Đề bài: Bàn về đặc điểm cái tôi trong bài thơ “Sóng”, có ý kiến cho rằng: “Đó là cái tôi có khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt”. Lại có ý kiến cho rằng: “Bài thơ đã thể hiện một cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người”
Từ cảm nhận về cái tôi trong bài thơ, anh chị hãy bình luận những ý kiến trên?
Bài làm
Trước muôn trùng sóng bể, kẻ tráng chí hung tâm như Phan Bội Châu:
“Muốn vượt biển Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”
Người đa cảm như Hữu Thỉnh lại thấy:
“Vắng cánh buồm một chút cũng cô đơn”
Với Xuân Quỳnh, trước biển lớn bà nghĩ về tình yêu. Tình yêu ấy có những khát khao cháy bỏng nhưng cũng có không ít những dự cảm lo âu. Nhận xét về cái tôi trong bài thơ, có ý kiến cho rằng: “Đó là cái tôi có khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt”, cùng với đó “Bài thơ đã thể hiện một cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người”.
Xuân Quỳnh là nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những tác phẩm đề tà tình yêu của bà luôn là sự gặp gỡ giữa khát vọng vfa dự cảm, lo âu. “Sóng” là một bài thơ như thế. Bài thơ ra đời năm 1967 và được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” năm 1968. Đây là một đóa hoa vừa đẹp, vừa lạ mà Xuân Quỳnh đã hái được dọc chiến hào chống Mỹ.
Bài thơ là sự kết hợp giữa “Sóng” và “em”. Em chính là cái tôi trữ tình, là người phụ nữ khi yêu với tất cả những trạng thái tâm lý, xúc cảm. “Sóng” là phân thân, là hóa thân của “em” để biểu hiện mọi trạng thái tâm lý, xúc cảm ấy. “Sóng” và “ em” khi phân thân để soi chiếu sự tương đồng, khi hòa nhập để cùng ngân nga cộng hưởng. Bài thơ đã gợi lên hình ảnh người phụ nữ đứng trước đại dương. Chính vì thế xúc cảm của nhân vật trữ tình vừa có kháo khát hướng tới những điều lớn lao, vừa có những lo âu, dự cảm đầy bất ổn.
Khát vọng sống, khát vọng tình yêu chân thành trước hết được thể hiện trong hành trình của sóng:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Coi “ sông” là chủ ngữ, hai câu thơ sẽ thành một câu ghép chính phụ. Nếu sông không hiểu sóng, sóng sẽ dứt khoát tìm ra biển lớn. Tìm tới sự đồng cảm lớn lao. Những chữ “tìm” và “tận” đã cho thấy bản lĩnh và thái độ mạnh mẽ, kiên quyết của sóng trong hành trình đầy khó khăn. Những nếu coi sông là trạng ngữ chỉ nơi chốn thì câu thơ sẽ mở ra một tầng nghĩa khác. ở sông, bên sông hay trong sông, sóng khoong hiểu nổi chính mình, nó khao khát tìm ra biển lớn. dẫu là sự đồng cảm hay chính mình, sóng vẫn khao khát những điều lớn lao.
Khao khát ấy còn mãnh liệt hơn, đẹo đẽ hơn khi Xuân Quỳnh viết:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Nỗi ám ảnh về sự hữu hạn không phải của riêng ai. Với Xuân Diệu, trước ám ảnh ấy, ông đưa ra giải pháp tận hưởng, phải cảm nhận hết hương sắc của cuộc đời khi còn có thể. Còn đối với Xuân Quỳnh, thay vì tận hưởng, bà khao khát tận hiến. “ Tan” không phảo là biến mất trên dòng đời mà là hóa thân vào biển lớn. “Tan” là sống hết mình, yêu hết mình, cống hiến không ngừng, tận độ, trọn vẹn cho tình yêu. Đằng sau chữ “tan”, rõ ràng ta bắt gặp bóng dáng của một cái tôi luôn khao khát tình yêu chân thành, mãnh liệt. Biển lớn và ngãn năm là những gì người phụ nữ nhận được sau khi hy sinh vì tình yêu. Họ đã chiến thắng sự hữu hạn để hướng tới sự vô thủy vô chung, vô cùng vô tận của thời gian, của cuộc đời.
Bên cạnh những khao khát ấy, “Sóng” của Xuân Quỳnh còn gói ghém trong đó biết bao dự cảm, lo âu, bất ổn về giới hạn của tình yêu và kiếm người. Chẳng vậy mà Đoàn Hương đã nhận xét: “Thơ Xuân Quỳnh là cái tôi mẫn cảm của trái tim người phụ nữ yêu và làm thơ”. Điều này rất dễ hiểu với một con người hơn một lần gánh chịu đổ vỡ trong tình yêu. Thế nên, Xuân Quỳnh đã viết lên những câu thơ nặng trĩu như những tiếng thở dài:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn qua đi
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
“Cuộc đời” và “biển” dẫu dài, dẫu rộng nhưng cũng chỉ là những điều nhỏ bé khi đặt cạnh năm tháng và hành trình của mây. Bốn câu thơ đã đem tới ám ảnh về thời gian, về sự nhỏ bé, hữu hạn của kiếp người. “Năm tháng” và hành trình của mây là những điều vô thủy vô chung. Nó càng làm ám ảnh về sự hữu hạn thêm ám ảnh, sắc nét.
Như vậy, về cái tôi trong bài thơ, cả hai lời nhận xét đều hoàn toàn đúng. Chúng không trái ngược, phủ định lẫn nhau mà ngược lại, chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa khát vọng và lo âu. Điều này thể hiện rất rõ trong khổ thơ vốn được coi là hay nhất trong bài:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
“Con sóng” lặp lại nhiều lần, được đặt trong mối quan hệ không gian: “lòng sâu”-“mặt nước” và thời gian “ngày’-“đêm”. Từ đó, người đọc cảm nhận được nỗi nhớ bờ của những con sóng. Nỗi nhớ ấy trải dài theo thời gian, ngâp tràn trong không gian. Tuy nhiên, nỗi nhớ trong tình yêu còn mãnh liệt hơn thế. Nỗi nhớ ấy quá lớn tới mức không đựng vừa trong hình tượng sóng, cũng hư không đựng vừa trong khổ thơ bốn câu. Thế nên, Xuân Quỳnh đã viết thêm hai câu nữa cho một khổ thơ tưởng chừng như đã đủ, đã đầy:
“lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Nỗi nhớ không chỉ tràn đầy tầng bậc không gian, thời gian, mà còn tràn đầy cả ý thức lẫn vô thức. Nỗi nhớ đã xáo trộn tất cả, đảo lộn mọi quy luật. Dường như cảm xúc cứ thế tràn qua bờ đập của ngôn từ. Một nỗi nhớ mãnh liệt như thế nhất định chỉ có thể có trong trái tim luôn khao khát tình yêu.
Tuy nhiên, với một trái tim đầy dự cảm, lo âu như Xuân Quỳnh thì “thức” không phải chỉ là để “nhớ” mà còn là để canh giữ cho tình yêu. Người phụ nữ lo sợ rằng chỉ sau một cái chớp mắt tình yêu sẽ tan biến, cái hạnh phúc đang cầm nắm bỗng chốc sẽ biến tan. Đây là cảm xúc rất dễ hiểu của một người đã từng nếm trải khổ đau trong tình yêu. Nhiều lần, Xuân Quỳnh đã từng viết:
“Em đâu dám mong chờ là vĩnh viễn
Hôm nay yêu mai có thể xa dời”
Và còn nữa:
“ Tình yêu mỏng mảnh như làn khói
Ai biết tình ai có đổi thay”
Tuy nhiên, chính vì lo sợ tình yêu như khói mà biến mất, nên với Xuân Quỳnh, “thức” không chỉ dừng lại ở canh giữ mà còn là để nâng niu, trân trọng từng khoảnh khắc bên tình yêu. Đã thao thức ban ngày, còn không ngủ cả ban đêm. Phải chăng Xuân Quỳnh đang muốn nối dài cuộc đời bằng những giấc mơ? Những câu thơ vì thế dẫu có vô lý nhưng vẫn gây xúc động lòng người. Từ những vô lý Xuân Quỳnh đã đưa ta đến một chân lý rằng: có tình yêu là có khao khát, có tình yêu là có những lo âu.
Bằng những hình ảnh ẩn dụ, những cặp từ hô ứng, thể thơ năm chữ và bằng cả sự đắp đổi của ngôn từ, Xuân Quỳnh đã mang đến cho ta những câu thơ đầy xáo động. nhà thơ đã khéo đưa điệu miên man của sóng vào thơ hay chính sóng biển đã khuấy động sóng lòng tạo thành sóng thơ. Giữa sóng biển, sóng lòng và sóng thơ ta thật khó tách bạch. Nhưng có lẽ bài thơ khiến ta nhớ là vì vậy, ta yêu cũng là vì vậy.
Gấp lại bài thơ, những con sóng vẫn vẽ lên trong ta một cái tôi đầy khao khát, đầy lo âu, dự cảm. Dẫu rằng, trái tim sinh học của Xuân Quỳnh đã ngừng đập, nhưng chắc hẳn trái tim thơ của Xuân Quỳnh vẫn sống mãi với những khát vọng sống, khát vọng yêu…
Người viết: Nguyễn Minh Hòa