Đề bài: có ý kiến cho rằng: “Tư tưởng Đất nước của nhân dân như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong chương trình “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm”

Bài làm

                           Có người đã từng nói: “Những tri thức khoa học chỉ như những thỏi vàng, chỉ sử dụng được trong những phạm vi nhỏ hẹp. Còn những tri thức từ các tác phẩm văn học lại như những đồng tiền nhỏ, dễ len lỏi đến với ta.” Có lẽ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm chính là một đồng tiền vàng như thế. Qua đoạn trích này, người đọc dễ dàng thấm nhuần tư tưởng “Đất nước của nhân dân” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong chương “Đất nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng”- Một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Khoa Điềm.

                         Nguyễn Khoa Điềm là gương mặt nhà thơ tiêu biểu trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ của ông là sự kết hợp giữa suy tư sâu sắc và xúc cảm dồn nén. Những tác phẩm của ông mang ý thức về trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng, với dân tộc.

                                                                     

 

                           Đề tài đất nước không lạ lẫm trong thi ca. Ta đã từng bắt gặp một đất nước “thon thả giọt đàn bầu” trong thơ Tạ Đức Viên, một đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo hay một đất nước “nhìn từ biển” trong cái nhìn của Nguyễn Việt Chiến. Đến với “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, đến với một đề tài không mới nhưng ta vẫn thấy thật lạ lẫm. Trên trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm, đất nước hiện lên thật đẹp bởi chất liệu của văn hóa dân gian và cũng bởi tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”. Với suy nghĩ của nhà thơ, Đất Nước gắn bó với nhân dân và nhân dân cũng là người làm ra đất nước. Chính vì vậy, tất cả ý thơ tưởng chừng như rất ngẫu nhiên, tản mạn nhưng lại bám rất chắc vào tư tưởng chủ đề : “Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”.

                          Đầu tiên, tác giả  thể hiện mối quan hệ giữa nhân dân và đất nước bằng cách trả lời liên tiếp các câu hỏi: “Đất nước có từ bao giờ?”, “Đất nước ở đâu?”, “Đất Nước như thế nào?”. Những câu thơ đầu tiên vang lên mang đến niềm tự hào ấm áp về lịch sử dân tộc:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”

“Ta” có thể là anh, là em, là ông bà, cha mẹ. Đại từ mơ hồ, không xác định chỉ tất cả những người dân Việt Nam. Từ khi nằm nôi, “ta” đã gắn bó với Đất Nước rồi. Đất nước gắn bó với ta như bà, như cha, như mẹ, như chính cái tên của ta vậy. Đất nước có trong những thứ hữu hình như “miếng trầu”, “hạt gạo”,…Đất Nước cũng có trong những điều vô hình như tình nghĩa hay nỗi nhớ thương. Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện sự hiện hữu của Đất Nước qua chất liệu của văn hóa dân gian. Nếu như miếng trầu bắt đầu câu chuyện thì nay nó đã bắt đầu nên Đất Nước. Đất nước bắt đầu từ những điều bình dị và lớn lên từ những điều thiêng liêng: “lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Đất Nước hiện hữu trong phong tục là miếng trầu, hiện hữu trong truyền thuyết “Thánh Gióng” và còn hiện hữu trong cả thành ngữ và tục ngữ : “Một nắng hai sương”, “gừng cay muối mặn”,…Như vậy, Đất Nước được thể hiện một cách trực ngôn. Cái vĩnh hằng của Đất Nước được thể hiện trong chính cái hằng ngày của cuộc sống nhân dân.

 

 

 

                           Đất Nước khi soi chiếu trong nhiều chiều, nhiều góc độ ta sẽ thấy rõ thêm mối quan hệ giữa Đất Nước với Nhân Dân. Đất Nước chính là không gian sống, không gian sinh tồn của muôn triệu thế hệ người Việt. Nhân dân đã góp mình vào cuộc chạy tiếp sức làm nên dòng chảy lịch sử miên viễn, vĩnh hằng cho Đất Nước. Cho nên, định nghĩa Đất Nước dẫu có được đặt trong nhiều mối quan hệ, ta vẫn luôn nhìn thấy hình ảnh của nhân dân. Trong suốt chiều dài lịch sử, chiều rộng không gian địa lý hay chiều sâu văn hóa, nhân dân vẫn luôn là hình tượng trung tâm.

                      Mỗi người luôn kế thừa những giá trị tốt đẹp của mảnh đất ta đang sống, thế nên: “Trong anh và em hôm nay đều có một phần Đất Nước.” Từ một phần đã khẳng định mỗi cá nhân đều góp sức , đều dự phần vào việc xây dựng đất nước. Những câu thơ nhẹ nhàng, êm ái như lời thủ thỉ, tâm tình khiến ta khó nhận ra tác giả của những câu thơ ấy là một nhà chính trị:

“Em ơi em

Đất nước là máu xương của mình”

Hai chữ “máu xương” mở ra hai cách hiểu. Đất Nước được xây dựng lên từ máu xương những người dân, những người con anh hùng Việt Nam. Nhưng “máu xương” cũng gợi đến sự gắn bó sâu đậm. Nó làm ta nhớ tới những câu thơ của Xuân Diệu:

“Tình yêu tổ quốc là đỉnh núi bờ sông

Đến tận cùng là dòng huyết quản”

Hay một câu thơ khác của Chế Lan Viên:

“Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt

Như mẹ như cha, như vợ như chồng”

Đất Nước luôn ở trong mỗi con người. Chính vì vậy nên:

“Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn to lớn”

    

                          Đất Nước ấy thực sự to lớn, thực sự thiêng liêng bởi Đất Nước do chính nhân dân gầy dựng. Mỗi người luôn mang trong mình trách nhiệm “gánh vác-dặn dò”. Với quá khứ, ta phải thừa hưởng, với tương lai, ta phải ủy thác. Còn với hiện tại? Ta phải biết “hóa thân”. Nhìn Đất Nước theo góc nhìn địa lý, đâu đâu ta cũng thấy “một ao ước, một lối sống ông cha”:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những hòn Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp lên hòn Trống Mái

Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

….

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên”

 

 

 

                                 Chủ thể của từ “góp” luôn là nhân dân bởi họ là những con người “đã hóa núi sông ta”. Chỉ cần cống hiến, chỉ cần xây dựng, mỗi người sẽ được hóa thân vào dáng núi hình sông.

Nếu như nhìn vào địa lý là cái nhìn hiện hữu thì nhìn vào thời gian sẽ là cái nhìn suy tưởng. Trong chiều dài thời gian, hai chữ “nhân dân” hiện lên giữa bề bộn ngôn từ: “người người lớp lớp”, “con gái con trai”, “những người giống ta lứa tuổi”,…Chủ thể của mọi hoạt động luôn là “họ”. Từ “họ” đã cho thấy sự đông đảo và vô danh của nhân dân. Không có một cái tên riêng, không có một gương mặt, đây liệu có phải dụng ý của tác giả? Đất Nước không hiện lên qua những anh hùng như trong sáng tác của Chế Lan Viên:

“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng”

Với Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước: “là của những người vô danh, của nhân dân”. Bởi những đóng góp của họ dẫu có nhỏ bé, dẫu có hữu hạn nhưng chính họ đã tạo nên sự vĩnh hằng, lớn lao cho Đất Nước.

                               Nhân dân đã chiến đấu bảo vệ Đất Nước, đã lao động xây dựng Đất Nước. Và cũng chính nhân dân đã gầy công tạo nên nền tảng văn hóa cho Đất Nước mình. Cuối cùng, tất cả những điều họ làm đều hướng tới:

“Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân Dân

Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”

Câu thơ như một câu ghép đẳng lập tạo ra sự tương đồng giữa ca dao thần thoại và Nhân Dân. Ca dao thần thoại là hoán dụ cho văn hóa dân gian, mà văn hóa dân gian là sản phẩm tinh thần của nhân dân. Cho nên, “Đất Nước của dao thần thoại” là cách nói rất thơ của Nguyễn Khoa Điềm để thể hiện tư tưởng “Đất Nước Của Nhân Dân”.

                          Bằng những câu thơ tản mạn ấn tượng, những hình ảnh gần gũi, những điệp từ, những chất liệu của văn hóa dân gian, Nguyễn Khoa Điềm đã mang tới những câu thơ đầy xúc cảm. Cảm xúc cứ thế tràn qua bờ đập của ngôn từ. Những câu thơ ấy cũng cho thấy phong cách nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm: giàu suy tư, giàu cảm xúc. Và tất cả đều hướng tới làm nổi bật tư tưởng chủ đạo xuyên suốt.

                         Những năm tháng đau thương, oanh liệt đã qua nhưng tác phẩm của Nguyễn Khoa Điềm sẽ đứng lại mãi với thời gian. Với “Mặt đường khát vọng” nói chung và “Đất Nước” nói riêng, Nguyễn Khoa Điềm đã chứng minh việc hoàn thành xuất sắc sữ mệnh nhà thơ của mình. Vì theo quan điểm của Sô-lô-khốp, người nghệ sĩ phải biết: “bày tỏ niềm trân trọng với nhân dân, nhân dân xây dựng, nhân dân anh hùng,…”.

Người viết: Nguyễn Minh Hòa

Bài viết gợi ý: