Đề bài: Chủ nghĩa cá nhân là thuốc độc chết người những cá tính lại là “muối ăn” trong cuộc sống thường ngày.
Trong bài “Một khúc ca xuân”, Tố Hữu đã từng viết lên tha thiết : “ÔI! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?”. Một cuộc đời đẹp là phải có sự kết hợp giữa cá nhân và cộng đồng. Vì thế, một người sống đẹp là người biết hòa nhập với mọi người, đồng thời cũng giữ được những giá trị riêng của bản thân. Chẳng vậy mà, có người đã từng nói: “Chủ nghĩa cá nhân là thuốc độc chết người nhưng cá tính lại là “muối ăn” trong cuộc sống thường ngày”.
Có thể nói, chủ nghĩa cá nhân là tư tưởng đặt cái “tôi” tri phối mọi suy nghĩ, hành động. Những người theo chủ nghĩa cá nhân sẽ trở nên tham lam, ích kỉ, thờ ơ, vô cảm với cộng đồng. Người theo chủ nghĩa cá nhân nếu thấy người khác vui sẽ ganh tị, thấy người khác buồn sẽ nhắm mắt thờ ơ, thấy người khác khổ đau bất hạnh mà chỉ lặng thinh- cái lặng thinh đến lạnh lẽo. Chính vì thế nó đầu độc tâm hồn con người, biến họ trở thành những người có tâm hồn chết. Xã hội chúng ta giống như một chuỗi mắt xích kết nối với nhau bằng sợi dây ràng buộc nhất định. Người theo chủ nghĩa cá nhân sẽ giống như một mắt xích bị cắt đứt khỏi sợi dây ấy. Để rồi dần dần họ sẽ tách xa cộng đồng, sống trong sự khinh thường của mọi người. Điều đó sẽ khiến họ thấy thật cô độc mà cô độc chính là bi kịch. Để chứng minh tầm quan trọng của cộng đồng ta sẽ thực hiện phép thử bằng những con kiến. Nếu thả một con kiến vào nước, nó sẽ chết. Nhưng nếu thả một đàn kiến vào nước, chúng sẽ kết lại thành một khối cầu để cả tập thể cùng nổi, như vậy sẽ sống sót. Vậy liệu rằng bạn có muốn là con kiến đơn độc bị chết dưới dòng nước kia không?
Cùng với đó, ta cần biết hòa nhập vào cộng đồng không có nghĩa là để mình mờ nhạt trong cộng đồng ấy. Như nhiều người vẫn đề cao khẩu hiệu: Hòa nhập nhưng không Hòa tan. Cá tính cũng là một phần tất yếu trong mỗi con người. Cá tính là tính cách riêng được thể hiện qua tư duy, hành động và sản phẩm cá nhân. Trong cuộc sống muôn màu, những màu sắc mờ nhạt sẽ dễ dàng bị khuất lấp. Cá tính sẽ giúp con người tạo ra dấu ấn, tạo khác biệt. Từ đó, họ sẽ thấy cuộc đời đáng sống hơn. Chính vì thế mà có thể ví sự cá tính như gia vị cho cuộc sống này thêm đậm nét. Có cá tính sẽ giúp con người ta thành công trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhất là lĩnh vực nghệ thuật. Nhà văn I van Tuốc Ghê Nhép đã từng nói: “Cái quan trọng trong tài năng văn học và tôi nghĩ cũng có thể trong bất cứ tài năng nào, là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói của riêng mình”. Không chỉ những nhà văn nước ngoài, những nhà văn Việt Nam cũng có chung tư tưởng ấy. Chẳng vậy mà Nguyễn Tuân đã từng nói: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy nó đòi hỏi phải có phong cách, tức là phải có nét gì đó rất mới, rất riêng thể hiện trong tác phẩm của mình”. Như vậy, mỗi tác phẩm nghệ thuật thành công đều chứa đựng dấu ấn riêng của tác giả. Từ đó mở rộng ra, mỗi cuộc đời ý nghĩa đều thuộc về một con người có cá tính.
Tuy nhiên, sống cá tính phải dựa trên tư duy lành mạnh, tích cực để tránh hình thành cho mình những tính cách lập dị hay quái gở. Rất nhiều bạn rẻ hiên nay hay a dua theo những phong trào kì cục, ăn mặc những bộ đồ dị hợm, lố lăng không phù hợp hoàn cảnh. Đó không còn là cá tính, đó là a dua không biết suy nghĩ. Tương tự vậy, sống vì người khác không nhất thiết phải can thiệp quá nhiều vào đời tư của những người xung quanh. Một thực tế đáng buồn là nhiều ông bố bà mẹ hiện nay thường sắp đặt cuộc sống cho con cái họ. Như vậy không phải hy sinh vì con cái mà đó cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân khi không nghĩ tới cảm xúc của con cái mình.
Như vậy, với tất cả những điều trên, một lần nữa ta có thể khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là thuốc độc chết người nhưng cá tính lại là “muối ăn” trong cuộc sống hằng ngày”. Mỗi chúng ta- những người của thế hệ trẻ hãy vạch giới hạn nhất định để bảo vệ mình khỏi liều thuốc độc “ích kỉ”. Đồng thời hãy thêm gia vị kì diệu là cá tính vào thực đơn cuộc sống. Đó chính là cách để chúng ta có được những dấu ấn và vị trí nhất định trong cuộc đời.
Người viết: Nguyễn Minh Hòa