Trọng tâm của bài luận là những quan niệm, suy nghĩ của bản thân về vấn đề trúng tuyển, không trúng tuyển đại học hiện nay. Có thểtham khảo gợi ý sau:
– Giới thiệu sơ lược quan niệm chung của xã hội Việt Nam đối với việc trúng tuyển đại học hiện nay. Trong những người tham dự kì thi tuyển sinh đại học, có một bộ phận không nhỏ sẽ không trúng tuyển và rất có thể anh (chị) là một trong những HS đó…
– Phân tích các quan niệm xã hội về vấn đề đỗ trượt đại học:
+ Các bậc phụ huynh và đông đảo HS đều đặc biệt coi trọng kết quả của kì thi này, coi đó là cánh cửa mở ra tương lai tốt đẹp nhất cho mỗi con người.
+ Những HS trượt trong kì thi đại học thường bị coi là thất bại; gia đình và bản thân họ thường buồn phiền; thậm chí có người chán nản, tuyệt vọng.
– Bàn luận, mở rộng vấn đề:
+ Coi trọng việc học đại học là một quan niệm tích cực. Quan niệm chung này bắt nguồn từ truyền thống coi trọng tri thức, vì thực tế những thanh niên tốt nghiệp đại học có nhiều cơ hội tìm việc làm và tạo lập sự nghiệp. Mặt khác, cách tuyển dụng nhân lực ở nước ta còn nặng về bằng cấp.
+ Tuy nhiên, quan niệm đó có nhiều bất cập. Trên thực tế, không phải ai trúng tuyển đại học cũng đều trưởng thành về nhân cách và thành đạt về sự nghiệp. Đã có không ít sinh viên ra trường khó tìm được việc làm, có cả những sinh viên rơi vào các tệ nạn xã hội… Ngược lại, nhiều bạn trẻ không có cơ hội vào đại học đã thành công bằng con đường học nghề, làm nghề… Trên thế giới có không ít tấm gương thành đạt bằng con đường tự học trên trường đời, mở cho mình một lối đi riêng…
– Liên hệ bản thân: Nếu bản thân không trúng tuyển vào trường đại học, anh (chị) dự kiến sẽ làm gì troug tương lai? Ôn luyện để tham dự kì thi năm tới hay lựa chọn một con đường khác phù hợp với điều kiện và sở trường của mình?
+ Đỗ đại học là một kết quả đáng tự hào, khích lệ nhưng không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Nếu trượt đại học, mỗi bạn trẻ đều có thể tự tìm cho mình một hướng đi riêng để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội.