Trọng tâm vấn đề cần bàn luận là hậu quả khôn lường khi con người dễ dãi chấp nhận "chung sống" với những thói xấu của bản thân. Có thể tham khảo dàn ý sau:
– Nêu khái quát vấn đề: Trên hành trình sống, để tự hoàn thiện mình, con người không chỉcần rèn luyện, bồi đắp những đức tính tốt đẹp mà còn phải biết đấu tranh với những thói quen xấu của bản thân.
– Giải thích ngắn gọn nội dung câu nói:
+ Những thói xấu là điều dễ mắc phải trong cuộc sống của con người. Có thể đó là những thói quen xấu như luộm thuộm, cẩu thả…; cũng có thể đó là những tật xấu như nóng nảy, cáu gắt, ích kỉ, nói dối,…
+ Nếu con người dễ dàng bỏ qua những thói xấu của bản thân, chúng sẽ dần chi phối và biến con người thành "nạn nhân".
– Bàn luận, mở rộng vấn đề:
+ Lúc đầu, những thói xấu chỉ là "khách qua đường" gặp gỡ thoáng qua, tình cờ, có vẻ không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của con người. Vì thế, con người thường không để ývà dễ dàng bỏ qua chúng.
+ Sau đó, chúng có thể trở thành "bạn ở chung phòng" gần gũi hằng ngày, vừa "thân thiết" vừa có sự ràng buộc. Những thói xấu đã thành thói quen không đễ từ bỏ.
+ Cuối cùng, những thói xấu có thể trở thành "ông chủ nhà khó tính" có quyền lực "sai khiến", chế ngự, biến con người thành "nạn nhân" của chính mình.
+ Trong quá trình bàn luận, nên đưa ra một số dẫn chứng cụ thể để tăng sức thuyết phục cho các luận điểm.
– Liên hệ bản thân:
+ Nêu và phân tích tác hại của một vài thói xấu từng khiến bản thân mình phải chịu phiền hà, lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, xấu hổ; thậm chí dẫn đến những hậu quả nặng nề.
+ Từ đó, rút ra bài học nhận thức và hành động: Nên có cách nhìn nhận và ứng xử như thế nào khi đối diện với những thói xấu của chính mình?
+ Mỗi con người cần tỉnh táo, trung thực và nghiêm khắc khi nhìn nhận những thói hư tật xấu của bản thân; phải biết tự giáo dục để hoàn thiện chính mình.