Tham khảo gợi ý sau:
– Nghệ thuật kể chuyện: Câu chuyện về các thế hệ của một gia đình cách mạng "Lớp cha trước, lớp con sau – Đã thành đồng chí, chung câu quân hành" (Tố Hữu) có những tình tiết cảm động nhưng không dễ kể vì rất dễ gây cảm giác trùng lặp, đơn điệu, nặng nề. Tuy nhiên, Nguyễn Thi đã chọn được một cách kể sinh động, linh hoạt, tạo ra chiều sâu của hiện thực và sức cuốn hút cho tác phẩm. Câu chuyện được kể từ điểm nhìn của nhân vật, qua dòng hồi tưởng của Việt – một đứa con trong gia đình cách mạng.
+ Từ điểm nhìn và dòng hồi tưởng ấy, toàn bộ những sự kiện liên quan đến các thế hệ trong gia đình được tái hiện với giọng điệu chân thực, cảm động. Từ những chi tiết của đời sống thường nhật cho đến những sự kiện trọng đại của gia đình đều được kể lại với những ấn tượng đậm nét, sâu láng. Đó là niềm vui hồn nhiên, thơ trẻ đậm chất Nam Bộ trong lời kể về kỉ niệm của hai chị em Chiến, Việt và chú Năm: "Cứ trời vừa dứt hột, Việt đã cởi trần ra, hai chị em hai cái đèn soi, lóp ngóp đi. Cười từ lúc đi cho tới lúc về. Khi đổ ếch vào thùng, chú Năm thế nào cũng sang, chú kiếm ít con trọng trọng vềnhậu, đôi khi còn phải đứng ra phân xử vì chị Chiến và Việt ai cũng giành phần nhiều là của mình". Đó là những chuyện tưởng như chẳng có chuyện gì để kể nhưng lại là kí ức sâu đậm về tuổi thơ, về tình gia đình, tình quê hương trong thế giới tâm hồn người lính trẻ giữa ranh giới của sự sốngvà cái chết nơi chiến trường. Chính trong những thời khắc nằm trên bãi chiến trường, có lúc mê man ngất đi vì vết thương rồi lại choàng tỉnh để cố tìm về với đồng đội, dòng kí ức của Việt về gia đình sống dậy vừa sâu đậm, gần gũi vừa chập chờn, xa xôi. Những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất cũng trở nên rõ nét, bừng sáng. Những nỗi đau tột cùng, những biến cố khủng khiếp đối với gia đình được lồng vào trong lời kể của người mẹ quả cảm, hiện lại trongtâm trí Việt vừa nhức nhối vừa tràn đầy niềm cảm phục, kiêu hãnh: "Việt nhớ hoài câu chuyện má hay kể: "Tao dạn là nhờ ba mầy. Ba mầy bị Tây nóchặt đầu, tao cứ đi theo cái thằng nó xách đầu mà đòi […] Mầy với con Chiến thì chạy theo sau chị Hai mầy mà la: "Trả đầu ba! Trả đầu ba!" […] Phải hồi đó tao không níu lại thì nó đã bắn mầy rồi. Đầu ba ở dưới đất không lượm, cứ nhè cái thằng vừa liệng đầu mà đá". Chiểu hôm đó, vể tới nhà, má mới khóc. Thím Năm vừa khóc vừa kể thôi là kể. Má chỉ nằm khóc chớ không kể gì hết. Bao nhiêu năm sau đó cũng vậy, lúc nào nói lại chuyện trên má cũng không khóc. Mà lúc nào khóc thì má không nói gì hết".
+ Cách kể chuyện từ điểm nhìn, giọng điệu và dòng hồi ức của nhân vật như vậy phá vỡ sự đơn điệu của thời gian tuyến tính, tạo điểm nhấn và khắc hoạ rõ diễn biến tâm lí tinh tế của nhân vật.
– Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ: Cách vận dụng các yếu tố ngôn từ đặc trưng của Nam Bộ cũng khiến lời kể, giọng kể trong tác phẩm trở nên sinh động, biểu cảm và có chiều sâu tâm lí:
+ Tác giả đã tạo nên sự tương tác, hô ứng giữa lời nhân vật và lời kể, vì thế lời trần thuật không chỉ mang tính khách quan mà mang đậm tính cách vừa chất phác, chân thực vừa quyết liệt, mạnh mẽ của con người Nam Bộ.
+ Những đoạn đối thoại trong tác phẩm cũng góp phần khắc hoạ đậm nét tính cách nhân vật và tạo điểm nhấn cho mạch truyện. Những sự kiện được kể lại qua đối thoại thường hàm chứa nhữngý nghĩa sâu sắc. Đó là đoạn đối thoại giữa Việt và Chiến trước khi đi bộ đội, lời kể của người mẹ vềcái chết của người cha,…
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Các nhân vật của gia đình cách mạng hiện lên với những phẩm chất tương đồng: gan góc, quả cảm, trung thực, hồn hậu. Đồng thời, mỗi con người lại đượckhắc hoạ với những chi tiết, những nét cá tính riêng, không thể trộn lẫn, không dễ quên:
+ Chú Năm: hồn nhiên, mộc mạc, phóne khoáng, tươi vui, giàu tình cảm. Tiếng hò và cách hò của chú Năm làm cho người đọc có cảm nhận đầy đủ hơn về tâm hồn của người Nam Bộ.
+ Người mẹ của Việt và Chiến: quyết liệt, cứng cỏi, tràn đầy tình yêu thương, vì tình yêu thương ấy mà sẵn sàng đương đầu với tất cả những điều đáng sợ nhất. Hình ảnh người mẹ chịu đựng nỗi đau khủng khiếp (chứng kiến cảnh tượng kẻ thù bêu đầu chồng mình) mà không khóc, chỉ khóc khi một mình đối diện với mình, không khóc khi kể lại cho các con nghe bi kịch đau thương của gia đình,… đã để lại ấn tượng không thể quên trong tâm trí người đọc.
+ Chiến: vừa có nét giống mẹ (can đảm, kiên quyết) vừa có cái hồn nhiên, bỡ ngỡ của cô gái mới lớn, trẻ trung, tươi vui. Bom đạn, chiến tranh, những nỗi đau và mất mát cũng không làm mất đi chất tươi tắn, thơ trẻ ấy. Chất gan góc hoà cùng nét hồn nhiên, đáng yêu: "ngồi lì một góc ván, lông mày cau lại, chéo khăn hờ ngang miệng đánh vần hoài","đọc tiếng đặng tiếng mất, chữ mẹ đẻ chữ con, từ trưa tới xế rồi từ xế tới chiều, bỏ ăn, quên cả trời chạng vạng".
+ Việt: vừa gan góc, quả cảm vừa hồn nhiên, trẻ trung. Việt rất hồn nhiên, trẻ trung, giàu tình cảm nhưng luôn cố tìm cách che giấu những tình cảm của mình vì xấu hổ, vì sợ bị xem là uỷ mị, sướt mướt. Giữa bom đạn, giữa ranh giới của sự sống và cái chết đầy khốc liệt, hiểm nguy, Việt vẫn sống với kí ức về tình gia đình, quê hương, kỉ niệm thời thơ ấu,…
– Đánh giá ý nghĩa của những thành công về mặt nghệ thuật trong tác phẩm: Sự phối hợp các thủ pháp nghệ thuật đã giúp tác giả tái hiện sinh động lịch sử bi thương mà hào hùng của một gia đình cách mạng. Nó phản ánh lịch sử của dân tộc, của vùng đất Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến.