Soạn bài nhân vật giao tiếp
Câu 1.
a. Trong hoạt động giao tiếp trên, các nhân vật giao tiếp đều đang ở lứa tuổi thanh niên. Tràng là nam còn cô gái nhặt thóc ở kho là nữ và đều là những người lao động nghèo khổ.
b. Các nhân vật luân phiên lượt lời theo trình tự, người nói là Tràng – người nghe là các cô gái; người nói là các cô gái – người nghe là thị; người nói là thị - người nghe là các cô gái và Tràng… Lượt thoại đầu tiên của nhân vật thị hướng đến hai đối tượng.
c. Các nhân vật giao tiếp đều bình đẳng về vị thế xã hội.
d. Lúc đầu quan hệ còn xa lạ nhưng sau đó họ nhanh chóng trở nên thân tình vì cùng lứa tuổi, cùng vị thế xã hội.
e. Những đặc điểm của nhân vật giao tiếp đã chi phối đến lời nói và dùng những từ xưng hô thân mật thậm chí suồng sã, câu tình lược thành phần nhờ có những điệu bộ, cử chỉ hỗ trợ cho lời nói: cười như nắc nẻ, cong cớn, liếc mắt cười tít…
Câu 2.
a. Trong đoạn trích trên có những nhân vật giao tiếp là:
- Bá Kiến
- Mấy bà vợ bá Kiến
- Bọn người làng
- Chí Phèo
- Lí Cường
Bá Kiến nói với một người nghe là: Chí Phèo, lí Cường; nói với nhiều người nghe là: mấy bà vợ, dân làng.
b. Vị thế của bá Kiến so với mấy bà vợ và lí Cường là người chồng, người cha nên cách tỏ rõ uy quyền của người bề trên và dùng câu mệnh lệnh.
Vị thế của bá Kiến so với dân làng trong đó có Chí Phèo là người có quyền thế nên cách nói có vẻ nhã nhặn nhưng vẫn tỏ vẻ quyền uy.
c. Sau khi ở tù về, Chí Phèo đến nhà bá Kiến với ý định trả thù. Bá Kiến đi vắng nên xảy ra xô xát với lí Cường, vừa lúc đó thì bá Kiến về. Nhìn qua một lượt, bá Kiến hiểu rõ cơ sự liền tung ta chiến lược đẹp yên sự vụ có thể gieo tai họa lên gia đình hắn. Trong những lời thoại trên bá Kiến sắp xếp lần lượt các lời thoại để tấn công hạ gục Chí Phèo.
- Bá Kiến tìm cách đuổi hết mọi người vừa để tránh to chuyện vừa cô lập Chí Phèo. Chí Phèo cảm thấy đơn độc, nhuệ khí tan dần theo hơi rượu.
- Bá Kiến đã vuốt giận Chí Phèo bằng lời lẽ ngọt ngào và cách xưng hô tâng bốc: Anh Chí ơi! Rồi thân mật: cái anh này, tiếp đến là cách xưng hô như người trong nhà với ngôi thứ nhất số nhiều: ta (để phân biệt với người ngoài). Bên cạnh cách xưng hô là những lời nói nhẹ nhàng, khích lệ, động viên và hành động như người quen thân lâu ngày mới gặp.
- Để Chí Phèo không xem là đối địch, bá Kiến đã nhận Chí Phèo là người nhà, là họ hàng. Cách nâng vị thế giao tiếp làm cho Chí Phèo hãnh diện vì được ngang hàng với gia đình danh giá nhất làng, chắng mấy chốc hắn quên mất ý định ban đầu.
- Đòn cuối cùng bá Kiến mắng lí Cường với giọng đắc thắng là để tôn Chí Phèo và Bá Kiến đã được mục đích dập tắt ngọn lửa căm thù trong lòng Chí Phèo, bóp chết ý định trả thù của Chí trong trứng nước.
d. Với chiến lược giao tiếp như trên, bá Kiến đã đạt được mục đích biến thù thành bạn. Những người nghe trong cuộc hội thoại với bá Kiến đều nhất mực phục tùng. Chí Phèo có phản ứng một lời nhưng chỉ là lời vớt vát thể diện: Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.
Câu 3. Hai nhân vật giap tiếp là anh Mịch, một người nông dân là lí trưởng, kẻ chức sắc có quyền thế trong làng.
Vị thế xã hội ấy đã chi phối đến các lời thoại trong cuộc hội thoại. Anh Mịch thì van xin, cầu cạnh: lạy ông, xưng hô con. Còn lí trưởng hách dịch hăm dọa: kệ mày và xưng hô là tao.
Câu 4.
- Viên đội sếp Tây: vị thế xã hội là người có quyền thế, nghề nghiệp cảnh sát, giới tính là nam, văn hóa kém cỏi vì lời thoại vừa hống hách vừa có thái độ phân biệt chủng tộc.
- Nhân vật đám đông: vị thế xã hội thấp, văn hóa cũng thấp nên lời thoại mang tình hiếu kì.
- Chú bé con còn ngây thơ nên chỉ chú ý chi tiết lạ mắt của viên Toàn quền và chỉ nhìn đối tượng ở bên ngoài.
- Chị con gái, tuổi hồn nhiên, thích làm đẹp nên chỉ quan tâm đến trang phục.
- Anh sinh viên là người có trình độ văn hóa, quan tâm đến hoạt động xã hội và chính trị nên nghĩ đến việc làm của viên Toàn quyền.
- Bác cu-li xe vất vả với nghề nghiệp của mình, văn hóa còn thấp nên nhìn đối tượng có liên quan đến chuyện miếng cơm manh áo của mình.
- Nhà nho học vấn uyên thâm nên có cái nhìn sâu sắc: nhìn bên ngoài có thể đánh giá bản chất bên trong của đối tượng.
Nhận xét chung: Lời thoại của nhân vật giao tiếp thường phản ánh trình độ học vấn, văn hóa, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp của nhân vật đó.
Câu 5.
a. Bà lão hàng xóm và chị Dậu có vị thế xã hội ngang nhau: đều là người nông dân nghèo khổ và có quan hệ tình cảm xóm giềng, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Điều đó đã chi phối đến lời thoại của các nhân vật qua cách dùng từ xưng hô: bác trai, cụ; từ gọi đáp: vâng và nội dung lời nói thể hiện sự quan tâm chia sẻ, góp ý… thái độ lo lắng, vâng lời.
b. Sự tương tác về hành động ngôn ngữ giữa các lượt lời:
- Hỏi thăm – cảm ơn
- Đề nghị - lĩnh hội
- Đề nghị - (đồng ý)
- Đoạn hội thoại cho thấy cách ứng xử của hai nhân vật thân mật nhưng không suồng sã vì tình chất quan trọng của nội dung đề tài. Văn hóa ứng xử ấy rất đẹp, đáng trân trọng. Họ là những người nông dân giàu tình cảm và trách nhiệm.
Câu 6. (Nâng cao)
a. Trong đoạn đối thoại trên, người điều khiển là một ông đàn anh, một chức sắc trong làng.
b. Ông đàn anh có giọng ra lệnh cho thấy vị thế xã hội là kẻ bề trên trong làng còn anh mõ làng trong lời nói vừa bẩm vừa dạ vừa thưa cho thấy vị thế xã hội trong quan hệ giao tiếp rất thấp.
Câu 7. Trong cảnh cho chữ, khi cho chữ xong, Huấn Cao đỡ viên quản ngục đứng dậy và khuyên quản ngục bỏ nghề.
Quản ngục vái Huấn Cao và nói rằng: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh.
Huấn Cao có cử chỉ rất ân cần, nâng đỡ, chăm sóc còn lời lẽ điềm đạm, trang trọng, chân thành. Trong khi cử chỉ của viên quản ngục thì khúm núm phục tùng, hạ mình trước Huấn Cao; lời nói xúc động biết ơn. Sự khác biệt đó cho thấy quan hệ giữa hai người không phải là quan hệ xã hội mà quan hệ trước cái đẹp của nhân cách và tài năng. Cái tài lớn hơn thì ở vị thế cao hơn.
Câu 8. Thái độ của chị Dậu thay đổi rất rõ ràng qua ba lời nói. Ở lời thứ nhất chị nhún mình van xin trước bọn cai lệ - đại diện cho bọn cường hào quyền thế trong làng. Cách xưng hô khiêm nhường, nhã nhặn: cháu – ông. Nhưng bọn cai lệ không những không nghe mà còn ức hiếp, ngang tàng. Bất bình trước sự thô bạo, vô nhân đạo của bọn cai lệ, chị Dậu uất ức vùng lên đặt mình vị thế ngang hàng với chúng qua cách xưng hôi tôi – ông và lời lẽ không còn van xi mà là lời khuyến cáo nhân danh quyền con người. Thế nhưng bọn cai lệ vẫn liều mạng, chị Dậu không thể kìm chế được nữa, bất khuất vùng lên với tư thế hùng dũng và vị thế cao hơn hẳn, sẵn sàng nghiền nát đối thủ qua cách xưng hô bà – mày.