Soạn bài tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan
I. Tác giả và tác phẩm
1. Tác giả
Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) xuất thân trong một gia đình quan lại nho học thất thế. Trước Cách mạng tháng Tám ông dạy học và viết văn để sinh sống. Ông bắt đầu viết truyện từ năm 20 tuổi. Tập truyện ngắn Kép Tư Bền (1935) là tác phẩm khẳng định tài năng viết văn của Nguyễn Công Hoan, đồng thời làm nảy sinh cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật vì nghệ thuật hay vì cuộc sống. Nguyễn Công Hoan sáng tác hơn 20 tiểu thuyết và hơn 200 truyện ngắn. Ông có sở trường về truyện ngắn trào phúng phê phán mạnh mẽ hiện thực xã hội đương thời. Con đường văn học, nghệ thuật của Nguyễn Công Hoàn được duy trì trong thời gian sau Cách mạng tháng Tám.
Cùng với Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Công Hoan cũng được xem là một trong những người đặc nền móng cho văn xuôi hiện đại Việt Nam. Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan là một bức tranh phong phú, sống động về xã hội Việt Nam trước Cách mạng.
Các tác phẩm chính của Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng có tập truyện ngắn Kép Tư Bền (1935), Hai thằng khốn nạn, Đào kép mới (1937), Người vợ lẽ bạn tôi (1939) ; các tiểu thuyết như Lá ngọc cành vàng, Ông chủ (1935), Bước đường cùng (1938)… Sau Cách mạng, ngoài các tập truyện ngắn và tiểu thuyết, ông còn viết tập hồi kí Đời viết văn của tôi (1971).
2. Tác phẩm
Truyện ngắn Tinh thần thể dục được đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, số 51 ngày 25 – 3 – 1939. Tác phẩm vạch rõ tính chất bịp bợm của phong trào thể dục thể thao đương thời mà thực dân Pháp cổ động rầm rộ để đánh lạc hướng thanh niên.
II. Tìm hiểu tác phẩm
Câu 1. Tính chất bi hài của tác phẩm
Nội dung cốt truyện đã bộc lộ mâu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng, giữa nội dung và hình thức của phong trào thể dục thể thao do chính quyền thực dân khởi xướng. Để được lòng bọn thực dân, quan tỉnh thúc quan huyện, quan huyện ép hương lí các xã, bọn chức dịch này lại hành hạ nhân dân. Xem bóng đá nhưng phải bắt cho đủ số người quy định, tìm người đi xem bóng đá mà như đi lùng tội phạm, mọi người đều phải tìm cách lẩn trốn như trốn lính ; bọn hương lí thừa cơ hội bòn rút tiền của dân chúng. Đúng là một tấn bi kịch cười ra nước mắt. Đằng sau tiếng cười ấy là những cảnh đời éo le, những số phận đáng thương khi sống trong cái xã hội đầy nước mắt.
Câu 2. Nghệ thuật trào phúng của Nguyễn Công Hoan
Từ hiện thực có thật lúc bấy giờ của phong trào thể thao do thực dân Pháp tiến hành, tác giả đã xây dựng những tình huống truyện gay cấn, giàu kịch tisnhvaf có tác dụng gây cười. Cốt truyện đơn giản nhưng gồm nhiều cảnh, các cảnh chuyển tiếp nhanh với sự tham gia của nhiều nhân vật, nhiều số phận, nhiều gương mặt, nhiều tình huống đặc sắc và thú vị.
Khuôn mặt anh Mịch nhăn nhó với ông Lí ; bác Phó gái dịu dàng, đặt càng cau lên bàn, ngồi xổm ở xó cửa, gãi tai nói với ông Lí ; bà cụ Phó Bính mắt kèm nhèm, vừa nói vừa cười rất vô duyên ; tiếng ông Lí quát tháo om sòm, kèm theo đó là tiếng dạ ran của lính tuần và những ngọn đuốc toa đi các ngả ; cùng cùng thằng cò nằm trong đống rơm với đứa con bên cạnh cũng bị lôi đi xem bóng đá đã phơi bày tính chất bịp bợm của phong trào thể dục thể thao đương thời. Mặc dù đã làm hết cách nhưng cuối cùng thiếu mất sáu người. Sự quay lưng của người dân đối vớ phong trào thể hiện qua sự chạy trốn và con số còn thiếu. Tất cả các chi tiết trong truyện đã tạo nên một tiếng cười trào phúng châm biếm sâu cay mang tính chất phê phán mạnh mẽ. Đó là tiếng cười được Nguyễn Công Hoan tạo ra để ném vào cái chế độ thực dân thối nát.