Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của Tố Hữu:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đannón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
1. Mở bài
– Giới thiệu về Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc.
– Giới thiệu vị trí của đoạn thơ: Đoạn thơ là những cảm xúc dạt dào, sâu lắng của người ra đi trước vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Bắc.
2. Thân bài
Đoạn thơ được chia làm hai phần:
– Phần một gồm 2 câu thơ đầu giống như lời mở đầu trong các cuộc hát giao duyên, trong đó người về vừa ướm hỏi người ở lại vừa khẳng định những tình cảm trong lòng mình: nhớ cả "hoa" và "người" – hai hình ảnh này đồng hiện, soi chiếu vào nhau. "Hoa" là thứ đẹp nhất của thiên nhiên, còn "người" là "hoa của đất". "Hoa" và "người" không thể tách rời.
– Phần hai gồm 8 câu chia thành 4 cặp lục bát. Ở mỗi cặp, cứ câu lục tả thiên nhiên thì câu bát tả người. Đây là bức tranh "tứ bình" diễn tả thiên nhiên và con người Việt Bắc trong bốn mùa bằng những nét đặc trưng nhất của miền đất này.
+ "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi – Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng": Đây là hình ảnh có tính khái quát, trong đó Việt Bắc hiện lên như một miền quê lặng lẽ. Gam màu cơ bản của bức traríh là màu xanh – một màu xanh mênh mông và trầm tĩnh của rừng già. Trên cái nền xanh ấy là hình ảnh hoa chuối rừng bập bùng cháy như những ngọn lửa, làm sáng cả một góc rừng. Ánh nắng trong câu bát làm cho không khí vốn trầm mặc của nơi này trở nên tươi sáng và lung linh. Trên nền cảnh ấy, con người xuất hiện. Người đứng trên đỉnh đèo cao, ánh nắng chiếu vào khiến lưỡi dao trên lưng loé sáng. Hình ảnh đó gợi lên một tư thế vững chãi, tự tin của con người làm chủ núi rừng.
Tố Hữu cũng đã từng có những câu thơ viết về tư thế ấy:
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo…
(Lên Tây Bắc)
+ "Ngày xuân mơ nở trắng rừng – Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang": Nền xanh trầm tĩnh của bức tranh thứ nhất đã nhường chỗ cho nền trắng tinh khiết của hoa mơ rừng, khiến cảnh rừng như bừng sáng. Hình ảnh hoa mơ trắng sau này cũng sẽ xuất hiện trong thơ Tố Hữu ở bài Theo chân Bác:
Ôi sáng xuân nay, xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về… Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…
Trên nền cảnh ấy hiện ra hình ảnh con người Việt Bắc đang làm việc một cách thầm lặng: chuốt từng sợi giang để đan nón. Hai chữ "chuốt từng" gợi ra dáng điệu cần mẫn, cẩn trọng và cũng hết sức tài hoa.
+ "Ve kêu rừng phách đổ vàng – Nhớ cô em gái hái măng một mình": Âm thanh của núi rừng đã xuất hiện. Nhạc ve làm cho không khí trở nên xao động. Đây là bức tranh mùa hè, Ve kêu gọi hè đến, hè đến làm cho những rừng phách nở hoa màu vàng. Chữ "đổ" nhấn mạnh sự biến đổi màu sắc nhanh chóng đồng thời diễn tả những trận mưa hoa mỗi khi có một luồng gió ào qua. Trên nền cảnh ấy xuất hiện người lao động: cô gái Việt Bắc đang hái măng một mình. Hình ảnh này cho thấy sự chịu thương, chịu khó của người dân nơi đây.
+ "Rừng thu trăng rọi hoà bình – Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung": Nếu ba bức tranh trên là ngày thì bức tranh này là đêm. Nó vẽ ra cảnh ánh trăng rọi qua vòm lá tạo nên khung cảnh huyền ảo: "Rừng thu trăng rọi hoà bình". Nó khiến ta nhớ đến câu thơ của Hồ Chí Minh: "Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa" (Cảnh khuya). Đây là một khung cảnh trữ tình, cho nên nó gợi nhớ đến hình ảnh con người cất tiếng hát về sự ân tình, thuỷ chung. Chữ "ai" làm cho đoạn thơ trở nên tình tứ hơn. Qua đó, ta cũng thấy được phẩm chất ân nghĩa, thuỷ chung của người Việt Bắc.
Qua đoạn thơ, Tố Hữu đã thể hiện được những gì là đặc trưng nhất của cảnh và người Việt Bắc. Điều thú vị là tất cả đều hiện lên trong điệp khúc nhớ thương và vì thế dường như mọi thứ đều trở nên lung linh, huyền ảo hơn.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận, ấn tượng riêng của cá nhân về đoạn thơ và vẻ đẹp của hồn thơ Tố Hữu.