A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. Tác giả: (Xem bài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong tài liệu này).
II. Tác phẩm Tuyên ngôn độc lập
1. Hoàn cảnh ra đời
- Ngày 19 tháng 8 năm 1945, chính quyền ở Thủ đô Hà Nội về tay nhân dân ta. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, tại Huế, vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, gần một triệu đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn quật khởi giành chính quyền. Trong vòng không đầy 10 ngày, Tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám đã thành công rực rỡ.
- Ngày 26 tháng 8 năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2 – 9 – 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào ta, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỉ nguyên mới độc lập, tự do.
2. Bố cục
- Phần 1 (từ đầu - “... không ai chối cãi được”): nêu lên cơ sở pháp lí và chính nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập.
- Phần 2 (tiếp theo – “.. phải được độc lập”): tố cáo tội ác của thực dân Pháp và khẳng định thực tế lịch sử là nhân dân ta đã kiên trì đấu tranh và nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
- Phần 3 (còn lại): tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, xoá bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam, khẳng định quyền độc lập tự do và ý chí quyết bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
3. Nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
Bản Tuyên ngôn là một văn kiện có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử và rất có giá trị về mặt văn học.
- Bản Tuyên ngôn không chỉ để đọc trước đồng bào và một thế giới trừu tượng, cũng không phải chỉ để tuyên bố độc lập một cách đơn giản.
Đối tượng thế giới ở đây trước hết là bọn Pháp, Anh và bọn Tàu Tưởng.
- Mở đầu, Bác nêu ra nguyên lí chung: tất cả mọi người và các dân tộc đều có quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Bằng việc tỏ ra trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Mĩ, người Pháp, lời Tuyên ngôn có tác dụng ngăn chặn một cách khôn khéo sự phản bác của chúng đối với bản Tuyên ngôn. Từ cơ sở đó, bản Tuyên ngôn khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam cũng như của tất cả mọi dân tộc trên thế giới. Đó là sự khẳng định có lí lẽ đanh thép, hợp lôgic và có sức thuyết phục cao.
- Trên cơ sở thực tế khách quan, Bác đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp bằng những sự thật không thể chối cãi được: Hơn 80 năm nay, thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta (Về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá), và trong 5 năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật, làm hơn hai triệu đồng bào ta chết đói,...
- Trên cơ sở chủ quan, cuộc đấu tranh của nhân dân ta, Người nêu rõ: Pháp đã bán nước ta cho Nhật, rồi Pháp chạy, Nhật hàng. Do đó, ta đã chấm dứt quan hệ với Pháp, nhân dân ta đánh đổ chế độ thực dân, lập nên nước Việt Nam độc lập. Vua Bảo Đại thoái vị. Nhân dân ta đã đánh đổ chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
b. Nghệ thuật
Bản Tuyên ngôn đã chứng tỏ bút lực đáng khâm phục của Bác: lập luận, lí lẽ, dẫn chứng sắc bén đanh thép chặt chẽ; luận điểm xác đáng; giọng văn hùng hồn, chứa đựng nhiều chân lí lớn; sức thuyết phục cao mà hết sức ngắn gọn, lời lẽ trong sáng, giản dị,... Bản Tuyên ngôn xứng đáng là áng hùng văn trong thời đại mới.
c. Chủ đề
Là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn, một áng văn nghị luận bất hủ, Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố xoá bỏ chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, chấm dứt hơn 80 năm cai trị của thực dân Pháp ở nước ta và mở ra một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên của tự do và độc lập dân tộc.
B. BÀI TẬP VẬN DỤNG
I. ĐỀ BÀI
1. Đề số 1
Có nhận định: “Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn, là một bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn đầy sức thuyết phục”. Hãy phân tích bản Tuyên ngôn Độc lập để làm sáng tỏ nhận định trên.
2. Đề số 2
Phân tích phần tuyên ngôn trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh (“Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị ... để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”) để nêu rõ:
- Ý nghĩa sâu sắc của phần tuyên ngôn.
- Lập luận chặt chẽ, giọng văn hùng biện đầy sức thuyết phục.
II. GỢI Ý BÀI LÀM
1. Đề số 1: Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
- Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện mang giá trị lịch sử to lớn.
+ Nêu thời gian và địa điểm ra đời của bản Tuyên ngôn.
+ Nêu vài nét về tình hình chính trị lúc bấy giờ (trong nước và thế giới).
+ Phân tích tầm vóc và sứ mệnh lịch sử của bản Tuyên ngôn (đánh âm mưu chống phá thành quả Cách mạng tháng Tám, chấm dứt nghìn năm chế độ phong kiến, 80 năm nô lệ Pháp, mở ra kỉ nguyên độc lập dân tộc,...).
- Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm chính luận sắc bén, xuất sắc.
+ Bố cục ngắn gọn (tác phẩm là thông điệp chính trị nên tác phẩm nhắc tới những mục đích tức thời, quan trọng, ưu tiên cho lượng thông tin triệt để tạo ra tác dụng chiến đấu, loại bỏ những âm mưu trực tiếp, nguy hiểm của kẻ thù).
+ Lập luận chặt chẽ, đanh thép (Tác giả nêu lên quyền độc lập, quyền sống và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam trên cơ sở dẫn hai bản Tuyên ngôn của hai cường quốc Mĩ và Pháp; Tố cáo sự chà đạp chân lí đó của Pháp ở Việt Nam, đặc biệt là việc lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái; Khắng định quyền tự chủ chính đáng của nhân dân Việt Nam).
+ Lí lẽ sắc bén, hùng hồn (tác giả dùng bằng chứng sự thật lịch sử - thực dân Pháp gieo rắc nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam; dùng thực tế để đánh sập những mơ hồ về chính trị; dùng thực tế để khẳng định công lao của Việt Minh - đại diện duy nhất cho dân tộc Việt Nam; sự độc lập của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với lẽ phải, công lí và đạo lí).
+ Ngôn ngữ chuẩn xác, giàu sắc thái biểu cảm (từ ngữ có chọn lọc kĩ, súc tích; hàng loạt động từ, tính từ, quán từ ... chuẩn xác, giàu sắc thái biểu cảm; ngoài ra còn có điệp từ, điệp ngữ có tính khẳng định và nhấn mạnh vấn đề).
2. Đề số 2: Bài viết cần nêu được những nội dung sau:
a. Ý nghĩa sâu sắc của phần tuyên ngôn:
- Ý nghĩa lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập rất sâu sắc và tiến bộ.
+ Đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập.
+ Đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà.
Như vậy, cùng một lúc, cuộc Cách mạng tháng Tám đã giải quyết cả hai nhiệm vụ: độc lập cho dân tộc và dân chủ cho nhân dân để đưa nước Việt Nam sang một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên của độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội (Bình Ngô đại cáo xưa kia, do hoàn cảnh lịch sử, chỉ mới giải quyết được độc lập dân tộc).
- Nội dung tuyên ngôn đầy đủ, toàn diện, chặt chẽ, dứt khoát.
+ Tuyên bố thoát li và xoá bỏ mọi ràng buộc với Pháp (về quan hệ, hiệp ước, đặc quyền).
+ Tuyên bố với thế giới về độc lập và tự do của nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam trên ba phương diện:
• Có quyền được hưởng tự do và độc lập.
• Sự thật đã thành một nước tự do và độc lập.
• Quyết giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.
b. Lập luận chặt chẽ, giọng văn hùng biện đầy sức thuyết phục
- Lập luận chặt chẽ.
+ Lời tổng kết tình hình trong một câu ngắn gọn, hàm súc: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”.
+ Nêu ý nghĩa lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập bằng hai câu gọn, rõ.
+ Tuyên bố với Pháp: “thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam (về chứ không phải tới), xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất Việt Nam” (chữ dùng chính xác và dứt khoát).
+ Tranh thủ các nước Đồng minh (tin rằng, quyết không thể không) công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.
+ Khẳng định quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam một cách mạnh mẽ bằng những điệp ngữ láy đi lấy lại (“Một dân tộc đã gan góc..., dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”).
- Những điều trên đây là tiền đề về lí luận đồng thời cũng là để tạo không khí đưa bài văn đến cao trào, đến lời tuyên bố cuối cùng, lời tuyên bố trinh trọng với thế giới về ba phương diện của một nước Việt Nam tự do, độc lập.
- Giọng văn hùng biện.
Phần lập luận trên đây cũng cho ta thấy giọng văn hùng biện qua cách dùng từ, qua điệp ngữ, qua lời văn trang trọng và giọng văn đanh thép, dứt khoát, khẳng định.