Lý thuyết Sinh12 - Loga.vn: Bài 33:

Sự Phát Triển Của Sinh Giới Qua Các Đại Địa Chất

I. HOÁ THẠCH VÀ VAI TRÒ CỦA HOÁ THẠCH TRONG NGHIÊN CỨU SỰ PHÁT TRIỂN CỦA SINH GIỚI

 1. Hoá thạch là gì?

Hoá thạch là di tích của các sinh vật để lại trong các lớp đất đá của vỏ trái đất.

 - Hóa thạch thường gặp là: Các sinh vật bằng đá, bộ xương, vỏ đá vôi, xác sinh vật trong hổ phách, trong băng tuyết.

Hình 1. Xác voi mamut con trong băng tuyết.

Hình 2. Xác các côn trùng trong hổ phách.

 - Hóa thạch sống: Là các sinh vật hiện nay rất ít hoặc không biến đổi so với tổ tiên trước đây.

Hình 3. Ốc anh vũ.

 2. Vai trò của các hoá thạch trong nghiên cứu lịch sử phát triển của sinh giới:

  2.1 Ý nghĩa của hóa thạch:

 - Hóa thạch là bằng chứng trực tiếp về lịch sử phát sinh và phát triển của sự sống.

 - Là dẫn liệu quý để nghiên cứu vỏ Trái đất.

  2.2 Phương pháp xác định tuổi của hóa thạch:

 - Phương pháp dùng Uran phóng xạ (Ur235).

 - Dựa vào chu kỳ bán rã của Ur235 là 4,5 tỉ năm.

 - Kết quả: Xác định tuổi của các lớp đất đá và hóa thạch tới hàng triệu năm.

  2.3 Phương pháp dùng Cacbon phóng xạ (C14):

  - Dựa vào chu kì bán rã của C14 là 5730 năm.

 - Kết quả: Xác định được tuổi của các lớp đất đá và hóa thạch lên tới 75000 năm.

 3. Sự phân chia thời gian địa chất:

  3.1 Phương pháp xác định tuổi các lớp đất đá và hóa thạch:

 - Xác định tuổi tương đối: Người ta căn cứ vào thời gian lắng đọng của các lớp trầm tích phủ lên nhau.

Hình 4. Hình thành các lớp trầm tích có chứa các hóa thạch.

 - Xác định tuổi tuyệt đối: Dùng đồng vị phóng xạ.

  + Sử dụng Cacbon 14: Xác định tuổi của hóa thạch có độ tuổi khoảng 75000 năm.

Hình 4. Chu kỳ bán rã của C14 thành C12.

  + Sử dụng Uran 238: Xác định tuổi của hóa thạch có độ tuổi hàng trăm triệu năm hay hàng tỷ năm.

  3.2 Sự phân chia thời gian địa chất:

- Sử dụng các thông tin từ các phương pháp xác định này, đồng thời căn cứ vào các biến cố lớn về địa chất, khí hậu, vào các hóa thạch điển hình, các nhà khoa học đã phân chia lịch sử phát triển của Trái đất thành các đại và các kỉ.

- Ranh giới phân chia giữa các đại và các kỉ phần lớn là dựa vào các sinh vật hóa thạch chứa trong các lớp trầm tích thu được: Lịch sử phát triển sự sống có thể chia thành 5 đại và các kỉ:

 1. Đại Thái Cổ (Vỏ quả đất còn rất cổ sơ).

 2. Đại Nguyên Sinh (Sự sống hình thành bộ mặt nguyên thủy).

 3. Đại Cổ Sinh (Sự sống còn ở trạng thái cổ sơ):

·        Kỉ Cambri.

·        Kỉ Ocđôvic.

·        Kỉ Xilua.

·        Kỉ Đêvôn.

·        Kỉ Than Đá.

·        Kỉ Pecmi.

4. Đại Trung Sinh (Sự sống đã phát triển đến giai đoạn giữa).

·        Kỉ Tam Điệp.

·        Kỉ Jura.

·        Kỉ Phấn Trắng.

5. Đại Tân Sinh (Sự sống đã có bộ mặt giống ngày nay).

·        Kỉ Đệ Tam.

·        Kỉ Đệ Tứ.

II. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA SINH GIỚI QUA CÁC ĐẠI ĐỊA CHẤT

 1. Hiện tượng trôi dạt lục địa:

- Hiện tượng trôi dạt lục địa là hiện tượng các phiến kiến tạo trên lớp vỏ trái đất liên tục di chuyển do lớp dung nham nóng chảy bên dưới chuyển động.

- Những biến đổi về kiến tạo của vỏ trái đất như quá trình tạo núi, trôi dạt lục địa dẫn đến thay đổi rất mạnh điều kiện khí hậu của trái đất, do vậy có thể dẫn đến những đợt đại tuyệt chủng hàng loạt các loài và sau đó là thời điểm bùng nổ sự phát sinh các loài mới.

Hình 5. Hiện tượng trôi dạt lục địa.

 2. Sinh vật trong các đại địa chất. 

  2.1 Đại Thái Cổ (3500 triệu năm):

 - Đặc điểm địa chất, khí hậu: Vỏ trái đất chưa ổn định, hoạt động núi lửa vẫn diễn ra mạnh.

 - Đặc điểm sinh vật: Sự sống đã phát sinh và phát triển từ dạng chưa có tế bào đến dạng đơn bào rồi đa bào, vẫn tập trung ở dưới nước.

Hình 6. Các tế bào đơn bào sơ khai.

 - Sinh vật điển hình: Hóa thạch sinh vật nhân sơ cổ nhất.

  2.2 Đại Nguyên Sinh (2500 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Có nhiều đợt tạo núi lửa lớn làm phân bố lại các lục địa và đại dương.

- Đặc điểm sinh vật: Vi khuẩn và tảo phân bố rộng. Thực vật đơn bào chiếm ưu thế, hình thành gần đầy đủ các ngành động vật không xương sống.

Hình 7. Tảo đơn bào và động vật không xương sống.

- Sinh vật điển hình:

+ Động vật không xương sống thấp ở biển. Tảo.

+ Hóa thạch động vật cổ nhất.

+ Hóa thạch sinh vật nhân thực cổ nhất.

+ Tích lũy ôxi trong khí quyển.

  2.3 Đại Cổ Sinh:

·        Kỉ Cambri (542 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Phân bố lục địa và đại dương khác xa hiện nay. Khí quyển nhiều CO2.

- Đặc điểm sinh vật: Tảo chiếm ưu thế ở biển.

Hình 8. Tảo lục.

- Sinh vật điển hình: Phát sinh các ngành động vật. Phân hóa tảo.

·      Kỉ Ocđôvic (488 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Di chuyển lục địa. Băng hà. Mực nước biển giảm. Khí hậu khô.

- Đặc điểm sinh vật: Tảo biển ngự trị.

- Sinh vật điển hình: Phát sinh thực vật. Tảo biển ngự trị. Tuyệt diệt nhiều sinh vật.

·        Kỉ Silua (444 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Hình thành lục địa. Mực nước biển dâng cao. Khí hậu nóng và ẩm.

- Đặc điểm sinh vật: Cây có mạch và côn trùng chiếm lĩnh trên cạn, xuất hiện cá.

Hình 9. Cây có mạch và bò sát dạng cá.

- Sinh vật điển hình: Cây có mạch và động vật lên cạn.

·       Kỉ Đêvôn (416 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Khí hậu lục địa khô hanh, ven biển ẩm ướt. Hình thành sa mạc.

- Đặc điểm sinh vật: Thực vật di cư lên cạn hàng loạt. Xuất hiện cá giáp có hàm, cá vây chân, lưỡng cư đầu cứng vừa sống dưới nước vừa sống trên cạn.

Hình 10. Hóa thạch cá và lưỡng cư Đêvôn.

- Sinh vật điển hình: Phân hóa cá xương. Phát sinh lưỡng cư, côn trùng.

·        Kỉ Cacbon (360 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Đầu kỉ ẩm nóng, về sau lạnh khô.

- Đặc điểm sinh vật:

+ Quyết khổng lồ phát triển mạnh ở kỉ đầu. Cuối kỉ, quyết bị vùi lấp, xuất hiện dương xỉ có hạt.

+ Sâu bọ phát triển, xuất hiện bò sát, sâu bọ bay.

Hình 11. Quang cảnh rừng cây trong kỉ Cacbon.

- Sinh vật điển hình: Dương xỉ phát triển mạnh. Thực vật có hạt xuất hiện. Lưỡng cư ngự trị. Phát sinh bò sát.

·        Kỉ Pecmi (300 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Các lục địa liên kết với nhau. Băng hà. Khí hậu khô lạnh.

- Đặc điểm sinh vật:

+ Dương xỉ bị tiêu diệt, cây hạt trần xuất hiện thích ứng với khí hậu khô.

     + Bò sát phát triển nhanh, đa số ăn cỏ và một số ăn thịt.

     + Xuất hiện bò sát răng thú có răng phân hóa thành răng cửa, răng nanh và răng hàm.

Hình 12. Sinh cảnh sinh vật biển ở kỉ Pecmi.

- Sinh vật điển hình: Phân hóa bò sát. Phân hóa côn trùng. Tuyệt diệt nhiều động vật biển.

2.4 Đại Trung Sinh:

·        Kỉ Triat (250 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Lục địa chiếm ưu thế. Khí hậu khô.

- Đặc điểm sinh vật:

     + Cây hạt trần phát triển mạnh.

     + Cá xương phát triển, cá sụn thu hẹp.

     + Hình thành các nhóm cao trong bò sát như thằn lằn, rùa, cá sấu.

Hình 13. Bò sát ở kỉ Triat.

- Sinh vật điển hình: Cây hạt trần ngự trị. Phân hóa bò sát. Cá xương phát triển. Phát sinh thú và chim.

·        Kỉ Jura (200 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Hình thành 2 lục địa Bắc và Nam. Biển tiến vào lục địa. Khí hậu ấm áp.

- Đặc điểm sinh vật:

     + Cây hạt trần phát triển mạnh.

     + Bò sát chiếm ưu thế.

     + Xuất hiện các đại diện đầu tiên của lớp chim.

Hình 14. Hình dạng khủng long và bò sát sống dưới nước ở kỉ Jura.

- Sinh vật điển hình: Cây hạt trần ngự trị. Bò sát cổ ngự trị. Phân hóa chim.

·        Kỉ Krêta (145 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Các lục địa bắc liên kết với nhau. Biển thu hẹp. Khí hậu khô.

- Đặc điểm sinh vật:

     + Thực vật hạt kín xuất hiện và nhanh chóng phát triển do có hình thức sinh sản hoàn thiện hơn.

     + Bò sát thống trị.

     + Chim gần giống ngày nay (vẫn còn răng).

     + Xuất hiện thú đẻ con (thú có túi).

Hình 15. Quang cảnh ở kỉ Krêta.

Hình 16. Các loài bò sát và chim ở kỉ Krêta.

- Sinh vật điển hình: Xuất hiện thực vật có hoa. Tiến hóa động vật có vú. Cuối kỉ tuyệt diệt nhiều sinh vật kể cả bò sát cổ.

  2.5 Đại Tân sinh:

·        Kỉ Đệ Tam (65 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Các lục địa gần giống hiện nay. Khí hậu đầu kỉ ấm áp. Cuối kỉ lạnh.

- Đặc điểm sinh vật:

     + Khí hậu ôn hòa và ấm. Cây hạt kín phát triển mạnh kéo theo sự phát triển của sâu bọ và động vật ăn sâu bọ.

     + Cuối kỉ lạnh đột ngột, xuất hiện các cây có lá rụng mùa rét.

     + Đồng cỏ lan rộng, xuất hiện động vật ăn cỏ.

     + Bò sát khổng lồ bị tiêu diệt. Xuất hiện chim và thú.

Hình 17. Hóa thạch bộ xương khủng long bạo chúa.

- Sinh vật điển hình: Phát sinh các nhóm linh trưởng. Cây có hoa ngự trị. Phân hóa các lớp thú, chim, côn trùng.

·        Kỉ Đệ Tứ (1,8 triệu năm):

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Băng hà. Khí hậu lạnh, khô.

- Đặc điểm sinh vật:

     + Băng hà nhiều lần tràn xuống tân bán cầu Nam. Xuất hiện thú lông rậm và cây lá kim thích nghi với khí hậu lạnh.

     + Thực vật và động vật đã có bộ mặt giống ngày nay.

     + Phát sinh loài người.

Hình 18. Voi mamut ở đầu kỉ Đệ Tứ.

Hình 19. Phát sinh loài người.

- Sinh vật điển hình: Xuất hiện loài người.

 3. Kết luận:

          - Lịch sử phát triển của sinh vật gắn liền với lịch sử phát triển của vỏ quả đất. Sự thay đổi các điều kiện địa chất, khí hậu đã thúc đẩy sự phát triển của sinh giới.

          - Sự thay đổi điều kiện địa chất, khí hậu thường dẫn tới sự biến đổi trước hết ở thực vật và thông qua mối quan hệ phức tạp giữa thực vật và động vật. Vì vậy, sự phát triển của sinh giới diễn ra nhanh hơn sự thay đổi chậm chạp của khí hậu, địa chất.

          - Sinh giới phát triển theo hướng ngày càng đa dạng, tổ chức ngày càng cao, thích nghi ngày càng hợp lý.

                             Bài tập lý thuyết

       A. Mức độ thông hiểu.

Câu 1: Đặc điểm nổi bật của đại Cổ Sinh là:

A. Sự phát triển của cây hạt kín và sâu bọ.

B. Sự phát triển của cây hạt trần và bò sát.

C. Sự phát triển của cây hạt kín, chim, thú.

D. Chuyển đời sống từ nước lên cạn của sinh vật.

 * Hướng dẫn giải:

 - Đặc điểm nổi bật của đại Cổ Sinh là: Chuyển đời sống từ nước lên cạn của sinh vật.

 Nên ta chọn đáp án D.

Câu 2: Phát biểu nào sau đây chưa chính xác về các vật thể sống trên trái đất?

A. Trao đổi chất và năng lượng với môi trường là những dấu hiệu có ở vật thể vô sinh trong tự nhiên.

B. Cơ sở vật chất chủ yếu của sự sống gồm 2 loại phân tử hữu cơ quan trọng là protein và axit nucleic.

C. ADN có khả năng nhân đôi chính xác. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của nhiều loại tác nhân bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, cấu trúc đặc trưng của ADN có thể bị thay đổi..

D. Cơ thể sống là một hệ mở cấu tạo bởi protein và ADN, có khả năng tự đổi mới, tự điều chỉnh và tích lũy thông tin di truyền.

 * Hướng dẫn giải:

 - Trao đổi chất và năng lượng với môi trường chỉ diễn ra ở những cơ thể sống, hoạt động trao đổi chất cung cấp năng lượng cho quá trình sống và phát triển của sinh vật. Nên ta chọn đáp án A.

Câu 3: Sự di cư của các động vật, thực vật ở cạn vào kỷ Đệ tứ là do:

A. Khí hậu khô, băng tan, biển rút cạn tạo điều kiện cho sự di cư.

B. Sự phát triển ồ ạt của thực vật hạt kín và thú ăn thịt.

C. Diện tích rừng bị thu hẹp làm xuất hiện các đồng cỏ.

D. Xuất hiện các cẩu nối liên lục địa do băng hà phát triển, mực nước biển rút xuống thấp.

 * Hướng dẫn giải:

 - Sự di cư của các động vật, thực vật ở cạn vào kỷ Đệ tứ là do ở thời kì này khí hậu lạnh khô, băng hà, mực nước biển xuống thấp, tạo thành các cầu nối liên lục địa. Nên ta chọn đáp án D.

Câu 4: Thực vật có hoa xuất hiện từ:

A. Kỉ Than đá.

B. Kỉ Tam điệp.

C. Kỉ Đệ tam.

D. Kỉ Phấn trắng.

* Hướng dẫn giải:

 - Thực vật có hoa xuất hiện từ: Kỷ Phấn trắng. Nên ta chọn đáp án D.

Câu 5: Trong các quá trình tiến hóa, để một hệ thống sinh học ở dạng sơ khai nhất có thể sinh sôi được, thì ngoài việc nó nhất thiết phải có những phân tử có khả năng tự tái bản, thì còn cần năng lượng và hệ thống sinh sản. Thành phần tế bào nào dưới đây nhiều khả năng hơn cả cần có trước tiên để có thể tạo ra một hệ thống sinh học có thể tự sinh sôi?

A. Các enzyme.

B. Màng sinh chất.

C. Ty thể.

D. Ribosome.

* Hướng dẫn giải:

 - Để một hệ thống sinh học ở dạng sơ khai nhất có thể sinh sôi được thì ngoài việc nó nhất thiết phải có những phân tử có khả năng tự tái bản, thì còn cần một lớp màng bao bọc, có khả năng trao đổi chất với môi trường. Nên ta chọn đáp án B.

Câu 6: Sự xuất hiện của thực vật có hoa diễn ra vào:

A. Đại thái cổ.

B. Đại cổ sinh.

C. Đại trung sinh.

D. Đại tân sinh.

 * Hướng dẫn giải:

 - thực vật có hoa xuất hiện vào Đại Trung Sinh. Nên ta chọn đáp án C.

Câu 7: Phát biểu nào dưới đây về các sự kiện xảy ra trong giai đoạn tiến hóa hóa học là không đúng?

A. Có sự tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất vô cơ theo phương thức hóa học.

B. Trong khí quyển nguyên thủy của Trái đất chưa có oxi và nitơ.

C. Do tác dụng của các nguồn năng lượng tự nhiên, từ các chất vô cơ đã hình thành nên các hợp chất hữu cơ đơn giản đến phức tạp như axit amin, nuclêotit.

D. Quá trình hình thành các chất hữu cơ từ các chất vô cơ trong giai đoạn tiến hóa hóa học là giả thuyết và chưa được chứng minh bằng thực nghiệm.

 * Hướng dẫn giải:

 - Trong khí quyển nguyên thủy của trái đất (được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỉ năm) có chứa các khí như hơi nước, khí CO2, NH3, và rất ít khí nitơ…Khí ôxi chưa có trong khí quyển nguyên thủy.

- Dưới tác động của nhiều nguồn năng lượng tự nhiên, các chất vô cơ đã hình thành các chất hữu cơ đơn giản gồm 2 nguyên tố C, H rồi đến các hợp chất có 3 nguyên tố C, H, O và 4 nguyên tố C, H, O, N.

- Sự hình thành các chất hữu cơ từ các chất vô cơ đã được chứng minh bằng thực nghiệm bởi Standley Miller (1953).

 Nên ta chọn đáp án D.

Câu 8: Động vật có vú đầu tiên xuất hịên ở?

A. Kỉ Silua.

B. Kỉ Đệ tam.

C. Kỉ Jura.

D. Kỉ Phấn trắng.

 * Hướng dẫn giải:

 - Động vật có vú đầu tiên xuất hịên ở Kỉ Phấn trắng. Nên ta chọn đáp án D.

Câu 9: Trong giai đoạn tiến hoá hoá học các hợp chất hữu cơ đơn giản và phức tạp được hình thành là nhờ:

A. các enzim tổng hợp.

B. cơ chế sao chép của ADN.

C. các nguồn năng lượng tự nhiên.

D. sự tương tác giữa các hợp chất vô cơ.

 * Hướng dẫn giải:

 - Đáp án A, B sai. Trong giai đoạn tiến hóa hóa học chưa xuất hiện enzim để ADN nhân đôi.

 - Đáp án C không đúng vì: Các nguồn năng lượng tự nhiên tọ ra năng lượng quá mạnh, sự tương tác quá mạnh sẽ khó tạo được các hợp chất phức tạp.

 Nên ta chọn đáp án D.

Câu 10: Trong lịch sử phát triển của sinh giới trên Trái Đất, dương xỉ phát triển mạnh ở:

A. Kỉ Silua thuộc đại Cổ sinh.

B. Kỉ Jura thuộc đại Trung sinh.

C. Kỉ Cacbon (Than đá) thuộc đại Cổ sinh.

D. Ki Krêta (Phấn trắng) thuộc đại Trung sinh.

 * Hướng dẫn giải:

 - Dương xỉ phát triển mạnh ở Kỉ Cacbon (Than đá) thuộc đại Cổ sinh. Nên ta chọn đáp án C.

          B. Bài tập tự luyện

Câu 1: Hóa thạch của động vật cổ nhất xuất hiện ở:

A. Kỉ ocđovic.

B. Đại tiền Cambri.

C. Kỉ Cambri.

D. Kỉ phân trắng.

Câu 2: Cho các sự kiện dưới đây:

      (1) Hình thành các đại phân tử có khả năng tự nhân đôi.

      (2) Hình thành hợp chất hữu cơ phức tạp từ các chất hữu cơ đơn giản.

      (3) Hình thành tế bào sơ khai.

      (4) Hình thành các hợp chất hữu cơ đơn giản từ các chất vô cơ.

      (5) Hình thành nên tất cả các loài sinh vật trong sinh giới như ngày nay.

Giai đoạn tiến hóa hóa học bao gồm các sự kiện....(I)..., giai đoạn tiến hóa tiền sinh học gồm sự kiện....(II)... và giai đoạn tiến hóa sinh học gồm sự kiện ...(III)....

A. I- (2), (4); II- (1), (5); III- (5).

B. I- (2), (4); II- (1); III-(3), (5).

C. I - (2), (4); II - (1), (3); III - (5).

D. I - (4), (2), (1); II - (3); III - (5).

Câu 3: Đầu kỉ Cacbon có khí hậu ẩm và nóng, về sau khí hậu trở nên lạnh và khô. Đặc điểm của sinh vật điển hình ở kỉ này là:

A. Xuất hiện thực vật có hoa, cuối kỉ tuyệt diệt nhiều sinh vật kể cả bò sát cổ.

B. Dương xỉ phát triển mạnh, thực vật có hạt xuất hiện, lưỡng cư ngự trị, phát sinh bò sát.

C. Cây hạt trần ngự trị, bò sát ngự trị, phân hóa chim. 

D. Cây có mạch và động vật di cư lên cạn.

Câu 4: Sự kiện nổi bật nhất trong đại Cổ sinh là:

A. Sự xuất hiện của lưỡng cư và bò sát.

B. Sự xuất hiện của thực vật kín.

C. Sự sống từ chỗ chưa có cấu tạo tế bào đã phát triển thành đơn bào rồi đa bào.

D. Sự di chuyển của sự vật từ dưới nước lên trên cạn.

Câu 5: Khi nói về đại Tân sinh, phát biểu nào sau đây đúng?

A. Chim, thú và côn trùng phát triển mạnh ở kỉ thứ Ba (kỉ Đệ tam).

B. Cây dương xỉ phát triển ưu thế so với các nhóm thực vật khác.

C. Các loài dương xỉ phát triển mạnh ở kỉ thứ Tư (kỉ Đệ tứ).

D. Ở kỉ thứ Ba (kỉ Đệ tam) xuất hiện loài người.

Câu 6: Các sinh vật chuyển đời sống từ dưới nước lên cạn vào kỷ nào?

A. Kỷ Cambri.

B. Kỷ Đêvôn.

C. Kỷ Silua.

D. Kỷ Ocđôvic.

Câu 7: Trong lịch sử phát triển của sinh giới trên trái đất loài người xuất hiện ở kỉ:

A. Đệ tam.

B. Đệ tứ.

C. Phấn trắng.

D. Tam điệp.

Câu 8: Đặc điểm nổi bật của sinh vật trong đại Trung sinh là:

A. Sự phát triển của cây hạt kín, sâu bọ ăn lá...

B. Sự phát triển ưu thế của cây hạt trần và nhất là bò sát.

C. Sự chinh phục đất liền  của thực vật, động vật.

D. Có sự di cư của động vật, thực vật về phương Nam rồi trở về phương Bắc.

Câu 9: Trong quá trình phát sinh phát triển của sự sống trên Trái Đất, phát biểu nào sau đây sai khi nói đại Tân sinh?

A. Chim, thú và côn trùng phát triển mạnh ở đại này.

B. Cây có hoa ngự trị.

C. Ở kỉ Thứ tư (kỉ Đệ tứ) khí hậu lạnh và khô.

D. Ở kì Thứ ba (kỉ Đệ tam) xuất hiện loài người.

Câu 10: Căn cứ vào những biến cố lớn về địa chất, khí hậu và các hóa thạch điển hình, người ta chia lịch sử sự sống thành các đại theo thứ tự.

A. Đại Thái cổ, đại Cổ sinh, đại Trung sinh, đại Nguyên sinh và đại Tân sinh.

B. Đại Nguyên sinh, đại Cổ sinh, đại Thái cổ, đại Trung sinh và đại Tân sinh.

C. Đại Nguyên sinh, đại Thái cổ, đại Cổ sinh, đại Trung sinh và đại Tân sinh.

D. Đại Thái cổ, đại Nguyên sinh, đại Cổ sinh, đại Trung sinh và đại Tân sinh.

Đáp án: 1-B, 2-D, 3-D, 4-D, 5-A, 6-C, 7-B, 8-B, 9-D, 10-D.

Bài viết gợi ý: