A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. TIỂU SỬ CUỘC ĐỜI
- Nguyễn Tuân (1910 - 1987), quê ở Hà Nội, sinh trưởng trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã suy tàn.
- Năm 1929, khi đang học đến cuối bậc trung học cơ sở thì Nguyễn Tuân bị đuổi học và tham gia vào một phong trào bãi khóa, phản đối giáo viên người Pháp nói xấu Việt Nam. Sau đó ít lâu thì ông bị đi tù vì “ xê dịch” qua biên giới mà không có giấy phép. Ra tù, ông bắt đầu viết báo và viết văn.
- Sau 1945, ông nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến rồi trở thành một cây bút tiêu biểu của văn học cách mạng. Từ 1948 – 1958, ông được giao trách nhiệm là Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam.
- Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
- Phẩm chất con người Nguyễn Tuân:
+ Giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc là một trong những nét nổi bật trong con người Nguyễn Tuân. Lòng yêu nước của ông gắn liền với các giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc. Ông yêu tất cả những thú chơi tao nhã như uống trà, thả thơ, chơi hoa,... ông yêu tiếng mẹ đẻ, yêu những phong cảnh của quê hương xứ sở. Ông còn là một nhà ẩm thực sành điệu với những trang viết về các món ăn ngon, món ăn truyền thống của dân tộc tuyệt ngon.
+ Nguyễn Tuân là nhà văn giàu cá tính, có ý thức cá nhân phát triển cao. Những trang viết của ông bao giờ cũng thể hiện nét cá tính độc đáo riêng. Đó là người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác.
+ Là con người của văn chương, Nguyễn Tuân rất quý trọng nghề văn. Ông xem nghề văn luôn đối lập với vụ lợi, nghề văn là một nghề lao động nghiêm túc, đôi khi còn rất “khổ hạnh”.
II. SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
Hơn nửa thế kỉ cầm bút, Nguyễn Tuân đã để lại cho nền văn học nước nhà một sự nghiệp văn chương khá lớn.
- Trước Cách mạng tháng Tám:
Chủ yếu xoay quanh ba đề tài: “chủ nghĩa xê dịch”, vẻ đẹp “vang bóng một thời” và đời sống truỵ lạc.
+ Chủ nghĩa xê dịch là chủ trương đi không raục đích, luôn thay đổi chỗ để tìm ra những cảm giác mới lạ và thoát li khỏi trách nhiệm với gia đình và xã hội (lối sống ít nhiều có phần tiêu cực). Nguyễn Tuân đến với “chủ nghĩa xê dịch” khi mà ông chưa bắt gặp lí tưởng cách mạng, có nhiều bất mãn và bất lực trước cuộc đời. Điều đáng trân trọng của những trang viết theo đề tài này là Nguyễn Tuân cũng; đã thể hiện tấm lòng tha thiết gắn bó với cảnh sắc và những phong vị của quê hương. Tiêu biểu cho đề tài này là: Một chuyến đi (1938), Thiếu quê hương,..
+ Do bất mãn với thời cuộc, Nguyễn Tuân tìm đến những vẻ đẹp trong quá khứ nay chỉ còn “vang bóng”. Những vẻ đẹp đó là những tự tưởng đạo đức cũ, những thú chơi tao nhã lành mạnh,... dưới cái nhìn của một nhà nho tài hoa bất đắc chí. Nguyễn Tuân đã sớm thể hiện được sở trường của mình với mảng đề tài này và thành công thật đáng kể. Tiêu biểu cho những trang viết này là tập Vang bóng một thời.
+ Viết về đời sống trụy lạc, Nguyễn Tuân thể hiện cái tôi hoang mang, muốn tìm cách thoát li trong rượu và thuốc phiện. Song, ở Nguyễn Tuân vẫn bộc lộ một cái tôi thực sự khao khát vượt lên đến một cuộc sống tinh khiết, thanh cao. Tiêu biểu nhất phải kể đến là Chiếc lư đồng mắt cua.
- Sau Cách mạng tháng Tám:
+ Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là động lực khiến ông nhiệt tình chào đón cách mạng và đem ngòi bút phục vụ cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Hình tượng chủ yếu trong những trang viết này là nhân dân lao động và người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang, qua hàng loạt tác phẩm: Đường vui (1949), Tinh chiến dịch (1950), Tùy bút kháng chiến (1955), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972).
+ Nguồn cảm hứng sáng tác của ông vẫn là cái đẹp của non sông gấm vóc, những phẩm chất tinh thần cao quý của nhân dân ta trong chiến đấu, lao động và xây dựng đất nước.
III. PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
- Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách độc đáo, rõ nét. Trước hết, đó là lối “ngông”.
- Những tác phẩm của Nguyễn Tuân giai đoạn nào cũng thể hiện nét “ngông” rất tài hoa uyên bác. Nhân vật của ông đều là những nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Chất tài hoa nghệ sĩ còn được ông phát hiện ngay cả ở những con người bình thường nhất như người lái xe, người lái đò, anh bộ đội.
- Với khả năng quan sát tinh tế, vốn sống dồi dào, Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ say đắm với thiên nhiên, với con người.
- Với “chủ nghĩa xê dịch”, những trang viết của Nguyễn Tuân thể hiện một sự khao khát tìm kiếm những cảm giác say mê mới lạ. Nguyễn Tuân là nhà văn mẫu mực của những nét tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cách tuyệt mĩ, của rừng núi thiêng liêng hay của những thác ghềnh dữ dội.
- Phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi đã đưa Nguyễn Tuân đến với thể tuỳ bút. Với thể tuỳ bút, Nguyễn Tuân đã bộc lộ rất nhanh sở trường của mình và có những cách tân mới mẻ độc đáo cho thể loại này. Ngoài ra, Nguyễn Tuân còn có một kho từ vựng phong phú. Nhờ thế, những câu văn của ông rất tạo hình, giàu nhạc điệu.
B. BÀI TẬP VẬN DỤNG
I. ĐỀ BÀI
1. Đề số 1
Trình bày tóm tắt những đặc điểm về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
2. Đề số 2
Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám có sự chuyển biến như thế nào?
3. Đề số 3
Cảm nhận của anh (chị) về cái tài và cái tâm của Nguyễn Tuân thể hiện qua hai kiệt tác của hai chặng đường sáng tạo truyện ngắn Chữ người tử tù và tuỳ bút Người lái đò sông Đà.
II. GỢI Ý BÀI LÀM
1. Đề số 1
Bài viết cần nêu được những nội dung sau: Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc:
- Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước hết là thể hiện ở chữ “ngông”. Thái độ “ngông” của Nguyễn Tuân vừa kế thừa truyền thống “ngông” của các nhà nho tài hoa bất đắc chí như Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, vừa tiếp nhận ảnh hưởng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của văn hoá phương Tây hiện đại. Mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều thể hiện sự độc đáo, tài hoa uyên bác và ... “hơn đời”.
- Nguyễn Tuân luôn thèm khác cảm giác mới lạ, sự phóng túng. Điều này đã hình thành nên “chủ nghĩa xê dịch” trong những trang viết của ông. Ông không chấp nhận sự bằng phẳng, nhợt nhạt mà thích cái mãnh liệt, cái tuyệt mĩ, những gió bão, núi cao, rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội,
- Nguyễn Tuân bộc lộ rõ nét sở trường và tài năng nhất ở thể tuỳ bút. Ở đó, nhân vật chính là cái tôi chủ quan phóng túng tài hoa. Và với tuỳ bút, Nguyễn Tuấn đã có sự đóng góp không nhỏ cho vốn ngôn ngữ của dân tộc.
2. Đề số 2
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Trước Cách mạng:
+ Quan niệm cái đẹp chỉ có trong quá khứ mà Nguyễn Tuân gọi nó là vẻ đẹp “vang bóng một thời” và tài hoa nghệ sĩ chỉ có ở những con người xuất chúng phi thường, thuộc thế hệ trước còn sót lại mà Nguyễn Tuân gọi là “sinh làm thế kỉ”.
+ Nguyễn Tuân tìm cảm giác mạnh ở quá khứ “vang bóng một thời”, “chủ nghĩa xê dịch”, ở đời sống truy lạc.
+ Nhà văn sử dụng thể văn tuỳ bút, thiên về diễn tả nội tâm của cái tôi chủ quan.
- Sau Cách mạng:
+ Nguyễn Tuân quan niệm cái đẹp và cái tài hoa không đối lập quá khứ với hiện tại. Cái đẹp có cả ở quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Cái tài hoa có cả ở nhân dân đại chúng.
+ Nhà văn tìm những hiện tượng gây cảm giác mạnh ở những phong cảnh đẹp, kì vĩ của thiên nhiên đất nước và ở những thành tích của nhân dân trong chiến đấu và xây dựng.
+ Nhà văn vẫn dùng thể văn tuỳ bút nhưng có thêm chút bút pháp hướng ngoại, để phản ánh hiện thực, ghi chép thành tích chiến đấu, xây dựng của nhân dân.
3. Đề số 3
Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
a. Về cái tài là cái tâm của nhà nghệ sĩ lớn Nguyễn Tuân
- Tài ở Nguyễn Tuân là tài năng, tài hoa thể hiện ở sự am hiểu sâu rộng uyên bác, sự khám phá thiên nhiên, khám phá tâm hồn con người, sự tạo dựng những hình tượng mãnh liệt gây ấn tượng, sử dụng ngôn ngữ phong phú giàu tính gợi hình gợi cảm. Tâm là tấm lòng, sự hướng thiện, sự rung cảm chân thành đối với con người, cuộc đời và đất nước.
- Tâm và tài ở Nguyễn Tuân đều ở độ thăng hoa.
b. Về cái tài là cái tâm trong truyện ngắn Chữ người tử tù
- Cái tài của Nguyễn Tuân ở Chữ người tử tù là sáng tạo được một nhân cách kiêu dùng, bất khuất - Huấn Cao - trong tư thế của một tử tù trong một truyện ngắn mang phong vị cổ kính. Nhân cách của con người đó thể hiện ở:
+ Tư thế hiên ngang, “thản nhiên nhận rượu và ăn thịt” dù biết mình sắp bị hành quyết và ngay trong câu nói với quản ngục: “Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.
+ Tinh thần phục thiện thể hiện trong câu nói với viên quản ngục: “Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” và trong lời khuyên: “.. thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốm mất cả đời lương thiện đi”.
- Cái tài của Nguyễn Tuân còn thể hiện ở việc xây dựng nên cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong cái đêm cuối cùng ở nhà lao. Đây được xem là một đoạn tuyệt bút của ông. Đó là cảnh “xưa nay chưa từng có” vừa trang trọng vừa cổ kính, vừa dữ dội làm nổi bật nhân cách cao cả và tài năng của Huấn Cao và cả thiên lương của một người như viên quản ngục.
- Cái tâm của Nguyễn Tuân là ở chỗ thông qua hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục đã thể hiện được lòng tin yêu trân trọng của nhà văn đối với con người, đối với cuộc sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
- Cái tâm ấy còn thể hiện ở chỗ toàn bộ câu chuyện toát lên tính nhân hậu, sự hướng thiện, hướng mĩ, nói lên tư tưởng tiến bộ, nhân văn của nhà văn.
c. Về cái tài là cái tâm trong Người lái đò sông Đà
- Trước hết, cái tài của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà là ở chỗ nhà văn đã tạo dựng lên một thạch trận sông Đà và một con người nghệ sĩ, ông lái đò.
+ Thạch trận được dựng lên bởi: “Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này... Nhưng hình như sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn, mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông”.
+ Ông lái đò vượt thạch trận “không một chút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật...”, “cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”.
- Cái tài ấy còn thể hiện ở việc sử dụng ngôn ngữ, tạo dựng hình tượng gây ấn tượng mạnh mẽ. Như cảnh “Sóng nước như thể quân liều mạng và sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông lái đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt”.
- Cái tâm của nhà văn ở Người lái đò sông Đà thể hiện ở chỗ: nhà văn ca ngợi tài nghệ con người và đặc biệt là cái chí vượt thác dữ chế ngự thiên nhiên của con người. Ông lái đò ở đây được Nguyễn Tuân miêu tả như một nghệ sĩ tài hoa, có chí vượt thác.
- Cái tâm của nhà văn còn là tình yêu mến trân trọng thiên nhiên đất nước. Thiên nhiên của sông Đà vùng Tây Bắc được ông miêu tả rất đẹp: “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo”...