HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
1- Đọc bài chính tả Chiếc áo búp bê, em thấy:
a) Bài văn tả Chiếc áo búp bê.
b) Các phần:
+ Mở bài: “Trời trở rét. Vậy mà bé Li, búp bê của tôi, vẫn phong phanh chiếc váy mỏng”. Phần Mở bài nêu lí do cần may áo cho búp bê.
+ Kết bài: “Chắc bé thích chiếc áo này vì tự tay tôi đã may cho bé”. Phần Kết bài nêu cảm nghĩ của người may áo.
c) Cách mở bài theo kiểu “trực tiếp” và kết bài theo kiểu “mở rộng” giống như trong văn kể chuyện mà em đã học.
d) Phần Thân bài tả chiếc áo theo trình tự: Tả bao quát hình dạng chung của sự vật sau đó đi vào tả đặc điểm từng bộ phận (đi sâu tả những bộ phận có những đặc điểm nổi bật).
2- Theo em, khi tả một đồ vật ta cần tả:
+ Tả bao quát đồ vật.
+ Tả đặc điểm các bộ phận (chú trọng những bộ phận có những đặc điểm nổi bật).
PHẦN LUYỆN TẬP
1- Câu văn tả bao quát cái trống:
“Anh trống này tròn như cái chum, lúc nào cũng chễm chệ trên một cái giá gỗ kê ở trước phòng bảo vệ”.
2- Tên những bộ phận của cái trống được miêu tả:
- Mình trống.
- Lưng trống.
- Hai đầu trống.
3- Những từ tả hình dáng, âm thanh của cái trống:
+ Hình dáng: Tròn như cái chum; mình được ghép bằng những mảnh gỗ đều chằn chặn; nở ở giữa, khum nhỏ lại ở hai đầu, ngang lưng quấn hai vành đai to bằng con rắn cạp nong, nom rất hùng dũng; hai đầu bịt kín bằng da trâu, căng rất phắng.
+ Âm thanh: Tiếng trống ồm ồm; Tùng! Tùng! Cắc, tùng.
Phần Mở bài có thể thêm như sau:
“Cũng không biết cái trống có tự bao giờ. Hồi vào lớp Một, em đã thấy trong ngồi chễm chệ trên cái giá đặt ngay ở phòng bảo vệ. Và bây giờ trống vẫn nằm ở đấy. Hơn ba năm rồi, nó vẫn thủy chung với chúng em, đếm từng vòng quay của chiếc đồng hồ treo tường để báo hiệu giờ ra vào lớp cho chúng em học tập, sinh hoạt vui chơi... (Đây là kiểu mở bài gián tiếp).
Phần Kết bài có thể viết như sau:
“Không phải riêng chúng em mà cả các anh các chị lớp trước đã từng học ở đây, mỗi lần nghe tiếng trống trường điểm nhịp đều gợi lại cho mình biết bao những kỉ niệm. Ba hồi trống náo nức buổi tựu trường nghe âm vang như một ngày hội. Sáu tiếng trống báo hiệu giờ vào học. Một nhịp trống ba rộn rã niềm vui giờ giải lao. Và một hồi dài ngân vang tha thiết như lưu luyến tiễn đưa chúng em trở về nhà sau một buổi học căng thẳng nhưng vô cùng thú vị. (Đây là kiểu kết bài mở rộng).