Bài soạn “ĐẤT NƯỚC”
(Nguyễn Đình Thi)
Câu 1: Nên chia bài thơ này làm mấy phần? Nêu ý chính của mỗi phần và giải thích mối quan hệ giữa các phần.
- Bài thơ có thể được chia làm 2 phần:
+ Phần 1: 3 khổ thơ đầu, từ đầu đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Là hình ảnh một đất nước hiện lên thật bình yên với những cảm nhận về mùa thu Hà Nội. Và sau đó là một đất nước vươn dậy trong máu lửa.
+ Phần 2: Những khổ còn lại. Là sự thể hiện về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh phi thường, hào hùng của dân tộc chống lại bọn giặc cướp nước.
- Mối liên hệ giữa 2 phần của tác phẩm: Đất nước được diễn tả theo dòng cảm xúc của nhà thơ, khi bình yên, lúc lại dồn dập, hùng hồn. Bổ sung cho nhau để thể hiện cảm hứng tổng hợp về đất nước ngày một sâu sắc và đa chiều hơn.
Câu 2: Hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của nhà thơ (từ “Sáng mát trong” đến “lá rơi đầy”) có những điểm gì đặc sắc?
- Tác giả mở ra một không gian vô cùng an lành, êm đềm gợi bao cảm xúc. Tình cảm chớm nở trong lòng bạn đọc với những cảm xúc nhẹ nhàng:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may …”
- Các từ láy: “xao xác”
- Bức tranh buổi sáng mùa thu trong lành, mát mẻ, gió thổi nhè nhẹ bay và trong làn gió thoang thoảng mùi “hương cốm” mới. Một mùi hương dịu ngọt, thanh tao và rất đỗi quen thuộc của Hà Nội.
- Cảnh vật thiên nhiên và con người hiện ra cụ thể, sinh động, gợi cảm, gợi tình. Cái se se lạnh khi gió heo mây thổi về, là những con phố dài ngoằn nghèo rất đặc trưng của phố phường Hà Nội.
- Nổi bật trên bức tranh ấy là những chàng trai Hà Thành rời khỏi thành phố thân yêu để ra đi, dứt khoát nhưng cũng đầy lưu luyến:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
- Thái độ mạnh mẽ “không ngoảnh lại”, dứt khoát ra đi bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng lên đường lấy lại tự do độc lập dân tộc.
=> Chỉ với vài nét khắc họa. phát thảo nhẹ nhàng, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã gợi lên được cái hồn của mùa thu Hà Nội năm xưa, cổ kính, đẹp một cách hiu hắt, vắng lặng và còn phảng phất nỗi buồn. Có thể nói mỗi khi viết về mùa thu Hà Nội năm xưa thì như được chắc lọc ra từ trong máu thịt của nhà thơ những dòng cảm xúc chất chứa bằng cả trái tim chân thành.
Câu 3: Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi” đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về”.
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữ núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha”
- Giọng điệu của đoạn thơ biến đổi hẳn, khỏe khoắn, phấn khởi, đầy sinh lực, hào hứng. Những câu thơ như những tiếng reo vui. Những chi tiết, hình ảnh gợi tả mùa thu cũng thay đổi, không hề thấy những hình ảnh ước lệ “sen tàn, cúc nở, lá ngô đồng rụng” trong thơ cổ. Mùa thu mới cũng không xuất hiện với màu áo mơ phai dệt lá vàng.
- Mùa thu hiện diện bằng hình ảnh bình dị, dân dã, tươi sáng, khỏe khoắn giữa một không gian rộng lớn, bao la tựa lòng mình vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Nhà thơ không còn cảm thấy thiên nhiên mùa thu vắng lặng, buồn hiu hắt nữa.
=> Đó là nét mới mà Nguyễn Đình Thi đã đem đến cho thơ ca.
- Nghệ thuật: nhân hóa “Trời thu thay áo mới” là “trong biếc nói cười thiết tha”
+ Điệp từ, điệp cú pháp: “… là của chúng ta”, “những”
+ Nhịp điệu thơ dồn dập, âm hưởng hào hùng, giọng điệu hùng biện, sự xuất hiện liên tiếp của các hình ảnh “trời xanh”, “núi rừng”, “cánh đồng”, “ngả đường”, “dòng sông đỏ nặng phù sa”.
=> Tác giả đã mở ra bức tranh toàn cảnh về giang sơn gàu đẹp. Khẳng định mạnh mẽ quyền làm chủ và bộc lộ mãnh liệt niềm tự hào của tác giả.
- Từ giọng thơ phơi phới bốc men say, những câu thơ cuối đoạn lại trầm xuống trong những tư tưởng đằm thắm khi nói tới truyền thống lịch sử bất khuất của đất nước:
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.”
- Đất nước không chỉ là những cái hữu hình như bầu trời, rừng núi hay dòng sông mà còn là những cái vô hình, truyền thống quật cường, bất khuất ngàn đời của dân tộc. Nhà thơ đã gợi được cái vô hình của truyền thống thiêng liêng ấy qua những thanh âm được cảm nhận bằng thính giác: “rì rầm trong tiếng đất”.
=> Tiếng nói của cha ông ta ngày xưa luôn hiện diện cùng con cháu hôm nay. => Đó là tiếng vọng về thì thầm của hồn thiêng đất nước từ những buổi ngày xưa cũ vọng nói về.
Câu 4: Những suy tư và cảm nhận của Nguyễn Đình Thi về quê hương, đất nước Việt Nam trong phần cuối của bài thơ (từ “Ôi những cánh đồng quê chảy máu” đến hết bài)?
Nguyễn Đình Thi đã viết thật xúc động và đầy ấn tượng về hình ảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, đô hộ gây nên biết bao tan thương:
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.”
- Tác giả sử dụng những hình ảnh hoán dụ cụ thể “cánh đồng quê chảy máu” => Hình ảnh tượng trưng cho đất nước thân yêu. Những làng xóm thân thuộc đang bị quân thù càng quét, bắt giết dã man.
“Dây thép gai đâm nát trời chiều” => Hình ảnh hoán dụ về bốt đồn giặc, những núi thép gai, những hàng rào dây thép gai tua tủa, nhọn hoắt, bao quanh đồn giặc, nhằm chống đỡ những trận tấn công như vũ bão của dân ta.
- Trong cái nền đau thương của đất nước, Nguyễn Đình Thi đã làm nổi bật tâm trạng của người chiến sĩ. Nhà thơ cảm nhận sâu sắc những rung động tinh tế trong tâm hồn người ra trận.
- Chữ “dài” đi với chữ “nung nấu” và “bồn chồn” đã diễn tả rất đạt mối tình cảm thường trực và đột xuất. => Thể hiện thỏa đáng sự hài hòa và đột xuất, giữa cái riêng và cái chung, những tình yêu lứa đôi và tình yêu quê hương đất nước.
- Nhà thơ đã khái quát cao độ về những gian khổ mất mát, hi sinh trong cuộc kháng chiến hi sinh chống thực dân Pháp tàn bạo.
“Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương …
Đã bật lên những tiếng căm hờn
Bát cơm chan đầy nước mắt …
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ đứa lột da …”
Nhưng tất cả cũng không thể giết nổi cái ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của nhân dân ta, dù có xiềng xích, súng đạn, bom rơi nhiều thế nào đi nữa thì “Lòng dân ta yêu nước thương nhà”, những con người bình dị với cuộc sống đời thường vất vả lo toan đã đứng lên nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trở thành những người anh hùng áo vải đối đầu với hiểm nguy của quân thù. “Lòng ta bát ngát ánh bình minh”.
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh khái quát tượng trưng cho đất nước từ trong máu lửa của nhân dân, từ trong đau thương nhưng vẫn đứng dậy hào hùng.
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ trong máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
Đây là khổ thơ duy nhất mà tác giả dùng thơ 6 chữ, cách ngắt nhịp cũng độc đáo, ấn tượng.
=> Nhà thơ đã tạo nên một bức tượng đài của đất nước sừng sững hiện lên chói sáng ngời ngợi trên cái nền của máu lửa bùn lầy, trong một không gian dồn dập giữa bùn lầy, âm vang tiếng súng nổ rầm trời. Đây chính là âm hưởng anh hùng ca hào hùng.
Câu 5: Nhận xét về độ dài ngắn của các câu thơ, cách chọn lựa hình ảnh và nhịp điệu trong bài thơ. Cách viết như vậy có tác dụng gì?
- Tác giả đã rất khéo léo trong việc chọn từ, câu chữ với độ dài ngắn khác nhau cùng với nhịp điệu bài thơ lúc chậm rãi, khi vội vã, dồn dập. Ông đã tạc dựng một bức tượng đài vô cùng đẹp, sống động và cao đẹp hình ảnh một đất nước tự hào trong chiến đấu và ngợi ca tinh thần yêu nước, chiến thắng oanh liệt, hào hùng.
- Người đọc có thể ấp ủ bao cảm xúc khó tả khi đọc bài thơ, cảm nhận sâu sắc và tự hào về những chiến công oanh liệt của cả dân tộc. Đồng thời cũng khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào đối với đất nước.
- Bài thơ như khúc ca hào hùng, tạo cảm hứng hùng tráng, mạnh mẽ của khối dại đoàn kết dân tộc. Cảm xúc bài thơ như dâng đầy theo nhịp điệu trong lời thơ của tác giả. Làm nổi bật phong cách thơ của Nguyễn Đình Thi.