Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh quê hương đất nước trong hai đoạn thơ sau:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
(Nguyễn Đình Thi – Đất nước)
1. Mở bài
– Giới thiệu về Nguyễn Đình Thi và bài thơ Đất nước.
– Nêụ vấn đề: hai đoạn thơ thể hiện hình ảnh quê hương đất nước đau thương và hào hùng trong chiến tranh.
2. Thân bài
– Phân tích hình ảnh quê hương đất nước trong hai đoạn thơ:
+ Đoạn thơ thứ nhất:
• Hai câu thơ đầu vẽ lên bức tranh quê hương trong chiến tranh vừa có nét chân thực (những chiều hoàng hôn nhìn cánh đồng ngập trong ánh chiều đỏ ối, làng quê bị bao bọc bởi dây thép gai của đồn bốt giặc) vừa mang ý nghĩa biểu tượng (trên nền đỏ của hoàng hôn như màu máu là những hàng dây thép gai chĩa lên như đâm nát trời chiều). Một bức tranh ấn tượng gợi lên thật rõ nét những cảm nhận về nỗi đau thương của làng quê, của đất nước Việt Nam trong chiến tranh và tội ác ghê gớm của kẻ thù.
• Hai câu thơ sau: Nỗi đau của quê hương và niềm căm uất trước tội ác của kẻ thù đã thúc giục bước chân hành quân của người lính: "Những đêm dài hành quân nung nấu". Căm thù giặc là tình cảm thường trực, thôi thúc ý chí và tinh thần chiến đấu của những người lính. Nhưng trong trái tim dạt dào tình cảm của họ vẫn có những khoảnh khấc riêng tư (bồn chồn nhớ mắt người yêu). Hai câu thơ nói nhiều với chúng ta về vẻ đẹp của ý chí và tâm hồn người chiến sĩ, những người con ưu tú của quê hương.
+ Đoạn thơ thứ hai: đoạn thơ kết thúc bài thơ với những câu thơ 6 chữ chắc khoẻ, mạnh mẽ đã tái hiện hình ảnh đất nước Việt Nam trong những giờ phút hào hùng của cuộc kháng chiến. Hai câu thơ đầu là một bức tranh chân thực và hào sảng về chiến dịch lịch sử của đất nước. Các phép tu từ nhân hoá và so sánh có tác dụng gợi tả và biểu cảm rõ nét. Hai câu sau tạc dựng bức tượng đài về đất nước đau thương "từ máu lửa" đã "rũ bùn đứng dậy" và toả ánh hào quang "sáng loà".
– Nhận xét về ý nghĩa và mối quan hệ giữa hai đoạn thơ:
+ Hai đoạn thơ ở những vị trí khác nhau trong bài thơ nhưng là những điểm nhấn trong cảm hứng về quê hương đất nước, gợi lên cả một quá trình chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam.
+ Hai đoạn thơ thể hiện bút pháp nghệ thuật đa dạng, tinh tế, cho thấy nét tài hoa của thơ Nguyễn Đình Thi.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận, ấn tượng riêng của cá nhân về vẻ đẹp của hai đoạn thơ.