CÁC DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI


I. NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ:

- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách… của con người

- Dạng đề này thường lấy một câu danh ngôn, một nhận định, một đanh giá nào đó để yêu cầu người viết bàn luận

- Nhận dạng đề:

Dạng đề nghị luận về một tư tưởng, đạo lí thường bàn về các vấn đề:

  + Quan niệm về cuộc sống, lí tưởng sống, thái độ sống. Dạng đề này khá phổ biến, ví dụ:

  • Chết trong còn hơn sống đục
  • Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống (Lép Tôn-xtôi)
  • Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối C, năm 2011)
  • Như một thứ a-xít vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối C, năm 2010)
  • Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích (Đề thi tuyển Đại học, Khối D, năm 2011)
  • Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối D, năm 2010)
  • Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối D, năm 2009).

  + Quan niệm về tốt – xấu, thiện – ác, chính nghĩa – gian tà, vị tha – ích kỉ…Ví dụ:

  • Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy điều ác nhỏ mà làm.

  + Các quan hệ xã hội, tình đồng loại, tình cốt nhục, tình bạn, tình yêu…Ví dụ:

  • Một cây là chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

  • Bạn là người đến với ta khi mọi người đã bỏ ta đi

  + Các hành động hoặc cách ứng xử (phổ biến hơn cả): tích cực – tiêu cực, ý thức – vô ý thức, có văn hoá – vô văn hoá…Ví dụ:

  • Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

  • Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối C, năm 2012)
  • Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hoá, nhưng mê muội thần tượng là một thảm hoạ (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối D, năm 2012)

II. NGHỊ LUẬN VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG, SỰ KIỆN TRONG ĐỜI SỐNG

Dạng đề này thường nêu lên một hiện tượng, một vấn đề có tính chất thời sự, được mọi người (trong nước, ngoài nước) quan tâm. Ví dụ:

- Viết một bài văn nghị luận với chủ đề “Bảo vệ thiên nhiên”

- Viết một bài văn nghị luận với chủ đề “Bảo vệ môi trường sống”

- Viết một bài văn nghị luận với chủ đề về “Sự thờ ơ với cái xấu, cái ác trong cuộc sống”

- Viết một bài văn nghị luận với chủ đề về “Thói vô trách nhiệm trước cuộc sống”

- Quan niệm của anh/chị về “Người sành điệu”

- Viết một bài văn nghị luận với chủ đề “Nghề nghiệp và cuộc sống”

III. NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐẶT RA TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC

Dạng đề này từ một tác phẩm văn học, yêu cầu bàn về một vấn đề mang ý nghĩa xã hội nào đó gợi lên từ tác phẩm ấy. Ví dụ:

- Từ truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, anh/chị có suy nghi gì về vấn đề định kiến đối với những người có lầm lạc trong cuộc sống?

- Từ cuộc đời các nhân vật phụ nữ. Trong hai tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Vợ nhặt của Kim Lân, anh/chị hãy phát biểu suy nghi của mình về số phận của người phụ nữ xưa và nay.

- Qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu, anh/chị có suy nghi gì về vấn đề lí tưởng trong cuộc sống?

*Lưu ý: Có khi vấn đề nêu ra vừa có ý nghĩa của một tư tưởng, đạo lí, vừa có ý nghĩa của một hiện tượng, sự kiện trong đời sống. Đề thi thường là những vấn đề tư tưởng, đạo lí có ý nghĩa thời sự, thiết thực đối với cuộc sống đương thời.

- Ví dụ 1: Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hoá, nhưng mê muội thần tượng là một thảm hoạ ( Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối D, năm 2012)

  + Ý nghĩa tư tưởng, đạo lí: Nét đẹp văn hoá trong lối sống của con người.

  + Ý nghĩa một hiện tượng, sự kiện trong đời sống: Tình trạng sùng bái thần tượng nhiều khi tới mức thái quá, cực đoan khá phổ biến trong một số người, nhất là lớp trẻ hiện nay

- Ví dụ 2: Như một thứ a-xít vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối C, năm 2010)

  + Ý nghĩa tư tưởng đạo lí: Thói vô trách nhiệm là mối nguy hại đối với xã hội

  + Ý nghĩa một hiện tượng, sự kiện trong đời sống: Hiện tượng vô trách nhiệm khá phổ biến ở nhiều người hiện nay.

*Cách nêu của đề thi:

- Trích dẫn một câu nói, một nhận định…

- Nêu một vấn đề

- Nêu một câu chuyện, một tác phẩm…

Bài viết gợi ý: