : Chim di cư, cá hồi vượt đại dương để sinh sản.

Hình 11. Đàn chim di cứ về phương nam tránh rét.

Hình 12. Đàn cá hồi vượt thác vào sông để đẻ trứng.

 5. Tập tính xã hội

          - Là tập tính bầy đàn:

           + Tập tính thứ bậc: Con đầu đàn nhiệm vụ bảo vệ đàn và ưu tiên về thức ăn và con cái trong mùa sinh sản.

           + Tập tính vị tha: Hi sinh quyền lợi, tính mạng bản thân cho lợi ích của bầy đàn.

          - Ví dụ: Ong, kiến, mối, linh dương sống thành đàn lớn. Ong thợ lao động và bỏ vệ ong chúa; Kiến lính bảo vệ kiến chúa và tổ.

Hình 13. Ong thợ bảo vệ ong chúa (trái) và đàn kiến lính bảo vệ tổ (phải).

VI. Ứng Dụng Những Hiểu Biết Về Tập Tính Vào Đời Sống Và Sản Xuất

          - Nhờ những hiểu biết về tập tính ở động vật, con người đã ứng dụng vào trong đời sống và sản xuất.

           + Dạy Hổ, chó, voi, cánh cụt,… làm xiếc.

           + Dạy chó giữ nhà.

           + Làm bù nhìn trên ruộng để đuổi chim chóc phá hoại màu màng.

          - Một số tập tính chỉ có ở người như giữ gìn vệ sinh môi trường, tập thể dục buổi sáng…

Bài Tập Lý Thuyết

 A. Mức độ thông hiểu

Câu 1: Điều kiện hóa đáp ứng là hình thành mối quan hệ mới trong thần kinh trung ương dưới tác động của các kích thích:

A. Đồng thời.

B. Liên tiếp nhau.

C. Trước và sau.

D. Rời rạc.

 * Hướng dẫn giải:

 - Điều kiện hóa đáp ứng là hình thành mối quan hệ mới trong thần kinh trung ương dưới tác động của các kích thích đồng thời.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 2: Tập tính bảo vệ lãnh thổ diễn ra giữa:

A. Những cá thể cùng loài.

B. Những cá thể khác loài.

C. Những cá thể cùng lứa trong loài.

D. Con với bố mẹ.

 * Hướng dẫn giải:

 - Tập tính bảo vệ lãnh thổ diễn ra giữa những cá thể cùng loài.

 Nên ta chọn đáp án A.

Câu 3: Học ngầm là kiểu học không có ý thức, sau đó những điều đã học:

A. Không được dùng đến nên động vật sẽ quên đi.

B. Lại được củng cố bằng các hoạt động có ý thức.

C. Được tái hiện giúp động vật giải quyết được những tình huống tương tự.

D. Được tái hiện giúp động vật giải quyết được những tình huống khác lạ.

 * Hướng dẫn giải:

 - Học ngầm là kiểu học không có ý thức, sau đó những điều đã học được tái hiện giúp động vật giải quyết được những tình huống tương tự.

 Nên ta chọn đáp án C.

Câu 4: In vết là hình thức học tập mà con vật mới sinh ra:

A. Bám theo vật thể tĩnh mà nó nhìn thấy đầu tiên, hiệu quả in vết giảm dần trong những ngày sau.

B. Bám theo vật thể chuyển động mà nó nhìn thấy đầu tiên, hiệu quả in vết giảm dần trong những ngày sau.

C. Bám theo vật thể chuyển động mà nó nhìn thấy, hiệu quả in vết tăng dần trong những ngày sau.

D. Bám theo vật thể chuyển động mà nó nhìn thấy đầu tiên, hiệu quả in vết tăng dần trong những ngày sau.

  * Hướng dẫn giải:

 - Bám theo vật thể chuyển động mà nó nhìn thấy đầu tiên, hiệu quả in vết giảm dần trong những ngày sau.

 Nên ta chọn đáp án B.

Câu 5: Tập tính phản ánh mối quan hệ cùng loài mang tính tổ chức cao là tập tính:

A. Sinh sản.

B. Xã hội.

C. Di cư.

D. Bảo vệ lãnh thổ.

 * Hướng dẫn giải:

 - Tập tính phản ánh mối quan hệ cùng loài mang tính tổ chức cao là tập tính xã hội.

 Nên ta chọn đáp án B.

Câu 6: Tập tính quen nhờ là tập tính động vật không trả lời khi kích thích:

A. Không liên tục và không gây nguy hiểm gì.

B. Ngắn gọn và không gây nguy hiểm gì.

C. Lặp đi lặp lại nhiều lần và không gây nguy hiểm gì.

D. Giảm dần cường độ và không gây nguy hiểm gì.

 * Hướng dẫn giải:

 - Tập tính quen nhờ là tập tính động vật không trả lời khi kích thích lặp đi lặp lại nhiều lần và không gây nguy hiểm gì.

 Nên ta chọn đáp án C.

Câu 7: Điều kiện hóa hành động là kiểu liên kết giữa:

A. Các hành vi của động vật và các kích thích, sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi này.

B. Một hành vi của động vật với một phần thưởng, sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi này.

C. Một hành vi của động vật và một kích thích, sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi này.

D. Hai hành vi của động vật với nhau, sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi này.

  * Hướng dẫn giải:

  - Điều kiện hóa hành động là kiểu liên kết giữa một hành vi của động vật với một phần thưởng, sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi này.

 Nên ta chọn đáp án B.

Câu 8: Học khôn là:

A. Kiểu học phối hợp các kinh nghiệm cũ để tìm cách giải quyết những tình huống tương tự.

B. Phối hợp các kinh nghiệm cũ và những hiểu biết mới để tìm cách giải quyết những tình huống mới.

C. Từ các kinh nghiệm cũ sẽ tìm cách giải quyết những tình huống tương tự.

D. Tiểu học phối hợp các kinh nghiệm cũ để tim cách giải quyết những tình huống mới.

 * Hướng dẫn giải:

 - Học khôn là kiểu học phối hợp các kinh nghiệm cũ để tim cách giải quyết những tình huống mới.

 Nên ta chọn đáp án D.

Câu 9: Ở động vật có hệ thần kinh chưa phát triển, tập tính kiếm ăn:

A. Một số ít là tập tính bẩm sinh.

B. Phần lớn là tập tính học được.

C. Phần lớn là tập tính bẩm sinh.

D. Là tập tính học được.

  * Hướng dẫn giải:

 - Ở động vật có hệ thần kinh chưa phát triển, tập tính kiếm ăn phần lớn là tập tính bẩm sinh.

 Nên ta chọn đáp án C.

Câu 10: Những nhận biết về môi trường xung quanh giúp động vật hoang dã nhanh chóng tìm được thức ăn và tránh thú săn mồi là kiểu học tập:

A. In vết.

B. quen nhờn.

C. học ngầm.

D. điều kiện hóa.

 * Hướng dẫn giải:

 - Những nhận biết về môi trường xung quanh giúp động vật hoang dã nhanh chóng tìm được thức ăn và tránh thú săn mồi là kiểu học ngầm.

 Nên ta chọn đáp án C.

 B. Bài tập tự luyện

Câu 1: Ở động vật có hệ thần kinh phát triển, tập tính kiếm ăn:

A. Phần lớn là tập tính bẩm sinh.

B. Phần lớn là tập tính học được.

C. Một số ít là tập tính bẩm sinh.

D. Là tập tính học được.

Câu 2: Tinh tinh xếp các hòm gỗ chồng lên nhau để lấy chuối trên cao là kiều học tập:

A. In vết.

B. Học khôn.

C. Học ngầm.

D. Điều kiện hóa.

Câu 3: Nếu thả một hòn đá nhỏ bên cạnh con rùa, rùa sẽ rụt đầu và chân vào mai. Lặp lại hành động đó nhiều lần thì rùa sẽ không rụt đầu và chân vào mai nữa. Đây là ví dụ về hình thức học tập:

A. In vết.

B. Quen nhờn.

C. Học ngầm.

D. Học khôn.

Câu 4: Hươu đực quệt dịch có mùi đặc biệt tiết ra từ tuyến cạnh mắt của nó vào cành cây để thông báo cho các con đực khác là tập tính:

A. Kiếm ăn.

B. Sinh sản.

C. Di cư.

D. Bảo vệ lãnh thổ.

Câu 5: Xác định câu đúng (Đ) sai (S) sau đây:

(1) Kiến lính sẵn sang chiến đấu và hi sinh bản thân để bảo vệ kiến chúa và cả đàn là tập tính vị tha.

(2) Hải li đắp đập ngăn song, suối để bắt cá là tập tính bảo vệ lãnh thổ.

(3) Tinh tinh đực đánh đuổi những con tinh tinh đực lạ khi vào vùng lãnh thổ của nó là tập tính bảo vệ lãnh thổ.

(4) Cò quăm thay đổi nơi sống theo mùa là tập tính kiếm ăn.

(5) Chim én tránh rét vào mùa đông là tập tính di cư.

(6) Chó sói, sư tử sống theo bầy đàn là tập tính xã hội.

(7) Vào mùa sinh sản, hươu đực húc nhau, con thắng trận sẽ giao phối với con cái là tập tính thứ bậc.

Phương án trả lời đúng là:

A. 1Đ, 2S, 3Đ, 4S, 5Đ, 6Đ, 7S.

B. 1Đ, 2S, 3Đ, 4S, 5Đ, 6Đ, 7Đ.

C. 1Đ, 2S, 3Đ, 4S, 5Đ, 6S, 7S.

D. 1Đ, 2S, 3Đ, 4Đ, 5Đ, 6Đ, 7S.

Câu 6: Khi di cư, cá định hướng chủ yếu dựa vào yếu tố nào sau đây:

I. Vị trí mặt trời.

II. Thành phần hóa học của nước.

III. Hướng dòng chảy của nước.

IV. Địa hình.

A. I và II.

B. II và III.

C. III và IV.

D. I và IV.

Câu 7: Một con mèo đang đói, chỉ nghe thấy tiếng bày bát đĩa lách cách, nó đã vội vàng chạy xuống bếp. Đó là hình thức học tập nào:

A. Quen nhờn.

B. Điều kiện hóa đáp ứng.

C. Điều kiện hóa hành động.

D. Học khôn.

Câu 8: Trước khi cho gà ăn, ta tạo tiếng động đặc trưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Về sau khi nghe tiếng động đặc trưng ấy, gà chạy đến. Đây là ví dụ về hình thức học tập:

A. . Điều kiện hóa đáp ứng.

B. Điều kiện hóa hành động.

C. In vết.

D. Học không.

Câu 9: Cho một số dạng tập tính như sau:

I. Hải li đắp đập ngăn sông, suối để bắt cá.

II. Chó sói, sư tử sống theo bầy đàn.

III. Tinh tinh đực đánh đuổi những con tinh tinh đực lạ.

IV. Tinh tinh biết cách xếp các thùng gỗ chồng lên nhau để lấy quả chuối trên cao.

Có bao nhiêu ví dụ trên thuộc dạng tập tính phổ biến ở động vật:

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Câu 10: Nguyên nhân di cư chủ yếu của cá hồi từ biển về thượng nguồn là gì:

A. Liên quan đến sinh sản.

B. Tìm nguồn thức ăn.

C. Do thời tiết thay đổi.

D. Do hướng của dòng chảy.

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Đáp án

B

B

B

D

A

B

A

B

C

A

Bài viết gợi ý: