So sánh hai đoạn thơ:

"Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đâu núi nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia sông Đáy Suối Lê vơi đầy

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi”

Và :

"Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức"

 

Bài làm

                     Raxun Gamzatop đã từng ví văn học nghệ thuật như một cây đàn pandur. Mỗi nghệ sĩ chính là một dây đàn trong đó để hòa điệu thành một chuỗi thanh âm. Những thanh âm ấy có lúc đồng điệu, có lúc lại ngân lên theo một cách riêng biệt. Cùng là một dòng sông nhưng với từng nhà văn mà có thể dữ dội hay dịu êm. Cũng là nỗi nhớ nhưng với hai nhà thơ, nó lại có sự tương đồng và khác biệt. Điều này được thể hiện rất rõ qua hai đoạn thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu và "Sóng" của Xuân Quỳnh:

"Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đâu núi nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia sông Đáy Suối Lê vơi đầy

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi”

Và:

"Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức"

 

                    Ta có thể thấy rằng Tố Hữu và Xuân Quỳnh đều là những nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị với những sáng tác mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Trong khi đó, Xuân Quỳnh lại được mệnh danh là nhà thơ của tình yêu. Bài thơ Việt Bắc được sáng tác năm 1954 với nỗi nhớ chủ đạo của con người đã gắn bó với nhau hơn một thập kỷ: cán bộ và con người Việt Bắc. Cùng với đó, bài thơ sống được sáng tác năm 1967 và được in trong tập "Hoa dọc chiến hào" năm 1968. Thông qua hình tượng "Sóng", Xuân Quỳnh đã thể hiện rất rõ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu: khao khát yêu thương nhưng cũng đầy lo âu, trăn trở. Hai đoạn thơ trên để viết về nỗi nhớ và cả hai đều mang đến cho ta những cảm nhận ấn tượng.

 

                   Đoạn thơ "Việt Bắc" thể hiện nỗi nhớ cảnh và con người của người ra đi. Sức khỏe của nỗi nhớ trước tiên được hiện ra: "Nhớ gì như nhớ người yêu". "Nhớ người yêu" là nó giữ đặc biệt, không nguyên cớ, không nguồn cơn. Tố Hữu đã từng viết:

"Lạ chưa vẫn ở bên em

Mà sao vẫn nhớ vẫn thèm gặp em"

Và còn nữa, một nhà thơ khác đã từng nói:

"Uống xong lại khát là tình

Gặp rồi lại nhớ là mình với ta"

 

                   Như vậy nỗi "nhớ người yêu" chính là mức độ cao nhất của nỗi nhớ. Ta vẫn biết bài thơ chính là nỗi nhớ của cán bộ về xuôi và nhân dân ở lại chiến khu cách mạng. Nỗi nhớ quân dân bỗng hóa thành nỗi nhớ tình yêu đôi lứa. Có gì đó như tha thiết hơn như quyện hòa và gắn bó hơn. Cảnh vật Việt Bắc hiện lên trong ký ức có ngày nắng vàng, có đêm trăng thanh, có bản làng bồng bềnh sương khói, có bờ tre vách nứa bình dị mà thân thuộc. Bức tranh thiên nhiên dù được nhớ lại nhưng không hề là bức tranh tĩnh vật. Sự vật không chịu ép mình là một tiêu bản đẹp mà sống động và cựa quậy.

 

                 Cảnh vật Việt Bắc hiện lên dù có tên như "Ngòi Thia, sông Đáy", dù không tên như "bờ tre vách đá" đều được hiện về có phép điệp "nhớ" hay " nhớ từng". Nỗi nhớ đã ôm trùm cảnh vật. Điệp từ "nhớ" được đặt đầu cơ phải chăng đóng vai trò như cánh cổng ký ức để đón chào những kỷ niệm. Người đi trong phút chia tay đã khẳng định nguyên nhân của nỗi nhớ: "Ta đi ta nhớ những ngày Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi" Nhịp ngắt nghỉ của câu chữ, phép điệp từ "ta" đã mang đến lời khẳng định chắc chắn làm xoa dịu sự trăn trở trong lòng người. Cội nguồn của nỗi nhớ chính là sự chia sẻ, gắn bó những "đắng cay ngọt bùi". Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh để người lính có thể chiến đấu và chiến thắng.

 

                   Với bài "Sóng", đoạn thơ đã thể hiện nỗi nhớ của người phụ nữ trong tình yêu. Đầu tiên, nữ sĩ giấu nỗi nhớ ấy và trong nỗi nhớ bờ của những con sóng:

"Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi Con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được".

 

                  Điệp ngữ "con sóng" được đặt trong những mối quan hệ của thời gian "ngày đêm" của không gian "dưới lòng sâu"- "trên mặt nước". Nỗi nhớ bờ của những con sóng tràn cả không gian và thời gian, nó da diết đến khắc khoải.

Nhưng nỗi nhớ trong tình yêu dường như còn mãnh liệt hơn thế. Cảm xúc dường  như cứ  thế tràn qua bờ đập của ngôn từ, thôi thúc nhà thơ viết thêm hai câu thơ nữa cho một khổ thơ tưởng chừng như đã đủ, đã đầy

"Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức"

Nỗi nhớ không chỉ tràn tầng bậc không gian thời gian mà còn tràn cả ý thức lẫn vô thức. Nỗi nhớ này làm ta nhớ tới nỗi nhớ của các cô gái trong ca dao:

"Đêm nằm lùng chẳng bén giường

Mong cho chóng sáng ra đường gặp anh"

Nhớ vốn là trạng thái tâm lý quen thuộc của tình yêu. Một tình yêu không nhớ là một tình yêu sắp lụi tàn.

 

                  Mặc dù vậy, người phụ nữ "thức" có lẽ không phải chỉ là để nhớ mà thức còn lại để canh giữ tình yêu. Người phụ nữ sợ rằng chỉ sau một cái chớp mắt, tình yêu sẽ tan biến. Cái hạnh  phúc đang  cầm nắm bỗng chốc sẽ tuột khỏi tầm tay. Đây là tâm lý rất dễ hiểu của một con người đã hơn một lần nếm trải những cay đắng, những đổ vỡ trong tình yêu:

"Em không dám mong chờ lại vĩnh viễn

Hôm nay yêu mai có thể xa rời"

Hay:

"Tình yêu mong mảnh như làn khói

Ai biết tình ai có đậm đà"

 

                   Và cuối cùng, "thức" có lẽ không chỉ là để canh giữ tình yêu. Nó còn là cách người phụ nữ dành thời gian để ở bên hạnh phúc. Cô sợ rằng thời gian sẽ qua quá mau khiến mình không kịp tận hưởng tình yêu. Và như vậy, nỗi nhớ này, tình yêu này phải chăng có quá tội nghiệp không? Vì yêu, vì trăn trở mà người phụ nữ muốn nối dài cuộc đời bằng những giấc mơ. Nỗi Nhớ vô lý mà lại rất hợp lý.

                 Ta có thể thấy rằng: Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ rất dễ gặp nhau tại những giao lộ cảm xúc. Cả hai đoạn thơ đều nói về nỗi nhớ, những nỗi nhớ da diết, khắc khoải. Thông qua nỗi nhớ ấy, người đọc phần nào hiểu được tình cảm sâu đậm của nhân vật trữ tình. Đó là tình yêu sâu sắc của người phụ nữ, là sự gắn bó nghĩa tình của người cán bộ về xuôi với cảnh vật và con người Việt Bắc.

                     Tuy nhiên, Nếu một tác phẩm nghệ thuật không có sự khác biệt thì tác phẩm đó sẽ chết. Hai ngày thôi lớn chắc chắn sẽ không để đứa con tinh thần của họ bị biến thành bản sao. Cũng viết về nỗi nhớ nhưng sự khác nhau cơ bản của hai đoạn thơ là đối tượng của nỗi nhớ. Một bên là nỗi nhớ của cả tập thể con người còn một bên là nỗi nhớ của tình cảm cá nhân. Trong nỗi nhớ ở Việt Bắc, ta thấy có mong muốn khẳng định sự thủy chung để làm yên lòng người ở lại. Còn nỗi nhớ của "em" trong "Sóng" lại là sự kết hợp giữa khát vọng yêu và niềm lo âu, bất ổn. Bên cạnh khác biệt về nội dung, hai đoạn thơ rõ ràng khác biệt về hình thức giữa một bên là thể thơ lục bát đậm đà tình dân tộc và một bên là thể thơ 5 chữ giàu nhạc điệu. Tất cả những sự khác biệt ấy đã giúp hai đoạn thơ này trở thành những mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh thơ ca Việt Nam hiện đại.

 

                   Trong Việt Bắc, Tố Hữu đã vận dụng thành công cặp đại từ "mình"- "ta",  âm hưởng lời ru dìu dặt,  trao đưa. Còn với “Sóng”, thành công lớn nhất của Xuân Quỳnh chính là việc bà đã xây dựng rất độc đáo hình tượng ẩn dụ sóng, đặt trong đó là sự đắp đổi nhịp nhàng của ngôn từ. Bằng tất cả những điều đó, hai nhà thơ đã mang đến những câu thơ thật xáo động. Cảm xúc cứ thế tràn qua bờ đập của ngôn từ. Hai đoạn thơ khiến người đọc nhớ là vì thế, khiến người đọc yêu có lẽ cũng là vì thế.

 

                    Thời gian vốn là một tấm màng lọc nghiệt ngã. Qua thời gian, những tác phẩm sẽ chết. Chúng bị biến thành cát bụi dưới chân biết bao dấu chân  người lại qua. Thế nhưng có những tác phẩm sẽ sống. Đó mới chính là những tác phẩm đích thực. Cả hai bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu và “Sóng” của Xuân Quỳnh đã chứng minh câu nói của Seđiêrin về văn học nghệ thuật rằng văn học nghệ thuật luôn  nằm ngoài quy luật của mọi sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.

 

Người viết: Nguyễn Minh Hòa

Bài viết gợi ý: