I. KÍ HIỆU
II. KHÁI NIỆM:
Tính trạng:
- Tính trạng là một đặc điểm về hình thái, cấu tạo, sinh lí ... của cơ thể.
- Tính trạng trội là tính trạng biểu hiện khi có kiểu gen ở dạng đồng hợp tử trội hoặc dị hợp tử.
- Tính trạng lặn là tính trạng chỉ xuất hiện khi kiểu gen ở trạng thái đồng hợp lặn.
- Cặp tính trạng tương phản: hai hay nhiều trạng thái khác nhau của cùng một tính trạng.
- Dòng thuần: đặc điểm di truyền đồng nhất (kiểu gen và kiều hình) thế hệ sau không phân li kiểu hình.
Gen trội/lặn:
- Gen trội: trường hợp dị hợp tử, alen (hay gen) này thể hiện ra bên ngoài. Trong biểu đồ gen, những gen trội đều được thể hiện bằng chữ hoa.
- Gen lặn: trường hợp dị hợp tử, alen (hay gen) này bị lấn át và không thể hiện ra bên ngoài. Trong biểu đồ gen, những gen lặn đều được thể hiện bằng chữ thường.
- Thể đồng hợp là cơ thể có kiểu gen chứa cặp gen gồm 2 gen tương ứng giống nhau (AA, aa, BB...).
- Thể dị hợp là cơ thể có kiểu gen chứa cặp gen gồm 2 gen tương ứng khác nhau (Aa, Bb...).
Alen là các trạng thái khác nhau của cùng một gen cùng quy định một tính trạng (A, a, B, b...).
- Gen alen: các trạng thái khác nhau của cùng 1 gen tồn tại trên 1 vị trí nhất định (locut) của cặp NST tương đồng có thể giống hoặc khác nhau về số lượng, thành phần, trình tự phân bố các nuclêôtit.
- Gen không alen: là các trạng thái khác nhau của các cặp gen không tương ứng tồn tại trên các NST không tương đồng hoặc nằm trên cùng 1 NST thuộc 1 nhóm liên kết.
Gen đa alen: gen có nhiều hơn 2 alen.
Tương tác các gen alen:
- Trội hoàn toàn A>> a → thể dị hợp Aa có kiểu hình trội giống kiểu hình của AA
- Trội không hoàn toàn A> a → thể dị hợp xuất hiện kiểu hình trung gian (VD: Ở thực vật A quy định hoa đỏ, a quy định hoa trắng, A trội không hoàn toàn so với a nên Aa cho kiểu hình hoa hồng).
- Đồng trội: Hai alen có vai trò ngang nhau → thể dị hợp xuất hiện kiểu hình mới khác với kiểu gen đồng hợp (VD: Nhóm máu do 3 alen A , O, B quy định, trong đó A, B đồng trội và trội hoàn toàn so với O: AA, và AO → quy định nhóm máu A; BB và BO quy định nhóm máu B; AB quy định nhóm máu AB; OO quy định nhóm máu O).
Giao tử: Giao tử là tế bào sinh dục có chứa bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n) được hình thành từ quá trình giảm phân của tế bào sinh giao tử (2n) có khả năng thụ tinh tạo ra hợp tử.
- Có 2 loại giao tử: giao tử đực còn được gọi là tinh trùng và giao tử cái còn được gọi là trứng
Giao tử thuần khiết: là hiện tượng khi phát sinh giao tử, mỗi giao tử chỉ chứa một nhân tố di truyền trong cặp nhân tố di truyền tương ứng và chỉ một mà thôi.
Kiểu gen: là tổ hợp toàn bộ các gen trong tế bào của cơ thể thuộc 1 loài sinh vật.
Kiểu hình: là tập hợp toàn bộ các tính trạng của cơ thể. Kiểu hình thay đổi theo giai đoạn phát triển và điều kiện của môi trường. Trong thực tế khi đề cập tới kiểu hình người ta chỉ quan tâm tới 1 hay một số tính trạng.
Biến dị tổ hợp: Là những biến dị xuất hiện do sự tổ hợp lại vật chất di truyền ở bố và mẹ dẫn tới sự tổ hợp lại các tính trạng đã có ở bố mẹ hoặc làm xuất hiện tính trạng mới.
III. CÁC PHÉP LAI THƯỜNG DÙNG TRONG DI TRUYỀN :
Lai phân tích: là phép lai giữa cá thể mang tính trạng trội với cá thể mang tính trạng lặn để xác định kiểu gen của cá thể mang tính trạng trội (đồng hợp hay dị hợp).
- Nếu cá thể trội mang kiểu gen đồng hợp → con lai đồng tính
- Nếu cá thể trội mang kiểu gen dị hợp → con lai phân tính
Lai thuận nghịch là phép lai thay đổi vị trí của bố mẹ (khi thì dùng dạng này làm bố, khi lại dùng dạng đó làm mẹ) để xác định vị trí của gen quy định tính trạng trong tế bào.
- Lai thuận giống lai nghịch → gen nằm trên NST thường
- Lai thuận khác lai nghịch, phân li tính trạng không xuất hiện đều ở hai giới → gen nằm trên NST giới tính.
- Lai thuận khác lai nghịch, đời con có kiểu hình giống cơ thể mẹ → gen ngoài nhân (ty thể, lạp thể, plasmid).