PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP TRỮ TÌNH CON SÔNG ĐÀ QUA TÁC PHẨM “NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ”
CỦA NGUYỄN TUÂN
Bài làm
Nguyễn Tuân – nhà văn có sở trường về tuỳ
bút và ký. Tác phẩm của ông luôn thể hiện phong cách độc đáo, sự hiểu biết
phong phú về nhiều mặt thông qua tinh thần đam mê khám phá của ông. Dưới ngòi
bút uyên bác ông đã thành công trong việc tạo nên giá trị văn học của hình tượng
con sông Đà, đặc biệt là nét đẹp trữ tình thông qua tác phẩm “Người lái đò sông
Đà” khi lần đầu ghé thăm Tây Bắc.
Từ trên cao nhìn xuống, đập vào mắt ông là
hình ảnh tươi đẹp, hùng vĩ của miền đất này. Vốn là một con người của nghệ thuật,
yêu cái đẹp ông liền nhận ra “con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình”,
điệp từ “tuôn dài” như muốn nhấn mạnh sự mềm mại, dịu dàng của con sông. Nghệ
thuật so sánh dòng sông như “một áng tóc trữ tình” thể hiện cái nhìn phong phú
của tác giả khi ví con sông như nữ nhân kiêu sa đang buông hờ mái tóc làm duyên
giữa cánh rừng “hoa ban, hoa gạo”. “Ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc”, “cuồn cuộn
mù khói núi Mèo đốt nương xuân”, bao nhiêu vẻ đẹp thơ mộng của đất trời đã ùa về
trong câu văn bàng bạc chất thơ của Nguyễn Tuân.
Nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường làm nổi bật con
sông Hương bằng cách miêu tả màu sắc của nó qua từng khoảng thời gian trong một
ngày, thì Nguyễn Tuân còn làm điều ấy đặc biệt hơn bằng cách vẽ lên bức tranh
qua từng mùa, mỗi mùa một sắc độ. Mùa xuân dòng sông xanh màu “xanh ngọc bích”,
mùa thu sông Đà lừ lừ đỏ chín như “da mặt một người bầm lên vì rượu bữa”, nó
chưa bao giờ mang “màu đen xấu xí” như cách giặc Pháp gọi con sông. Chỉ bằng
vài nét phác hoạ mà ta đã thấy được linh hồn của con sông Đà hiện lên như bức
tranh nên thơ.
Với đa số bạn đọc, chúng ta sẽ thấy “con
sông Đà gợi cảm”, còn với Nguyễn Tuân – dưới cặp mắt của người nghệ sĩ – ông thấy
sông Đà đằm ấm như “một cố nhân”. Mặt hồ con sông sông tựa khuôn mặt người cố
nhân tươi sáng, rực rỡ những vệt sáng loé lên của “màu nắng tháng ba Đường thi:
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”, con Sông Đà đã trở thành người bạn thân thiết
của con người từ thuở nào – một “cố nhân” gợi bao niềm thi hứng. Giữ thiên
nhiên trữ tình lại xuất hiện thêm sự sống của muôn loài “chuồn chuồn bươm bướm”
lại tiếp tục vẽ lên bức tranh Tây Bắc sinh động.
Thưởng thức hết vẻ đẹp thơ mộng của sông
Đà, ta đi đến chiêm ngưỡng “cảnh ven sông ở đây lặng tờ”, cổ kính mà hoang sơ.
Có vẻ như từ đời Lý đời Trần con sông đều lặng tờ như thế, ấy vậy mà con sông vẫn
giữ được vẻ đẹp nguyên thuỷ. Đà giang tồn tại bất chấp không gian, thời gian
nhưng lại hoang dại như “một bờ tiền sử”, hồn nhiên như “nỗi niềm cổ tích xưa”.
Bất giác một tí, tác giả lại nghĩ về “một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú
Thọ - Yên Bái – Lai Châu” vì “thèm” được giật mình bởi tiếng còi xúp – lê, ẩn
sâu trong cái mong muốn đó là sự khát vọng đất nước ngày càng phát triển, phồn
vinh. Thỉnh thoảng. “con hươu thơ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương”, “đàn cá dầm
xanh quẩy vọt trên mặt sông”, “tiếng cá đập nước”, “đàn hươu vụt biến” như vừa
ngại ngùng vừa muốn giao tiếp để hỏi rằng: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông
cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Thể hiện sự mưu cầu về cuộc sống tốt
hơn không chỉ với con người mà động vật cũng mong muốn điều đó để có sự cân bằng
và hài hoà hơn. Tác giả Nguyễn Tuân dường như đã đưa người đọc về thế giới thần
tiên, cổ tích, ẩn chứ một cuộc sống tốt đẹp.
Nguyễn Tuân đã vận dụng tri thức của nhiều
ngành văn hoá, nghệ thuật để miêu tả dòng sông. “Cái tôi” tài hoa, uyên bác
trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, câu văn. Tác giả đã sáng tạo hình ảnh mới
lạ, độc đáo đầy tinh tế với sự biến hoá linh hoạt, khi tầng tầng lớp lớp, khi
ngắn gọn đột ngột để thể hiện cảm xúc, diễn tả đối tượng. Với thể loại tuỳ bút
pha kí đầy tính khoa học, xác thực không chỉ “hướng nội” để thể hiện cảm xúc,
suy tư, diễn tả thế giới nội tâm của tác giả mà còn “hướng ngoại” để phản ánh
hiện thực cuộc sống, ghi chép thành tích xây dựng, chiến đấu của nhân dân ta.
Tóm lại, sông Đà đã trở thành đề tài hấp dẫn
cho nhiều nghệ sĩ. Nhưng Nguyễn Tuân quả thực là nhà văn tài hoa đã điểm cho
sông Đà có màu, có sắc, có thần, có hồn như thế. Cách thành văn của tác giả dường
như đưa người đọc đến gần nhân vật hơn, thậm chí dù chưa trực tiếp nhìn ta vẫn
có thể dễ dàng hình dung được. Qua tác phẩm trên ta thấm thía được chân lí: “Thới
giới không được tạo lập một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ xuất hiện là mỗi lần
thế giới lại được tạo lập”.