– Trình bày vắn tắt về nội dung của tình huống truyện, những chi tiết quan trọng trong tình huống truyện:
+ Thông thường, có ba loại tình huống phổ biến trong truyện ngắn: tình huống hành động, tình huống tâm trạng và tình huống nhận thức. Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, tình huống truyện gắn liền với hành động có tính bước ngoặt của nhân vật: "nhặt" một người đàn bà ngoài đường về làm vợ. Theo phong tục của người Việt, chuyện nên vợnên chồng là trọng đại, phải tìm hiểu ngọn ngành, phải được gia đình, họ hàng tổ chức ăn hỏi, cưới xin. Vậy mà ở đây, Kim Lân đã để cho nhân vật Tràng "nhặt" được vợ quá dễ dàng, đơn giản – chỉ qua hai lần tình cờ gặp gỡ, vài câu đùa tầm phơ tầm phào mà thành vợ thành chồng.
+ Chú ý những chi tiết liên quan đến số phận nhân vật, cấu tạo nên tình huống truyện: cảnh ngộ của Tràng và người mẹ, cảnh ngộ của người "vợ nhặt", nguyên nhân khiến hai con người xa lạ dạt vào nhau, bám víu lấy nhau. Bối cảnh lịch sử – xã hội liên quan đến tình huống truyện: nạn đói khủng khiếp năm 1945, số phận bi kịch của dân tộc trong những ngày tiền khởi nghĩa: ách đô hộ của cả thực dân Pháp và phát xít Nhật đã đẩy hàng triệu người vào cái chết thảm thương.
+ Cần phân tích vắn tắt ý đồ nghệ thuật của Kim Lân khi xây dựng tình huống truyện: Tràng "nhặt" được vợ giữa những ngày đói khủng khiếp, giữa ranh giới của sự sống mong manh và cái chết đang đe doạ. Hơn nữa, câu chuyện "nhặt" vợ của Tràng được tác giả đặt trên nền một khung cảnh "tối sầm vì đói khát". Người chết đói "nằm còng queo bên vệ đường", người đói từ các vùng "lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma". Khắp nơi "vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người". Phải cảm nhận được cảnh đói khát cùng cực ấy mới thấy hết sự "liều lĩnh" trong hành động của Tràng. Anh nông dân nghèo khổ không khỏi cảm thấy "chợn" khi người đàn bà kia theo về: "thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng". Nhưng niềm khao khát hạnh phúc đã lấn át nỗi sợ, nỗi lo – Tràng "tặc lưỡi một cái: – Chậc, kệ!". Và đúng vào lúc con người tưởng chỉ còn có thể nghĩ về miếng ăn và cái chết thì Tràng dẫn về một người đàn bà lạ… Đây là tình huống truyện vừa có tính điển hình vừa độc đáo, bất ngờ, các chi tiết chân thực, tự nhiên và sinh động.
– Phân tích tính chất bất thường nhưng vẫn phản ánh đúng bản chất hiện thực của sự kiện Tràng "nhặt" được vợ:
+ Nhà văn đã biểu hiện một cách chân thực cái nghịch cảnh trớ trêu trong số phận của các nhân vật: hạnh phúc lứa đôi là sự bấu víu, chắp vá trong nỗi cơ cực, tuyệt vọng vì đói khổ. Với Tràng, "nhặt" được vợ là điều không thể ngờ, khiến anh ta ngỡ ngàng vì hạnh phúc không chờ đợi và lo sợ vì không biết có thể làm gì để sống qua những ngày đói. Với người vợ, theo Tràng về là tìm kiếm chỗ bám víu, hi vọng xen lẫn tủi cực, chua chát. Người mẹ xót xa vì dựng vợ gả chồng cho con cái là việc hệ trọng, nhưng trong cảnh ngộ này, tất cả đều chỉ là tạm bợ, vá víu.
+ Nhưng chính cái nghịch cảnh bất thường này lại khiến nhà văn có thể khai thác để biểu hiện những vấn đề hệ trọng của số phận con người, của lịch sử. Tình huống bất ngờ này khiến cho tất cả những người chứng kiến đều cảm thấy ngạc nhiên và cũng khơi lên
trong lòng họ những cảm xúc trái ngược. Bắt đầu là những người dân trong xóm ngụ cư. Họ xôn xao khi thấy Tràng trở về cùng người đàn bà lạ. Họ băn khoăn, thắc mắc, nháo nhác hỏi nhau về lai lịch của người phụ nữ đi cùng Tràng: "Ai đấy nhỉ?… Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?". Rõ ràng, trước đó, chẳng có "tín hiệu" nào báo trước chuyện lấy vợ của Tràng! Người thì tỏ vẻ ái ngại, lo lắng cho anh chàng ngụ cư nghèo khổ: "Giời đất này còn đi rước cái của nợ đời về"; người thì cười rinh rích, trêu chọc Tràng. Sự tò mò khiến trong phút chốc họ quên cả cái đói. Những khuôn mặt người lớn đang hốc hác, u tối bỗng sống động hẳn lên như thể vừa có một luồng sinh khí lướt qua những căn nhà, lối ngõ vốn sầm tối vì đói khát, chìm trong không khí ảm đạm thê lương, trong nỗi ám ảnh về cái chết. Tạo dựng tình huống truyện độc đáo ấy, Kim Lân không chỉ mang đến sức hấp dẫn cho cốt truyện mà còn cho thấy thân phận của nhũng con người cùng khổ. Đó cũng là cái nền để nhà văn tô đậm những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn họ.
– Phân tích vai trò của tình huống truyện trong việc thể hiện số phận, tâm lí nhân vật: Đây là nội dung trọng tâm, cần nhấn mạnh hai ý chính sau:
+ Tình huống truyện làm nổi bật nỗi khốn cùng của con người trong bi kịch của lịch sử, của dân tộc. Phải để sự kiện "nhặt vợ" diễn ra đột ngột vào những ngày đói rét cùng cực thì mới thấy hết được tấm lòng bao dung, độ lượng của một người mẹ già nua, nghèo khổ. Cũng phải đặt trong một tình huống đặc biệt, Kim Lân mới có thể phát hiện những vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người anh nông dân ngụ cư nghèo khổ, vụng về, thô kệch.
+ Tình huống truyện tạo tiền đề để khai thác diễn biến tâm lí nhân vật một cách tinh tế, chân thực: tâm lí của Tràng, của người vợ, đặc biệt là của bà cụ Tứ. Qua cách kể của Kim Lân, câu chuyện "nhặt" vợ tưởng là bi hài đã hoá thành khúc ca về sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người lao động. Ngay trong đói khổ cùng cực – khi người ta ngỡ chỉ còn nghĩ được đến miếng ăn, chỉ còn sống với nỗi lo âu về cái chết thì Tràng vẫn khát khao được sống như một con người thực sự. Khát vọng hạnh phúc bình dị mà tha thiết, mãnh liệt ấy khiến người đọc không hề bất ngờ khi ngồi bên mâm cơm ngày đói, Tràng chọt nghĩ đến cảnh những người đói đi phá kho thóc của Nhật. Và cả gia đình Tràng – ba con người đang lâm vào cảnh khốn cùng – đã không tuyệt vọng.
– Đánh giá khái quát những thành công của tác giả trong cách xây dựng tình huống truyện và giá trị, ý nghĩa của tình huống này.