SÓNG

Đề: Về bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: “Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu”. Nhưng lại có ý kiến khác lại khẳng định: “Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống”. Từ cảm nhận về bài thơ “Sóng” hãy bình luận những ý kiến trên.

I. Nêu vấn đề:

Tình yêu là một đề tài quen thuộc trong thơ ca hiện đại Việt Nam. Có lẽ đối với mọi người đã hoặc đang yêu, chỉ cần khi nhắc đến hai chữ “tình yêu” là chúng ta không khỏi bận lòng nghĩ đến mối tình nào đó, người mà luôn ẩn sâu trong trái tim của mình. Chắc hẳn chỉ có ai được yêu và đã từng trải qua tình yêu mới thấy hết được những cung bậc mà tình yêu đem lại: hồi hộp, lo lắng, ghen tuông, hi vọng và nỗi khắc khoải nhớ nhung … tất cả đều đan xen, trộn lẫn khó phân tách.

Bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh được sáng tác năm 1967 in trong tập “Hoa dọc chiến hào” năm 1968 là một bài thơ đã diễn tả hết mọi cung bậc tâm trạng ấy của những con người đang yêu. Đó là tiếng lòng của người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn, khao khát mạnh mẽ trong tình yêu đôi lứa.

Đã có nhận định về tác phẩm: “Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu”. Nhưng lại có kiến khác cho rằng “Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống”. Nếu nhìn qua chúng ta tưởng là hai ý kiến trái chiều nhưng nằm sâu trong mạch ngầm cảm xúc thì hai ý kiến đều bổ sung ý nghĩa cho nhau.

II. Giải quyết vấn đề:

1. Giải thích ý kiến:

- Ý kiến thứ nhất: “Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu”. Sự hiện đại trong tình yêu chính là việc vượt khỏi những quy định ngặt nghèo, ràng buộc của lễ giáo phong kiến để tự do khẳng định tình cảm, bộc lộ cái tôi khát vọng trong tình yêu một cách chủ động và luôn luôn thể hiện niềm tin vào sức mạnh của tình yêu.

- Ý kiến thứ hai: “Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống”. Sự truyền thống trong tình yêu thể hiện qua sự chung thủy, son sắt gắn liền với nỗi nhớ nhung da diết, một lòng hướng đến người mình yêu.

Hai ý kiến trên đã được Xuân Quỳnh thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Sóng”. Đó là tình yêu của một người phụ nữ vừa truyền thống nhưng cũng rất hiện đại.

2. Cảm nhận về bài thơ và bình luận về 2 ý kiến được nêu ở đề bài:

- Bài thơ được Xuân Quỳnh xây dựng bởi hai hình tượng chủ yếu là “sóng” và “em”. Hai hình tượng này thực chất là sự phân thân, hóa thân của tác giả. Xuân Quỳnh mượn hình tượng sóng biển để soi vào nhịp lòng mình, nhịp đập của con tim đang rung lên đồng điệu với nhịp điệu của sóng vỗ, đang bùng dậy những khao khát mãnh liệt trong tình yêu đôi lứa.

- Trước hết, bài thơ “Sóng” là tiếng nói của một “Cái tôi” tình yêu mới mẻ, hiện đại. (Khổ 1, 2 và khổ cuối)

+ Đó là thứ tình yêu mang trong mình những trạng thái đối cực mâu thuẫn:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Cách ngắt nhịp 2/3 cùng với thanh điệu bằng trắc được gieo luân phiên đều đặn, gợi ra nhịp điệu của sóng. Tác giả đã sử dụng cùng lúc bốn tính từ diễn tả các trạng thái của sóng. Tình yêu cũng như sóng biển vậy, lúc biển động phong ba sóng “dữ dội - ồn ào”, khi trời yên biển lặng thì sóng “dịu êm - lặng lẽ”. Tâm trạng của người con gái khi yêu cũng thế, luôn mang trong mình những trạng thái tình cảm khác thường: lúc giận dữ hờn ghen, khi dịu dàng sâu lắng. Nhưng tất cả những mâu thuẫn ấy đều là những biểu hiện khác nhau của một trái tim đang yêu chân thành, mãnh liệt. Cho nên có thể nói: “Tình yêu có những quy luật mà lý trí không thể lý giải được”, chúng ta chỉ có thể lý giải nó bằng tình cảm, bằng con tim đang yêu. Trước Xuân Quỳnh, Xuân Diệu cũng đã từng băn khoăn để rồi bất lực: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Nỗi băn khoăn của Xuân Diệu thật dữ dội và lí trí, thể hiện qua từ ngữ nghi vấn “Làm sao”. Còn Xuân Quỳnh lại bộc bạch nỗi niềm một cách hồn nhiên, dễ thương “Em cũng không biết nữa”. Đây là cách cắt nghĩa rất Xuân Quỳnh, rất nữ tính và trực cảm.

+ Tình yêu hiện đại của Xuân Quỳnh được bộc bạch một cách táo bạo nhưng hết sức tự nhiên, sẵn sàng vượt qua mọi những cản trở mà “vượt rào” đi đến với những tâm hồn đồng điệu:

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Cũng như sóng biển vậy, con sóng mang trong mình một khát vọng lớn lao, sóng dứt khoát, sẵn ràng vượt qua mọi không gian chật hẹp mà vươn tới biển rộng bao la, khoáng đạt, thì người con gái đang yêu cũng dám bất chấp tất cả để hướng tới một tình yêu đồng cảm, để vươn tới một tình yêu đích thực, vững bền. Ta thấy một quan niệm hoàn toàn mới mẻ về tình yêu của Xuân Quỳnh, người con gái khao khát yêu thương nhưng không còn nhẫn nhục, cam chịu:

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài cát, hạt ra ruộng cày

Hay

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Thúy Kiều có dám chủ động gặp Kim Trọng bằng hành động “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” nhưng quan niệm phong kiến quá chặt chẽ, Thúy Kiều vẫn chưa dám khẳng định được như Xuân Quỳnh:

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn

Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh dám dứt khoát từ bỏ nơi tù túng, chật hẹp để đến với cái to lớn cao rộng hơn, phù hợp với khát vọng tình yêu mình mong muốn.

Người con gái ấy thật chủ động, tự tin sống cháy bỏng hết mình cho một tình yêu đẹp, dâng hiến hòa nhập tình yêu cá nhân của mình vào tình yêu cuộc đời. Ấy là khi nhà thơ chiêm nghiệm về cuộc đời, tình yêu và khát vọng tình yêu:

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”.

Đó là một niềm tin bất diệt vào tình yêu. Nữ thi sĩ đã lấy chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian để đo đếm tình yêu hạnh phúc. Niềm nguyện ước khát vọng của em về một tình yêu bền vững muôn thuở. Ấy là em muốn được tan ra hóa thân thành trăm con sóng trên biển lớn tình yêu nhân loại để rì rào vỗ, xôn xao reo mãi mãi sống trong một tình yêu cuộc đời.

- Bên cạnh một tình yêu hiện đại, bài thơ còn bộc lộ một tình yêu truyền thống. Đó là tình yêu gắn liền với nỗi nhớ (Khổ 5)

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Cũng giống như người phụ nữ xưa, Xuân Quỳnh bộc lộ tình yêu gắn liền với nỗi nhớ nhung da diết, khắc khoải yêu thương. Viết về nỗi nhớ, người phụ nữ xưa đã từng bộc bạch qua những câu ca dao đậm đà tình cảm:

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai

Hay

Nhớ chàng như mảnh trăng đầy

Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm

Đúng vậy, tình yêu luôn gắn liền với sự mong mỏi, nhung nhớ da diết, cồn cào. Làm sao để yêu mà lại không nhớ không mong. Nhưng ca dao đã vậy, còn ý thơ viết về nỗi nhớ của Xuân Quỳnh mới thực sự diễn tả được hết những cung bậc của nỗi niềm nhớ mong. Khổ thơ với nhiều điệp từ, điệp cú pháp và nhân hóa, đặc biệt dung lượng khổ thơ lên đến 6 câu, âm điệu gấp gáp, nỗi nhớ dồn lên tầng tầng lớp lớp như những đợt sóng không dứt, thôi thúc, giục giã, mượn sóng để thể hiện nỗi nhớ vẫn chưa đủ, chưa thỏa nỗi lòng, bị nỗi nhớ thiêu đốt người con gái, không thể kiềm chế tình cảm của mình nên cô gái đã trực tiếp thốt ra thành lời. Sóng không đủ sức nói hộ tình yêu nữa rồi, thức mà nhớ là chuyện bình thường nhưng trong cơn mơ vẫn nhớ thì thật độc đáo. Xuân Quỳnh đã tìm được cách nói đạt nhất để thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu, nỗi nhớ không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi vào trong tiềm thức, xâm nhập vào cả giấc mơ. Đây chính là sự sáng tạo độc đáo, tạo điểm nhấn của nữ thi sĩ, xuất phát từ trái tim yêu thương nồng nàn, đắm say, mãnh liệt, chân thành. Đến đây, ta lại bồi hồi nhớ đến những câu thơ ngọt ngào, tình tứ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu:

Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi!”

Có thể nói, trái tim người con gái đang yêu là cả một đại dương được dệt nên bởi vô vàn con sóng nhớ. Bởi vậy, trong thơ tình khi viết về tâm trạng này cũng đã thổn thức:

Uống xong lại khát là tình

Gặp rồi lại nhó là mình với ta

Xuân Quỳnh đã sáng tạo ra một tứ thơ độc đáo diễn tả nỗi nhớ ngút ngàn, triền miên, vô tận. Hình tượng “sóng” tái hồi 3 lần trong đoạn thơ như một điệp khúc thiết tha, sâu thẳm. Nhân vật trữ tình soi chiếu mình vào sóng để rồi tự tách ra để cảm nhận thật trọn vẹn, thật đắm say nỗi nhớ nhung trong tình yêu.

Một đặc điểm nữa trong nét truyền thống mà Xuân Quỳnh mang tới đó là sự thủy chung son sắt đã được gìn giữ bao đời nay của người phụ nữ Việt Nam.

Dẫn xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương”

Sự thủy chung một lòng hướng về người mình yêu đã được nữ sĩ diễn tả bằng cách nói ngược “xuôi về phương bắc” “ngược về phương nam”. Người ta vẫn hay nói: xuôi về phương nam, ngược về phương bắc. Qua đó nhà thơ muốn khẳng định tình yêu của mình không chỉ từ hướng bắc hay nam mà là bao trùm cả bốn phương, tám hướng, bất cứ đâu em cũng nguyện bên anh “một phương”. Dù hoàn cảnh có đổi thay, có bao điều trắc trở, em vẫn chỉ hướng về anh. Câu thơ của Xuân Quỳnh gợi nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên trong bài thơ “Chùm nhỏ thơ yêu”:

Anh cách xa em như đất liền xa cách bể

Nửa đêm sâu còn lắng long phương em”.

“phương anh” của Xuân Quỳnh đâu chỉ còn là vấn đề chữ nghĩa nữa, chính lòng chung thủy, sự thương nhớ của những đôi lứa yêu nhau đã tự tìm đến những cách diễn đạt thích hợp.

Tình yêu truyền thống là thứ tình yêu luôn đòi hỏi một chỗ dựa vững chắc trong một mái ấm gia đình. Vì thế, cũng không nằm ngoại lệ, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh cũng khát khao hướng đến tổ ấm gia đình bằng một niềm tin hi vọng vào tương lai tươi sáng. Nếu như sóng phải trải qua bão tố mới đến được bờ thì em cũng nguyện được như sóng, sẵn sàng bất chấp sự vất vả, đạp đổ mọi chông gai thử thách để đến bên anh, đến với tâm hồn đồng điệu. Bởi anh mãi mãi là điểm về, là cái đích hạnh phúc của cuộc đời em. Đó là quan niệm mang tính nhân văn sâu sắc, tình yêu luôn luôn gắn liền với một mái ấm hạnh phúc nhỏ bé của cuộc đời mỗi con người.

III. Kết thúc vấn đề:

Như vậy, qua hình tượng sóng biển, Xuân Quỳnh đã diễn tả hết sự độc đáo quan niệm về tình yêu của phái nữ. Đó là tình cảm của một tâm hồn vừa mang trong mình một quan niệm hiện đại, mới mẻ, dám chủ động khẳng định tình cảm của bản thân, lại vừa thể hiện một tâm hồn của một tình yêu truyền thống: gắn bó, thủy chung và son sắt. Vì thế bài thơ “Sóng” là tiếng nói chung, nói hộ tiếng lòng của người con gái khi yêu.

Hai ý kiến tưởng như trái chiều nhưng đã góp phần bổ sung cho nhau để làm nổi bật nét độc đáo của hồn thơ Xuân Quỳnh qua bài thơ “Sóng”. Mang trong mình vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của tình yêu khiến “Sóng” trở nên bất tử trong lòng độc giả của biết bao thế hệ, trở thành lời tự hát của biết bao trái tim tha thiết yêu đương.

Bài viết gợi ý: