Cảm nhận của anh (chị) về đất nước qua đoạn thơ sau:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa…"
mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
1. Mở bài
– Giới thiệu về Nguyễn Khoa Điềm và đoạn trích Đất Nước.
– Giới thiệu vị trí và nội dung khái quát của đoạn thơ: nằm ở đầu đoạn trích, trả lời cho câu hỏi: Đất nước có từ bao giờ? Đất nước ở đâu?
2. Thân hài
– Câu thơ mở đầu khẳng định đất nước đã có từ lâu đời. Đất nước có từ trước khi "ta" sinh ra và tồn tại cùng dòng thời gian vô thuỷ vô chung.
– Cảm giác về lịch sử lâu đời của đất nước còn được tô đậm hơn với lời khẳng định: Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa…" mẹ thường hay kể. "Ngày xửa ngày xưa" là câu mở đầu quen thuộc trong truyện cổ tích, thế giới cổ tích là thế giới xa xăm, vô cùng trong tâm thức của con người, vậy mà trong thế giới huyền ảo ấy, đất nước đã hiện hữu.
– Những câu thơ tiếp theo: Lịch sử lâu đời của đất nước không được cắt nghĩa bằng sự nối tiếp của các triều đại, các sự kiện, biến cố,… mà được thể hiện qua những chi tiết đời thường, gần gũi, bình dị của cuộc sống nhân dân. Mỗi câu thơ đều chứa đựng một ý, tứ nào đó của ca dao, thành ngữ, tục ngữ; một hình ảnh quen thuộc trong thần thoại, cổ tích; một thói quen của người dân trong cuộc sống hằng ngày;… Những chất liệu của văn hoá dân gian ấy đã tái hiện lịch sử phong tục, nếp sinh hoạt đời thường trong cuộc sống của nhân dân như miếng trầu bây giờ bà ăn, tóc mẹ thì bới sau đầu, ngôi nhà tranh với những cái kèo, cái cột,..:, truyền thống đánh giặc giữ nước với hình ảnh cây tre làng Gióng; văn hoá ứng xử trong nghĩa tình của mẹ cha… Tất cả những hình ảnh bình dị ấy đều khiến người đọc liên tưởng đến một phương diện nào đó của đất nước, đều là sự thể hiện lâu bền nhất những phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá, lịch sử của đất nước, khiến cho cái vĩnh hằng của đất nước luôn tồn tại trong cái hằng ngày của cuộc sống con người; qua đó làm hiện lên một đất nước dung dị, gần gũi, đời thường nhưng rất đáng tự hào.
– Câu thơ kết thúc đoạn cũng là một lời khẳng định: Đất Nước có từ ngày đó… "Ngày đó" thật mơ hồ về thời gian, khiến cho sự ra đời của đất nước càng trở nên xa xăm hơn, dài lâu hơn. Tuy nhiên, câu thơ cũng giúp người đọc nhận ra rằng: đất nước bắt đầu, lớn lên, hình thành và phát triển chính từ những phong tục, tập quán, những truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời.
Qua những cảm nhận có vẻ tản mạn, tuỳ hứng ở đoạn thơ này, nhà thơ đã dẫn người đọc đến một nhận thức giản dị mà sâu sắc, thấm thìa: đất nước có một lịch sử lâu đời; đất nước là những gì gần gũi, thân yêu luôn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Đất nước làm nên hình hài, vóc dáng, làm nên tâm hồn, cốt cách, lối sống, cách nghĩ của con người. Những từ ngữ đã có, có trong, bắt đầu, lớn lên, có từ ngày đó,… không chỉ gợi ra chiều dài thăm thẳm của lịch sử đất nước trong quá trình hình thành và phát triển mà còn đem đến cảm giác đất nước gắn bó với cuộc sống hằng ngày của nhân dân, hoà nhập trong mọi hình hài: lúc là con người, lúc là sự vật; lúc là hữu hình (với cái kèo, cái cột, hạt gạo, miếng trầu), lúc là vô hình (với những nghĩa tình gừng cay muối mặn),…
3. Kết bài
Cảm nhận, ấn tượng riêng của cá nhân về đoạn thơ.