Đề bài: Về đoạn trích tùy bút “Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: Đó là một công trình nghiên cứu công phu. Nhưng ý kiến khác lại nhấn mạnh: Đó là một áng văn giàu tính thẩm mỹ.

Bình luận ý kiến trên?

Bài làm

                      Vương Trí Nhàn đã từng nói: “Có vẻ như nếu trên đời có một ngôi đền dành để thờ cái đẹp thì Nguyễn Tuân chính là viên tư tế chuyên lo việc đèn nhang cho người đến lễ”. Trong ngôi đền có Nguyễn Tuân, ta sẽ bắt gặp "Người lái đò sông Đà”- một công trình khảo cứu công phu và cũng là một áng văn giàu tính thẩm mỹ.

                      Nguyễn Tuân là nhà văn lớn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông đạt được những thành tựu xuất sắc trước và sau năm 1945. Những tác phẩm của ông mang đậm phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác. Nguyễn Tuân được mệnh danh là con người cả cuộc đời đi tìm cái đẹp. Ông khám phá thiên nhiên trên phương diện văn hóa, thẩm mỹ, miêu tả con người trong vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ.  “Người lái đò sông Đà” chính là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Tác phẩm được rút từ tập tùy bút “Sông Đà”- một thành quả của chuyến đi thực tế năm 1958-1960. Chuyến đi ấy đã thỏa mãn mong muốn xê dịch của Nguyễn Tuân. Đồng thời, nó cũng có cơ hội để Nguyễn Tuân khám phá “ chất vàng” của thiên nhiên Tây Bắc cũng như “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của con người nơi đây.

                           Một công trình khảo cứu công phu là một tác phẩm được tạo dựng bởi sự tìm tòi, khám phá kì công. Và quả thực, viết “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã chứng minh được phong cách nghệ thuật uyên bác của mình. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng là một áng văn giàu tính thẩm mỹ bởi Nguyễn Tuân là con người “suốt một đời đi tìm cái đẹp”. Tất cả những điều đó đã mang tới cho ta một tác phẩm thực sự ấn tượng.

                             Viết “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã sử dụng từ ngữ ở rất nhiều lĩnh vực. đó là võ thuật như đánh “khuýp quật vu hồi”. Đó là thể thao với những “hàng tiền vệ”. Đó là âm nhạc vì có những “ thanh ca não bạt”. đó cũng là điện ảnh vì có những từ ngữ mang đầy tính chuyên môn. Và đặc biệt đó cũng là quân sự với “pháo đài”, “boong ke”, “dàn trận địa”. Bằng cách sử dụng những từ ngữ như vậy,  Nguyễn Tuân vừa thể hiện sự uyên bác của mình vừa miêu tả được diện mạo con sông Đà.

                        Tác giả  miêu tả dòng sông khi hung bạo, khi trữ tình. Dường như máy quay của nhà văn đang giúp người đọc cảm nhận cận cảnh dòng sông ấy. Từ những lá ngô đồng mới nhú, từ một tiếng cá quẫy nước, từng viên đá, từng hút nước đều được tác giả miêu tả tỉ mỉ. Phải chăng, ông đã quen lắm với cảnh sắc nơi đây? Đặc biệt nhất vẫn là cảnh tác giả miêu tả đoạn vượt thác. Dường như, chính người đọc cũng nhầm tưởng Nguyễn Tuân cũng là một người lái đò lão luyện. Cửa sinh, cửa tử, trùng vi thạch trận đều được tác giả nằm lòng. Viết được đoạn văn ấy là kết quả của biết bao tìm tòi, khám phá, công phu của người cầm bút.

                            Sự kì công của tác giả còn được thể hiện trong việc miêu tả màu của dòng sông. Sông Đà” không xanh màu xanh canh hến như sông Gâm, sông Lô”. Phép so sánh này mang đậm đặc điểm của một nhà văn thị tài. Tác giả muốn làm nổi bật màu trong vắt, trân quý của dòng sông bằng việc so sánh với màu lờ lợ, tầm thường của những dòng sông khác. Phép so sánh ấy đã cho thấy vốn hiểu biết sâu rộng và sự tìm tòi của tác giả. Quả thực, “Người lái đò sông Đà” chính là một công trình khảo cứu công phu. Chẳng vậy mà giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận xét: “đối tượng khảo sát của Nguyễn Tuân là một khảo cứu đến kì cùng”.

                             Không chỉ dừng lại ở đó, “Người lái đò sông Đà” cũng là một áng văn thẩm mỹ. Tính thẩm mỹ ấy trước hết thể hiện qua đối tượng miêu tả của tác phẩm, và có lẽ nổi bật nhất chính là con sông Đà. Con sông phía thượng nguồn hung vĩ, hung bạo và nham hiểm. Nó như kẻ thù số một, là con thủy quái đối với con người. Dẫu vậy, đó cũng là kiệt tác của thiên nhiên. Tạo hóa đã khéo gầy dựng những vách đá “chẹt dòng sông như một cái yết hầu”. Câu văn miêu tả tưởng chừng như lặp và rườm. Tuy nhiên, chính điều đó đã tang lên ấn tượng chới với của thị giác: “Khung cửa sổ nào trên tầng thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Nhà cao là vách đá, hè phố là lòng sông. Câu văn đã tô đậm độ cao đến tận cùng của vách đá. Miêu tả cảnh thác đá sông Đà, tác giả đã sử dụng mọt câu văn ấn tượng: “Sóng bọt tung trắng xóa cả một chân trời đá”. Qủa thực vậy, cảnh vật nơi đây thật khiến người ta choáng ngợp. Sự choáng ngợp ấy còn là bởi ngỡ ngàng trước dòng sông trữ tình. Khác với cảnh thác đá, con sông Đà phía thượng nguồn nên thơ, gợi cảm mà hoang dại đến vô cùng. Chính sự kết hợp hai tính cách ấy đã mang đến một dòng sông- một nhân vật ấn tượng, hấp dẫn.

                                             

                             Bên cạnh hình tượng con sông, hình tượng ông lái đò cũng là bức tượng đại diện cho cái đẹp. Đó không phải vẻ đẹp xa dời thực tế, lạc lõng giữa cuộc đời mà Nguyễn Tuân vẫn nhắc đến trước năm 1945. Ông lái đò là anh hùng, một anh hùng không gươm, không giáo mà chỉ có trong tay mái chèo. Ông là anh hùng trong lao động. Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân đã đổi thay, không lạc lõng mà gần gũi ấm áp với cuộc đời. Đó là vẻ đẹp đại diện cho quê hương, đất nước.

                          Không chỉ có hình tượng đẹp, tác phẩm còn sử dụng rất nhiều câu văn mang đậm giá trị thẩm mỹ. Khi miêu tả cảnh đá thác sông Đà, ngòi bút của tác giả tung hoành sảng khoái trên dòng thác ngôn từ. Ông đã buộc từ ngữ tạo thành sóng gió, buộc nhịp điệu tạo thành ghềnh thác.  Khi miêu tả âm thanh thác đá, Nguyễn Tuân mang tới một câu văn thật khó quên: “nó rống lên như tiếng của hàng ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm gào với hàng ngàn con trâu da cháy bùng bùng”. Lấy lửa để tả nước, lấy rừng để tả sông, lấy hình ảnh là đàn trâu để miêu tả âm thanh. Đứng trước Nguyễn Tuân ta thấy mình nghèo nàn biết bao về ý tưởng và cách nói. Khi miêu tả dòng sông trữ tình, câu văn của Nguyễn Tuân cũng đổi khác, giàu thanh bằng, nhẹ nhàng và dịu ngọt như một câu thơ: “Thuyền tôi trôi nhẹ trên sông Đà” hay “ sông Đà tuôn dài tuôn dài như mọt áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai”. Miêu tả sông Đà, tác giả không dùng làn tóc, mái tóc mà là áng tóc. “Áng” thường được đứng trước các tác phẩm nghệ thuật có dung lượng lớn. Gọi sông Đà là một áng tóc trữ tình, Nguyễn Tuân muốn khẳng định con sông chính là một kiệt tác nghệ thuật của tạo hóa. Viết “Người lái đò sông Đà”, nhà văn đã trở thành thi sĩ, với khao khát mãnh liệt. Đó là khao khát đề thơ vào con sông. Sông Đà là một con sông, một nhân vật, hay một bài thơ bất tận?

                            Bằng những biện pháp nghệ thuật được sử dụng một cách biến diệu, những từ láy, những câu văn đặc sắc, Nguyễn Tuân đã mang đến cho ta một tác phẩm đặc biệt. Đó vừa là một công trình khảo cứu công phu, vừa là một áng văn giàu tính thẩm mỹ. Nhớ năm xưa Thôi Hiệu viết “Hoàng Hạc lâu” khiến ai đến với lầu Hoàng Hạc cũng phải cất bút. Thì nay, với “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã làm được điều tương tự.

Người viết: Nguyễn Minh Hòa

 

Bài viết gợi ý: