Vanmau.org gửi đến các bạn độc giả những bài dự thi viết về thầy cô và mái trường của các bạn học sinh trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nội

Nhắm mắt lại và hồi tưởng về những ngày tháng học trò yêu thương dưới mái trường nhỏ nhắn xinh xắn nằm nép mình dưới những hàng cây, em cũng như bao thế hệ học trò khác của NTT dù đang ở nơi đâu cũng có trong tim mình một vị trí đặc biệt dành cho mái trường Nguyễn Tất Thành. Và đặc biệt, đối với em và 47 thành viên còn lại của tập thể 12D4 (2011-2014), tình yêu dành cho mái trường thân yêu từ lâu đã gắn với thầy Lê Văn Cường – người thầy đáng kính, người ‘bạn lớn’ thân thiết.

Trong suốt quãng thời gian cấp 3 vỏn vẹn chỉ 3 năm học, chúng em – 48 thành viên 12D4 – đã một niềm may mắn vô cùng đặc biệt mà không phải tập thể lớp ban D nào cũng có được. Đó là được sự dìu dắt quan tâm ân cần của ‘người mẹ’ hiền Phạm Hương trong suốt năm học lớp 10 và sự tận tình cùng lòng nhiệt huyết của ‘người cha thông minh’ Lê Văn Cường trong chặng đường 2 năm cuối cấp. Đó là những cái tên đáng yêu mà những học trò tinh nghịch của 12D4 đã dành tặng cho 2 giáo viên chủ nhiệm của lớp với tình yêu cùng lòng kính trọng vô bờ.

Tiếp nhận phân công công tác chủ nhiệm, Thầy đã đồng hành cùng chúng em trong suốt 2 năm học – một khoảng thời gian không quá ngắn cũng không quá dài nhưng đủ để thầy trò gắn bó với nhau như một đại gia đình lớn mà ở đó Thầy là người cha thầm lặng, luôn lo lắng sát sao từng công việc. Đó là khoảng thời gian đầy vất vả không ít những lần mệt mỏi cùng biết bao lo toan nhưng cũng chứa đựng biết bao kỉ niệm vui vẻ cảm động đáng nhớ của thầy trò mình, Thầy nhỉ?

Em nhớ từng cơn gió lạnh như cắt da cắt thịt của mùa đông năm ấy nhưng chắc rằng trong lòng mỗi thành viên 12D4 đều không thấy lạnh bởi chúng em luôn được sưởi ấm từ ngọn lửa nhiệt huyết tận tâm từ người Thầy đáng kính . Thầy- người lái đò thầm lặng vẫn luôn bên cạnh chúng em , cùng chúng em đương đầu với mọi thử thách, cùng nhau vượt qua những khó khăn trên con đường học tập!

Em nhớ từng cơn gió mang không khí mát mẻ dịu dàng khi mùa thu – mùa tựu trường cuối cùng – đến. Đó là khi em cảm thấy vui biết mấy khi khoác trên vai bộ đồng phục của trường, vẫn được dự khai giảng với tư cách là một học sinh.

Em nhớ ánh nắng chói chang của mùa hè nơi Vĩnh Yên khi Thầy trò chúng ta cùng đốt lửa trại ban đêm hòa cùng lời ca tiếng hát… và Thầy đã trở thành người bạn lớn của chúng em như thế!

Em nhớ những ngày tháng tươi đẹp của mùa xuân cùng cái không khí của những ngày Tết đến gần bao trùm mọi nơi, và những hình ảnh rộn ràng của tập thể lớp 12D4. Biết được nỗi vất vả và tâm trạng lo âu của học sinh lớp 12 chúng em, Thầy lì xì đầu năm cho cả lớp cùng lời chúc may mắn với biết bao yêu thương gửi gắm: “Năm nay thi đỗ ĐH này” , “Nhớ thầy nhớ cô nhớ trường thì sau này về thăm chứ không được học lại thầy thêm năm nữa” … Thầy nói và cười… Nhớ biết mấy nụ cười hiền lành ấm áp của Thầy!

Và em nhớ những ngày nắng oi ả của mùa hè cuối. Thầy đến lớp với tấm lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Thầy cùng tập thể 12D4 trải qua những mùa hè tưởng như khó khăn và gian nan nhất trong cuộc đời học sinh khi ngày thi ĐH đang đến gần. Không chỉ truyền đạt kiến thức, Thầy còn là người truyền lửa – ngọn lửa của lòng nhiệt huyết, khát khao để chúng em có thể chinh phục những mục tiêu lớn cho cuộc đời…

Tất cả đã trở thành quá khứ nhưng trong em, những kỉ niệm thì vẫn vẹn nguyên và yêu thương vẫn đong đầy.

Từ trước đến nay, tôi luôn nhận định Toán là một môn học siêu khó và cực kì quan trọng. Vì vậy, tuy học không quá xuất sắc nhưng tôi cũng có được kết quả khá tốt để dâng tặng các thầy cô giáo yêu quý của mình. Và một trong những giáo viên mà tôi quý mến nhất là thầy giáo dạy môn Toán – thầy Lê Văn Cường.

Năm học lớp bảy, chúng tôi chia tay cô giáo Nguyễn Thị Hợp và làm quen với phong cách mới của thầy Cường. Ngay lần đầu gặp thầy, tôi nhận thấy thầy còn khá trẻ. Thầy luôn mặc áo sơ mi và đi đôi giày bóng loáng tạo nên phong cách rất lịch lãm. Mỗi khi mấy đứa học trò tinh nghịch lớp A5 chúng tôi trêu, thầy thường cười bảo: “Thầy mặc áo có … thời khóa biểu đấy!” làm cả thầy và trò cười ngất. Tôi còn ấn tượng với cặp kính trắng hơi trễ khiến ánh mắt thầy nhìn xuống trở nên thăm thẳm. Điệu bộ thầy Cường xách cặp da bước vào lớp rất nghiêm trang, khiến đôi lúc chúng tôi cảm thấy sợ sệt, “nguy hiểm” cứ như là sắp … kiểm tra 15 phút. Thế nhưng đừng lo, thầy rất thân thiện đấy nhé!

Không chỉ gây ấn tượng cho học sinh bằng phong thái riêng và tính cách vui vẻ, thầy còn khiến chúng tôi vô cùng nể phục với bể kiến thức mênh mông. Thầy có cách dạy gắn với những liên tưởng rất thú vị. Giờ đây, những công thức toán học, những hình vẽ khó đã trở nên không hề khô khan như bao người nghĩ chút nào! Thầy “hô biến” cho chúng tôi thấy những điều tưởng chừng nan giải mà lại cực kỳ đơn giản. Vào các giờ học, thầy giảng rất kỹ lưỡng. Cứ nghĩ đến giọng điệu hài hước của thầy là tôi lại bật cười và không thể nào quên những kiến thức thầy đã truyền đạt cho. Ngoài ra, thầy luôn dẫn chúng tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tùy vào từng chủ đề bài học, thầy thuyết phục chúng tôi theo một cách riêng. Tôi rất thích thú khi thầy giao tiếp với chúng tôi bằng … tiếng Anh (trong khi ngoại ngữ thầy được học là tiếng Pháp)! Có khi thầy còn chia sẻ cách học tốt môn Vật lý, Hóa học,.. Chính vì vậy, cô cậu học trò nào cũng mong ngóng đến tiết học của thầy thật nhanh. Để rồi niềm đam mê học tập, đặc biệt là các môn khoa học hình thành trong chúng tôi tự bao giờ.

Có lẽ trong những khóa học sinh được học thầy, lớp tôi có những kí ức đặc biệt hơn cả. Có thể là buổi thầy đọc một bài thơ ca ngợi bó hoa chẳng tàn – công thức toán học cho chúng tôi nghe. Có thể là buổi thầy giảng nhầm Đại số thành … Vật lý hay bị chúng tôi “lừa” nói tiếng Anh hết cả tiết học. Nhưng cũng có những kỉ niệm không vui khi học trò của thầy không làm bài tập, hay quên những gì thầy đã nhấn mạnh,… Đối với tôi, giây phút vui sướng nhưng có phần hơi sợ hãi là khi thầy đọc đúng tên mình lên bảng để chữa bài. Đó là do thầy sợ tôi nhút nhát ấy mà! Được thầy gọi nhiều, tôi cũng thấy mình khá hơn, và có những tư duy nhất định để tiến bước trên con đường học tập của mình.

Thầy ơi, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 sắp đến rồi! Bài viết này, con xin gửi tặng thầy với tất cả tình cảm kính yêu của con. Măc dù thời gian chúng con được học với thầy chưa lâu, nhưng con vẫn luôn coi thầy là người cha, một thần tượng, một người bạn thân thiết của mình, thầy ạ! Con cảm ơn thầy đã, và đang dạy dỗ tập thể 7A5 đến với bến bờ tri thức. Chúng con – những học sinh đang được thầy dẫn dắt sẽ luôn luôn yêu mến thầy!

Tôi bước chân vào ngôi trường mang tên Bác 6 năm về trước và cũng sắp chạm tới cái ngưỡng cuối cùng là 7 năm cho ít nhiều học sinh đang theo học. 6 năm nghe dài mà trôi qua nhanh như chớp mắt, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết đời học sinh. 6 năm, Nguyễn Tất Thành và tôi như đôi bạn tri kỉ, chứng kiến bao thay đổi và trưởng thành cùng nhau.

Tôi chính thức trở thành NTTer khi còn là một cô nhóc trẻ con 10 tuổi. Đi qua cả nửa tuổi thơ của mình, tôi giờ đã là một cô gái 16. Năm ấy, trường tôi còn bé lắm, chưa có dãy nhà mới, chưa có cổng trường hiện đại như bây giờ. Tôi nhớ mình còn hay đứng ở góc hành lang tầng 4, ngắm sắc vàng của cây bạch đàn kim từng mùa trổ hoa.

Tôi bước qua cái thời ngây ngô vụng dại của mình với những kì thi, bài kiểm tra, với những mối quan hệ bạn bè, thầy cô, bao vui buồn, bao khám phá. Nguyễn Tất Thành cũng từng ngày thay đổi. Có những giáo viên cống hiến một đời giờ đã về hưu, các câu lạc bộ được mở ra, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và đại học hàng năm ngày càng đứng ở thứ hạng cao trong Thành phố Hà Nội cũng như trong cả nước. Học sinh trường Nguyễn Tất Thành vừa giỏi văn hóa, vừa tài năng ở các môn thể thao và nghệ thuật, vừa tích cực trong các hoạt động tập thể, vừa tự tin và chủ động tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ phong phú của nhà trường, tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước, tham gia trao đổi học sinh với các trường trung học nước ngoài thành công và tốt đẹp, được trao tặng nhiều giải thưởng danh dự và quí giá…

Tôi nhớ những thầy cô đã ở bên dìu dắt, dạy dỗ tôi nên người. Không chỉ là những kiến thức trong sách vở, các thầy cô còn dạy tôi những bài học vô giá về tình yêu thương, về cách sống sao cho đẹp, cho văn minh, sống sao để hướng tới tương lai mà không quên đi quá khứ, biết trân trọng cả một thời vàng son của dân tộc. Các thầy cô dạy tôi cách làm một người con tốt, một học sinh tốt và một công dân tốt. Bóng hình của các thầy cô giáo mãi mãi vẫn còn in đậm trong trí nhớ của tôi. Đó là thầy giáo Lê Đình Cương với tiếng giảng bài lịch sử hào hùng, ấm áp. Đó là cô giáo Thành Vinh với giọng nói dịu dàng, trìu mến. Đó là dáng hình và cách truyền đạt mạnh mẽ của cô Nguyễn Thị Hợp. Đó là sự hài hước và thấu hiểu của cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh. Đó là cách giảng bài sinh động, hấp dẫn của cô giáo Võ Thị Hải. Đó là những bóng dáng lặng thầm cống hiến của các thầy cô tổ giáo vụ, hành chính, các bác bảo vệ, các bác lao công… Bao ngày tháng qua đi, đọc lại những dòng lưu bút mà cô giáo chủ nhiệm viết cho chúng tôi vào năm cuối cấp mà trong tôi vẫn nguyên vẹn niềm xúc động nghẹn ngào: “… Ngày mai, các con như những chú chim đã mọc đủ lông đủ cánh bay đi khắp mọi miền của đất nước, các con sẽ trưởng thành, thành đạt, và có những bạn sẽ trở thành “ông” nọ hay “bà” kia nhưng A3 luôn là một góc nhỏ trong kí ức của các con. Cô cầu chúc các con thành công trong bước đường đi tìm tri thức của mình. Chúc cho các con trở thành người có ích cho xã hội và gia đình mình. Chúc cho những ước mơ của các con trở thành hiện thực trong nay mai…’’.

Bao năm qua đi, ngôi trường Nguyễn Tất Thành vẫn im lìm chứng kiến lớp lớp học sinh trưởng thành. Chỉ còn bảng đen phấn trắng, chỉ còn những thầy cô ở lại, chỉ còn những dãy phòng học, chỉ còn những hành lang lộng gió, lại dang rộng vòng tay đón tiếp những khóa học sinh mới vào, mang trong mình trọng trách cao cả là nghiên cứu và áp dụng những phương pháp giáo dục tiên tiến vào giảng dạy và học tập. Gần hai thập kỉ trôi qua, Nguyễn Tất Thành hiện đại hơn nhưng vẫn giữ trong mình nét truyền thống, luôn phấn đấu, đi theo lời răn dạy của Bác, là một ngôi trường “mô phạm của cả nước”.

Ở nơi đây, tôi dần trưởng thành, mạnh mẽ, tự tin với những kiến thức, kĩ năng và yêu thương mình đã nhận. Dù mai này có cách xa, tôi tin ngôi trường Nguyễn Tất Thành vẫn mãi là một góc nhỏ an lành trong trái tim, để nhớ, để thương và để tự hào.

Tôi đạp xe trong cái lạnh của một ngày chớm đông. Gió mang theo mưa lạnh làm mọi người như co lại trong chiếc áo bông mềm mại. Trời lạnh và cảnh vật ảm đạm nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy ấm áp lạ thường bởi nơi tôi đến luôn đầy ắp tình cảm ấp áp và những nụ cười giòn tan như ánh nắng, xua đi cái giá lạnh của mùa đông.

Quay lại khoảng thời gian cách đây ba tháng, bước chân vào cổng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, tôi không khỏi bỡ ngỡ và lạc lõng. Nhà tôi không ở trong nội thành Hà Nội như hầu hết các bạn khác nên tôi phải chuyển ra ở cùng chị gái. Tôi phải học cách sống tự lập, không có ai ở bên giúp đỡ, nhắc nhở nên những tuần đầu tiên của lớp 10 trở nên thật khó khăn. Nhưng rồi trải qua tuần lễ quân sự – một tuần lễ tràn đầy kỉ niệm và những trải nghiệm thú vị và tiếp đó là sự chào đón nồng nhiệt của các anh chị khóa trên trong ngày hội Leviosa sôi động, cách cổng Nguyễn Tất Thành đã thực sự mở ra với tôi, tôi cảm thấy mình đã chính thức trở thành một NTTer…

Rồi tôi được làm quen với mô hình “Chương trình nhà trường” mới mẻ. Giờ đây, học không còn chỉ là đọc chép mà nó còn là trải nghiệm thực tế, là thực hành, vận dụng kiến thức vào đời sống. Ở trường Nguyễn Tất Thành, tôi đã được học cách đối nhân xử thế, cách làm người trong tiết Giáo dục công dân của thầy Nguyễn Văn Thiện đáng kính; học những giá trị nhân văn trong tiết Ngữ văn của cô Hà Song Hải Liên; học bằng trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Thiên Nhiên cùng cô Phạm Thị My hay được giao lưu và học tập với người nước ngoài trong giờ tiếng Anh của cô Thùy Dương;… Tất cả những điều đó đều thật mới mẻ và bổ ích.

Học ở trường Nguyễn Tất Thành, tôi có cảm giác như mình là con cá bé nhỏ theo dòng suối bơi ra sông lớn. Ở đây tôi được học biết bao điều mới lạ, làm quen với những môn thể thao và nghệ thuật thú vị, được học tập và sinh hoạt trong một môi trường lành mạnh, kỉ cương. Sau ba tháng học tập ở đây, tôi đã bắt đầu quen và yêu mến từng chiếc ghế đá, gốc bàng, yêu hành lang tầng hai và tầng năm lộng gió, yêu cả cái màu áo đồng phục mùa đông mà không thể nhầm lẫn với màu áo của bất kì trường nào khác. Trường Nguyễn Tất Thành đã chiếm một vị trí quan trọng trong tim tôi. Nó không chỉ đơn thuần là nơi học tập, nó còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và vun đắp ước mơ của tôi.

Được học tập và sinh hoạt dưới mái trường mang tên Bác – người thanh niên đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc – tôi cảm thấy vô cùng tự hào và hãnh diện. Mái trường Nguyễn Tất Thành sẽ là nơi tôi gửi gắm ba năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời học sinh. Trường Nguyễn Tất Thành – ngôi trường mà mỗi lần nhắc đến, trong tim tôi lại nhen lên một cảm giác yêu thương ấm áp đến lạ thường…

Kính gửi toàn thể các thầy cô giáo kính mến của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành!

Em là một trong 38 học sinh lớp 11A1 của thầy giáo Vũ Ngọc Toản.

Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi khá xa Hà Nội, đối với em được học dưới mái trường mang tên Bác đã là ước mơ từ rất lâu rồi. Và sau bao nhiêu nỗ lực phấn đấu học tập, em đã đạt được một dấu mốc quan trọng: trở thành học sinh Nguyễn Tất Thành – quả là vinh dự. Dự lễ khai giảng nghiêm trang, em đã tự hứa với mình sẽ tiếp tục cố gắng học tập để hoàn thiện hơn mục đích trước đây và hướng tới mục đích lớn sau này.

Tuy nhiên, để thích nghi với một môi trường hoàn toàn mới quả thật không dễ dàng. Em được xếp vào lớp 10A3 do cô Võ Thị Hải chủ nhiệm. Trong mắt em, mọi thứ đều xa lạ, từ lớp học đến thầy cô, bạn bè, đặc biệt là với một học sinh như em mới chân ướt chân ráo đặt chân đến Thủ đô. Sự bắt đầu rất khó khăn, em chưa thể hòa nhập ngay với các bạn, chưa thể cởi mở phát biểu, chia sẻ với thầy cô. Vậy là xuất hiện vài điểm kém, và em đã cảm thấy khá thất vọng, sợ rằng những thành quả học tập của mình trước đây sẽ vụt tan biến hết, sợ rằng bao hi vọng của bố mẹ đặt vào con sẽ chỉ còn là hư vô – một việc mà bất cứ ai trong chúng ta đều không mong muốn. Nhưng đến bây giờ em đã hiểu rằng đã là học sinh Nguyễn Tất Thành, khi đối mặt với những bất trắc nhỏ như vậy thì đều có thể vượt qua. Nhờ sự nhiệt tình thân thiện không hề có khoảng cách của các anh chị lớp trên trong ngày Leviosa, nhờ tính cách hòa đồng của tất cả các bạn trong lớp và đặc biệt là sự chú ý và chỉ bảo kịp thời của các thầy cô, em đã khắc phục được những khó khăn ban đầu và trở thành một thành viên thực sự của lớp. Đón nhận những tiết học bổ ích và lí thú, tràn đầy nhiệt huyết của các thầy cô, tham gia nhiều giờ sinh hoạt đầy tiếng cười và tình đoàn kết của tập thể lóp, thưởng thức những tiết mục văn nghệ, những phong trào thi đua của trường, em cảm thấy gắn bó và yêu mái trường này biết bao. Đôi khi cảm thấy sao nhãng, chán nản vì một khó khăn nào đó thì sự chỉ dạy tận tình của thầy cô khiến em nhận ra rằng mình đã sai và phải trân trọng từng giờ từng phút hơn nữa, khi học tập tại nơi đây. Đó thực sự là một khởi đầu đáng nhớ- khởi đầu cuối cùng của đời học sinh để sẵn sàng đối mặt với những chông gai lớn trong đời sau này. Cảm ơn thầy cô và mái trường biết bao đã giúp em đi đúng hướng cho sự khởi đầu quan trọng ấy.

Sau hai tháng nghỉ hè lớp 10, em cùng những học sinh khác lại bước vào năm học mới. Thật hào hứng khi sắp được gặp lại thầy cô và bạn bè, sắp được tiếp tục học tập trong phòng học quen thuộc cùng những con người quen thuộc. Nhưng thật bất ngờ khi em cùng bốn bạn khác trong lớp được chuyển lớp.

 Lớp 11A1!

Tâm trạng em giờ đây bối rối vô cùng, vui bởi mình sẽ được học cùng các bạn rất giỏi nhưng cũng không khỏi lo lắng, bởi em sẽ lại có một khởi đầu khác khi đã khá quen với A3, sợ rằng mình sẽ không theo kịp các bạn khác… Sự thích nghi giờ đây trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Không lẽ mình sẽ một lần nữa đối mặt với những khó khăn chồng chất như năm ngoái? Trước mắt em giờ đây là thầy cô mới, bạn bè mới và đặc biệt là kiến thức mới thực sự rất khó. Nhưng trái ngược với những lo lắng ấy, các bạn rất thân thiện chào đón chúng em, thầy cô rất nhiệt tình chỉ bảo, không hề có sự phân biệt học sinh mới hay cũ mà luôn coi chúng em như một tập thể đã gắn bó từ lâu. Sự quan tâm hết mực tận tình của thầy Toản cùng các thầy cô giáo bộ môn giúp chúng em nhanh chóng hòa vào nhịp đập của lớp. Khi nghĩ về những lo lắng trước kia, em cảm thấy mình đã thật hồ đồ và thiếu chín chắn, được học trong môi trường học tập mới, quen nhiều bạn bè, thầy cô hơn, vậy mà lại… Giờ đây khi đã có thể an tâm học tập, em càng thêm yêu mái trường – ngôi nhà chung này, yêu những người bạn như anh chị em ruột, yêu thầy cô như cha mẹ thân thương hết lòng vì con cái. Vì vậy em càng phải trân trọng hơn những tri thức được thầy cô truyền thụ mỗi ngày, giữa môi trường học tập lí tưởng này.

Nhân ngày nhà giáo Việt nam 20-11 này, em xin gửi tới các thầy cô những lời tri ân sâu sắc nhất, lời cảm ơn chân thành nhất về tất cả những gì thầy cô đã tận tình cống hiến bằng cả tâm huyết cho bao thế hệ học sinh Nguyễn Tất Thành chúng em. Mong thầy cô luôn giữ sức khỏe thật dồi dào, tâm hồn thật hạnh phúc để tiếp tục chèo lái vững vàng con thuyền tri thức, tiếp tục sự nghiệp trồng người cao cả của cuộc đời.

Ở Hà Nội có một ngôi trường được vinh dự mang tên của Bác Hồ kính yêu. Mang trong mình trọng trách của một trường thực nghiệm những phương pháp tiên tiến trong giáo dục, hơn một thập kỉ qua, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành  đã thực sự tạo ra một chỗ đứng, một bản sắc riêng của mình.

Nguyễn Tất Thành không phải là ngôi trường chuyên hướng học sinh tới mục đích học tập mang tính hàn lâm. Nó cũng không giống như bao nhiêu ngôi trường khác, chỉ biết chạy theo thành tích. Nơi này là điểm hội tụ của biết bao nhiêu tính cách và hoài bão khác nhau, nhưng đều hướng đến một mục đích cao quý. Ngôi trường trẻ trung này, một sản phẩm của trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, đã thực hiện theo đúng lời dạy của Bác Hồ 50 năm về trước:

“… Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước…”

Nói cách khác, đây là một lò lửa để rèn luyện học sinh thành những công dân toàn diện về kiến thức, kĩ năng và nhân phẩm- những “Con Người” như Các Mác đã viết hoa.

Cách mà mỗi thầy cô dẫn dắt học sinh tiếp cận kiến thức rất đa dạng. Dường như mỗi giáo viên đều đã đạt đến sự thuần thục của một nghệ sĩ trong từng bài giảng của mình để mài giũa những magnum opus – học sinh/di sản của mình. Với cách dạy rất nhanh, gọn, hiệu quả của thầy Nghiêm, thầy Toản; sự giải thích cặn kẽ và gắn chặt với cuộc sống của thầy Thiện; hay một tiết học đầy tính gợi hình của cô Võ Hải; mỗi học sinh có thể tìm thấy những phương pháp tiếp cận kiến thức phù hợp với mình. Điều đó cũng là một biểu hiện của phương châm “phát triển năng lực” của nhà trường.

Nhưng cái riêng của ngôi trường còn bao gồm một điều nữa, đó là những kỉ niệm riêng mà mỗi học sinh thu nhặt được. Hãy lấy tôi, một học sinh năm cuối, làm ví dụ:

Ba năm trước, tôi lần đầu tiên bước qua ngưỡng cửa ngôi trường này. Đó là một chiều đầu thu đẹp lắm: lá bàng chưa rụng, nhưng cái nắng gắt thì đã qua và gió đã thổi. Bước chân tràn đầy hào hứng của sự đổi mới, chen lẫn với một chút choáng ngợp trước một cái gì to lớn. Một thằng học sinh như tôi – sức học, tài năng, ngoại hình, gia cảnh đều bình bình – được nhận vào một ngôi trường có tiếng ở Hà Nội, nên sự choáng ngợp là không thể tránh khỏi. Tuy thế, tôi vẫn tin rằng sẽ có nhiều điều tốt đẹp sẽ đến…

Trong ba năm qua, tôi đã hoà mình vào học tập, hoạt động ngoại khoá và các quan hệ bạn bè. Tất cả mọi chuyện thật đẹp làm sao! Tuy không phải là hoàn toàn thành công, nhưng tôi cảm thấy cái mình của ngày hôm nay tiến bộ so với ngày xưa nhiều lắm. Được giáo dục trong một môi trường luôn luôn đổi mới, chính tôi cũng phải tự lột xác khỏi lớp vỏ cũ. Các thầy cô dạy dỗ tôi với một phương châm dân chủ và khuyến khích sự sáng tạo, và điều đó đã thúc đẩy tôi biết dũng cảm cố gắng đứng lên để tự chứng tỏ.

Quên làm sao được phong thái đặc trưng của từng thầy cô. Thầy Thiện với dáng đứng hơi ưỡn ra sau, hai tay chắp lại đầy nghiêm nghị; thầy Nghiêm lưng thẳng, đầu ngẩng cao với một chút tự kiêu,… Chất giọng nam cao của thầy Toản cùng với tiếng giảng bài sang sảng của cô Nhung vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Rồi sau những trò đùa với đám bạn, cuộc vui đi qua, tôi còn nhớ đến khuôn mặt phiền lòng của cô Huệ – cô giáo chủ nhiệm đầy tâm lí, chu đáo và có tấm lòng nhân hậu của một người mẹ. Ôi, cô ơi, chúng em thật là có lỗi biết bao!

Tôi tự hào khi được làm học sinh Nguyễn Tất Thành.

“Vi nhân gian” – làm người khó lắm. Thế mới cần những ngôi trường như Nguyễn Tất Thành để giáo dục thế hệ trẻ thành những cá nhân ra dáng con người. Chính vì vậy mà ngôi trường chúng ta mới được vinh dự mang tên của chủ tịch Hồ Chí Minh – hình mẫu lí tưởng của thanh niên Việt Nam.

Ai đó có thể ngưỡng mộ một chú công an dũng cảm, một bác sĩ giàu lòng nhân ái, hay một kiến trúc sư tài ba, một diễn viên điện ảnh, một ca sĩ nổi tiếng hoặc chính bố, mẹ, anh chị mình vì sự cần cù, chăm chỉ, thông minh, tự lập… Với riêng con, người con ngưỡng mộ và yêu mến là cô giáo Đinh Lưu Hoàng Thái.

Có thể, với những người xa lạ, cô chỉ là một người bình thường như bao người khác. Nhưng con biết, với chúng con – các “nhóc” học sinh 6A2 và 6A4 năm ngoái và cả các thế hệ học sinh sau này, cô luôn là một người rất đặc biệt. Cô không chỉ là một cô giáo, cô còn là một người mẹ, một người chị thân thiết, gần gũi với mỗi chúng con! Con tin rằng tất cả những thế hệ học sinh của cô đều yêu quý và kính trọng cô.

Ngay từ lần đầu gặp, con đã cảm thấy vô cùng yêu quý cô. Cô có dáng người nhỏ nhắn. Cô có đôi mắt tròn và sáng, toát lên vẻ hiền từ và cả nghiêm khắc. Mái tóc nâu dài, hơi rối của cô luôn là tâm điểm nghịch ngợm của bọn con gái chúng con… Cách nói chuyện của cô giản dị nhưng cuốn hút và gần gũi. Và những bài giảng say mê của cô luôn luôn là “thiên địch” của tất cả những cơn buồn ngủ.

Những bài giảng ấy đã được tạo nên bởi lòng nhiệt huyết và tình yêu với nghề, với học sinh của cô. Cô đã khiến cho con – một đứa học trò từng ghét cay ghét đắng văn miêu tả – có cái nhìn khác về thể loại văn ấy. Trước đây, con đã viết những dòng văn miêu tả với những hình ảnh trong trí tưởng tượng của… người khác. Nhưng từ khi học cô, con đã biết cách dùng óc quan sát và trí tưởng tượng của chính mình. Con cũng đã được học cách “lắng nghe trái tim lên tiếng”. Nhờ có cô, mà không chỉ con, các bạn học sinh 6A2, 6A4 cũng đã học Văn khá dần lên.

Cô của con không những dễ thương mà còn rất dễ gần. Cô để tâm đến tất cả chúng con. Cô thường dành thời gian bên chúng con, lắng nghe và trả lời tất cả các câu hỏi vu vơ, ngốc nghếch mà chúng con đặt ra. Và cô của con cũng dùng đúng những lối nói rất “tween” ấy để trả lời. Cô quan tâm đến chúng con từ những điều rất nhỏ bằng tình yêu thật lớn.

Chúng con đã cùng cô có những trải nghiệm tuyệt vời. Và cô ơi, cô còn nhớ những tin nhắn nhỏ xíu xiu, những giờ học đầy ắp tiếng cười và cả những giờ ngoại khóa bổ ích mà cô và chúng con đã có?

Con xin dành tặng văn bản “chưa rõ thể loại” này cho cô – cô giáo yêu quý của con. Cô biết không, dù năm nay chúng con không được tiếp tục học cô, nhưng chúng con biết sẽ không ai có thể thay thế được hình ảnh của cô trong trái tim con – một cô giáo tận tâm, lòng nhiệt huyết, nghiêm khắc, nhưng cũng rất dịu dàng và thấu hiểu.

Có một người thầy mà khi nhắc tới, hầu hết NTTers đều biết: Thầy giáo Lê Đình Cương – người Thầy mà hẳn là khi đã có dịp được nghe thầy trò chuyện, bạn sẽ không bao giờ quên.

Từ khi còn là học sinh lớp sáu chúng tôi đã may mắn có dịp được gặp Thầy. Cái ấn tượng lần đầu gặp mặt với Thầy khắc sâu vào tâm trí của những cô cậu nhóc vẫn còn là “lính mới”, vẫn còn khá non nớt so với trong ngôi trường cấp hai như chúng tôi. Lần đầu đó là lần mà chúng tôi được Thấy thầy trên sân khấu, Thầy xuất hiện trước toàn trường với chiếc áo sơ mi trắng và quần dài giản dị. Dáng Thầy cao cao, gầy gầy, nên khi Thầy đứng một mình trên sân khấu thì trông có vẻ… gầy hơn. Với giọng nói dứt khoát và đầy sức thuyết phục, cả trường đều chăm chú lắng nghe Thầy. Là một giáo viên Lịch Sử nhưng theo những gì mà tôi (có thể dễ dàng) nhận thấy thì khả năng về Văn học – Nghệ thuật của Thầy rất tuyệt vời! Thầy có thể làm thơ – những bài thơ giản dị mà giàu cảm xúc. Thầy có thể hát – những giai điệu khỏe khoắn đầy nhiệt huyết. Đó là những ấn tượng đầu tiên của  tôi về Thầy.

Qua một năm học đầy những trải nghiệm thú vị, tôi thấy lớp mình thật may mắn vì đến lớp 7 này được tìm hiểu và khám phá môn Lịch Sử dưới sự chỉ dạy của Thầy!  Thầy tạo cho chúng tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hẳn là vì đã qua nhiều năm kinh nghiệm nên thầy giảng bài rất nhanh gọn và dễ hiểu. Thầy không viết lên bảng nhiều, chỉ đọc cho chúng tôi viết từng dòng vào vở. Việc đó làm chúng tôi liên tưởng đến đủ mọi chuyện theo lời văn của thầy. Thầy vừa giảng bài, vừa kể chuyện, những câu chuyện lịch sử khiến bài học trở nên gần gũi hơn, sống động hơn. Không chỉ giờ học mà cả giờ kiểm tra với thầy cũng đầy ắp tiếng cười. Giống như một người ông thực sự, Thầy rất thương yêu chúng tôi. Hôm chúng tôi làm bài kiểm tra lịch sử đầu tiên, câu nói của thầy khi đọc đề làm chúng tôi rưng rưng xúc động: “…. Và một câu nữa – câu này không ghi vào giấy – đứa nào cúi thấp mặt trừ 8 điểm….” .

Thật ra, chúng tôi đã nhiều lần khiến thầy phật lòng vì sau mỗi tiết kiểm tra, câu cửa miệng của thầy khi đến lớp là: “Ghét nhất bọn 7A5!” Cả lớp thì luôn đáp lại: “Ơ…Ơ kìa thầy, sao thầy ghét bọn con?…” Đơn giản là vì kết quả của chúng tôi không được như thầy mong đợi.

Tôi rất yêu quý Thầy Cương. Mà không phải riêng tôi đâu, cả lớp chúng tôi, cả khối và thậm chí là cả trường! Thầy thật đáng kính. Cả trường kính trọng thầy đến độ mà mỗi khi thầy lên sân khấu, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt, và cả trường luôn im lặng dõi theo, lắng nghe Thầy.

Tôi vẫn luôn thấy Thầy tôi thật đáng khâm phục. Thầy đã gần tám mươi, cái tuổi mà giờ thì thầy có thể ở nhà cùng con cháu nhưng Thầy vẫn hằng ngày tới trường dạy cho những đứa nhóc này từng bài học Lịch Sử một cách cẩn thận. Tôi dám chắc là Thầy rất yêu nghề, yêu học sinh và yêu cả trường Nguyễn Tất Thành nữa! Các bạn thì không biết nhưng riêng tôi, tôi lúc nào cũng sẵn sàng cho tiết học của thầy. Luôn luôn khi tới giờ, sẽ có một đứa nào đó chạy ra ngó thầy và cả lớp đứng cực kỳ nghiêm túc còn nếu không ngó được thì dù có đang làm việc gì tụi nó cũng phải đứng bật dậy. Và tất nhiên, tôi đang mong đợi giờ Lịch Sử tiếp theo cùng “Ông giáo” đáng kính!

Bài viết gợi ý: