Bài làm

Có thể nói rằng cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc đã để lại nhiều dấu ấn không thể phai mờ. Và một trong những dấu ấn đó là hình ảnh người lính – người anh hùng quả cảm đã anh dũng ngã xuống cho đất nước thanh bình hôm nay. Thi phẩm đặc sắc “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng chính là một minh chứng tiêu biểu khi đã dựng lên bức tượng đài bất tử về người lính trong suốt những năm tháng chiến tranh gian lao.

Tây Tiến đầu tiên và trước hết là tên một đoàn quân với đa số là những chàng trai sinh viên Hà thành. Và có thể nói đại đội trưởng của đoàn quân ấy không ai khác chính là nhà thơ Quang Dũng. Khi mà đoàn quân phải chuyển đơn vị, nỗi nhớ núi rừng, nhớ đồng đội đã thôi thúc Quang Dũng viết nỗi nhớ đó ra thành thơ. “Tây Tiến” cũng bởi vì thế cũng chính là một bài thơ thể hiện nỗi nhớ về đồng đội, và về chiến trường xưa với bao kỉ niệm vui buồn đủ cả. Bài thơ như đã được mở đầu bằng một tiếng gọi, chân thành, tha thiết:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sông Mã là một con sông không chỉ ám chỉ một địa danh mà nó còn là một “chứng nhân lịch sử” trong suốt chặng đường hành quân. Tây Tiến cũng không chỉ là tên một đoàn quân nữa mà rộng ra nó đã trở thành một người bạn, một người tri kỷ bấy lâu. “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” câu thơ dường như thể bật lên rằng vào những ngày tháng cùng nhau hành quân ròng rã, buồn vui nay đã xa rồi. Có thể thấy cách gieo vần “ơi” trong hai câu đầu này cũng cho thấy nỗi nhớ trải dài, miên man, cồn cào, da diết và vang vọng.

Nhớ về Tây Tiến, nhà thơ cũng không thể nào nguôi ngoai mà quên được những khó khăn gian khổ trong suốt chặng đường hành quân. Một loạt các địa danh và những từ láy được sử dụng rất đắt đã gợi lên những khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ mà không kém phần hiểm trở, gian nguy:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Nào là những “hoa”, những “sương” làm sao mà cho thiên nhiên trở nên thơ mộng và cảm giác bình yên vui tươi hơn. Thế nhưng, với hình ảnh những “dốc lên khúc khuỷu”, “heo hút cồn mây” lại tôn lên vẻ đẹp hùng vĩ cho bức tranh thiên nhiên kì tráng. Không những thế, “nhà ai mưa xa khơi” và “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” dường như cũng đã gợi lên sự hiểm trở, gồ ghề, khó khăn, khập khiễng của núi rừng. Và những sự trắc trở, hiểm nguy của thiên nhiên còn được diễn tả một cách gân guốc và đâu đấy như cường hiệu hóa.

Chiều chiều oai linh thác gầm thét Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Và cái không gian “Chiều chiều” rồi “đêm đêm” thiên nhiên dữ dội “gầm thét” và những hiểm nguy luôn rình rập như thể “trêu người”. Thiên nhiên núi rừng hùng vĩ mà lại rất kỳ tráng, qua nét bút của Quang Dũng đã trở nên khắc nghiệt, khó khăn và đầy những những hiểm ngụy. Và cũng bởi vì chiến tranh, vì rừng thiêng nước độc cho nên rất nhiều chiến sỹ, rất nhiều đồng đội đã phải bỏ mình nơi đó, bỏ lại tuổi trẻ và những ước mơ dở dang:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa Gục bên súng mũ bỏ quên đời

Ta có thể thấy đó là sự trầm lắng của câu thơ như một nốt trầm lặng thành kính, thiêng liêng trong một bản nhạc hào hùng vừa qua. Ở đó, dường như những người lính thật đáng quý biết bao. Họ cũng đã hy sinh cả tuổi trẻ – điều tốt đẹp nhất của cuộc đời – để gìn giữ cho hòa bình hôm nay.

 ​

Nhớ về đoàn quânTây Tiến, nhà thơ cũng không chỉ nhớ về thiên nhiên hùng vĩ hiểm nguy hay những mất mát đau thương nơi chiến trường các đồng đội đã gửi lại tuổi xanh thôi đâu mà nhà thơ còn như đã nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ bên nhau, giữa tình đồng đội, tình quân dân:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ Khèn lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Đây có thể nói là những câu, ý thơ đẹp nhất, sáng nhất trong bài thơ. Và có thể thấy rằng vẻ đẹp ánh sáng và âm thanh, có thơ và có nhạc đầy say mê và lãng mạn. Nó dường như đã đối lập hoàn toàn với những con đường hành quân gian lao, nguy hiểm, với những thiếu thốn, nhọc nhằn của người lính ở phía trên. Trong buổi liên hoan văn nghệ vui tươi giữa tình quân dân, những điệu nhạc hồn thơ và cô em xiêm áo lộng lẫy e lệ đã làm say lòng người lính trẻ, làm cho họ quên hết những mệt mỏi, gian khó đã qua và sắp tới. Không gian Tây Bắc ở đây dường như lãng đãng, mơ hồ trong một miền tâm thức, với “dáng người trên độc mộc”, với “dòng nước lũ hoa đong đưa”. Và cho đến đây, vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ đã thay dần cho cái vẻ tàn khốc, hoang sơ trước đó. Không những thế thôi mà trong đoạn thơ này, người đọc dường như cũng đã thấy toát lên cái tình sâu lắng thiết tha. Đó không là gì khác ngoài là tình đồng đội, tình quân dân, tình người thắm thiết, keo sơn.

Vào trong những đêm liên hoan, tưởng như những nét tinh nghịch đáng yêu của người lính là những hình ảnh khắc sâu vào tâm khảm của nhà thơ. Nét tinh nghịch, tuế táo đậm chất lính đáng yêu ấy còn được dí dỏm ngay cả khi khó khăn nhất, cận kề cái chết nhất:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Có thể nói chính những sự khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Bắc đã khiến cho những chàng trai Hà thành trở nên tiều tụy hẳn đi “da xanh”, đầu “không mọc tóc”. Thế nhưng, họ-những con người quả cảm dường như vẫn giữ được vẻ uy nghiêm, đoàn quân vẫn “dữ oai hùm” và vẫn giữ được nét thanh lịch, nho nhã của người Hà thành “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Có thể thấy rằng chính hình ảnh “dáng kiều thơm” đầy mơ mộng đã trở thành động lực giúp cho những người lính vững bước hơn trên con đường hành quân còn nhiều gian khổ.

“Tây Tiến” dường như không chỉ khắc họa hình ảnh, đời sống hiện thực của những người lính cụ Hồ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt mà Quang Dũng còn dựng lên một bức tượng đài thật kỳ vĩ về những con người anh hùng của đất nước, của dân tộc. Giữa núi sông tráng lệ mênh mông kia thì bức tượng đài ấy đứng sừng sững càng làm tôn thêm vẻ đẹp kì vĩ và bất tử:

Rải rác bên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào tay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Cho dù là nói về cái chết đo,nói về nỗi đau thương mất mát nhưng tác giả Quang Dũng lại không dùng những từ ngữ bi ai. Trái lại hoàn toàn với đó thì với hình ảnh “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” và chiếc “áo bào” cho người chiến sĩ quả cảm về với đất đã tạo nên một hình ảnh kì vĩ, lớn lao hơn cái chết. Các anh, những người lính kiên cường đã hy sinh tuổi trẻ của mình để tiến bước ra chiến trường, bảo vệ núi sông đất nước. Và phải nói trên con đường hành quân đầy gian khổ ấy, có biết bao người lính đã ngã xuống, gửi lại nơi này tuổi xanh và những mơ ước còn dang dở. Thế nhưng các anh không sợ gì cả và cũng “chẳng tiếc”, bởi hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân là một nghĩa cử cao đẹp và thiêng liêng nhất mà các anh coi đó như nghĩa vụ, như một điều cần làm và phải làm được. Và cũng chính vì thế mà sông Mã “gầm lên khúc độc hành” như một khúc tráng ca tiễn đưa người anh hùng về với đất mẹ. Dường như bức tượng đài về người anh hùng đặt giữa thiên nhiên, giữa cha trời đất mẹ bỗng trở nên kì vĩ, lớn lao và bất tử.

Chiến tranh mặc dù đã lùi xa nhưng âm vang vọng của nó thì còn mãi. Bài ca  “Tây Tiến” chính là một trong những bài ca không thể nào quên của những năm tháng trường kì chống Pháp. Và với bút pháp hiện thực kết hợp với lãng mạn một cách khéo léo, Quang Dũng đã khắc họa nổi bật nên bức chân dung người lính cụ Hồ với những vất vả, gian truân nhưng cũng đầy hào hoa lãng mạn, dựng nên bức tượng đài kì vĩ về người anh hùng bất khuất trong chiến đấu. Với tất cả tính thần ấy, “Tây Tiến” cũng đã trở thành một dấu ấn thiếng liêng với nhà thơ Quang Dũng và với tất cả chúng ta.

Bài viết gợi ý: