I. VỀ “MIÊU TẢ”
Miêu tả giởi là khi đọc những gì chúng ta viết, người đọc như thấy những cái đó hiện ra trước mắt mình: một con người, một con vật, một dòng sông… Người đọc còn có thể nghe được cả tiếng nói, tiếng kêu, tiếng nước chảy. Thậm chí còn ngửi thấy mùi mồ hôi, mùi sữa, mùi hương hoa hay mùi rêu, mùi ẩm mốc, v.v… Nhưng đó mới chỉ là miêu tả bên ngoài. Còn có sự miêu tả bên trong nữa, nghĩa là miêu tả về tâm trạng vui, buồn, yêu, ghét của con người, con vật và cả cỏ cây.
Trong miêu tả người ta thường hay so sánh. So sánh thì vô cùng: “cậu ta mới chừng ấy tuổi mà trông như một cụ già”; “tính nết của lão ta y như Chí Phèo của Nam Cao”; “bà ta cứ như mụ Tú Bà sống lại”…Đấy là so sánh người với người. Có khi so sánh người với các con vật: “trông anh ta như một con gấu”; “chị xinh xắn như một chị gà mái tơ sắp đẻ”…Cókhi so sánh người với cây, với hoa: “cô gái vẻ mảnh mai, yểu điệu như một cây liễu”, “bàn tay bà cụ như rễ cây sù sì…”.
Có trường hợp người viết lấy nhỏ để so sánh với to: “con lợn béo như quả sim chín”, “trái đất đi như một giọt nước mắt giữa không trung”… hoặc ngược lại, dùng to để so sánh với nhỏ: “con rệp to kềnh như một chiếc xe tăng”; “đàn muỗi bay như một đoàn máy bay tìm mãi chưa thấy nơi hạ cánh…”.
Trong miêu tả người ta hay nhân hóa. Điều đó ai cũng biết. Nhưng cần chú ý là người có thể nhân hóa theo nhiều cách. Nhân hóa để tả bên ngoài: “con gà trống bước đi như một ông tướng”; “nắm là đầu cành xòe như một bàn tay”; “những quả đồi tròn như những bầu vú…”. Nhân hóa để tả tâm trạng: “dòng sông chảy lặng tờ như đang mải nhớ về một con đò năm xưa…”; “bông hoa hồng chúm chím, e lệ như một cô gái khi nghe một chàng trai vừa khen mình đẹp”; “những giọt sương rơi như những giọt lệ rơi ai đó đang tiễn người đi xa” v.v…
Nếu miêu tả một em bé hoặc một chú mèo, một cái cây, một dòng sông mà ai cũng  miêu tả giống nhau cả thì không ai thích đọc. Có  một thời tả cánh đồng nhiều người thường so sánh với “một bức thảm xanh mênh mông trải rộng đến chân trời” hoặc “có gió thổi cánh đồng như có sóng gợn…” Khi tả một cô gái đẹp nhiều người thường so sánh: “Nàng đẹp như một bông hoa hồng vừa mới nở”. Công bằng mà nói, ai là người đầu tiên so sánh cánh đồng như tấm thảm xanh mênh mông, kho có gió như sóng gợn hoặc ví cô gái như một bông hoa hồng mới nở…người ấy rất đáng cho ta khầm phục. Nhưng đến người thứ hai, thứ ba, thứ nghìn lẻ một, lẻ hai thì không còn hay nữa.
Cũng như khi ta nhớ lại những cách miêu tả của cha ông ta về nắng: nắng to, nắng dữ, nắng già, nắng non… Về cây lúa: lúa con gái, lúa uốn câu, lúa uốn câu, lúa ngậm sữa, lúa đỏ đuôi, thì thật tuyệt vời là giỏi. Nhưng nếu bây giờ người dừng lại những cách nhìn ấy, người đọc sẽ thấy rất bình thường, chẳng có gì mới mẻ và hấp dẫn cả.
Vì vậy nên ngay trong quan sát để miêu tả, người viết cũng phải tìm ra cái mới, cái riêng. Ở câu lạc bộ Văn học Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội có mấy lần tôi đưa ra đề bài để các em tả cây hoa sữa mọc gần cổng ra vào. Nhiều em đã tả hoa sữa với các màu khác nhau: em thì cho là trắng đục, em thì dùng từ trắng xanh, em thì nhận xét là trắng mờ,  em thì lại cho đó là trắng hơi phơn phớt tím…Tôi nghĩ rằng ta nên chấp nhận và tôn trọng tất cả những cách miêu tả ấy, những màu sắc có hơi khác nhau ấy, tuy cùng có một cái gốc là màu trắng. Bởi vì ngày bốn giọt nước treo dưới một dây phơi cũng còn khác nhau nữa là. Về mặt này, các nhà văn, nhà thơ lớn đã giúp chúng ta thêm nhiều dẫn chứng cụ thể: Nhìn một bầu trời đầy sao, Vích-to Huy-gô thấy nó giống như một cánh đồng lúa chín, ở đó người đi gặt đã bỏ quên lại một cái liềm con (vành trăng non). Mai-a-cốp-xki thì lại nhìn thấy khác: những ngôi sao kia giống như những giọt nước mắt của những người da đen đang khóc Lê-nin khi biết là Lê-nin vừa qua đời. Còn đối với I. Ga-ga-rin thì lại thấy những vì sao như những hạt giống mới mà loài người vừa gieo và vũ trụ. Cả ba hình ảnh: cánh đồng lúa chín, những giọt nước mắt của những người da đen, những hạt giống mới, rất khác nhau nhưng đều đúng và hay. Và rất riêng, rất mới. Miêu tả cây cối, có nhà văn thấy chúng giống như những người đang đứng im tư lự (vì trời lặng gió); có nhà văn lại thấy chúng như những con ngựa đang phi nhanh, bờm tung ngược (vì đang có gió thổi mạnh); có nhà văn lại thấy chúng như những cái lồng chim của thiên nhiên, trong mỗi cái lồng có những con chim đang nhảy, đang chuyền….Người ta thường bảo không có cái mới, cái riêng thì không có văn học. Tôi xin được nói thêm: Phải có cái mới, cái riêng bắt đầu từ trong những quan sát khi miêu tả. Rồi sau đó mới tiến đến cái mới, cái riêng trong tình cảm, trong tư tưởng…
Những cái mới, cái riêng ấy phải gắn chặt với cái chân thật. Không thể bịa một cách vô tội vạ để tả một bông hoa sữa, một con mèo, một em bé. Nghĩa là mình phải thấy đúng thực màu hoa sữa ấy là như vậy thì mới tả như vậy được. Thực là mình yêu em bé ấy, con mèo ấy thì mình mới viết ra. Giả là không được vì giả thì không thể truyền cảm được cho người đọc. Về cái giả và cái thật, nhà thơ Xuân Diệu nói rất hay: Giả và thật nó cũng giống hai cái dây điện có mắc bóng điện đâu vào đấy. Nhưng bấm một cái bóng điện này sáng, còn bóng điện kia vẫn cứ tối vì một bên có điện (thật) còn một bên thì không (giả). Tôi đọc văn, thơ của những tác giả nổi tiếng thấy có hiện này thật đặc biệt: khi người ta chân thật thì dù cái điều người ta viết là vô lí, người đọc vẫn chấp nhận và vẫn thấy hay. Có gì vô lí hơn khi cha ông ta nói là  nắng non, nắng già. Nhưng cha ông mình trong lòng, trong tâm hồn, cảm thấy điều ấy thật thì khi nói ra là được người nghe tiếp nhận một cách thích thú. Tôi thấy các nhà văn lớn thường chân thật ngay từ những quan sát để từ đó tiến đến sự chân thật trong những cái lớn hơn: về chủ đề tư tưởng (cái ý lớn, ý chính mình muốn nói với người đọc qua những điều mình viết), về tính nhân văn trong văn học.
Như vậy rõ ràng là muốn miêu tả hay, phải tập quan sát, phải có công quan sát. Công việc này, mỗi người có thể làm một cách khác nhau. Có người chỉ lặng im quan sát ròi ghi nhớ ở trong đầu. Có người  ghi chép rất tỉ mỉ, công phu. Nhiều nhà văn nổi tiếng đã làm theo cách này. Trong sổ tay ghi chép, tôi biết có nhà văn, nhà thơ đã dành từng phần một để ghi chép về con người, về loài vật, về thiên nhiên. Có người thì ghi dáng vẻ bên ngoài rồi qua biểu hiện bên ngoài mà ghi tâm trạng bên trong. Từ những chuyện đơn giản nhất, như khi cuốc vườn, xách nước thì quan sát thấy có gì hay; người cuốc thạo, gánh thạo khác người mới cuốc, mới gánh như thế nào? Đôi tay, cái vai, lưỡi cuốc khi bập vào đất; cái vai và đôi thùng mỗi khi chân bước đi, v.v… cho đến những gì phức tạp: một cô gái đẹp khi e thẹn, khi giận dữ cũng một khuôn mặt ấy thay đổi thế nào’ một em bé khi thèm một quả bóng thì nét mặt như thế nào, khi mua được quả bóng rồi thì ăn nói ra sao, làm những động tác gì… Đôi khi mới nhìn thấy lần đầu một người nào đó, chúng ta đã có thể có những ghi nhận hay, nhưng thường là phải quan sát đi, quan sát lại mới thấy ra những điều gì mới và của riêng mình… Nhà văn Tô Hoài trong lần nói chuyện với các cháu ở trại Kim Đồng (trại cái cháu thiếu nhi mồ côi, lưu lạc), có hỏi các cháu: Khi con chó nó dọa các cháu thì nó làm gì nào? Rồi khi các cháu tìm được một hòn gạch ném nó, nó biết sợ rồi thì ra sao nào? Tiếng sủa có khác không? Cái đuôi trước đó thì sao? Bây giờ thì sao? Rồi nhà văn cười và nói: Người ta thường bảo chó sợ thường cụp đuôi, nghĩa là nó giấu cái đuôi của mình vào giữa hai chân sau của nó…Tôi có nuôi một con mèo. Tôi thấy không phải mèo chỉ kêu meo meo! Đâu mà (meo! Meo! Thì cũng có bao nhiêu cách khác nhau) mà mèo còn ứ!Ứ!, còn gừ !Gừ!... Khi thì để giữa mồi, khi thì để dọa nhau, khi thì để chuẩn bị đánh nahu với con khác. Mèo ngủ cũng đủ cách ngủ: khi thì cắm đầu xuống giấu trong chân, khi thì ngửa mặt, râu vểnh lên, nhìn rất buồn cười, tùy theo mùa rét, nóng, tùy theo trạng thái ốm, khỏe, v.v… Các em có bao giờ nhìn kĩ một dòng sông chưa? Dòng sông thường vào lúc nào vui nhất? Vào lúc nào buồn nhất? Các em có biết có mùa nào thì hoa gạo nở, hoa xoan nở? Mùa nào thì đom đóm bay, mùa nòa thì sao bay về? Và đom đóm thường về với loài hoa nào? Sáo thì về với loại hoa nào? Như thế là ngoài sự quan sát ra, phải có thêm sự hiểu biết. Quan sát giúp cho ta nhiều hiểu biết cụ thể, sâu sắc. Nhưng có thể đọc thêm sách, báo để giúp cho sự hiểu biết của mình được nhiều hơn, nhanh hơn… Các em đọc Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi sẽ thấy tác giả ngoài sự quan sát rất tinh tế còn có sự hiểu biết rộng và sâu, ví dụ như về cá sấu, về rắn… với sự hiểu biết mà nhà văn Đoàn Giỏi mang đến cho các em, các em lại từ đó mà quan sát thêm, hiểu biết rằng công sức của chính mình. Nghĩa là, quan sát giúp cho ta hiểu biết rộng hơn, sâu hơn và tinh hơn. Nhiều người đã nhấ trí rằng: Mười nghe không bằng một thấy; mười thấy không bằng một sờ (đó là sự cần thiết phải tự quan sát) và hiểu mười, nói một thì mới có thể hay (đó là sự cần thiết về mặt hiểu biết). Một quan sát tốt thường lúc nào cũng vừa tả cái bên ngoài vừa nói cái bên trong và kèm theo đó là những cảm nghĩ của người viết. Cái mà người ta thường nói là tâm hồn. Và đọc lên, nó sẽ gợi rất nhiều điều ở người đọc. Một em ở Câu lạc bộ Văn học Cung thiếu nhi, quan sát về lá vàng của mùa thu đã viết: gió mùa thu rủ lá vàng, bay vào trong nắng, đi lang thang…tôi đưa ra hỏi các em trình độ lớp 7: Tại sao lúc đầu lá vàng bay  rồi sau đó lại đi nhỉ? Em thứ nhất trả lời: “Vì lúc đầu gió thổi mạnh nên lá nó bay, sau đó thổi yếu nên nó đi”. Em thứ hai trả lời: “Đó là luật gần xa – như máy bay ấy – gần thì bay nhưng ở xa thì – như là đi”. Em thứ ba có câu trả lời tâm hồn hơn: “Thưa chú! Bay thì là lá, còn đi  thì như là con người!”.
Cuối cùng là vấn đề cách thể hiện, cách viết.
Tiêu chuẩn nghệ thuật đời cũng giống nhau – nói ít mà gợi được nhiều là tiêu chuẩn cao nhất.
Trong văn miêu tả cũng vậy thôi. Đừng tả dài dòng mà tìm hiểu và quan sát thật kĩ, nắm bắt cho được cái thần, cái hồn, cái vắng vẻ đặc biệt của con người, con vật, hoa trái… mà ta tả, rồi bằng ngôn ngữ vẽ nó hiện lên trước mặt người đọc, gợi cho người đọc cùng cảm nhận, cùng suy nghĩ với mình… Nguyễn Du tả mụ Tú Bà chỉ có từ: Thoắt trông nhờn nhợt nhàu da, Ăn  gì cao lớn đẫy đà làm sao?
M. Goóc-ki khen Ma-ka-ren-kô là chỉ vài ba dòng đã dựng lên trước mắt người đọc cả hình dạng và tính nết của một em bé ở trong trại mồ côi mà ông phụ trách (Bài ca sư phạm). Nói thế không có nghĩa là làm một bài văn miêu tả ở lớp, các em chỉ viết một vài câu ròi chấm hết. Ý chính tôi muốn nói là không nên dây cà ra dây muống, đụng cái gì cũng tả, mà phải biết gạn lọc. Có phải khi tả một con người là nhất thiết ta phải tả hết cả mặt, mũi, tay, chân, quần áo, giày dép đâu! Rồi tả cái mặt thì phải tả hết nào tai, nào mũi, nào cằm, lông mi, lông mày, môi trên, môi dưới đâu! Mà chủ yếu là phải tả được cái gì tạo nên con người ấy; cái gì là đặc biết để nhận ra con người ấy; cái gì là cái thần, cái hồn của con người ấy. Với con vật, với cây cỏ cũng vậy thôi!
Nhân đây, tôi xin nói đến một chuyện ngược lại, một tâm trạng mà các em thường có khi làm văn miêu tả ở lớp… Có đúng là các em thường thấy không biết viết sao cho nó được dài, được nhiều và chỉ sợ mình viết bài ngắn quá, không có gì đển viết không? Vậy thì tôi xin lưu ý các em điều này: Một con người, con vật, một cây cỏ… nào đó, đều sống trong rất nhiều mối quan hệ. Con người thì quan hệ ở nhà với ông bà, cha mẹ, anh chị và cả với con chó, con mèo, con gà, con vịt, với cái nhà mình ở…, quan hệ ở trường thì với thầy, cô giáo, bác bảo vệ, trường lớp, cái trống, cái sân, cây cối trong trường…, quan hệ ở ngoài đường phố thì có người đi đường, xe cộ, hàng hóa…, quan hệ với thiên nhiên thì có mưa, nắng, rét, nóng, ngày, đêm , mặt trăng, mặt trời, gió chiều, gió sáng, v.v… Nhưng có điều này cái em thường ít chú ý, đó là những mối quan hệ giữa con người với cái mà ta không trông thấy: tình cảm,, lí tưởng sống, lương tâm con người, quá khứ, tương lai, cái hồn của một điệu hát, một câu thơ…Nếu nhân vật ta miêu tả sống nhiều trong những mối quan hệ nào thì ta hãy cảm thông và nhập thân vào nhân vật ấy để miêu tả. Chính điều đó, tạo nên cái chất, cái hồn của nhân vật ta tả. Toi có người bạn rất yêu mấy đứa cháu nọi của mình. Anh ấy bảo: “Sao bây giờ mình thấy yêu cháu còn hơn cả yêu con”. Đi đâu anh cũng dẫn cháu đi cùng, thậm chí cả khi đi họp. Có em bé vì bố mất nên tất cả tình thương yêu đều dồn hết cho mẹ. Có người chỉ thích được yên tĩnh nằm đọc sách hoặc nghe nhạc chứ không thích đi đâu hết. Có người lúc nào cũng thấy có điếu thuốc trên miệng và hình như ông ta nuốt cả khói thuốc vào bụng, không thấy thở ra, phả ra bao giờ. Có người mê ăn khoai, sắn hơn cả mì vằn thắn, phở… Đặc biệt trong nhiều mối quan hệ, tôi thấy có mối quan hệ này là khá đặc biệt: mối quan hệ với chính mình. Và đó là nguồn gốc của sự suy tư về số phận, về lẽ sống: con người, bản thân ta sinh ra để làm gì nhỉ. Ta có nên sống hay không nên sống không? Hoặc đơn giản, có cô ca sĩ, khi hát chỉ nghĩ tới mình (không biết mình có xinh đẹp, duyên dáng không?) Nhiều hơn là nghĩ đến bài hát, cái hồn của từng lời hát (lẽ dĩ nhiên đó là một ca sĩ hạng xoàng, khó có thể trở thành nghệ sĩ)/
Nhà văn có tài, viết văn hay, thường là người viết ra được những điều mà người bình thường không trông thấy. Vì vậy, khi miêu tả các em hãy cố tìm ra cho được những điều không trông thấy đó. Các em sẽ có cái mới, cái riêng, cái độc đáo trong những dòng, những bài , những truyện  mình viết.
Bây giờ đến chữ nghĩa, câu cú. Điều này ở trường các cô, các thầy đã trao đổi nhiều với các em. Tôi chỉ xin giới thiệu một vài điều để các em chú ý. Mỗi chữ đều có giá trị riêng của nó. Nó chỉ thật có giá trị khi được dùng đúng chỗ. Ở một chỗ, mỗi chữ có thể có một ý nghĩa khác nhau. Chữ tao chữ mày trong câu dọa nạt này của một gã lưu manh: Tao sẽ không tha chết cho mày đâu thì ý nghĩa khác hẳn với hai chữ tao, mày trong câu nói đầy tình cảm giữa hai người bạn: Tao chưa đi đã thấy nhớ mày rồi; hoặc trong câu thơ của Trần Đăng Khoa viết về con chó Vàng: “Sao không về Vàng ơi, Tao nhớ mày lắm đó…” khi Bác Hồ viết: “Chúng ta có vinh dự là một dân tộc nhỏ mà đánh thắng hai đế quốc to”. Bác dùng chữ to chứ không dùng chữ lớn. Bởi vì chữ to thường dùng miêu tả dáng vẻ bên ngoài (như con trâu này to quá); chữ lớn thường dùng để miêu tat cái nội dung bên trong: một nỗi đau lớn. Chữ lớn thường sang trọng và cao quý hơn chữ to. Và khi viết đế quốc to,  ta hiểu là Bác Hồ có ý muốn nói: đế quốc chỉ có cái dáng vẻ bên ngoài để “hù” người khác chứ nội dung bên trong thì chẳng tốt đẹp gì.
Trong câu ca dao: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” thì hai chứ chiều chiều có thể thây bằng hai chữ ngày ngày  nhưng rõ ràng lại không thể nào bằng. Vì chiều chiều  thì nó vừa cụ thể, vừa gợi cảm (chiều lúc nào cũng buồn hơn sáng, là trưa), nó hợp với hoàn cảnh người con gái đi làm dâu ngày xưa, suốt ngày phải làm việc, hầu hạ nhà chồng chỉ có chiều đến, may ra mới dám chạy ra ngõ, nhìn về quê mẹ cho đỡ nhớ (hoặc là để nhớ thêm nhưng lại dịu bớt nỗi đau). Có một lần sinh hoạt tại Câu lạc bộ Văn học Cung thiếu nhi Hà Nội, khi đọc hai câu thơ trong bài Mũi Cà Mau của Xuân Diệu, một em bé đã bất chợt hỏi tôi: “Sao bác Xuân Diệu ở trên thì dùng chữ Ngàn mà ở dưới thì dùng chứ nghìn. Tôi hỏi tác giả thì nhà thơ trả lời ngay: “Mình dùng chữ ngàn  ở đây trên vì ở đây mình đang nói đến cái rộng của con sông – rộng bạt ngàn. Còn ở dưới mình dùng nghìn vì ở đây mình muốn nói là rễ cây đước đông đúc lắm: đông nghìn nghịt…” Đủ biết là khi dùng, tác giả rất có ý thức chọn lọc và có thể nói, đem từng chữ đặt lên cân tiểu li (cân dùng để cân vàng).
Về câu, tôi nghĩ rằng mỗi câu ta viết có thể xem như một cơ thể, một sinh vật. Nó có đầu, có chân, có dáng vẻ, thậm chí hơi thở của nó. Vì vậy, tránh đừng viết những câu người ta gọi là bị cụt hoặc bị què. Nghĩa là có đầu mà không có chân; hoặc đầu Ngô, mình Sở, đầu câu ý này, cuối câu lại sang ý khác… Và cần chú ý tới nhạc điệu của câu viết, dù là văn xuôi… Khi miêu tả người hiền lành ta nên dùng nhạc điệu khác với khi miêu tả kẻ thôi bạo, hung ác. Khi tả một tâm trạng buồn ta nên tìm một nhạc điệu thích hợp, không giống như khi miêu tả một tâm trạng giận dữ, điên cuồng…

II. VỀ “KỂ CHUYỆN”
“Ngày xưa có hai anh em nhà kia, khi cha mẹ mất, mới đem của cải ra chia nhau…”. Nếu truyện Cây khế mà chỉ viết đến đó thì không thể gọi là truyện được, vì nó chưa có chuyện và chưa có ý nghĩa gì cả. Mà chuyện kể thường hay có hai yếu tố đó. Nếu kể tiếp: “Người anh tranh giành hết nhà cửa, của cải và chỉ chia cho em mình một túp lều con cùng một cây khế” thì cũng đã bắt đầu vào chuyện nhưng vẫn chưa có chuyện. Phải có chuyện con chim tới ăn khế, phải có chuyện người em, rồi người anh theo chim lấy vàng, người anh tham lam quá bị chết… thì mới gọi là có chuyện, có ý nghĩa… Nói thế không loại trừ khả năng có thể viết truyện không có cốt truyện mà vẫn hay. Nhà văn Nguyễn Công Hoan có viết truyện: Thanh! Dạ ! Trong đó có thể nói là không có cốt truyện gì cả. Thanh, một đứa ở, hết bị người này gọi, sai bảo làm việc gì đó, lại bị bao nhiêu người khác gọi, sai làm việc khác. Không có chuyện, nhưng vẫn có ý nghĩa: số phận một đứa ở thật đáng thương, một mình phải phục dịch cho bao nhiêu ông chủ, bà chủ, cô chủ, cậu chủ… Vì vậy, dù có chuyện hay không có chuyện, những gì ta kể đều phải có ý nghĩa. Nên hiểu ba chữ có ý nghĩa một cách thật rộng rãi. Có khi đó là một triết lí về cuộc sống một người đi xin việc làm, chỉ nhờ nhặt một cái đinh, mà được nhận vào làm việc. Chuyện ấy muốn nói nhiều khi những việc nhỏ lại thể hiện được bản chất con người…Có khi đó là một vấn đề xã hội mà tác giả muốn nêu lên trong truyện. Trong Chị bếp đi lấy chồng của A. Sê-khốp, tác giả muốn nêu lên một câu hỏi: Tại sao đi lấy chồng khổ như vậy mà người ta vẫn đi lấy chồng và sao số phận người phụ nữ lại cứ khổ như vậy? Có khi đó là một tình cảm rất đẹp, rất cao quý mà người kể chuyện muốn gợi lên một người đi du lịch nhiều nơi khi trở về quê hương mới thấy quê hương mình là nơi đẹp nhất. Ở Câu lạc bộ Văn học Cung thiếu nhi, có một em bé kể chuyện “một đêm mất điện” ở nhà em. Nhưng chính nhờ có chuyện mất điện đêm ấy nên em đã ra vườn, đã thấy hết vẻ đẹp của mặt trăng, và quan trọng hơn là tự phát hiện ra mình : có một người bạn trai đang chú ý đến em mà em cũng cảm thấy lòng mình có một sự rung động nào đó, rất mới, rất lạ…
Trong truyện dân gian Nga có Nồi súp rìu   là một chuyện hay. Một bà keo kiệt kia không muốn cho ai một tí gì. Một anh lính đi trận về, đói quá, nhưng biết tính bà này, anh chỉ mượn bà cái rìu để nấu xúp. Mượn cái rìu để nấu xúp thì có mất gì nhỉ? Bà đồng ý. Anh lính rửa sạch cái rìu, bỏ vào nồi rồi đổ nước đun sôi thật lâu. Anh nếm thử khen là ngon, nhưng lại bảo: “Bà cho ít bột để bỏ thêm vào thì còn ngon hơn. Tôi sẽ mời bà món xúp rất đặc biệt này”. Bà kia cho một ít bột. Anh lính lại nếm và lại nói: “Giá có ít bơ và muốn cho vào thì càng tuyệt”. Bà kia lại cho. Cuối cùng anh lính mời bà cùng ăn món xúo rìu. Bà kia vừa ăn vừa lạ lùng: không hiểu cái anh này nấu xúp như thế mà ngon quá. Còn anh lính thì vừa ăn vừa cười thầm trong bụng.
Tôi kể qua câu chuyện này chủ yếu là muốn nói với các em một điều quan trọng trong việc kể chuyện. Đó là sự hợp lí hay nói như người ta thường nói, đó là tính lô-gích trong câu chuyện. Nếu anh lính kia mà không dùng mưu, mượn cái rìu trước đã, rồi nấu, rồi nếm thử và khen ngon thì chưa chắc có thể xin tiếp bà keo kiệt kia nào bột, nào mỡ, muối và cuối cùng là bánh mì. Nếu không xin từng thứ một mà xin tất cả cùng một lúc thì chắc chắn là bà ấy sẽ không chịu bỏ ra chừng ấy thứ cho anh lính kia. Lại cũng phải có cái động tác nếm thử và khen ngon (!) Thì mới dễ xin tiếp thứ này, thứ khác. Rốt cuộc là bà keo kiệt đã cho tất cả những thứ gì cần thiết đê nấu xúp mà bã vẫn thấy vui vẻ, và anh lính rất thông minh kia đã ăn một bữa xúp thật ngon lành. 
Kể chuyện là phải như thế. Nghĩa là phải làm cho người nghe mình thấy đúng, là phải, tin là nó có thật như vậy (hoặc có thể thật như vậy). Chứ viết về một bà keo kiệt mà lại như viết về một người rộng rãi tốt bụng thì người đọc, người nghe sẽ lắc đầu và bảo: bà ta đã keo kiệt thì không thể cho đủ cả mọi thứ một cách dễ dàng thoải mái như vậy.
Phải hợp lí trong cả câu chuyện cũng như trong từng tình tiết. Nếu anh lính kia xin mỡ ngay thì chưa chắc bà keo kiệt đã chịu bỏ ra, mà chỉ xin một Tí thôi, rồi sau đó mới xin tí mỡ…Và nếu anh lính không có lời mời trước bà ta cùng ăn, thì chưa dễ bà ấy đã lần lượt bỏ ra đến chừng ấy thứ.
   Cũng về tính hợp lí, có người kể chuyện về một em bé lên 6 tuổi mà nghe như là một em tuổi 15, 16 vậy. Như thế là không ổn. Đặc biệt tôi xin nói thêm, khi kể chuyện, nhất là về các con vật, các loài cây cỏ, thường thì người ta vẫn phải tôn trọng những đặc điểm, đặc tính và tâm lí của nhân dân đối với từng con vật, từng loài cây cỏ ấy. Không thể kể về một con cáo mà tính nét lại thật thà, hay một con hổ mà lại hiền lành hoặc chỉ ăn rau để sống, một cây ổi mà cành chạm đến là gãy, cây xoài cành trèo lên đến mấy người mà vẫn không sao (xoài giòn, mít dẻo, ổi dai kia mà).
   Nghĩa là thường tình muốn lấy được lòng tin của người đọc, người nghe, từ toàn bộ câu chuyện cho đến các tình huống chi tiết đều phải hợp lí, đúng thật.
   Nhưng mọi sự trên đời đều có ngoại lệ: cũng có khi người kể chuyện muốn viết chuyện ngược đời (như trong đồng dao có bài viết cỏ ăn trâu, cá đơm đó, v.v…) hoặc có dụng ý cho con vật ấy, cái cây ấy, vì một lí do nào đó, lại có những đặc điểm, đặc tính trái ngược lại. Trong những trường hợp đó, người kể chuyện phải nói rõ ý định của mình, hoặc phải giải thích vì sao lại có chuyện ngược đời kia (hoặc nói thẳng ra hoặc nói một cách gián tiếp, ẩn ý).
   Truyện kể thường có nhiều loại:
- Truyện tự ta nghĩ ra (sáng tác, hư cấu).
- Truyện kể lại ( đọc sách, nghe kể rồi ta kể lại).
- Truyện viết tiếp theo những truyện đã có.
- Truyện viết ngược lại những truyện cũ, v.v…
   Loại truyên ta tự ghi ra để viết có rất nhiều dạng như tôi đã nói trên (chuyện về người, về loài vật, cây cỏ…) với nhiều thể loại phong phú: truyện cổ tích mới, truyện đồng thoại, truyện lịch sử, truyện chiến đấu, truyện khoa học (trong đó có khoa học viễn tưởng), truyện trinh thám, truyện dị thường (như truyện viết về ma kiểu Liêu trai chí dị), v.v…
   Có lẽ loại truyện tự nghĩ ra là loại được viết nhiều nhất, nhưng loại truyện kể lại xem ra cũng không ít. Truyện An Tiêm, bao nhiêu người đã viết: Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, Đảo hoang của Tô Hoài và nhiều truyện thơ của các nhà thơ Tấm Cám thì chắc ai cũng biết là rất nhiều nhà văn đã viết lại, thậm chí có người đã viết thành kịch bản và đưa lên sân khấu.
   Truyện kể lại cũng có nhiều cung cách. Cùng một cốt truyện ấy, có người cứ kể nguyên như cũ, chỉ chú trọng đến câu văn và không khí mà tác giả muốn tạo nên (An Dương Vương xây thành Ốc của Nguyễn Huy Tưởng), có người lại nhấn mạnh về mặt này, mặt khác hoặc khắc họa nhân vật theo qua niêm của mình một cách cụ thể hơn (Truyện cây khế của Vũ Thị Thường). Lại có người chỉ khai thác một khía cạnh nào đó, khi kể các câu chuyện cũ, để từ đó nói với người đọc những điều mình suy nghĩ về cuộc đời (Cái bóng trên vách của Nguyễn Đình Thi, viết dựa theo câu chuyện xưa: Người đàn bà Nam Xương tức là truyện Vợ chàng Trương)… Có một lần tại Câu lạc bộ Văn học Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội, tôi đã đưa cho các em đọc truyện Người đàn bà Nam Xương và sau đó đọc Cái bóng trên vách. Rồi tối đề nghị các em hãy kể lại câu chuyện Vợ chàng Trương theo cách các em thích (có thể đứng ở vị trí người chồng, đứa con, hoặc người hàng xóm, hoặc chính ngọn đèn v.v… để kể lại…). Trong số những bài các em làm, có một em đã đứng ở vị trí một cây lau để kể lại câu chuyện trên. Em ấy đã tưởng tượng ra cái cảnh vợ chàng Trương, trước khi nhảy xuống sông tự tử đã ngồi than khóc một mình để bày tỏ hết nỗi oan trái của mình với trời, với đất, với dòng sông… Thế là cây lau kia đã nghe được hết. Và bây giờ cây lau kể lại. Cũng sáng tạo, cũng khá độc đáo đấy chứ các em nhỉ!
   Truyện viết tiếp có điều này rất khó: Truyện đã có trước thường lúc nào cũng là truyện hay hoặc rất hay. Vậy thì cái phần ta nghĩ ra để kể tiếp cũng phải làm sao xứng với truyện đã có trước. Nếu không thì sẽ thất bại đau đớn. Một lần tôi đã thử làm việc đó và đã kể tiếp truyện Trí khôn người ở đâu? (chuyện con hổ ác, bị người nông dân buộc vào cây để nó khỏi ăn mất trâu của mình, trong khi mình về nhà lấy trí khôn đưa cho hổ, rồi sau đó lấy lửa đốt hổ và nói to:”Trí khôn tao đây! Mày đã thấy chưa?”). Tôi đã viết Lửa vàng, lửa trắng kể chuyện đứa con người nông dân trước kia, bây giờ lại trị tội con hổ con của con hổ già ngày trước, bằng cách đốt nó với một thứ lửa khác, không giống các thứ lửa màu vàng khi hổ già đã bị đốt mà bằng một thứ lửa màu trắng, ấy là vôi sống bỏ vào hố nước…
   Truyện kể ngược lại với truyện cũ cũng có một số nhà văn đã viết. Trong câu chuyện cũ, thằng Cuội vốn mang tiếng là nói dối (nói dối như Cuội) nhưng trong Hòn Cuội, Nguyễn Đình Thi đã dựng lên một chú Cuội rất đáng yêu, đáng quý vì ở đó ta thấy Cuội thật sự là một con người, theo cái nghĩa đẹp của nó.
   Trong chuyện ta kể, thường phải có nhân vật.
   Chọn nhân vật, hình dáng ra sao, cao thấp thế nào, tính nết ra sao, dựa vào ai có thật ở ngoài đời để đưa vào chuyện mình kể (người mẫu) là cả một vấn đề. Vì chính qua nhân vật mà ta mới nói lên được cái điều ta muốn nói với người nghe ta, đọc ta.
   Thường thường, các tác giả hay dựa vào một người chính, rồi bồi đắp, thêm thắt vào. Có thể lấy đôi mắt người này đặt vào khuôn mặt người kia, có thể cho thêm một bộ râu, một vết sẹo v.v… Quan trọng hơn có thể lấy tính nết, hoặc thói quen của một người nào đó, ghép thêm vào tính nết của người mình đã chọn làm nhân vật, hoặc lấy nhân vật, hoặc lấy hành động người này ở nơi đây, đặt cho người nọ ở nơi kia, v.v…
   Đặt tên cho nhân vật cũng là một điều đáng quan tâm và cũng khá quan trọng. Thông thường những nhân vật đẹp, cao thượng hay có cái tên đẹp và quý, và kẻ ác, xấu có cái tên không hay tí nào. Nhưng cũng có trường hợp tác giả dụng ý đặt cho nhân vật một cái tên xấu xí hoặc thô thiển để người đọc thấy thương và có cảm tình với nhân vật của mình hơn. Tên nhân vật có khi mang cả tâm huyết của tác giả. Trong Tim mẹ, Nguyễn Huy Tưởng không phải bỗng dưng mà đã đặt tên cho hai em bé trong truyện là Nhà và Gạo đâu. Mà chính vì cái ở (Nhà), cái ăn (Gạo) là hai điều gốc gác nhất trong cuộc sống của con người, nhất là ở Việt Nam.
   Còn trường hợp nhân vật là những con vật, những loài cây cỏ. hoặc mặt trời, mặt trăng, thì tôi đã có nói, đã trao đổi với các em ở phần trên rồi. Tôi xin miễn nói lại ở đây.
   Muốn kể chuyện hay, người viết nên biết những cái hay trong nghệ thuật kể.
   Chúng ta ai cũng biết mẩu chuyện Sang cả mình con – với nội dung ấy thật ra có nhiều cách kể. Có thể kể rất thật thà và câu kết đơn giản là:”Thưa ông, ông mát rồi, khỏe rồi, còn con thì mệt nhoài cả người đây!” hoặc khá hơn một chút: “Thưa ông, ông ráo hết mồ hôi thì con lại ướt đẫm mồ hôi”. Nhưng hay nhất vẫn là cách cha ông ta đã kể: “Mồ hôi ông đã chạy hết sang mình con”. Nó vừa có tính hình tượng, vừa có ý nghĩa mỉa mai phê phán… Trở lại truyện Nồi súp rìu, chúng ta có thể nói: phải chọn cốt truyện tay nhất, cách kể hay nhất để mà kể chứ không phải cốt truyện nào cũng kể cách kể nào cũng được. Có nhà văn đã nghĩ ra bốn, năm cốt truyện rồi mới chọn cái nào ứng ý nhất để viết.
   Có nhân vật rồi, có cốt truyện hay rồi (và nên nhớ cái hay của cốt truyện chủ yếu vẫn là ý nghĩa của nó) nhưng nếu không tạo được tình huống hay, chi tiết hay thì cũng rất dễ bị nhạt nhẽo.
   Người chồng trong Người đàn bà Nam Xương có thể đi trận về và ghen vợ trong nhiều tình huống khác nhau. Ví dụ: Vì có kẻ xấu gièm pha (kẻ này trước kia yêu vợ chàng Trương, chàng Trương đi vắng, vẫn tiếp tục quyến rũ mà không được). Cũng có thể ghen với một chàng trai trước kia thân thiết với vợ mình, lúc về lại bắt gặp hai người đang chuyện trò thân mật (mặc dù sự thật là hai người đang lo bàn chuyện sửa lại cái nhà cho đỡ dột) v.v… Nhưng dù cái bóng trên vách để tạo nên sự nghi ngờ và ghen tuông của người chồng thì thật là tuyệt. Nhất là với những câu nói của đứa con nhỏ: “ở nhà con cũng có cha… mẹ ngồi cha cũng ngồi, mẹ đi đâu cha đi theo đó… Thêm nữa, còn có cái thâm thúy là thực ra cái bóng bản thân nó có đâu. Phải có một ngọn đèn, một con người thì cái bóng kia mới có được. Vậy là nó – cái vốn không có đó lại có thể gây nên tai họa, tang tóc cho cả một gia đình nếu người trong cuộc không bình tĩnh, sáng suốt và không có lòng tin ở người thân của mình.
   Cái tính tiết sau khi người vợ nhảy xuống sông tự tử, đứa con mới chỉ vào cái bóng của cha mình và nói: Cha trước của con lại về kia kìa! Và người cha bàng hoàng nhận ra nỗi oan của vợ, hối hận đến tột cùng, cũng là một tình tiết hết sức đắt giá.
   Tình huống, chi tiết thường gắn với chất liệu: trong truyện Vợ chàng Trương, cái bóng là một chất liệu: Trong cây khế, bản thân cây khế là một chất liệu. Chọn chất liệu vì vậy là một việc làm rất quan trọng. Vì sao chọn chất liệu cây khế là hay? Theo tôi nghĩ vì cây khế đúng là cây của nhà nghèo. Vị chua của khế là vị chua rẻ tiền hơn các vị chua khác, như chanh chẳng hạn: Chợ chiều nhiều khế ế chanh, Nhiều cô gái góa nên anh chàng ràng (Ca dao). Như thế rõ ràng khế chỉ là những cô gái góa, còn chanh mới là những em gái chưa chồng. Mặt khác màu vàng của khế chín sáng lấp lánh rất gần với vàng (vàng để làm đồ trang sức) hơn là màu vàng của bưởi, của xoài… Cũng như trong truyện Cô bé bán diêm của An-đéc-xen mà chúng ta ai cũng biết, ánh sáng của những que diêm (chứ không phải của những ngọn nến, hay những ngọn đèn dầu) thật là thích hợp với câu chuyện ông kể. Lửa diêm sáng lóe lên, sáng đến xanh biết nhưng chỉ trong giây lát đã tắt ngay, giống hệt như  những giấc mơ của cô bé bán diêm nghèo đói: em đánh diêm lên và trong ánh sáng kì ảo ấy, em thấy hiện ra một gian phòng ấm, một bàn dọn các món ăn ngon, và sau cùng em gặp được bà em… Nhưng tất cả đã biến liền ngay sau đó…
   Kể chuyện có rất nhiều cách kể. Và mỗi ngày người ta lại tìm ra những cách mới.
   Người ta có thể kể theo trình tự thời gian, chuyện xảy ra trước kể trước, chuyện xảy ra sau kể ra. Thường thường các truyện cổ tích hay kể theo kiểu này (Tấm Cám, Cây khế, Ông Gióng,…).
   Nhưng người ta cũng có thể kể ngược lại. Chuyện xảy ra sau kể trước, chuyện xảy ra trước kể sau. Cách này, người ta cũng rất hay dùng. Ví dụ: Một người mẹ đang buồn (chuyện hiện nay) vì đứa con trai không vâng lời mình (chuyện xảy ra trước đó, bây giờ nhắc lại) và bà quyết định sẽ đến nhà người con gái để ở, không ở với người con trai nữa (chuyện sắp xảy ra).
   Còn có cách kể chuyện đan xen vào nhau nhiều hơn: trước – sau, sau – trước; trước sau. Ví dụ: Một anh thương binh đang làm chủ nhiệm một hợp tác xã, ngày đó bỗng gặp lại người bạn chiến đấu cũ của mình. Người bạn đang gặp khó khăn muốn nhờ anh giúp đỡ. Anh bộ đội chủ nhiệm nhớ lại chuyện ngày trước ở chiến trường anh bạn kia đã cứu mình thoát chết. Anh gắng giúp bạn nhưng một người trong ban chủ nhiệm không ủng hộ. Anh thử tìm hiểu nguyên nhân và sực nhớ đến một chuyện không hay đã xảy ra giữa hai người trước đó không lâu. Vì bạn, anh lại suy nghĩ tìm cách thuyết phục cho kì được đồng chí trong ban chủ nhiệm kia. Cuối cùng anh đã đạt được ý muốn.
   Cách kể chuyện hai việc cùng xảy ra trong một lúc ở hai nơi khác nhau, cũng là một cách thường gặp ở một số chuyện kể: Ở nhà, bà mẹ kia đang hi vọng con mình sẽ học giỏi, thành đạt thì cũng đúng vào lúc đó ở tại thành phố nọ đứa con của bà đang chơi bời, nhâu nhẹt, không nghĩ gì đến mẹ ở nhà.
   Tôi chỉ xin thử kể ra một số cách kể chuyện trên đây. Còn, như tôi đã nói, có vô vàn cách kể chuyện. Có cách kể ở ngôi thứ ba: Nằm mãi không ngủ được. Chị nghĩ đến mẹ mình đang bị ốm nặng.
   Có cách kể ở ngôi thứ nhất thường là truyện tự thuật, hồi ức: Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng ven biển… Tôi không còn nhớ mặt bố tôi ra sao nữa vì bố tôi mất sớm…
   Có cách kể ở ngôi thứ ba, là chủ yếu: Xuân đi dạy học đã ba năm nay, anh được các bạn đồng nghiệp và các em học sinh quý mến… nhưng xen vào đó là những đoạn kể ở ngôi thứ nhất (tự thuật nội tâm). Xuân đang trên đường về nhà.
   Sao hôm nay mình lại không tự kiềm chế được mình và đã mắng các em hơi quá lời như vậy.
   Lại còn có cách kể… Cả một câu chuyện dài mà chỉ toàn qua những lá thư gửi đi, gửi lại giữa hai người là nhân vật trong chuyện. Gần đây tôi còn được đọc một vài tác giả, kể một câu chuyện mà chỉ toàn bằng đối thoại giữa hai người (người này là chồng, người kia là vợ).
   Vì vậy các em cứ tha hồ tìm cách kể câu chuyện mình muốn kể, theo cách mà mình thấy thích hợp nhất.
   Người ta thường nói kể chuyện khó nhất là lúc vào đầu. Điều đó có thể đúng. Nhưng nếu vậy thì kết thúc không khó hay sao?
   Nói chung mở đầu và kết thúc đều quan trọng. Một bên như là để mời người đọc vào sống với câu chuyện mình kể. Một bên là để tiễn người đọc ra về. Nếu người đọc ra về mà không nhớ một chút gì, không suy nghĩ vui, buồn một chút nào về câu chuyện mình kể thì hãy coi chừng. Người viết đã thất bại rồi đấy.
   Câu chuyện cổ tích thường bắt đầu bằng: Ngày xưa có một cậu bé,… Ngày xưa có một cặp vợ chồng, v.v…Gần đây, viết những chuyện cổ tích mới có người thay đổi đi đôi chút. Ngày xưa, xưa, xưa… hoặc Ngày xưa xưa lắm (chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ) và sau đó là người kể đi thẳng luôn vào câu chuyện mình muốn kể.
   Cũng như cách kể chuyện na ná như vậy, người ta có thể mở đầu bằng tên một người đã nổi tiếng: Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non…” hoặc “Ông Tăng Sâm ở đất Phỉ”. Ở đây có kẻ trùng tên với ông…” (Cổ học tinh hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân).
   Có những chuyện kể khác thì người ta có thể bắt đầu bằng đủ cách:
- Bằng một câu tả cảnh: “Trăng sáng quá, cô giáo An đang ngồi ở đầu sân bỗng nhớ đến chồng vở đang chờ cô vào chấm ngay trong đêm nay…”.
- Bằng một ý nghĩ về cuộc đời:” Từ nay, mình sẽ sống ra sao?”
- Bằng một câu cảm giác mới lạ: “Lần đầu tiên Lan cảm thấy gió buổi chiều như đang thầm thì với mình”.
- Bằng một tiếng kêu: “Trời hỡi là trời”.
- Bằng một tiếng gọi thân mật: “Hòa ơi!”.
- Bằng một câu hỏi: “Sao anh lại lặng im mãi thế?”.
- Bằng một âm thanh: “Tùng…tùng…tùng” (tiếng trống) hoặc “ù…ù…ù…” (còi tẩm) v.v…
   Có vô vàn cách vào chuyện thì cũng có vô vàn cách kết thúc. Cách kết thúc câu chuyện thường hay gắn với chủ đề câu chuyện.
   Lần đó có một em ở Câu lạc bộ Văn học Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội kể chuyện về một cái bóng đèn điện. Chú bóng đèn này thích phô trương, không chịu đứng yên cứ nhờ gió thổi mạnh để cho mình được đung đưa, tung tẩy, nhưng rung mạnh, chú bóng đèn bị cháy tóc. Em bé đem cái bóng đèn ấy ra ném vào một cái sọt rác. Hai em bé khác đi ngang qua lấy đá ném cho cái bóng vỡ tan ra… Đem đọc chung có mấy ý kiến cho là cách kết thúc ấy hơi gay gắt. Tác giả câu chuyện liền viết lại và cho hai em bé mang cái bóng đèn về, cắt bỏ đoạn trên, lấy phần dưới làm một cái lọ con, đặt trên ba hòn cuội để nuôi cá vàng. Cái bóng đèn lại được tiếp tục cuộc sống mới của nó. Tác giả tâm sự: “Em cũng có cân nhắc giữa việc dùng cái bóng điện để nuôi sống cây vạn niên thanh xanh tốt hoặc để nuôi cá vàng. Cuối cùng em chọn nuôi cá vàng vì em thấy như thế vui hơn…”.
   Xem thế đủ thấy một câu chuyện kể có thể kết thúc bằng nhiều cách, tùy theo ý nghĩa mà người kể muốn gửi vào trong câu chuyện.
   Ro-đia-ri, nhà văn nổi tiếng viết cho thiếu nhi của Ý, có viết rất nhiều truyện và ở mỗi truyện đều có ba cách kết thúc khác nhau. Ông để tùy độc giả chọn cái kết thúc mà mình thích nhất. Nhưng đồng thời tác giả cũng nói rõ mình thích nhất cái kết thúc nào.
   Nói cụ thể hơn, về những cách kết thúc thì các câu chuyện cổ tích thường hay khép lại bằng hai chữ: “Từ đấy hoàng tử và công chúa luôn sống bên nhau…” hoặc “Từ đấy vợ chồng cụ già không còn bị ma quỷ quấy rầy như trước…”).
   Còn trong những câu chuyện khác thì người ta thường kết thúc bằng những cách na ná như khi vào chuyện: tả cảnh, tả tình, một cảm giác mới lạ, một tiếng kêu, một tiếng gọi, một câu hỏi, một âm thanh…
   Và bằng những cách đó, người kể chuyện thường muốn gợi cho độc giả:
- Một sự đột ngột thú vị.
- Một dư âm ngân nga mải trong lòng người đọc.
- Một sự nhấn mạnh về ý nghĩa câu chuyện mình kể (Nên sống như thế nào? Nên xử thế ra sao? Nên yêu cái gì? Ghét cái gì?).
  Khi kể chuyện cần chú ý đến giọng kể. Giọng kể thường phụ thuộc vào câu chuyện. Thường thường chuyện vui thì người ta hay kể bằng giọng vui, còn chuyện buồn thì hay kể bằng giọng buồn. Nhiều chuyện có lúc vui, có lúc buồn thì giọng kể cũng có thể tùy theo đó mà thay đổi. Nhưng cũng có trường hợp, người kể lại dùng một giọng không vui mà cũng không buồn. Nghĩa là họ kể một cách bàng quan, có khi lạnh lùng nữa.
   Nói chung người kể bằng giọng nào thì tùy thích, miễn là đạt được hiệu quả cao.
   Nhân nói đến giọng kể và những chuyện vui, buồn, tôi muốn nói đến một vấn đề quan trọng hơn. Tôi đọc chuyện cổ tích, truyện kể của nước ta và của một số nước trên thế giới, tôi thấy hình như mỗi dân tộc có một tính cách riêng qua những câu chuyện ấy. Có khi rất gần nhau mà tính cách dân tộc này thì thế này mà tính cách dân tộc kia thì lại thế kia, chứ không cứ phải xa mới khác nhau đâu. Chúng ta có lẽ ai cũng đã đọc truyện Nghìn lẻ một đêm, trong đó có những truyện thật dữ dội. Riêng tôi lần đầu tiên đọc thấy trong đó có chuyện người anh hóa thành con chó để người em dắt đi theo, tôi cứ bàng hoàng cả người. Hình như ở ta cũng có chuyện hóa thành hổ, thành chim, thành cóc… nhưng hóa thành chó rồi đứa em ngày ngày dắt đi theo, thì hình như không có. Nói thế  tôi không có ý cho là dân tộc mình hơn dân tộc khác đâu. Trong chuyện người anh hóa thành chó, cũng có khía cạnh hay của nó. Trước hết là nó rất đời… ở đây tôi chỉ muốn nói đến tính cách khác nhau thôi… Tôi lại cũng nhận thấy rằng dân tộc mình, cha ông mình thường hay dạy con cháy lòng nhân ái: “Lấy nhân ái thắng hung tàn”, lòng thương người: “Thương người như thể thương thân”.Tôi cũng thường hay chú ý đến cách đặt tên rất độc đáo của nhân dân mình cho những thứ độc địa, thậm chí giết người: mìn lá, bom dứa, con ngỗng (máy bay của Pháp), sừng trâu (tức là máy bay B52 của Mĩ). Lá, dứa, ngỗng, sừng trâu đều là những cái tên hiền lành, đáng yêu và thân thiết nữa là khác. Vậy mà nhân dân ta đã dùng chúng để đặt tên cho những thứ vũ khí man rợ và bất nhân kia…
   Nói gọn hơn, tôi mong rằng khi sáng tác ra những câu chuyện để kể (hoặc kể lại một câu chuyện đã có theo cách cảm nghĩ mới của mình, hoặc viết tiếp theo những câu chuyện ấy) khi tạo tình huống, khi tìm chi tiết, chất liệu, khi chọn giọng kể, ngôn ngữ để kể, có lẽ chúng ta nên chú ý đến cái tính cách Việt Nam, cái chất tâm hồn Việt Nam, cái hương vị Việt Nam. Không có cái gọi là riêng của Việt Nam đó thì tôi e rằng giá trị, hiệu quả chuyện mình kể sẽ bị ảnh hưởng, sẽ bị giảm sút rất nhiều.
   Các em có thể sẽ đặt ra một câu hỏi: Vậy làm thế nào để có được cái chất Việt Nam kia?
   Tôi xin trả lời một cách thật giản dị: Cứ xem cho nhiều những vở chèo, vở tuồng, nghe cho nhiều những câu dân ca, những câu hò… cứ chịu khó đọc thật kĩ vốn văn học dân gian, vốn văn học cổ điển dân tộc…, cứ sống hết mình với những người thân trong nhà, ở trường, ngoài  xã hội… dần dần các em sẽ có một cái vốn về dân tộc, tâm hồn các em sẽ thấm đượm một hương vị Việt Nam lúc nào không hay… và khi nghĩ, khi viết, cái hương vị ấy tự nó sẽ tỏa ra từ những dòng chữ…
   Điều cuối cùng tôi muốn được trao đổi với các em là các em chỉ nên kể về những chuyện gì mà các em thuộc, về những nhân vật mà các em yêu thật sự (hoặc ghét thật sự), chứ đừng nên kể những gì mà các em chỉ mới biết, mới nghe qua, chưa thấy xúc động, chưa thấy muốn kể cho người khác cùng nghe.
   Có một tập truyện nổi tiếng khắp thế giới (đáng tiếc là ở nước ta chưa dịch) của Mô-rít-xơ Xen-đắc (Ba Lan): Nấu bếp đêm. Một trung tâm nghiên cứu lớn ở Mĩ đã nhờ hàng trăm người tham gia vào việc tìm hiểu vì sao mà tác giả lại có thể viết hay đến như vậy. Họ điều tra ở các bạn đọc nhỏ tuổi (điều tra rất kín đáo, không hề cho các em biết là mình bị điều tra, bằng cách bí mật đặt máy ghi âm, rồi thu nhặt những ý kiến của các em một cách rất tự nhiên, thoải mái). Họ khéo léo điều tra cả tác giả thông qua các nhà báo, nhà văn đến phỏng vấn, trò chuyện. Họ đặt ra rất nhiều câu hỏi một cách cũng thật thân mật và nhẹ nhàng, trong đó có những câu rất vui: “Tại sao tác giả lại chọn ba người hoặc bốn người, năm người?”. Tác giả Mô-rít-xơ Xen-đắc đã vui vẻ trả lời đại khái như sau: “Có lẽ vì ngày xưa bố tôi là thợ may; ông ngồi ở giữa và có hai người ngồi phụ việc ở hai bên, vì vậy mà con số ba người, trong ý nghĩ tôi từ bé đến lớn là con số tốt nhất, đẹp nhất, hay nhất. Cho nên, khi tôi viết Nấu bếp đêm, không cần nghĩ ngợi, tôi đã chọn con số ba người”. Với câu hỏi: “Tại sao tác giả lại chọn cái lọ đựng sữa mà không dùng cái bình đựng sữa?”, Mô-rít-xơ Xen-đắc cũng trả lời na ná như vậy: “Có lẽ vì lúc bé, mẹ tôi hay dùng cái lọ, chứ không dùng cái bình để cho tôi ăn sữa…”.
   Và cả cái công trình nghiên cứu tốn rất nhiều công phu, nhưng cũng rất khoa học kia, khi kết luận đã viết một câu đại khái như câu tôi đã nói ở trên: tác giả viết hay vì tác giả đã viết những gì mà mình thuộc nhất, những gì đã thành máu thịt của chính mình.
   Mà các em, nếu biết sống tốt, sống hết mình với mọi người, trong gia đình, ngoài xã hội, biết chịu khó quan sát, cảm nhận và suy nghĩ (có ghi chép hoặc không cần ghi chép, tùy theo cách làm việc của các em) nhất định các em cũng sẽ có những câu chuyện, những con người, những chi tiết, những chất liệu, mà các em hiểu, các em thuộc (và chừng mực nào đã trở thành máu thịt của các em), để các em viết lại, kể lại cho các bạn mình cùng nghe.

Bài viết gợi ý: