CÁC THỂ THƠ
I. THỂ THƠ ĐƯỜNG LUẬT:
- Là thể thơ tiếp thu từ Trung Quốc
- Có những quy định chặt chẽ về luật thơ:
+ Số câu trong bài: bốn câu (tứ tuyệt hoặc tuyệt cú), tám câu (bát cú)
+ Số chữ trong câu: năm chữ (ngũ ngôn), bảy chữ (thất ngôn)
+ Vần của thơ Đường luật là vần chân (cước vận): vần ở cuối câu thơ
- Ví dụ thơ Đường luật:
+ Thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt:
Mộ
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
(Hồ Chí Minh)
Dịch thơ:
Chiều tối
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
(Nam Trân dịch)
+ Thơ Đường luật thất ngôn bát cú:
Câu cá mùa thu (Thu điếu)
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo tẹo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa veo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
(Nguyễn khuyến)
II. THỂ THƠ LỤC BÁT
- Là thể thơ dân tộc.
- Luật thơ:
+Số chữ và số câu: Một cặp hai câu thơ, câu trên sáu chữ (lục), câu dưới tám chữ (bát). Một bài thơ có thể có nhiều cặp lục bát, số lượng cặp câu không hạn định.
+ Gieo vần lưng (eo vần): vần ở giữa câu thơ – chữ cuối câu sáu chứ thường bắt vần với chữ thứ sáu câu tám chữ, chữ cuối câu tám chữ bắt vần với chữ cuối câu sáu chữ ở cặp tiếp theo.
- Ví dụ thơ lục bát: Các bài thơ Tương tư (Nguyễn Bính), Việt Bắc (Tố Hữu)…
III. THỂ THƠ SONG THẤT LỤC BÁT:
- Là thể thơ dân tộc.
- Luật thơ:
+ Số chữ và số câu: Khổ thơ song thất lục bát gồm bốn câu: một cặp câu bảy chữ (song thất), hai câu sáu chữ và tám chữ (lục bát). Một bài thơ có thể có nhiều khổ song thất lục bát, số lượng khổ thơ không hạn định.
+ Gieo vần: gồm cả vần chân và vần lưng
- Ví dụ thơ song thất lục bát:
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết?
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khả thương!
(Trích Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm)
IV. THỂ THƠ TỰ DO:
- Số chữ và số câu: Không hạn định về số chữ trong câu, số câu trong bài, dài ngắn linh hoạt.
- Gieo vần: vần chân, có thể vần liền. vần cách.
- Ví dụ: Các bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu), Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo), đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm).
V. MỘT SỐ THỂ THƠ KHÁC:
- Thể thơ bốn chữ (mỗi câu thơ bốn chữ), thể thơ năm chữ (mỗi câu thơ năm chữ), thể thơ bảy chữ (mỗi câu thơ bảy chữ), thể thơ tám chữ (mỗi câu thơ tám chữ), với hai dạng:
+ Các câu thơ nối tiếp nhau
+ Bốn câu thơ làm thành một khổ
- Ví dụ:
+ Thể thơ năm chữ: bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh)…
+ Thể thơ bảy chữ: Các bài thơ Tràng Giang (Huy Cận), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Từ ấy (Tố Hữu)…