Chuyên đề: Vợ chồng A Phủ

 

1.              Phân tích nỗi bất hạnh của nhân vật Mị

 

                    Có nhiều người đã nhận xét rằng sự kiện Mị trở thành con dâu gạt nợ như một thanh nam châm đã hút hết mọi khổ đau của cuộc đời Mị. Và quả thực vậy. Nếu Mị chỉ là con dâu, Ít ra Mị vẫn có chỗ đứng trong gia đình vì chỉ phải chịu ràng buộc bởi Thần Quyền. Còn nếu Mị chỉ là con nợ, chỉ bị ràng buộc bởi cường quyền thì ít ra Mị vẫn có thể bấu víu vào một thứ gọi là niềm tin. Mị vẫn có thể hy vọng rằng mình sẽ trốn thoát khỏi đây nếu trả hết nợ. Nhưng một lúc Mị phải đeo hai thân phận. Mị không có chỗ đứng cũng chẳng có niềm tin, vì Mị là "con dâu gạt nợ". Mị đã trở thành người tù mang bản án chung thân trong nhà ngục của nhục nhằn và cay đắng. Mị phải kéo lê cái kiếp sống khổ nhục ấy cho đến khi nào? Cho đến tàn đời!

 

                      Sống trong nhà Thống Lí Pá Tra, Mị phải chịu sự bóc lột sức lao động đến tàn tệ. Tô Hoài đã giới thiệu Mị cùng những tín hiệu của một đời giông bão "Có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa cạnh tàu ngựa". Mị bị ném vào vị trí không phải dành cho con người. Một câu văn thôi nhưng chất chứa một cuộc đời, một số phận. Đó là một cuộc đời câm lặng như đá, một kiếp sống như trâu ngựa. Thậm chí, Mị thấy mình không bằng trâu ngựa "Con trâu con ngựa làm còn có lúc, đàn bà con gái trong nhà này thì vùi mặt vào việc làm cả đêm lẫn ngày". Một so sánh quá đau đớn! Nó làm ta liên tưởng tới thân phận của người con gái Thái trong "Tiễn dặn người yêu":

 "Ngẫm thân em chỉ bằng con bọ ngựa

Con chẫu chuộc mà thôi..."

Thời gian của Mị không tính bằng dòng hạnh phúc mà tính bằng một chuỗi công việc cực nhọc: "Ăn tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, se đay, mùa thu thì đi nương bẻ bắp". Mị bị đè bẹp bởi thời gian ngưng tụ, không dĩ vãng, không tương lai. Kiếp sống của Mị là cuộc sống phi thời gian đầy cay đắng.



                    Không chỉ có vậy, Mị còn bị hành hạ về thể xác và tinh thần. Bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và với bất cứ lý do gì, Mị đều có thể bị đánh, bị trói. Mị bị đạp vào mặt khi ngủ thiếp đi trong lúc đang bóp chân cho A Sử. Mị bị trói đứng vào cột nhà trong đêm tình mùa xuân. Và trong những ngày đông lạnh giá, Mị bị A Sử đánh vô cớ khi đang ngồi hơ lửa. Nhưng có lẽ đau đớn hơn cả là nỗi đau tinh thần. Căn buồng của Mị chẳng phải tổ ấm hạnh phúc. Nó mang nỗi ám ảnh của ô cửa sổ. Tô Hoài đã nói "cái mờ trắng của ô cửa sổ chính là cái mờ mịt của tâm hồn, của số kiếp Mị". Căn buồng đã trở thành nấm mồ chôn giữ thanh xuân, trở thành xà lim tù ngục giam cầm một đời nô lệ. Số kiếp Mị cay đắng chồng cay đắng, bất hạnh chồng bất hạnh. Khi bị bắt về nhà Thống Lí, Mị như một đóa hoa trong trắng, tươi nguyên, bị phũ phàng cắt đứt khỏi đời sống tự nhiên. Ta sẽ xót xa tới mấy khi chứng kiến đoá hoa ấy, con người ấy bị lụi tàn khô héo. Liệu rằng Tô Hoài có để cho Mị chôn mình vĩnh viễn nơi đây?

1.              Sự hồi sinh của Mị trong đêm tình mùa xuân.

                  

                     Thiên nhiên thay đổi khiến lòng người muốn đổi thay. Những đứa trẻ đốt lều cách nương, sưởi lửa. Chiếc váy hoa được phơi những con bướm sặc sỡ. Gió và  rét rất dữ dội làm ửng lên sắc vàng của cỏ gianh. Những chàng trai, cô gái, thổi sáo, thổi khèn, đánh pao chơi quay đầy say sưa. Bức tranh thiên nhiên có đủ đầy màu sắc âm thanh và ánh sáng làm nào nức lòng người. Đây chính là yếu tố ngoại cảnh làm lòng Mị thay đổi.

 

                     Có thể khẳng định tác nhân thứ hai khiến sức sống của Mị hồi sinh chính là tiếng sáo. Nó đã giúp Mị thoát khỏi sự thờ ơ, vô cảm cố hữu bao lâu nay của mình. Mị nghe thấy tiếng sáo vọng lại thiết tha bồi hồi. Một con người vốn thờ ơ với mọi chuyện nay lại biết lắng nghe âm thanh của cuộc sống. Hơn nữa, âm thanh ấy còn từ xa vọng lại. Không chỉ nghe, Mị còn cảm nhận được tiếng sáo. Âm thanh vốn không có xúc cảm cảm, xúc có hay không là do lòng người. Cho nên, cái thiết tha bồi hồi có lẽ là cảm xúc của một cô Mị rất trẻ năm xưa, trở lại trong trái tim tưởng chừng như đã chai lỳ của người thiếu phụ hôm nay. Rồi Mị lại nghe thấy tiếng sáo "lấp ló". Không chỉ nghe, không chỉ cảm nhận, Mị còn hình dung ra cả dáng vẻ của người thổi sáo nơi đầu núi. Mị cứ thế, cứ thế, đến gần hơn với cuộc đời, chậm chạp thoát khỏi cái mai rùa đè nặng. Và sau cùng, Mị nhẩm theo tiếng sáo. Mị đã thực sự hòa nhịp với cuộc sống hiện tại, sống lại những kỉ niệm quá khứ.


                         Nếu như tiếng sáo làm Mị thoát khỏi lớp vỏ thờ, ơ vô cảm, thì men rượu sẽ đánh thức ý thức về nỗi đau bất hạnh trong lòng Mị. Uống rượu, Mị uống "ực từng bát". Mị uống rượu để say, để nuốt trôi oán hận hay để hòa tan, khỏa lấp những nỗi buồn đang lắng cặn trong lòng mình? Cô đã thức tỉnh tình cảm, cảm xúc thông thường. Men rượu khiến Mị "lịm mặt đi", sống về ngày trước. Mị nhớ về quá khứ nhớ về một cô Mị đã hạnh phúc. Tiếng sáo nâng đỡ Mị, khiến Mị  muốn đi chơi và chuẩn bị đi chơi.

                    Sự hồi sinh đã dẫn tới những hành động cụ thể. Mị lấy ống mỡ sắn một miếng bỏ vào đèn cho sáng, quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa. Hành động của Mị là chuỗi hành động chống đối, tự phát, lặng lẽ, nhưng quyết liệt với sự áp bức của cha con thống lí, áp bức của cường quyền.

                      Lần đầu tiên Mị muốn đi chơi. A Sử  xuất hiện để dập tắt sự hồi sinh chớm nở của Mị. A Sử trói Mị bằng sợi đay, trói Mị bằng mái tóc thanh xuân. Cuộc đời lại một lần nữa đóng lại tăm tối trước mắt Mị. 


                      Nhưng A Sử chỉ có thể trói buộc thể xác, chứ không thể trói buộc  tâm hồn Mị. Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo, đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi. Và rồi Mị vùng bước đi. Lúc ấy cô mới thức tỉnh về nỗi bất hạnh của mình. Thế giới tươi đẹp vụt tan. Bi kịch, đây chỉ có thể là bi kịch. Ngòi bút miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế đến lạ thường.

                     Đêm tình mùa xuân đã đến và đã đi như thế.

1.               Sự hồi sinh của Mị trong đêm đông.

 

                     Trong đêm đông khi thấy A Phủ bị trói, Mị không bận tâm. Điều này rất dễ hiểu với một con người đã chai lỳ. Giọt nước mắt A Phủ xuất hiện, đã đánh thức Mị. Điều kỳ lạ dường như đã xảy ra. Mị đồng cảm và nhận ra nỗi đau của người khác qua nỗi đau của chính mình.

                        Hình ảnh những cái chết cứ thế hiện ra trong đầu Mị. Khô khốc và kinh hoàng. Cô nhận ra ai mới là kẻ thù lớn nhất của đời mình. Với chính mình cô phó mặc, nhưng với người khác cô không thể buông xuôi. Là lòng vị tha.

 

                      Từ tất cả những suy nghĩ trên, Mị dẫn tới những hành động quyết liệt. Cô cắt dây trói cứu A Phủ. Bằng cách nào đó, cô đã cắt đi cắt dây trói vô hình quanh mình. Trong hành động cuối cùng này, Tô Hoài không miêu tả dòng độc thoại nội tâm của Mị. Tất cả chỉ được biểu thị bằng hành động. Điều này cho thấy Mị hành động vì dường như chưa kịp suy nghĩ, đây là một hành động bản năng. Đây là một sự thức tỉnh tất yếu. nó có thể bất ngờ với Mị trong đêm nay nhưng không hề bất ngờ trong toàn bộ cuộc đời của Mị.

                    Nếu như trong đêm tình, khát vọng chỉ ở ảo giác. Thì nay nó đã trở thành hành động. Cấp độ đã khác hẳn.

 

 

Mong rằng bài viết sẽ giúp các bạn làm bài tốt.

Thân!!!

Nguyễn Minh Hòa.

 

Bài viết gợi ý: