CÁC ĐỀ THI LIÊN QUAN ĐẾN TÁC PHẨM “VỢ NHẶT” – KIM LÂN
Đề 1: Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân
I. Nêu vấn đề:
1. Tác giả:
Kim Lân (1920 - 2007) là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm của ông là khung cảnh nông thôn và người nông dân. Đó là những người sống nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời, thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa.
2. Tác phẩm:
“Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, tin trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Gía trị của tác phẩm không chỉ thể hiện ở việc nhà văn đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo mà căn bản là ở chiều sâu nội dung nhân đạo xúc động.
II. Giải quyết vấn đề:
1. Thế nào là một tác phẩm có giá trị nhân đạo?
- Nhân đạo là thái độ đồng cảm, yêu thương con người, chống lại những gì đi ngược lại với quyền sống của con người.
- Một tác phẩm có giá trị nhân đạo là phải thể hiện mối đồng cảm, yêu thương những con người bị chà đạp, ca ngợi và đề cao những nét đẹp phẩm chất trong con người họ. Tác phẩm ấy phải lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống chính đáng của con người và phải cất tiếng nói đòi quyền sống cho họ.
- Gía trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ nhặt” thể hiện ở ý tưởng của nhà văn khi viết truyện, đó là trong sự túng quẩn, nghèo đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có nghiệt ngã đến đâu thì người dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm để mà vui sướng và hi vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
2. Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm:
a. Bối cảnh hiện thực:
Bối cảnh hiện thực của truyện là nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945). Tất cả bao trùm trong không khí của sự chết chóc, mùi tanh của rác rưởi lẫn xác người. Những người chết nằm còng queo bên vệ đường, người sống đi lại dật dờ như những bóng ma. Một cõi dương nhưng lại lởn vởn hơi hướng của cõi âm. Thật đáng sợ!
b. Biểu hiện của giá trị nhân đạo:
* Những người dân ngụ cư vẫn khao khát được yêu thương, khao khát sống hạnh phúc được thể hiện rõ nét qua các nhân vật trong truyện:
- Nhân vật thị (người đàn bà không tên).
+ Cái đói tràn về xóm ngụ cư đã làm con người thay đổi cả nhân hình lẫn một phần nhân cách. Hình ảnh người đàn bà không tên họ theo Tràng về làm vợ là một ví dụ điển hình.
+ Thị có nguồn gốc xuất thân không rõ ràng, không có họ tên cụ thể, nghề nghiệp cũng không ổn định.
+ Lần đầu tiên gặp Tràng cô hồn nhiên vô tư. Nhưng khi trở lại lần hai, thị rách quá, áo quần tả tơ như tổ đĩa. Thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Hoàn cảnh tàn nhẫn xô đẩy thị có lúc thành ra kẻ cong cớn, trơ trẽn, trân tráo. Thị chửi Tràng “Điêu! Người thế mà điêu!”, rồi thị gợi ý để được ăn, khi được Tràng đãi ăn, thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì. Và sau lời nói đùa của Tràng, thị đã theo chàng về thật.
+ Tuy nhiên, điều đáng quý ở đây là nhà văn Kim Lân đã phát hiện được trong cái hình dạng đáng thương ấy là một đời sống nội tâm đáng trân trọng. Điều này được thể hiện rõ khi cô về làm vợ Tràng. Lúc đầu thị theo anh về chỉ để tìm cho mình một chốn tựa nương trong thì đói kém nên khi thấy cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn lổm nhổm những búi cỏ dại. Cái ngực gầy lép nhô lên nén một tiếng thở dài. Đó là một biểu hiện trước cảnh túng quẩn, đường cùng của gia đình nhà chồng. Nhưng khi đã thực sự trở thành vợ Tràng, thị trở nên hiền hậu đúng mực. Thị dậy từ sớm thu dọn nhà cửa, phơi quần áo, quét sân, gánh nước, chuẩn bị bữa ăn sáng và rất ý tứ. Ta không còn thấy đâu cái vẻ chao chat, chỏng loãng như mấy lần thị gặp Tràng ngoài tỉnh. Tuy không tránh được cuộc sống đói rách nhưng người vợ nhặt có được tinh thần, tình thương, một mái ấm gia đình. Thị đã mở ra một tương lai cho gia đình này, cho cả xóm ngụ cư.
- Nhân vật Tràng:
+ Tràng xét về hoàn cảnh gia đình và bản thân thì anh khó mà lấy được vợ, chuyện anh cưới được cô thị về làm vợ đã khiến cả xóm ngụ cư ngạc nhiên và kể cả bà cụ Tứ là mẹ Tràng. Tràng gặp được thị giữa những ngày đói kém, thị theo không Tràng về làm vợ. Trong câu chuyện vui vẻ, Tràng nói đùa: “Này, nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuâng hàng lên xe rồi cùng về”. Tràng chỉ nói đùa nhưng ai ngờ thị về thật. Lúc đầu anh cũng chợn nghĩ: “Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chẳng biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”. Nhưng chỉ với cái “tặc lưỡi”, “chậc, kệ!”, Tràng đã đánh cược với cái đói để được sống đầy đủ, bình thường của một con người. Sự liều lĩnh ấy cho thấy khao khát hạnh phúc cháy bỏng đã vượt lên trên hoàn cảnh khốn đốn, ảm đạm. Khi đói người ta không nghĩ đến cái chết mà lại nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết cũng vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người.
+ Tràng dường như quên hết mọi ê chề của cuộc sống. Tràng chu đáo bỏ tiền ra mua cho thị một cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa no nê rồi cùng đẩy xe bò về. Sự kiện bất ngờ nhặt được vợ đã làm thay đổi cuộc đời và số phận của Tràng. Trên đường dẫn vợ về nhà, Tràng như một con người khác, anh tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Trong một khoảnh khắc nào đó, Tràng quên đi những ngày tháng tăm tối của cuộc sống nghèo khổ, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn lúc này chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên, một cái gì mới mẻ lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy. Nó rân rân mơn man khắp da thịt, Tràng tựa hồ có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng.
=> Niềm khao khát có được một gia đình hạnh phúc, tình thương giữa những người nghèo khổ vượt lên trên tất cả, bất chấp cả cái đói, cái chết.
+ Sau đêm tân hôn: Trong cái êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra, hắn chợt nhận ra xung quanh có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa sân vườn được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng. Ngoài vườn, mẹ đang lúi húi nhổ những búi cỏ dại mọc nham nhở, vợ thì đang quét lại cái sân. Cảnh tượng thật sự đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn yêu thương căn nhà của hắn lạ lùng, hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Hắn thấy mình nên người và hắn thấy mình có trách nhiệm bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.
* Cảnh túng quẩn, đói khổ khốn cùng không làm mất đi tâm hồn đẹp đẽ của những người nghèo khổ giàu tình yêu thương. Lòng nhân hậu, đạo làm người, quan niệm sống coi tình người lớn hơn tất cả được tập trung rõ nét nhất ở bà cụ Tứ.
- Con trai có vợ giữa ngày đói khiền lòng mẹ buồn tủi trăm bề. Lúc đầu bà nín lặng, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp thằng con mình.
+ Bà tủi thân khi “người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mày mở mặt sau này, còn mình thì …” Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt.
+ Bà lại lo lắng không biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống được qua cơn đói khát này không.
+ Sau những suy nghĩ, tủi hờn và thương tâm, bà nghĩ cho con và vui lòng chấp nhận con dâu. Nhà văn đã sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn tả thật chân thật và xúc động những suy nghĩ của bà lão “Người ta có gặp bước khó khăn mới lóe đến con người mà con mình mới có được vợ”. Cụ mừng lòng khi các con phải duyên phải kiếp với nhau. => Tấm lòng bao dung đáng quý của người mẹ già nghèo. Tuy khổ nhưng bà lão vẫn an ủi, động viên con dâu lạc quan tin tưởng vài một tương lai tốt đẹp hơn.
* Dự cảm về tương lai:
- Nếu chỉ có tình yêu thương, đạo nghĩa làm người, khát vọng sống không thôi thì con người vẫn chưa thể thoát khỏi hoàn cảnh bi đát của cái đói. Buổi sáng sau đêm tân hôn của Tràng, bà lão đã dậy từ rất sớm, lúi húi dẩy những búi cỏ dại mọc nham nhở. Trước sự đúng mực của con dâu, người mẹ cũng tươi tỉnh khác thường. Cái mặt bủng beo u ám của bà bỗng rạng rỡ hẳn lên. Bà lão săm sắn thu dọn nhà cửa, quét tước nhà cửa.
- Trong bữa ăn bà lão nói chuyện vui vẻ, toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này. Bà còn tính đến chuyện nuôi gà. => Cụ Tứ là điển hình của tấm lòng người mẹ nhân hậu, nghèo khổ nhưng lạc quan, giàu lòng vị tha và tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ở dâu con. Ở cuối tác phẩm, hình ảnh miếng cháo cám đắng chát, nghẹn ứ trong cổ cùng tiếng trống thúc thuế đã đưa mọi người trở về thực tại “ba mẹ con không ai nói câu gì, hắn cắm đầu ăn cho xong bữa, họ tránh nhìn mặt nhau, một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người”. Vậy muốn sống, muốn giữ mãi cái hạnh phúc bé nhỏ mà họ vừa nhen lên, họ phải hành động, mà hành động duy nhất đúng là đứng về phía cách mạng, bởi cách mạng là sự sống.
- Hai chi tiết ở phần kết thúc truyện có ý nghĩa mở ra cho các nhân vật một lối thoát đầy lạc quan. Người vợ nhặt nói với mẹ con Tràng “Trên mạng Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không đóng thuế nữa, người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy” và “trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Phải chăng, đó là những chi tiết thôi thúc những người nghèo đói hành động. Hai chi tiết ấy đã làm rõ chủ đề tư tưởng của thiên truyện, đồng thời để câu chuyện thoát khỏi lối mòn bi kịch của văn học hiện thực phê phán trước cách mạng tháng Tám khi viết về nạn nhân đáng thương. Điều này góp phần làm nên giá trị nhân đạo mới mẻ của truyện ngắn “Vợ nhặt”.
III. Kết bài:
Đề 2: Một trong những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Kim Lân trong truyện ngắn “Vợ nhặt là đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo và hấp dẫn”. Hãy phân tích truyện “Vợ nhặt” để chứng minh.
I. Nêu vấn đề:
1. Tác giả:
Kim Lân (1920 - 2007) là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm của ông là khung cảnh nông thôn và người nông dân. Đó là những người sống nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời, thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa.
2. Tác phẩm:
“Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, tin trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Truyện có nhan đề thật lạ “Vợ nhặt”. Người xưa có câu:
“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà
Cả ba việc ấy thật là khó khăn.”
Thế nhưng nhân vật anh Tràng trong truyện chỉ nhặt thôi cũng được vợ. Nên cười hay nên khóc, nên mừng hay nên lo. Khi đọc truyện, ta còn bị cuốn hút đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có được cảm giác ấy là bởi nghệ thuật trần thuật của Kim Lân rất đặc sắc. Một trong những sáng tạo độc đáo của nhà văn là đã xây dựng được một tình huống truyện đầy kịch tính và hấp dẫn.
II. Giải quyết vấn đề:
1. Ý nghĩa của việc xây dựng tình huống của truyện ngắn:
- Đối với nghệ thuật truyện ngắn, tác giả đã tạo được một tình huống độc đáo, mới lạ để làm nổi bật nội dung tư tưởng, tính cách nhân vật là điều có ý nghĩa then chốt. Đây là một trong những phương diện quan trọng thể hiện tài năng và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
- Tình huống là diễn biến của sự việc, sự phức tạp của tình tiết, là cái éo le, nghịch lí của cuộc đời. Sự việc, câu chuyện xảy ra như thế mà ta cứ ngỡ như không phải thế. Tình huống phải phù hợp với logic của cuộc sống thì truyện mới chân thực. Nói tóm lại, một truyện đặc sắc là nhờ được tổ chức xoay quanh một tình huống hấp dẫn, tất cả mọi chi tiết, tình tiết đều xoay quanh tình huống tạo thành một kết cấu chặt chẽ.
2. Phân tích tình huống truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân:
a. Tình huống truyện:
Kim Lân đã sáng tạo ra một tình huống truyện độc đáo. Tràng là một anh nông dân nghèo, xấu xí, dân ngụ cư, ế vợ lại có vợ theo vào lúc người chết đói như ngả rạ. Đây là một tình huống ấn tượng, vì chuyện dựng vợ gả chồng xưa nay là chuyện nghiêm túc, thiêng liêng, phải có nghi lễ cưới hỏi tử tế, vậy àm ở Tràng, chỉ “nhặt” thôi cũng có được vợ. Điều đó khiến cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, xôn xao. Nhưng khi đi sâu vào phân tích, ta thấy tình huống ấy vừa bất ngờ, vừa hợp lí. Bởi nếu không phải năm đói kém, nếu không có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh chết đói thì ai mà lấy Tràng, vả lại đó còn là vợ nhặt, không cần cưới xin.
b. Tâm trạng của mọi người trước việc Tràng nhặt được vợ:
Việc Tràng có vợ là một điều lạ khiến mọi người ngạc nhiên. Người dân xóm ngụ cư bất ngờ, cả bà mẹ Tràng là bà cụ Tứ và cả với chính Tràng cũng vậy. Mặt khác, đây là một tình huống hết sức éo le “thóc gạo này nuôi thân chẳng xong lại còn đèo bòng”. Nên vui hay buồn, nên mừng hay lo, một sự xáo trộn mừng tủi, buồn vui diễn ra trong tâm lí mọi người. Kim Lân đã xây dựng được rất nhiều tình tiết xoay quanh tình huống lạ và éo le này.
* Tâm trạng của người dân xóm ngụ cư:
Trong cái buổi chiều ảm đạm của ngày đói, người dân xóm ngụ cư bỗng thấy Tràng trở về xóm ngụ cư với một người đàn bà. Đám trẻ con ngồi ủ rũ ở những xó tường thấy sự lạ chạy ra xem và gào lên châm chọc; còn người lớn thì cũng ngạc nhiên lắm, họ bàn tán xôn xao. Có người thì thầm hỏi “ai đấy nhỉ”, “hay là vợ anh cu Tràng.” Có người khẽ thở dài, ái ngại và lo xa “Giời đất này còn rước cái của nợ đời về, biết có nuôi nổi nhau sống qua cái thì này không”. Họ cùng nín lặng. Trước những cặp mắt tò mò của người dân xóm ngụ cư đang nhìn dồn về phía mình, người đàn bà đi theo Tràng thấy ngượng nghịu, còn Tràng lấy làm khoái chí “cái mặt cứ vênh vênh” tự đắc với mình.
* Tâm trạng của Tràng:
- Tràng vênh mặt lên vì có vợ nhưng tỏng lòng cũng đang xáo trộn bao nỗi niềm. Ban đầu hắn cũng thấy “chợn” vì “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng” nhưng rồi lại tặc lưỡi một cái, hắn có vẻ phớn phở khác thường, hắn tủm tỉm cười nụ một mình, hai mắt sáng lên lấp lánh. Rồi Tràng hình như quên hết mọi đói khát đang đe dọa, chỉ còn thấy hạnh phúc ngập tràn “một cái gì mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp mơn man khắp da thịt Tràng”. Đó là cảm giác của hạnh phúc yêu thương mà chưa một lần Tràng được tận hưởng hay cảm nhận.
- Khi đã đưa người đàn bà ấy về nhà, thấy thị ngồi đấy mà Tràng vẫn cứ ngỡ “hình như không phải thế”. Kể cả sau đêm tân hôn, Tràng vẫn tưởng đó là giấc mơ. Song, việc Tràng có vợ là một sự thật, một sự thật đơn giản: người đàn bà ấy theo không Tràng về làm vợ. Tràng lo nhưng chỉ với một cái “chậc kệ”, Tràng đã liều lĩnh đánh cuộc với cái đói, cái chết để được sống đúng nghĩa. Tình huống truyện đem đến tính kịch cho câu chuyện.
* Tâm trạng bà cụ Tứ:
- Tràng nhặt được vợ, dẫn thị về ra mắt mẹ. Trong buổi hoàng hôn, người mẹ như cái bóng lọng khọng ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng khi biết chuyện rồi, bà hiểu và chấp nhận con dâu mới bằng cả tấm lòng yêu thương vô bờ của người mẹ.
=> Một tình huống truyện độc đáo, tạo dấu ấn ngay khi mở đầu truyện, khiến người đọc tò mò, lôi cuốn và đầy sức hút. Tình huống ấy đã góp phần nổi bật chủ đề tư tưởng của truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân.
III. Kết bài: