MỘT SỐ ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN MẪU
Đề 1: Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về cách ứng xử với những người kém may mắn và bất hạnh trong cuộc sống.
Đối với những người ở quanh ta, ta phải giúp đỡ những người kém may mắn, bất hạnh hơn mình. Cuộc sống là một chuỗi tình cờ, mỗi người sinh ra đều tình cờ giàu có, tình cờ nghèo khổ, tình cờ khỏe mạnh và tình cờ ốm đau. Nếu ta có một cơ thể khỏe mạnh, một cuộc sống tạm coi là no ấm thì ta không nên giữ cho riêng mình mà phải biết cho đi. Cuộc sống hiện nay có quá nhiều người vô cảm. Họ dửng dưng với khổ đau của đồng loại, giẫm đạp lên nhau để giành giật danh lợi, hạnh phúc. Ta cần thức tỉnh, sống chậm lại mà nhìn ngắm mọi thứ xung quanh. Có ai cho đi mà thấy mất bao giờ. Ta hãy giúp một em bé tật nguyền qua đường để nhận lại nụ cười nơi em. Ta hãy tặng bánh cho một người xin ăn trên phố để nhận lại một cái bắt tay từ họ. Giúp đỡ những người kém may mắn hơn ta để ta thấy mình đang hạnh phúc và biết trân trọng những gì ta đang có. Hãy cho đi thật nhiều để được nhận lại cũng thật nhiều. Một túi tiền nặng và một trái tim lớn, điều gì đáng được trân trọng hơn? Bạn sẽ là người chọn lựa…
ĐỀ 2: Bàn về nghị lực của con người trước nghịch cảnh
Trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, sẽ có nhiều tảng đá cản lố, nó khiến ta nghĩ tới nghị lực để vượt qua nghịch cảnh. “Nghịch cảnh” là khó khăn, thử thách, những bất lợi, những hoàn cảnh bi đát mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Có người đã từng nói: “ Khó khăn không phải là một tảng đá cản bước chân bạn. Hãy xem đó như là một bậc thềm đá nâng bạn bước cao hơn”. Thứ gì sẽ biến nghịch cảnh từ một tảng đá thành một bậc thềm? Đó chính là nghị lực- sự quyết tâm, ý chí, bản lĩnh và sự dũng cảm. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết đến tên tuổi của Bettoven- nhà soạn nhạc đại tài. Nhưng ít ai biết rằng ông vốn bị điếc cả hai tai. Vậy ông soạn nhạc bằng cách nào? Xin trả lời, ông đã dùng nghị lực. Để cuộc sống thay đổi, chính chúng ta phải thay đổi, phải dùng nghị lực để tạo sức mạnh vượt qua khó khăn. Là một người trẻ tuổi, ta càng phải có nghị lực, dám đương đầu, dám dấn thân. Ta phải giữ trong mình niềm tin về một thành công chắc chắn, hãy luôn nhớ tới câu nói của nhà văn Chi Lê như một lời nhắn nhủ: “Chỉ những người dám mới có thể bay”. Hãy dùng nghị lực của mình để dám, và để bay!
Đề 3: Trình bày suy nghĩ về quan điểm: “Sự xu nịnh là kẻ xấu xa nhất trong những kẻ thù”.
“Sự xu nịnh là kẻ xấu xa nhất trong những kẻ thù”. “Xu nịnh” là sự khen ngợi quá mức hay những lời nhận xét vụ lợi. “Kẻ thù” là những người luôn mong ta thất bại. Xu nịnh đáng sợ ở chỗ nó đánh vào tâm lý thích được khen ngợi của nhiều người. Lời nịnh bợ khiến ta cảm nhận được tầm quan trọng của bản thân thậm chí khiến ta ảo tưởng về khả năng của chính mình. Nó cũng giống như một cây nấm độc. Bên ngoài rất bắt mắt, rất hấp dẫn nhưng bên trong lại ẩn chứa một sức mạnh chết người. Ta cần bảo vệ bản thân khỏi những sự lừa đảo đầy vụ lợi này. Chúng ta phải biết lắng nghe bằng một khối có tỉnh táo. Ta phải biết khiêm tốn, biết rõ khả năng của mình, biết trân trọng những điều chân thành dẫu là chê bài, trách móc. Nhưng cùng với đó, ta cũng phải hiểu xu nịnh khác hoàn toàn một lời khen động viên chân thành. Trong khu rừng ta đi sẽ có rất nhiều nấm, ta hãy chọn giữ lại cho mình những cây nấm phù hợp- những cây nấm thực sự hữu ích.
Đề 4: Suy nghĩ của em về nhận định sau: “Đừng để người khác đưa ra mục tiêu cho cuộc đời bạn. Hãy là chính mình”
“Đừng để người khác đưa ra mục tiêu cho cuộc đời bạn. Hãy là chính mình”- câu nói ấy đã trở thành phương châm sống tích cực cho tất cả chúng ta. “Mục tiêu cuộc đời” là ước mơ, hoài bão, còn sống “là chính mình” là sống đúng với đam mê, cá tính của bản thân. Khi sống theo suy nghĩ hay sở thích của người khác, ta sẽ tự biến mình thành con rối giữa những ràng buộc rối răm. Cuộc đời sẽ còn ý nghĩa gì nữa đâu. Nếu cha của Moda muốn ông làm thợ rèn thì có lẽ sẽ không có một thiên tài âm nhạc. Nếu mẹ của J.K. Rowling ép bà trở thành y tá thì chắc hẳn sẽ không có một tiểu thuyết gia tên tuổi. Cuộc đời sẽ ra sao nếu ai cũng quên đi mình cần gì để đi theo những tương lai định sẵn? Giới trẻ hiện nay luôn biến mình thành một con người khác để vừa lòng xã hội, thờ ơ, phó mặc với hai chữ “tương lai”. Đương nhiên, sống được là chính mình không có nghĩa là lập dị, là lao theo những mục tiêu vô bổ mà bản thân cho là đúng. Là học sinh, trước mắt ta hãy theo đuổi đam mê và sống có cá tính. Và để làm được điều đó chúng ta hãy không ngừng trau dồi khả năng từng ngày, từng ngày một.
Đề 5: Trình bày suy nghĩ về việc chia sẻ thông tin thiếu trách nhiệm, thiếu cẩn trọng lên Facebook.
Chia sẻ thông tin trên Facebook là việc đang diễn ra từng giờ. Như đã biết, Facebook là một trang mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Trung bình mỗi người dân Việt Nam sẽ dùng 2 tiếng 30 phút mỗi ngày cho việc sử dụng Facebook. Đã là trang mạng xã hội nào thì cũng có sức lan truyền thông tin nhanh đến không tưởng. Tuy nhiên, những thông tin ấy đa số đều không được thẩm định. Với lý do đó, những thông tin sai lệch trên facebook sẽ làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người, thậm chí gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Vì thế, ta nên đăng tải thông tin một cách chuẩn xác, không nên mang tính bịa đặt, kích động. Thay vào đó, tại sao ta không dùng facebook để gửi đi những thông điệp có ý nghĩa. Mọi sự việc cuộc đời đều có hai mặt của nó. Thế hệ trẻ chúng ta hãy chọn sử dụng mặt tích cực của facebook để cho thấy mình là người thông minh và trách nhiệm.
Đề 6: “Hãy bình luận bằng những ngôn từ tích cực và click chuột bằng sự bao dung, bởi chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và tổn thương trên mảnh đất văn hóa của mình, cả ở thế giới thật ảo”. Suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên?
“Hãy bình luận bằng những ngôn từ tích cực và click chuột bằng sự bao dung, bởi chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và tổn thương trên mảnh đất văn hóa của mình, cả ở thế giới thật ảo”- đây chính là quan điểm sống của tất cả chúng ta trong thế giới công nghệ thông tin hiện nay. “Click chuột bằng sự bao dung” là cách ứng xử biết suy nghĩ cho người khác trên các trang mạng xã hội. “mảnh đất văn hóa” là phông văn hóa cách ứng xử của mỗi người. Những lời bình luận trên các trang mạng xã hội có thể vô tình hay cố tình là tổn thương người khác, cho thấy sự nông cạn, thiếu văn hóa của chính mình. Thực tế hiện nay, có rất nhiều người bình luận tục tĩu, ác ý hoặc thậm chí cắt sửa hình ảnh nhằm bôi nhọ danh dự của người khác trên các trang mạng xã hội. Cho đi hoa hồng tay ta vẫn còn thơm, ném đi một nắm tro liệu tay ta có còn trắng nữa? Chúng ta hãy nhận ra sự nghiêm trọng của những lời chế giễu, bình luận ác ý trên mạng. Là học sinh, sử dụng nhiều mạng xã hội, chúng ta cần chú ý hành vi của mình hơn ai hết. Trước khi viết lên ý kiến, ta cần phải cân nhắc hãy tạo cho mình thói quen suy nghĩ cho người khác. Ta hãy click chuột bằng lí trí và con tim!
Đề 7: Suy nghĩ của anh chị về sự thù hận
Để có được thành công, con người phải học cách quên đi nhiều điều và trong đó có sự thù hận. “Thù hận” là một trong trạng thái cảm xúc căm tức, giận dữ, ghét bỏ của con người. Nó xuất phát từ cái tôi, từ sự thiếu bao dung và từ cái nhìn tiêu cực. Nuôi nấu hận thù chỉ tự giết đi bản thân. Ta sẽ không còn tâm trí nghĩ tới niềm vui trọn vẹn. Câu hỏi tự đặt ra là: “Khi ta thù hận ai đó, liệu họ có thấy đau buồn như chính ta buồn đau?”. Thù hận sẽ dẫn đến những hành động báo thù. Dùng nỗi đau đáp lại nỗi đau liệu có phải giải pháp? Trong cuộc sống hiện nay, sự thù hận đối với con người không còn lạ lẫm. Điều đó làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực của xã hội: cướp bóc, bạo lực, thậm chí là giết người hàng loạt. Chúng ta hãy thứ tha, hãy dùng tình yêu hàn gắn nỗi đau. Nhưng cần nhớ, không thù hận không có nghĩa là không bất bình trước cái ác và điều xấu. Trong căn buồng trái tim, ta hãy gỡ bỏ những bức tranh tối màu và thay vào đó những bức tranh tươi đẹp của xúc cảm.
Đề 8: Bàn về vấn đề thực phẩm bẩn
Thực phẩm bẩn thực sự đã trở thành vấn nạn rất đáng lo ngại ngày nay. Những thực phẩm không được sản xuất, sơ chế, chế biến theo quy trình an toàn thực phẩm đều bị cho là thực phẩm bẩn. Vì sự thiếu hiểu biết, ích kỉ và nhất là vô lương tâm, con người đang đầu độc lẫn nhau. Những vụ ngộ độc diễn ra hàng ngày đâu đáng sợ bằng cái chết sắp sửa của những căn bệnh ung thư đang gặm nhấm sinh mạng ta. Làm thế nào để ngăn chặn thực phẩm bẩn? Câu trả lời không dễ nhưng cũng không phải là điều không thể. Tất cả chúng ta hãy cùng chung tay. Người bán hãy thôi nhẫn tâm và dại dột. Người mua đừng ham hình thức hay giá rẻ mà tiếp tay cho hành vi sai trái. Ta cần đưa ra những hình phạt thật nặng đối với những hành vi vi phạm. Là một học sinh, ta hãy tự trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng để bảo vệ người thân và chính mình.
Đề 9: Bàn về lối sống thực dụng
Vì một cuộc sống trọn vẹn, tất cả chúng ta cần loại bỏ lối sống thực dụng. Sống thực dụng là sống chỉ vì đồng tiền, vì vật chất. Chạy theo đồng tiền khiến ta buộc phải đánh đổi những điều quý giá hơn thế. Thực tế hiện nay, con người đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tiền bạc. Lừa lọc, bán rẻ nhân phẩm, dốc cạn sức khỏe, quên lãng gia đình, là tất cả những gì ta đang đánh đổi để thỏa mãn vật chất. Và khi thỏa mãn vật chất rồi ta sẽ nhận ra mình đã mất tất cả. Chúng ta cần làm chủ bản thân trước cám dỗ đồng tiền, cần định giá những thứ ta phải đánh đổi. Đối với thế hệ trẻ, ta càng cần tránh xa lối sống thực dụng. Hãy để lòng mình rộng mở, nhìn cuộc đời bằng những góc đa hình để nhận ra trong cuộc sống có rất nhiều điều quý giá hơn tiền bạc. Ta hãy luôn nhớ rằng: “Tiền bạc là đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ tồi”.
Đề 10: Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận?
Trong cuộc sống, ta cần tự hỏi bản thân: “Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận?”. “ Phần thắng” và “ sự thừa nhận” là sự ghi công trong mắt người khác. Người ta thường muốn chiến đấu tới cùng vì họ đặt làm mục tiêu cho mình. Họ đâu biết rằng chiến thắng không phải là sự thỏa mãn khi có trong tay tấm huy chương. Chiến thắng thực sự là sự thỏa mãn khi đã hoàn thiện mình. Bởi kẻ thù lớn nhất của mỗi người chính là bản thân ta. Thực tế hiện nay có rất nhiều người luôn muốn cố chiến đấu đến cùng bằng mọi giá. Họ dùng nhiều thủ đoạn, tự hạ thấp mình. Và đó thực chất là thất bại. Hãy thay đổi suy nghĩ của mình về sự chiến thắng. Không chiến đấu tới cùng không đồng nghĩa với việc không cầu tiến. Đối với thế hệ trẻ, bản thân phải ý thức rõ được cuộc đời trước mắt là một cuộc đua. Ta hãy dốc hết sức mình để học hỏi, trải nghiệm và chiến đấu. Bất luận kết quả ra sao, miễn ta cố gắng hết mình thì trong tay ta đã lấp lánh màu cúp vô địch.
Trên đây là một vài bài viết tham khảo, các bạn có thể tìm thêm những bài viết tương tự trên Loga.
Chúc các bạn học tốt!
Thân!!!
Nguyễn Minh Hòa.