Đề: Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng sông Đà trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” – Nguyễn Tuân và hình tượng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” – Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó, trình bày suy nghĩ của mình về việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của quê hương, đất nước.
I. Nêu vấn đề:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm “Người lái đò sông Đà”
Nhà thơ Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân (1910 - 1987) là một nhà văn lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Sáng tác của ông trải qua hai giai đoạn: trước và sau Cách mạng Tháng Tám nhưng vẫn thống nhất trong một phong cách chung: tài hoa, uyên bác thể hiện qua những trang văn được gọi là “tờ hoa”, “trang hoa”.
“Người lái đò sông Đà” là một tùy bút đặc sắc của Nguyễn Tuân rút từ tập “Sông Đà”. Hình ảnh con sông Đà với hai đặc tính nổi bật là hung bạo và trữ tình được tác giả khắc họa đậm nét trong tùy bút.
- Giới thiệu tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”
Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường
Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là nguời Huế nhưng cuộc đời của ông gắn bó với Huế. Huế trở thành quê hương văn học đích thực của nhà văn. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và tư duy đa chiều. Tất cả được thể hiện qua lời văn hướng nội, súc tích, mê đắm, tài hoa.
“Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bài kí xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường, được viết tại Huế (1981), tác phẩm viết về sông Hương và xứ Huế. Đây là đề tài gợi nhiều cảm hứng cho bao nghệ sĩ. Hoàng Phủ Ngọc Tường tiếp tục nguồn cảm hứng bất tận về Hương giang, về Huế và một lần nữa khẳng định vẻ đẹp riêng râts độc đáo, rất nghệ thuật của dòng sông mộng mơ này. Không chỉ vậy, nhà văn còn phát hiện và diễn tả thành công vẻ đẹp mới lạ, bất ngờ của con sông độc đáo này.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: vẻ đẹp của sông Hương, sông Đà, và việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của quê hương, đất nước.
II. Giải quyết vấn đề:
1. Nét tương đồng của hai dòng sông:
- Sông Đà và sông Hương đều được tác giả miêu tả như một nhân vật trữ tình có tính cách với những vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt, thể hiện tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước.
- Sông Đà và sông Hương đều mang vẻ đẹp của sự hùng vĩ, dữ dội. Vẻ hùng vĩ của sông Đà được thể hiện qua sự hung bạo và dữ dội của nó trên nhiều phương diện khác nhau, cảnh trí dữ dội, âm thanh ghê rợn, đá sông như đang bày trùng vi thạch trận. Còn với sông Hương, khi chảy giữa lòng Trường Sơn, sông Hương chảy dữ dội tựa một bản trường ca của rừng già, tựa cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, …
- Sông Đà và sông Hương đều có vẻ đẹp thơ mộng và trữ tình. Sông Đà dáng sông mềm mại tựa mái tóc tuôn dài, màu nước thay đổi qua từng mùa, vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính. Còn sông Hương với dòng chảy dịu dàng và đắm say giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Sông Hương còn mang vẻ đẹp của người con gái ngủ mơ màng chờ người tình mong đợi đánh thức. Nó còn được ví như điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế.
- Cả hai đều được miêu tả qua ngòi bút tài hoa, uyên bác. Hai dòng sông được thể hiện trên phương diện thẩm mỹ, văn hóa. Sông Đà là nơi hội tụ hai nét tiêu biểu, đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, uy nghiêm, dữ dội lại vừa thơ mộng, trữ tình. Sông Hương là dòng sông của âm nhạc, dòng sông của thơ ca, của lịch sử gắn liền với những nét đặc sắc về văn hóa, với vẻ đẹp của người dân xứ Huế. Còn vẻ uyên bác được làm rõ khi hai nhà văn đều vận dụng cái nhìn đa ngành, kiến thức trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật để khắc họa hình tượng hai dòng sông.
2. Nét độc đáo riêng trong từng hình tượng con sông:
2.1. Sông Đà: Nhà văn tập trung tô đậm nét hung bạo dữ dội của sông Đà như một kẻ thù số một hiểm độc và hung ác.
Trước hết nhà văn đã ngược dòng sông tìm về nơi xa xưa trong lịch sư để hiểu sông Đà bắt nguồn từ đâu, có bao nhiêu thác ghềnh, sau đó ông tập trung bút lực để tả một con thác độc dữ trong tổng số 73 con thác có trên sông Đà. Nhưng trước khi đi vào miêu tả cụ thể con thác ấy, nhà văn tả cảnh đá bờ sông dự vách thành, cảnh mặt ghềnh Hát Loóng, những cái hút nước ở quãng Tà Mường Vát. Sông Đà hiện lên như một con người với hai cá tính trái ngược, hung bạo, dữ dằn và trữ tình, đằm thắm.
Con sông Đà hung bạo
+ Cảnh đá bờ sông dựng vách thành: “Mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới thấy mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Đây quả là một so sánh độc đáo thể hiện tài năng quan sát và diễn đạt của Nguyễn Tuân, một sức hút bình thường làm sao có nổi một so sánh như vậy.
+ Hình ảnh thác nước ở ghềnh: “dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồn gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ suýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy.” Kết cấu câu văn trùng điệp, so sánh nhân hóa, liên tưởng độc đáo, ấn tượng.
Nước dữ dội, ào ào, ghê rợn
+ Hình ảnh những cái hút nước ghê rợn: “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc, có lúc thì ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”, “nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bì dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới.” Nhà văn còn mượn kiến thức của điện ảnh khi tưởng tượng có một người quay phim táo tợn, đã dũng cảm dám ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút sông Đà. Từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải. Cái thuyền xoay tít, những thước phim màu cũng quay tít, cái máy lia ngược lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy cả cười quay phim, cả người đang xem.
+ Đặc biệt nhất vẫn là cảnh thác nước hãi hùng:
Từ xa đã nghe thấy tiếng nước réo và âm thanh luôn luôn thay đổi. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại nghe như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa. Nguyễn Tuân đã dùng lửa để tả nước, mượn tiếng gầm rống trong cơn tuyệt vọng kinh hoàng của đàn thú hoang sung sức để người đọc cảm nhận hết cái hung bạo, dữ dội của thác nước sông Đà.
Khi đến gần, sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Thác nước như một loài thủy quái, nó khôn ngoan, mưu trí, hung bạo và nham hiểm. Đá ở đây ngàn năm vẫn mai phục để vồ lấy thuyền. Đá bày thạch trận trên sông, đám tảng đám hòn chia làm 3 hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu. Thác sông Đà là một đối thủ ghê gớm của con người, ở đó có sự phối hợp giữa đá, nước thác. Nước thác không chỉ reo hò làm thanh viện cho đá, mà sóng nước còn như thể quân liều mạng hòng tiêu diệt ông đò và con thuyền. Với việc sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật kết hợp liên tưởng, tưởng tượng đặc đắc. Sông Đà hiện lên như kẻ thù số một hết sức nham hiểm, xảo quyệt đối với người lái đò.
Có thể xem đó là những thước phim dạo đầu đầy ấn tượng về một con sông hung bạo.
2.2. Sông Hương: được tô đậm nét đẹp trữ tình, thơ mộng, gợi cảm và đầy nữ tính, luôn mang dáng vẻ của một người con gái xinh đẹp, mong manh, có tình yêu say đắm.
- Vẻ đẹp của sông Hương ở thượng lưu: Nhìn từ cội nguồn là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn, tựa như “một bản trường ca của rừng già, rừng rộ những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộc xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm”. Bằng biện pháo nhân hóa, sông Hương hiện ra tựa như một cô gái Di gan đầy phóng khoáng và man dại, với một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng, đó là một vẻ đẹp còn đầy tính bản năng. Nhưng khi ra khỏi rừng thì sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Đó là vẻ đẹp của sự trưởng thành, mang cốt cách văn hóa. Và theo tác giả nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, thì người ta sẽ không hiểu đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ. Tất cả đã tạo nên ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt, hoang dại và đầy cá tính.
Vẻ đẹp hoang dại đầy cá tính
- Vẻ đẹp của sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế. Ở giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương giống như người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng. Khi ra khỏi vùng đồi núi thì lại giống như nàng tiên được đánh thức, sông Hương bỗng bừng lên vẻ đẹp sức trẻ và niềm khao khát tuổi thanh xuân. Điều này được thể hiện qua những dòng chuyển một cách liên tục của nó: vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường con thật mềm, vẽ một hình cung thật tròn, ôm lấy chân đồi thiên mụ, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, dòng sông mềm như tâm lụa, với những thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Khi qua lăng tẩm, giữa đám quần sơ lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa đường phong kín. Những nét diễn tả thể hiện sự lịch lãm và tài hoa trong lối hành văn của tác giả. Hai bút pháp kể và tả được kết hợp nhuần nhuyễn, làm nổi bật một sông Hương đẹp bởi sự phối cảnh kì thú của nó với thiên nhiên xứ Huế phong phú mà hài hòa.
- Sông Hương trong lòng thành phố Huế:
Sông Hương vui tươi lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc, giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến, đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Trong cách diễn đạt tài hoa của tác giả, sông Hương được cảm nhận dưới nhiều góc độ, nhìn bằng con mắt hội họa, từ sông Hương xinh đẹp, nhà văn liên tưởng tới những con sông khác: sông Xen, sông Nê Va, Đa nuýp và nhận ra nét tương đồng là cùng chảy giữa lòng thành phố. Nhưng sông Hương khác với những con sống khác là bởi vì nó vẫn giữ được những nét cổ kính hiếm có. Sông Hương và những chi lưu của nó tạo nên những đường nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô.
Qua cách cảm nhận âm nhạc, sông Hương đẹp như điệu “Slow” tình cảm dành riêng cho Huế. Và trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước, sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc ban đêm, giữa mênh mang sông nước, giữa tĩnh lặng của màn đêm. Từng lời ca, tiếng nhạc thấm sâu vào lòng người, để lại những dư vị khó quên.
- Sông Hương trước khi từ biệt Huế: Sông Hương lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô vĩ dạ. Và rồi như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặc sang hướng dông – tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ, khúc quanh này thật bất ngờ biết bao. Và để nhân cách hóa nó lên, tác giả gọi đấy là nỗi vương vấn, có một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẻ này, sông Hương đã chỉ tình trở lại tìm Kim Trọng của nó để nói một lời thề trước khi về với biển cả. Tác giả đã liên hệ “Lời thề ấy vang vọng khắp khu vực sông Hương thành giọng hò dân gian, ấy là tấm lòng người dân Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”. Đây đúng là một liên tưởng thú vị, độc đáo, đậm màu sắc văn chương, qua đó thấy được tình yêu đắm say đối với xứ Huế, với sông Hương của nhà thơ.
Ngoài ra, nét đặc biệt của sông Hương là nó có mối quan hệ mật thiết với lịch sử và thi ca. Trước tiên, với lịch sử, sông Hương mang vẻ đẹp của một bản hùng ca, ghi dấu những thế kỉ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của nó. Dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng, nó mang tên là Linh giang trong sách Địa dư của Nguyễn Trãi, dòng sông Viễn Châu đã chiến đấu oanh liệt, bảo vệ Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại. Ở thế kỉ XVIII, nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ, nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ XIX với máu của những cuộc khởi nghĩa và từ đáy sông Hương đã đi vào thời đại cách mạng tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển.
Mùa xuân năm Mậu Thân, Huế đã nhận được những lời chia buồn sâu sắc nhất của thế giới vì sự tàn phá mà đế quốc Mĩ đã ụp lên những di sản văn hóa của nó. Trong mối quan hệ với cuộc đời và thi ca, sông Hương là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết bằng màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước. Sông Hương là dòng sông của thi ca, là nguồn cảm hứng bất tận cho văn nghệ sĩ, con sông không bao giờ tự gặp lại mình. Đó là dòng sông trắng lá cây xanh trong thơ Tản Đà, đó là vẻ hùng tráng như kiếm dựng trời xanh trong thơ Cao Bá Quát. Đó là nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bản lản trong thơ Bà Huyện Thanh Quan và là sức mạnh phục sinh của tâm hồn trong hồn thơ Tố Hữu.
3. Trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của quê hương, đất nước:
Thế hệ trẻ cần có trách nhiệm bảo vệ cảnh quan đất nước qua những hành động cụ thể như yêu quý, bảo vệ môi trường, quảng bá hình ảnh, tham gia tình nguyện dọn rác, làm sạch đẹp môi trường, trồng cây gây rừng, … Những hành động trên tuy nhỏ nhưng lại có sức tác động to lớn đến ý thức con người, mỗi người một tay sẽ làm cho cuộc sống này chỉ toàn màu xanh tươi của cây hoa cỏ lá. Hãy hành động để bảo vệ môi trường không chỉ mãi là khẩu hiện, tuyên truyền, mà đã thành hiện thực. Nhận thức sự tầm quan trọng của môi trường, mỗi chúng ta cần yêu thương và nâng niu những gì xung quanh ta hơn. Tất cả sẽ góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam xanh, sạch, đẹp.
Ý thức bảo vệ cảnh quan đất nước của thế hệ trẻ
III. Kết thúc vấn đề:
Qua vẻ đẹp tương đồng của hai dòng sông, ta bắt gặp sự tương đồng độc đáo của hai tâm hồn có tình yêu thiên nhiên tha thiết và niềm tự hào với vẻ đẹp của non sông đất nước Việt Nam.
Tuy vậy, mỗi nhà văn đều có một phong cách nghệ thuật riêng độc đáo trong việc thể hiện hình tượng các dòng sông giúp người đọc có những cách nhìn phong phú, đa dạng về vẻ đẹp của quê hương đất nước mình.