CÁC THAO TÁC LẬP LUẬN

I. THAO TÁC LẬP LUẬN PHÂN TÍCH:

- Phân tích là chia tách đối tượng thành nhiều yếu tố nhỏ để xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối quan hệ bên trong của sự vật, hiện tượng. Lập luận phân tích cũng luôn gắn với các thao tác tổng hợp, khái quát.

- Ví dụ: Người xưa vẫn coi “cưỡi cơn gió mạnh, đạp đầu sóng dữ” là biểu trưng cho một lí tưởng sống anh hùng. Thì ông lái đò sông Đà này, dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, cũng chính là con người cưỡi gió đạp sóng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đấy còn gì! Nhà văn đã dùng tâm tả cuộc chiến giữa ông lái với dòng sông theo hướng: Thoạt đầu tưởng như hai bên rất không cân sức… Thế nhưng ba lớp trùng vây thạch trận đầy cửa tử cửa sinh đã không ăn chết được con thuyền đơn độc hết chỗ lùi.  Các dũng tướng phá trận ngày xưa, nếu vào đúng cửa sinh và đanh thốc ra đúng cửa sinh là đối phương tan tanh thế trận. Ông đò của Nguyễn Tuân cũng thế. Nhà văn như muốn, qua trường hợp ông đò, cùng mỗi người chúng ta nghiền ngẫm điều triết lí: giữa cái thế giới của độc dữ và nham hiểm, cái thế giới đầy sức mạnh man dại và lập lờ cạm bẫy, con người vẫn đủ khả năng tìm thấy luồng sinh. Người lái đò của Nguyễn Tuân không có phép màu. Ông đâu có cánh tay Héc-quyn nào để so sánh được với sức lực của Thuỷ Tinh. Nhưng ông đã “nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá”. Và cái kinh nghiệm đò giang sông nước, lên thác xuống ghềnh, không, phải nói là cái trí tuệ của người lao động ấy đã khiến cho ông lái, dù trong tay chỉ có cây chèo (cái que nhỏ giữa nguy nga sóng thác) vẫn có thể phá thành vượt ải như một chiến tướng bách thắng trong sự nghiệp đấu tranh chống thiên nhiên…

(Trích Người lái đò sông Đà, vẻ đẹp của một dòng sông chữ - Đỗ Kim Hồi Dẫn theo Nghĩ từ từ công việc dạy văn, NXB Giáo dục, 1997)

II. THAO TÁC LẬP LUẬN GIẢI THÍCH:

- Giải thích là làm rõ ý nghĩa của sự vật, hiện tượng, ý kiến… Có thể giải thích cơ sở (từ khó, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng); giải thích nội dụng ý kiến, vấn đề…

- Ví dụ: Nhưng “Truyện Kiều” không chỉ có chữ tài, chữ tâm, mà còn có chữ “thân”. “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh thống kê có 63 chữ “thân” với nghĩa là mình, tức thân thể. Tâm là phương diện “hình nhi thượng”, là đời sống tinh thần, là lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo lí. Thân là “hình nhi hạ”, là cái phần vật chất bé nhỏ dễ hư nát và đau đớn nhất của bất cứ ai… Thân là phần quý giá nhất, có thân mới có người, có vui sướng, có phúc phận. Cuộc đời lưu lạc của Thuý Kiều là chuỗi ngày đày đoạ tấm thân. Ý thức về thân chính là ý thức về cái phần cá nhân riêng tư nhất, thực tại nhất của con người. “Truyện Kiều” là một truyện thương thân, xót thân thấm thía nhất…

(Trích Thi pháp Truyện Kiều – Trần Đình Sử, NXB Giáo dục 2003).

III. THAO TÁC LẬP LUẬN CHỨNG MINH:

- Chứng minh là đưa ra những cứ liệu, dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ, một ý kiến nhằm thuyết phục người đọc, người nghe tin tưởng vào vấn đề. Có thể đưa lí lẽ sau khi chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng; có thể thuyết minh trước rồi trích dẫn chứng sau. Khi cần thiết, phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh có sức thuyết phục hơn.

- Ví dụ: Cách tổ chức ngôn ngữ cũng góp phần tạo ra âm điệu của bài thơ. Thi sĩ đã triệt để tận dụng lối tổ chức theo nguyên tắc tương xứng, hô ứng, trùng điệp. Nhất là việc tạo ra các cặp từ đi liền kề, kế tiếp, luân phiên, đắp đổi nhau về bằng trắc nữa. Vế tiếp vế, câu tiếp câu…[…] cứ thế, cặp này vừa lướt qua, cặp khác đã xuất hiện, tựa như con sóng này vừa lịm xuống, con sóng khác đã dào lên. Nhờ đó âm điệu thơ gợi được hình ảnh những con sóng trên mặt biển, cứ miên man, khi thăng, khi giang, khi bổng, khi trầm, vô hồi vô hạn. Ta cứ thấy âm điệu nhấp nhô những con sóng tiếp nối nhau, gối đầu lên nhau, xô đuổi nhau chạy suốt dọc bài thơ, và để lại dư vang bất tận.

(Trích Thơ, điệu hồn và cấu trúc – Chu Văn Sơn, NXB Giáo dục 2007)

IV. THAO TÁC LẬP LUẬN SO SÁNH:

- So sánh là đối chiếu hai hay nhiều sự vật, hiện tượng nhằm chỉ ra nét khác nhau (so sánh tương phản) hoặc giống nhau (so sánh tương đồng). So sánh có thể rút ra những nhận xét chính xác, làm nổi bật vẻ đẹp và đóng góp riêng của tác phẩm văn học… So sánh dựa trên cùng tiêu chí, bình diện, tránh khập khiễng, thiên lệch.

- Ví dụ 1: Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang…

(Trích Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc – Phạm Văn Đồng, Dẫn theo Tạp chí Văn học, tháng 7/1963)

- Ví dụ 2: Khi “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan ra đời, tôi chắc ít ai nghĩ rằng thân phận người nông dân dưới ách đế quốc phong kiến lại có thể có một nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của Chị Dậu, anh Pha. Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy đủ những gì là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa: bị giày đạp, bị cào xé, bị huỷ hoại từ nhân tính đến nhân hình. Chị Dậu bán con, bán sữa…nhưng chị còn được gọi là người. Chí Phèo phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình đi để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

(Trích Những bài giảng về tác giả văn học Việt Nam hiện đại – Nguyễn Đặng Manh, NXB Đại học Sư phạm 2005)

V. THAO TÁC LẬP LUẬN BÁC BỎ:

- Bác bỏ là phê phán, phủ định một ý kiến, một quan điểm sai nào đó. Muốn ý kiến bác bỏ có sức thuyết phục, cần lập luận đầy đủ để chứng minh (Sai chỗ nào? Vì sao?). Có thể bác bỏ luận điểm (dùng thực tế hoặc suy luận); bác bỏ luận cứ (sai lầm trong lí lẽ và dẫn chứng); bác bỏ lập luận (sự mâu thuẫn, không nhất quán…)

- Ví dụ: Nhưng thơ Xuân Diệu chẳng những diễn đạt được cái tinh thần cố hữu của nòi giống. Và chăng tinh thần một nòi giống có cần gì phải bất di dịch. Sao lại bắt ngày mai phải giống hệt ngày hôm qua? Nêu ra một mớ tính tình, tư tưởng, tục lệ rồi bảo: người Việt Nam phải như thế, là một điều tối vô lí. Thơ Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuồng quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như buồn, người đều nồng nàn tha thiết.

(Trích Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB Văn học 1998)

VI. THAO TÁC LẬP LUẬN BÌNH LUẬN:

- Bình luận là bàn bạc và đanh giá về sự đúng – sai, hay – dở, lợi – hại của một ý kiến, chủ trương, sự việc, con người, tác phẩm… Muốn bình luận có hiệu quả cao, cần xác định đối tượng, giới thiệu, đề xuất ý kiến bình luận, vận dụng nhiều thao tác lập luận khác.

- Ví dụ: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” có nhiều sự phát hiện về lịch sử và văn hoá xứ Huế. Huế từ lâu đã chiếm chỗ sâu bền trong tâm hồn người Việt, là nỗi ước mong của tri thức bao đời… Nhưng không phải ai cũng hiểu được tầm vóc lịch sử và văn hoá của xứ Huế. Bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một bài thơ văn xuôi về “người mẹ phù sa của một vung văn hoá xứ sở”. Một “người mẹ” không thể hiểu được chi bằng cái nhìn bề ngoài hời hợt. Hành trình của sông Hương từ thượng nguồn ra biển là hành trình của tâm hồn xứ Huế, bộc lộ mọi cung bậc của nó, vừa mãnh liệt vừa lắng sâu, vừa trữ tình thiết tha vừa bình thản trí tuệ…Tác giả tả tâm hồn xứ Huế trong tổng thể thiên nhiên và đô thị, trong chiều sâu lịch sử, từ thời Châu Hoá xa xưa đã nổi tiếng là trường thành phương nam của đất nước. Tác giả thể hiện sông Hương trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Thật thú vị khi anh nhận ra màu sắc, dáng nét âm hưởng xứ Huế trên mỗi trang Kiều, hoặc đột ngột liên hệ Đặng Dung mài gươm dưới chân thành Châu Hoá. Nhưng hơn hết, anh nói đến sông Hương với tấm lòng gắn bó khi so sánh với các con sông trên thế giới

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? – bút kí sử thi của Hoàng Phủ Ngọc Tường – Trần Đình Sử, Dẫn theo Lí luận và phê bình văn học, NXB Giáo dục 2003)

VII. VẬN DỤNG KẾT HỢP CÁC THAO TÁC LẬP LUẬN:

- Viết văn nghị luận là thể hiện sự hiểu biết, nhận thức, khám phá về đối tượng nghị luận nhằm năng cao trình độ, năng lực, giúp người khác cùng hiểu và tin vào vấn đề. Đồng thời người viết cũng thể hiện chính kiến, thái độ, sự đanh giá vấn đề; đưa ra những điều chỉnh tích cực nhằm năng cao sự tiến bộ trong lĩnh vực văn học, văn hoá. Để thực hiện được các mục đích đó, người viết thường vận dụng, kết hợp nhiều thao tác lập luận.

- Ví dụ: Thơ mới không nói đến đấu tranh cách mạng, đó là nhược điểm lớn, và Thơ mới nói chung buồn. Đó là nỗi buồn của cả một thế hệ người trong xã hội thực dân, nửa phong kiến; nó thành ra nỗi buồn về số kiếp con người, cái buồn tưởng như bản chất cuộc đời. Cũng có những bài thơ vui, những vần thơ vui, có cả vài nhà thơ mà tâm hồn thiên về cảm xúc vui, nhưng bao trùm Thơ mới có thể nói là nỗi buồn day dứt, nỗi buồn của thế hệ. Nhưng cái buồn của Thơ mới đâu phải đều là uỷ mị. Nỗi buồn của “con hổ nhớ rừng” là chan chứa hoài niệm về giang san, đất nước chứ! Nỗi buồn trong bài “Tràng giang” không phải là lòng yêu quê hương đó sao? […]. Nhược điểm của Thơ mới là thiếu khí phách cách mạng, nhưng Thơ mới là phong trào văn học phong phú, một phong trào sáng tạo dồi dào, nhiều yếu tố tích cực: lòng yêu quê hương đất nước đậm đà; lòng yêu sự sống, yêu con người; bên cạnh cái buồn lại có chủ nghĩa lạc quan như là mạch nước ngầm trong mát; lòng trân trọng, yêu mến cha ông, yêu mến quá khứ đẹp của đất nước, giống nòi. Lại có những nhà thơ có cảm quan vũ trụ sâu sắc mà vẫn nặng lòng đợi. Và tất cả các nhà thơ mới đều chung một tình yêu: yêu tiếng Việt, yêu tha thiết, da diết. Chính lòng yêu tiếng Việt đó là một biểu hiện của lòng yêu nước.

(Trích Nhìn lại một số hiện tượng văn học – Huy Cận, Báo Người giáo viên nhân dân 1989)

=) Trong ví dụ trên, người viết đã kết hợp thành công nhiều thao tác lập luận: giải thích, phân tích, bác bỏ, bình luận…

Bài viết gợi ý: