SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO TP. HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG THPT NAM KỲ KHỞI NGHĨA (Đề thi thử chính thức cụm 4) | KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2018
Môn Ngữ Văn Thời gian 120′, không kể thời gian phát đề |
I.ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu
Đối với nam giới, được công nhận là “đã trưởng thành” chính là thành công đầu tiên cần phải đạt được, trước tất cả những thành công khác. Nghĩa là anh phải trở thành “một người đàn ông chân chính” trước khi trở thành bất cứ thứ gì khác trong đời.
(…)
Với em thì trưởng thành nghĩa là gì?
… Mười bốn tuổi, chúng ta có quyền làm chứng minh thư. Mười tám tuổi, được đi bầu cử và có đầy đủ quyền công dân. Mặc dù vậy, không có ai nghiễm nhiên được công nhận là đã trưởng thành vào tuổi mười tám. Cũng không ai làm lễ cho ngày nhận chứng minh thư hay lần đầu tiên đi bầu cả. Có phải vì không có dấu mốc rõ rệt nên chúng ta không có sự khao khát trưởng thành cũng như khao khát khẳng định sự trưởng thành của mình. Và vì thế mà có không ít thanh niên đến kỳ thi đại học vẫn không biết mình muốn học ngành gì. Tốt nghiệp xong vẫn không biết mình có ưa thích nghề này không. Bị công an giao thông phạt thì thưa rằng em không biết luật quy định như vậy. Và rất nhiều người khác dù đã vượt xa cái tuổi 18 mà vẫn hành xử như con trẻ.
Để chứng tỏ sự trưởng thành, em có thể học cách hành xử giống như những người trưởng thành. Tuy nhiên, sự trưởng thành không phải là để chứng tỏ. Thật ra, trưởng thành không phải là một thành tích có thể đạt được qua một đêm, mà là một quá trình diễn ra suốt cuộc đời. Chúng ta đạt đến sự trưởng thành ở từng khía cạnh khác nhau vào mỗi thời điểm khác nhau trong đời sống. Có thể em trưởng thành trong tiêu xài ở tuổi lên mười, khi đã biết trân trọng từng đồng bạc mẹ cho. Có thể em trưởng thành trong ứng xử ở tuổi mười lăm, khi biết bày tỏ thái độ tôn trọng người đối diện. Nhưng có thể đến năm ba mươi tuổi em vẫn chưa trưởng thành về tình cảm, nếu em còn tin rằng tình yêu không thể chỉ được cảm nhận mà luôn cần phải được chứng minh…
(Trích Khi ấy, một người đàn ông sẽ ra đời – Phạm Lữ Ân)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của ngữ liệu.
Câu 2. Theo tác giả, thành công đầu tiên cần đạt được đối với nam giới là gì ?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép lặp cú pháp được sử dụng trong những câu: “Có thể em trưởng thành trong tiêu xài ở tuổi lên mười, khi đã biết trân trọng từng đồng bạc mẹ cho. Có thể em trưởng thành trong ứng xử ở tuổi mười lăm, khi biết bày tỏ thái độ tôn trọng người đối diện.”
Câu 4. Việc không được công nhận đã trưởng thành vào tuổi mười tám khiến cho thanh niên có những những suy nghĩ và hành xử như thế nào ?
LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung phần văn bản đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về câu hỏi “Với em thì trưởng thành nghĩa là gì ?”
Câu 2 (5.0 điểm)
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
(Sóng, Xuân Quỳnh,SGK Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục)
Cảm nhận của anh chị về khát vọng tình yêu của Xuân Quỳnh trong đoạn thơ trên. Qua đó, liên hệ với bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu (SGK Ngữ Văn 11, tập 2, NXB Giáo dục) để nhận xét về cách bày tỏ khát vọng tình yêu và cuộc sống của hai nhà thơ Xuân Quỳnh, Xuân Diệu.
——Hết——-
– Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị không được giải thích gì thêm
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI THỬ CỤM 4 – TRƯỜNG THPT NAM KỲ KHỞI NGHĨA
ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của ngữ liệu: Nghị luận
– Trả lời đúng: 0.5đ
– Trả lời sai hoặc không trả lời: 00 đ
Câu 2. Theo tác giả, thành công đầu tiên cần đạt được đối với nam giới là:
+ Được công nhận là “đã trưởng thành”.
+ Nghĩa là anh phải trở thành “một người đàn ông chân chính” trước khi trở thành bất cứ thứ gì khác trong đời.
– Trả lời đúng: mỗi ý 0.25đ
– Trả lời sai hoặc không trả lời: 00 đ
Câu 3 (1.0 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của phép lặp cú pháp được sử dụng trong những câu: “Có thể em trưởng thành trong tiêu xài ở tuổi lên mười, khi đã biết trân trọng từng đồng bạc mẹ cho. Có thể em trưởng thành trong ứng xử ở tuổi mười lăm, khi biết bày tỏ thái độ tôn trọng người đối diện.”
+ Chỉ ra: “Có thể em trưởng thành trong…… khi……”
+ Tác dụng: Câu văn nhịp nhàng, nhằm nhấn mạnh sự trưởng thành có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành thái độ sống tích cực đúng đắn đối với mỗi người.
– Trả lời đúng: mỗi ý 0.5đ
– Trả lời sai hoặc không trả lời: 00 đ
Câu 4 (1.0 điểm) Việc không được công nhận đã trưởng thành vào tuổi mười tám khiến cho thanh niên có những những suy nghĩ và hành xử: : mỗi ý 0.25đ.
+ Không ít thanh niên đến kỳ thi đại học vẫn không biết mình muốn học ngành gì.
+ Tốt nghiệp xong vẫn không biết mình có ưa thích nghề này không.
+ Bị công an giao thông phạt thì thưa rằng em không biết luật quy định như vậy.
+ Và rất nhiều người khác dù đã vượt xa cái tuổi 18 mà vẫn hành xử như con trẻ
– Trả lời đúng: mỗi ý 0.25đ
– Trả lời sai hoặc không trả lời: 00 đ
LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 Từ nội dung phần văn bản đọc hiểu, anh/chị viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về câu hỏi “Với em thì trưởng thành nghĩa là gì ?”
- Đảm bảo hình thức đoạn văn, viết đúng dung lượng quy định. (0,25 điểm)
- Xác định đúng vấn đề nghị luận: HS bày tỏ suy nghĩ của bản thân về trưởng thành nghĩa là gì (0,25 điểm)
- Triển khai vấn đề (1,0 điểm)
– Trưởng thành là sự chính chắn trong độ tuổi, suy nghĩ và hành động,
– Trưởng thành nghĩa là khi hành động phải có suy nghĩ thấu suốt những vấn đề xảy ra xung quanh mình và nhất là tự chịu trách nhiệm với mọi hành vi mình gây ra. Có thể sai lầm nhưng tuyệt nhiên không được tái lập sai lầm đã từng phạm phải. Khi đó, người trưởng thành là người sống có nhân cách.
– Trưởng thành nghĩa là tự đứng trên đôi chân của mình, biết tự suy nghĩ tự tạo cho mình một phong cách sống riêng, độc đáo, không bắt chước, không dựa dẫm vào người khác, từ miếng ăn áo mặc đến tư tưởng, phong cách hay hành vi…..
– Những người tuổi đã lớn mà chưa chính chắn, nghiêm túc trong suy nghĩ hành động là những người chưa thật sự trưởng thành
-Học sinh rút ra bài học cho chính mình…(ngắn gọn)
- Đảm bảo chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm)
- Sáng tạo (0,25 điểm)
Câu 2 (5.0điểm)
Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề NL, Thân bài triển khai vấn đề, Kết bài khái quát vấn đề (5đ)
Xác định đúng vấn đề nghị luận (0.25đ): Cảm nhận của anh chị về khát vọng tình yêu của Xuân Quỳnh trong 2 đoạn thơ, liên hệ với bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu để nhận xét về cách bày tỏ khát vọng tình yêu và cuộc sống của hai nhà thơ Xuân Quỳnh, Xuân Diệu.
Triển khai vấn đề nghị luận: vận dụng các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
HS có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật các ý chính:
3.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm Xuân Quỳnh. (0.25đ)
3.2. Cảm nhậnkhát vọng tình yêu của Xuân Quỳnh qua 2 đoạn thơ cuối (1.5đ)
– Thế giới của thời gian và không gian được Xuân Quỳnh đặt cạnh nhau trong sự tương phản và đối lập giữa cái hữu hạn (kiếp người) và cái vô hạn (thời gian và biển lớn). Nữ sĩ như thấy mình nhỏ bé, mong manh, nhạy cảm, lo âu và day dứt đã làm cho hồn thơ này trở nên tha thiết mãnh liệt hơn giữa cuộc đời.
– Từ những âu lo, dự cảm đó đã mang đến cho Xuân Quỳnh một khát vọng mãnh liệt, khát vọng được bất tử hoá tình yêu, được tan thành trăm con sóng nhỏ, để vượt qua mọi giới hạn không gian, thời gian để trường tồn cùng tình yêu để hoà nhập trọn vẹn và bất tử trong tình yêu.
– Yêu và mong ước được hiến dâng và hi sinh cũng chính là khao khát được sống hết mình vì tình yêu. Có như thế tình yêu mới có thể tồn tại vĩnh hằng cùng với thời gian; có như thế tình yêu mới chiến thắng được cái hữu hạn, mong manh của đời người. Đó là khát vọng xuất phát từ tình yêu chân thành và mãnh liệt.
3.3. Liên hệ với bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu để nhận xét về cách bày tỏ khát vọng tình yêu và cuộc sống của hai nhà thơ Xuân Quỳnh, Xuân Diệu (1.0đ)
– Cả hai bài thơđều bộc lộ cái tôi cá nhân trước cuộc sống và tình yêu, đều thể hiện cái tôi giàu cảm xúc, giàu khát vọng mãnh liệt về tình yêu và cuộc đời.
– Khát vọng trong “Sóng” là khát vọng của tình yêu lứa đôi, là khao khát dâng hiến đến tận cùng, khát vọng bất tử hoá tình yêu. Còn trong “Vội Vàng” – Xuân Diệu thể hiện một quan niệm sống: sống vội vàng, sống giục giã, cuống quýt, phải tận hưởng vì thời gian đi qua tuổi trẻ sẽ không còn.
– Sóng của Xuân Quỳnh là vẻ đẹp của cái tôi dịu dàng mà mãnh liệt khao khát được tan ra, được hiến dâng cho cuộc đời, muốn vượt qua sự hữu hạn của đời người để hoá thân vào biển lớn tình yêu; thì Vội Vàng của Xuân Diệu lại bộc lộ một cái tôi sôi nổi, vồ vập và khát vọng chiếm lĩnh bởi “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”.
3.4. Đánh giá: (0,5đ)
– Nghệ thuât: Thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu. Sử dụng các phép tu từ: nhân hoá, ẩn dụ…Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế. Giọng thơ mềm mại, nữ tính.
– Đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh thể hiện cái tôi đầy những âu lo, trắc ẩn nhưng cũng dồn chứa bao khát vọng tình yêu “bồi hồi trong ngực trẻ
– Dù mang hai quan niệm khác nhau nhưng cả hai đoạn thơ và tư tưởng của những thiên tài thi ca Xuân Quỳnh – Xuân Diệu vẫn cất lên những giá trị nhân bản, nhân văn: yêu là sống hết mình cho tình yêu.
- Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt (0.25đ)
- Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. (0.25đ)
(ĐỀ VÀ ĐÁP ÁN GỒM 5 TRANG)