Bài làm
Thời thơ ấu!
Mỗi khi nhắc đến ba tiếng ấy, trái tim tôi lại thổn thức. Bao nhiêu kỉ niệm êm đẹp về thời thơ ấu, nhưng kỉ niệm chỉ có “rừng thông xanh” là tôi yêu quý nhất. Đã bao lần tôi xao xuyến về cái tên ấy. Ôi! “Rừng thông xanh của tôi!”.
Những buổi chiều tà, tôi và các bạn vào rừng thông câu cá. Ngồi ở phiến đá bên bờ suối thả mổi, chúng tôi trò chuyện rôm rả, hết trên trời lại dưới biển. Khi phao động , chúng tôi giật cần. Những chú cá rô phi viền đỏ lóng lánh giãy đành đạch trên đám cỏ xanh. Hoàng hôn xuống, chúng tôi ra về với những chú rô phi béo mập.
Ôi, đẹp làm sao những buổi chiều đi nhặt củi về, ngồi nghỉ dưới gốc thông, tôi lắng nghe tiếng dòng suối thủ thỉ tâm tình. Tiếng thông reo vi vu như một điệu đàn rất tuyệt. Một lần bị mẹ mắng, tôi chạy vào rừng thông. Ngồi dưới gốc cây nghe tiếng đàn du dương ấy, bao nhiêu nỗi giận vừa trào dâng, bao nhiêu cái mệt mỏi đều tan biến đâu hết. Tiếng đàn thông, tiếng tâm sự của dòng suối ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Khi tỉnh dậy, mặt trời sắp lặn tôi cuống cuồng ba chân bốn cẳng chạy thẳng về nhà.
Những buổi sáng tôi thường đi học sớm. Len lỏi trong rừng thông, tôi lắng nghe tiếng chim hót thánh thót.
“Ríu ran kẽ lá
Là lời của chim…”
Tôi ngắt một bông hoa ở bên bờ suối. Chao, bông hoa mới đẹp làm sao. Những giọt sương đọng ở cánh hoa long lanh như những hạt ngọc. Rừng thông xanh reo vi vu trong gió. Ôm lấy cây thông, áp tai mình vào, tôi như nghe thấy tiếng thổn thức của mầm xanh…Đến giờ học, tôi chạy vụt đi, bông hoa còn vương trên một cành thông, những hạt phấn vàng li ti bay bay…
Có những buổi đi học về sớm, tôi lang thang trong rừng thông. Chọn lấy một cây cao nhất, tôi ôm lấy “đo” xem mình có bằng “nó” không, tưởng mình phải được bằng nửa cây thông, không ngờ chỉ bằng một phần tư của “nó”.
- Thôi! Tôi vỗ về cái thân to như cột nhà của cây thông – mai về nhà tao ăn mười bát cơm, hai mươi bát cơm để lớn bằng mày thông nhé! Đợi tao với đấy, lớn nhanh vừa vừa chứ, kẻo người ta chặt đi là đi đời.
Nằm gối đầu trên gốc cây thông, xoài người xuống thảm cỏ xanh rờn, tôi lấy truyện ra đọc. Tiếng thông reo vi vu, gió thổi mát rượi làm cho câu chuyện cổ tích đang đọc như hiên ta trước mắt. Những buổi tối, bọn con gái rủ nhau ra chơi rừng thông để hứng gió, bọn con trai chúng tôi vừa nhác thấy chúng nó ở đầu rừng đã xộc ra huơ tay múa chân, miệng thét inh ỏi làm cho bọn con gái sợ hãi bỏ chạy tán loạn.
Chủ nhật được nghỉ, có bạn định đeo súng cao su vào rừng bắn chim. Vì muốn những chú chim xinh xắn quen thuộc ấy không phải chết, tôi đã rủ bạn chơi đánh trận giả, bởi là người quen thuộc rừng thông nhất, nên những cây thông nào có vài vết sứt nhỡ nhỡ là tôi trèo tót lên ngay. Lợi dụng “phe nó” sơ hở, tôi nhặt luôn một cành thông dưới đất xông vào đánh. Kết quả phe kia thua. Được chúng nó “công kênh”, tôi sung sướng “phất cờ” bằng hao, nghe bọn “phe mình” hét to, vừa hết vừa vỗ tay: “Hoan hô”, “Nguyên soái Bình vạn tuế”. “Hoan hô! Hoan hô!”.
Cây thông cũng reo vi vu như chào mừng tôi. Dòng suối cũng chảy róc rách như kể chiến công của tôi, còn tôi thì kiêu hành nhìn bốn phía…
Mùa nước lũ, thông giận dữ lung lay cành lá làm cho nước sợ hãi sủi bọt…
Khi mùa xuân đến, thông bỗng cười xòa, vi vu suốt ngày đêm. Mùa xuân đã dệt cho thông một chiếc áo xanh rờn. Được thấy ánh nắng mặt trời, được đón làn gió mát, được ngắm hoa đẹp, được nghe suối chảy và tiếng nói cười của chúng tôi, thông lại suốt ngày vi vu hát cùng đàn chim xinh… Đấy! “Rừng thông xanh của tôi” là như thế đấy! Nó như một “người mẹ hiền” của tôi, lúc vui cũng như lúc buồn, “Rừng thông xanh” đều cùng tôi chia sẻ.
Đã bao mùa xuân qua, “Rừng thông xanh của tôi” đều giữ được “tính tình” cũng như giữ được vẻ đẹp màu xanh. Nó mãi mãi vần là “Rừng thông xanh của tôi”.