NHỮNG KINH NGHIỆM KHI LÀM BÀI THI THPTQG MÔN NGỮ VĂN

 

        Chào các teen 2k1, kì thi THPTQG cũng đã tới gần và đây là lúc các bạn  nên trang bị cho bản thân những kĩ năng khi làm bài thi môn Ngữ Văn và dưới đây là một vài kinh nghiệm của mình trong suốt quá trình học ôn thi Văn THPTQG, Mọi người lưu ý giúp mình nhé ! Mọi thắc mắc gì của mọi người hãy để lại ở dưới để mình có thể hoàn thiện thêm và có thêm những bài như thế này nữa


- Điều đầu tiên mình xin nói đến việc phân bổ thời gian sao cho hợp lý trong bài thi Văn. Như các bạn đều biết bài thi của chúng ta có  120 phút nên với kinh nghiệm của mình thì các bạn nên phân bổ như sau :


+ Đọc hiểu ( 4 câu hỏi ) : làm trong 20 phút. Bạn nên tận dụng 10 phút kiểm tra đề để vừa đọc được hết đoạn văn (thơ) và làm được 2 câu hỏi mức độ đơn giản. Sau đó dành thêm 10 phút nữa để viết câu 3 và câu 4. Bạn còn lại 110 phút


+ Nghị luận xã hội : làm trong 30 phút. 


+Nghị luận văn học : làm trong 80 phút. Đây là phần quan trọng nhất và là phần để bạn lấy được điểm cao nên điều tất nhiên là bạn phải đầu tư thời gian cho phần này rồi để gây ấn tượng cho người chấm.
 Tip : nên mang theo đồng hồ đeo tay của chính mình để trước mặt, các phòng thi sẽ có sẵn đồng hồ treo tường nhưng như thế khi quay lên xem sẽ làm bạn mất tập trung !


- Về cách làm bài, bố cục bài thi :


+ Đọc hiểu : 2 câu đầu mức độ thường rất cơ bản. Nếu bạn là một đứa đội tuyển hay chuyên văn thì hãy suy nghĩ đơn giản thôi nhé, thường chính những người học được văn lại hay mất điểm ngớ ngẩn ở những câu như thế này. Câu 3, 4 thì vận dụng các bạn tư duy nhiều hơn. Nhưng các bạn phải biết bám sát vào câu chữ của tác giả trong câu hỏi ( ví dụ những từ như ý nghĩa, bài học, quan điểm của anh chị…) để từ đó xác định đúng nội dung mình cần viết. Còn câu 4 thì thường hỏi về ý nghĩa rút ra, hay thông điệp nào làm a/c nhớ nhất,… những câu hỏi này yêu cầu bạn có kiến thức mở rộng hơn để bàn luận và xoáy sâu thêm ý nghĩa của nó trong THỰC TẾ, cần nêu bật được quan điểm của cá nhân mình.


+ Nghị luận xã hội : Phần này có lẽ sẽ làm nhiều bạn học sinh lúng túng bởi không thể nào đoán trước được đề sẽ ra về vấn đề gì cả. Theo mình thì các bạn nên mở đầu bằng một câu danh ngôn có liên quan để làm bài mình trí tuệ hơn. Về phần nêu dẫn chứng thì các bạn nên lấy những dẫn chứng gần gũi, nổi trội trong cuộc sống, tránh việc nêu những dẫn chứng như lớp em có bạn, gia đình em thì… tránh cuộc sống cá nhân trong bài thi. Hãy tập trung vào yếu tố XÃ HỘI của nó. Các bạn nên có những bài học tự rút ra cho mình và có những phản biện về những mặt đối ngược của vấn đề ( phê phán hành vi sai trái, hay bên cạnh đó còn những hành vi, cách ứng xử đẹp khác… ) 
 
Tip : Bạn có nhiều cách triển khai đoạn văn nhưng mình khuyên 100% các bạn nên dùng kiểu Tổng – phân – hợp. Như thế người chấm sẽ hiểu được ngay bạn đang đề cập đến cái gì khi vừa mới đọc. Tránh lan man khi mở đoạn vì thời gian không có nhiều, chỉ nên mở tối đa bằng 2 câu. Kết thì nên 1 câu tóm lược lại tất cả!
 Bố cục đoạn văn NLXH ( theo cách triển khai của mình )


• Mở đoạn : dùng danh ngôn ( tránh dùng thơ vì dài và nó phải xuống dòng ) hoặc lời bài hát. Sau đó nêu nội dung mình sẽ triển khai. 


• Thân đoạn : vẫn phải đủ các phần GIẢI THÍCH, BÀN LUẬN-CHỨNG MINH, NÊU BÀI HỌC- NHẬN THỨC.

+Lưu ý chỉ là đoạn văn nên các bạn hãy nêu rõ ràng, đúng trọng tâm tránh đánh bắt xa bờ rồi không biết quay lại vấn đề kiểu gì . Không nhất thiết phải nếu một loạt dẫn chứng ra riêng, cách của mình thường làm là chia các ý trong phần bàn luận rồi mỗi ý mình sẽ tự có một dẫn chứng riêng. Tránh việc kể ra quá nhiều làm người chấm ngao ngán và việc thể hiện thế là không tốt . Dẫn chứng có thể là trong thực tế, hay trong sách vở đều được chấp nhận cả. 


• Kết đoạn : 1 câu để tổng kết lại nội dung mình đã nêu !
 Vì nội dung của phần NLXH thường lấy lại trong phần Đọc hiểu vậy nên để tiết kiệm thời gian thì ngay từ đầu hãy đọc kĩ đoạn văn ( đoạn thơ) đề ra, rồi bám sát vào ý của tác giả để mình có cơ sở bàn luận!


+ Nghị luận văn học : Mình nhắc lại một lần nữa là phần này là phần chiếm nhiều điểm nhất. Vậy nên khi bạn nhìn đồng hồ mà chỉ còn 60-65 phút nữa thì STOP lại phần NLXH cho mình để quay ngay sang phần NLVH nhé!


 Bố cục và cách làm của 1 bài NLVH :
• Mở bài : nếu các bạn mục tiêu đạt từ 7,5 trở lên môn văn thì các bạn nên mở bài gián tiếp. Nên đi từ một câu thơ ( cách phổ thông nhất ) hoặc một lời bình ( cách này sẽ đòi hỏi bạn có hiểu biết hơn ) để gây ấn tượng ngay ban đầu. Mở bài không nên quá dài gây mất quá nhiều thời gian, nhưng phải ấn tượng bởi cái ấn tượng ban đầu luôn để lại dấu ấn sâu sắc nhất


• Thân bài : Nên đủ tất cả các phần dù ngắn hay dài. Thường các bạn chỉ tập trung ngay vào chứng mình nhưng theo mình để lấy điểm cao thì phải đủ 3 phần như trên. Phần 1, phần 3 mỗi phần 1 đoạn. Phần 2 các bạn có thể chia thành nhiều đoạn nhỏ.


(1) Đầu tiên các bạn khái quát lại về tác giả, tác phẩm ( ngắn gọn 1 lần nữa) rồi 1 chút mở rộng thêm về vấn đề mình sẽ cần triển khai. Nếu dạng bài ý kiến thì cần giải thích ý kiến. Nếu đề bài có các từ khóa như : Chất sử thi, cảm hứng lãng mạn,… các bạn phải nêu được khái niệm ( một cách chung nhất) và những biểu hiện. Phần này sẽ dành cho các bạn muốn từ 8 trở lên


(2) Chứng minh : Các bạn nên chia các luận điểm ra. Mỗi luận điểm phải có câu chủ đề nhé các bạn, phần này rất quan trọng, vì nhiều người chấm sẽ rất soi phần này. Nếu dạng đề 2 ý kiến thì là dễ nhất vì nó đã cho mình sẵn gợi ý là sẽ phải triển khai 2 ý rồi. Còn các dạng đề về nhân vật hay dạng 1 ý kiến thì các bạn phải linh hoạt trong phần này, phải biết tự chia các luận điểm.

(3) Bàn luận- Mở rộng : Các bạn sẽ phải nêu được về nội dung, về nghệ thuật. Đồng thời đây cũng là chỗ bạn thể hiện những am hiểu của mình về phong cách của tác giả cũng như mở rộng liên hệ thêm với những tác phẩm của cùng tác giả, hay có chung 1 nội dung. Nếu dạng đề 2 ý kiến thì các bạn không nên phản bác ý kiến nào mà nên thừa nhận 2 ý kiến đều đúng, bổ sung cho nhau .


• Kết bài : Phần này thường chúng ta hay làm qua quýt đó là một thực tế. Lưu ý khi còn 5 phút nữa chúng ta phải dừng lại và kết bài ngay cho mình vì phần này là phần không thể thiếu trong bố cục bài văn. Phần này bạn sẽ tổng hợp lại nội dung vừa trình bày, cũng như nêu ra được suy nghĩ cá nhân của mình, những điều mình nhận thức được sau khi đọc tác phẩm đó.

 

******Đến đây là hết rồi. Mọi ý kiến thức mắc các bạn có thể cmt ở bên dưới để mình giải thích chi tiết hơn. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ LOGA nhé !!!! . LOGA là nơi sẽ giúp tất cả các bạn  có thể nắm chắc những kiến thức cũng như rèn luyện được kĩ năng làm bàii đạt điểm cao trong kì thi THPTQG  .

Mong rằng mọi người sẽ học thêm được nhiều điều sau bài chia sẻ này.

Hẹn gặp lại !!!
 

Bài viết gợi ý: